Trước hết, Luật Doanh nghiệp quy định Giám đốc (Tổng Giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của công ty (nếu Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty). Để thực hiện chức năng này, Luật quy định Giám đốc (Tổng Giám đốc) có 10 quyền cụ thể và cho phép Điều lệ công ty quy định thêm các quyền khác. 10 quyền đó là các quyền điều hành các hoạt động chủ yếu của công ty (thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên dưới sự giám sát của Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổ chức hoạt động kinh doanh, tổ chức cơ cấu, nhân sự của công ty, ký kết các hợp đồng kinh doanh, dân sự và lao động, đại diện cho công ty trong mọi vấn đề đối nội và đối ngoại…). Ngoài ra, trong Hợp đồng lao đông mà công ty ký với Giám đốc (Tổng Giám đốc) cũng như trong Điều lệ công ty quy định, Giám đốc có thể có các quyền khác. Điều này cho thấy Luật Doanh nghiệp đã chú ý đến vai trò của Giám đốc (Tổng Giám đốc), cho họ đủ quyền để thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên.
Về nghĩa vụ của Giám đốc (Tổng Giám đốc), Luật quy định có 3 nghĩa vụ cụ thể và các nghĩa vụ khác do pháp luật và Điều lệ công ty quy định (Điều 41, khoản 3). Luật đòi hỏi Giám đốc (Tổng Giám đốc) phải thực hiện quyền và nhiệm vụ một cách trung thực, mẫn cán, vì lợi ích hợp pháp của công ty, không được lạm dụng địa vị, quyền hạn, sử dụng tài sản của công ty để thu lợi riêng cho bản thân, cho người khác. Đặc biệt là nghĩa vụ phải công khai, minh bạch tài chính công ty trong trường hợp công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả thì phải thông báo tình hình tài chính của công ty cho tất cả các thành viên và chủ nợ biết, không được tăng lương, trả thưởng, chia lợi nhuận kể cả khi có yêu cầu của Hội đồng thành viên hoặc của Chủ tịch Hội đồng thành viên. Yêu cầu chặt chẽ này để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ nợ |