+ Một bộ phận quan trọng trong địa vị pháp lý mới của xã viên là quy định về các quyền của xã viên. Ngoài các quyền mà người xã viên vốn có trong cơ chế quản lý kinh tế trước đây, như:
- Được làm việc trong hợp tác xã, được trả công lao động;
- Được hưởng thụ các phúc lợi chung của hợp tác xã;
- Được dự đại hội hoặc bầu đại biểu đi dự đại hội, dự các cuộc họp xã viên để bàn bạc và biểu quyết các công việc của hợp tác xã;
- Được ứng cử, bầu cử vào các cơ quan quản lý và kiểm soát của hợp tác xã;
- Được khen thưởng khi có nhiều đóng góp vào việc xây dựng va phát triển hợp tác xã…
Điều 23 Luật Hợp tác xã cũng đã quy định một loạt những quyền mới cho xã viên, thí dụ như:
- Được hưởng lãi chia theo vốn góp, theo công sức đóng góp vào việc sản xuất, kinh doanh chung và theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã;
- Được hợp tác xã cung cấp thông tin kinh tế - kỹ thuật, được hợp tác xã đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ;
- Được hợp tác xã thực hiện các cam kết, tham gia bảo hiểm xã hội;
- Được yêu cầu các cơ quan quản lý, kiểm soát của hợp tác xã trả lời những ý kiến chất vấn, được yêu cầu các cơ quan này triệu tập Đại hội xã viên bất thường;
- Được chuyển vốn góp và các quyền lợi, nghĩa vụ của mình cho người khác;
- Được ra khỏi hợp tác xã;
Những quy định mới này của Luật Hợp tác xã bảo đảm cho các xã viên phát huy được những tiềm năng về vốn, tài chính, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của họ trong các lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã. Thông qua đó, họ được đảm bảo có những khoản thu nhập ổn định và ngày càng cải thiện hoạt động kinh tế của hợp tác xã. Những quy định mới này cũng thể hiện sự xích lại gần nhau giữa chế độ pháp lý xã viên hợp tác xã ở Việt Nam với chế độ pháp lý xã viên hợp tác xã ở các nước khác.
Trong các hợp tác xã, quyền và nghĩa vụ của xã viên tạo nên một thể thống nhất. Các xã viên được hưởng các quyền chính đáng, nhưng cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Trong Luật Hợp tác xã 1996, ngoài việc quy định các xã viên có nghĩa vụ như đã được quy định trong các Điều lệ mẫu của các hợp tác xã trước đây, như:
- Chấp hành Điều lệ, nội quy của hợp tác xã, các Nghị quyết của Đại hội xã viên;
- Góp vốn (cổ phần);
- Hợp tác giữa các xã viên, học tập nâng cao trình độ;
- Bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho hợp tác xã, Điều 24 của Luật Hợp tác xã còn quy định thêm một số nghĩa vụ mới của các xã viên. Đó là:
+ Một xã viên có thể góp vốn bằng nhiều cổ phần, nhưng ở mọi thời điểm, mức góp vốn không vượt quá 30% tổng số vốn điều lệ của hợp tác xã. Việc quy định một tỷ lệ như vậy là một đảm bảo cho hợp tác xã có thể hoạt động bình thường không bị ảnh hưởng lớn bất lợi, nếu như một thành viên có tỷ lệ đóng góp vốn lớn xin ra khỏi hợp tác xã và mang theo số vốn đã đóng góp.
- Thực hiện các cam kết kinh tế với hợp tác xã, tham gia đóng bảo hiểm xã hội;
+ Cũng chịu trách nhiệm về các khoản nợ, rủi ro, thiệt hại, các khoản lỗ của hợp tác xã trong phạm vi góp vốn của mình.
Những nghĩa vụ mới này của xã viên bảo đảm cho hợp tác xã có các điều kiện cần thiết để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định và phát triển. Đồng thời, các xã viên cũng được đảm bảo các quyền lợi vật chất khi ốm đau, già yếu, mất sức lao động.
+ Để hoàn chỉnh địa vị pháp lý của xã viên hợp tác xã, Điều 25 Luật Hợp tác xã quy định một số trường hợp dẫn đến việc chấm dứt tư cách xã viên. Ngoài những trường hợp đã được quy định trong các Điều lệ mẫu của các hợp tác xã trước đây, như:
- Xã viên chết;
- Xã viên được chấp nhận ra khỏi hợp tác xã;
- Xã viên bị Đại hội xã viên khai trừ;
Luật Hợp tác xã còn quy định thêm hai trường hợp khác là:
- Xã viên mất năng lực hành vi dân sự;
- Xã viên đã chuyển hết vốn góp và các quyền lợi, nghĩa vụ xã viên cho người khác. |