Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tại Điều 14 về nội dung đơn đăng ký kinh doanh, Điều 15 về nội dung Điều lệ công ty, Điều 18 về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Điều 19 về thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, Điều 21 về công bố nội dung đăng ký kinh doanh đều đề cập đến mục tiêu và ngành, nghề kinh doanh nhằm nêu rõ doanh nghiệp đang kinh doanh những ngành, nghề cụ thể nào. Có như vậy, bạn hàng của doanh nghiệp mới biết được chính xác những ngành, nghề doanh nghiệp đang kinh doanh để đặt vấn đề quan hệ giao dịch, và về phía quản lý nhà nước mới biết được thực trạng các ngành, nghề mà các doanh nghiệp đang hoạt động trên thương trường để hoạch định, điều chỉnh chính sách và có quyết định đầu tư đúng đắn.
Vì vậy, khi đăng ký kinh doanh, đăng ký thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải ghi ngành, nghề cụ thể để cơ quan đăng ký kinh doanh căn cứ vào các quy định của pháp luật chấp nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
Theo Điểm 3, Thông tư liên tịch số 07/2001/TTLT/BKH-TCTK ngày 1 tháng 11 năm 2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê Hướng dẫn ngành, nghề kinh doanh sử dụng trong đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh nhiều ngành, nghề nhưng phải là ngành, nghề có hoạt động kinh doanh. Nếu trong thời hạn 1 năm mà doanh nghiệp không kinh doanh ngành, nghề đã đăng ký thì phải thông báo với cơ quan ĐKKD để xoá ngành, nghề này trong Giấy chứng nhận ĐKKD. Đối với một doanh nghiệp cụ thể, không được ghi vào Giấy chứng nhận ĐKKD cụm từ kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm |