Hạt để làm giống phải được chọn từ cây mẹ có năng suất cao, ổn định qua nhiều năm, lớn hơn tám tuổi, kháng được sâu bệnh và có những đặc tính điển hình của giống. Đặc biệt là nên thu trái đề làm giống khi trái đã chín rộ, không nên thu trái vào đầu hay cuối mùa mưa. Trái giống sau khi thu hoạch, đem xát để loại bỏ cơm (làm bằng tay để tránh bể hạt) xong đem ủ từ 28 - 36 giờ cho phân huỷ lớp cơm, rửa sạch, sau đó có thể đem ủ cho nảy mầm, nếu chưa ủ thì phải phơi khô, để nơi thoáng mát. Hạt để càng lâu càng mất sức, sau 3 tháng tỉ lệ nảy mầm rất kém. Hạt giống trước khi đưa vào hố ủ, nên xử lý trước bằng nước ấm (3 sôi 2 lạnh) và các loại thuốc sát khuẩn như Zineb (0,5%).
Hố ủ được đào sâu từ 8 - 10 cm, chiều rộng 1 m, chiều dài 5 - 6 m tuỳ theo điều kiện. Đáy hố được rãi một lớp cát dày 4 - 5 cm, xong rải hạt đều trên mặt. Sau khi rải, lấy một miếng ván để nhẹ lên hạt, cho hạt chìm vào vào trong cát, sau đó ẩm, rồi đậy lên mặt một tấm phên mỏng, sau khi đã xử lý khử nấm bằng dung dịch Bordeaux. Hàng ngày dùng vòi phun nhỏ để tưới cho hố ủ để có độ ẩm cao. Sau 7 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm và kéo dài đến 35 ngày, những hạt nảy mầm sau thời gian này nên loại bỏ |