Nói đến văn hóa không thể không nói đến con người. Ở đâu có con người thì ở đó có văn hóa. Con người xuất hiện từ lúc nào thì văn hóa xuất hiện từ lúc đó. Chủ thể sáng tạo ra văn hóa chính là con người.
Giống như muôn lòai, con người có nhu cầu sống; họat động, sinh tồn và phát triển. Khác với muôn lòai, con người sống có ý thức. Vì thế, nhu cầu sống của con người cao và đa dạng hơn. Không chỉ dừng ở nhu cầu ăn đơn thuần (ăn no và “ăn sẵn”), mà con người đòi hỏi mình phải biết cách làm ra cái ăn, ăn chính uống sôi, ăn ngon và ăn đẹp. Khởi đầu là việc tạo ra lửa (để sưởi, nấu nướng thức ăn và thấp sáng); tiếp theo là việc trồng trọt và chăn nuôi, chế biến tơ để dệt vải, lụa từ thô sơ đến tinh xảo, đáp ứng nhu cầu mặc ngày càng đẹp hơn; biết cách làm nhà ở phù hợp với môi trường thiên nhiên và ngày càng đẹp hơn, nguy nga và lộng lẫy hơn. Con người và muôn lòai đều có nhu cầu đi lại, nhu cầu giao tiếp thông qua ngôn ngữ riêng. Nhưng duy nhất có con người là biết cách sáng chế ra các phương tiện đi lại, từ thuyền bè, xe cộ đến máy bay, vệ tinh nhân tạo…ngày càng tinh vi hiện đai hơn, tốc độ lớn hơn, đi lại thuận tiện, nhanh và nhàn hơn. Cũng duy nhất có con người là biết tạo ra chữ viết, sách vở, mở trường lớp đào tạo nhân tài, dùng ngôn ngữ chữ viết ( ngôn ngữ thành văn) để trao đổi và lưu giữa thông tin, tích lũy tri thức. Tất cả những cái duy nhất, cái hơn và quá trình sáng tạo những cái nhất và cái hơn đó của con người, của xã hội lòai người – chính là văn hóa.
Con người sáng tạo ra văn hóa, đồng thời chính bản thân con người cũng là sản phẩm của văn hóa.
Thông qua lao động, bộ óc con người ngày càng phát triển, trí tuệ và khả năng sáng chế, phát minh của con người ngày một lớn, tinh vi và hòan thiện lên. Quá khứ lịch sử dân tộc và nhân lọai đã cho thấy: con người thông minh (hơmo sapiens) chính là chủ thể tạo ra những giá trị văn hóa cơ bản, tạo nên sự khác biệt và cao hơn hẳn các lòai trong giới tự nhiên. Đó là: 1) Biết tạo ra và sử dụng lửa; 2) Biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động; 3) Biết tạo ra chữ viết để ghi chép tiếng nói, diễn đạt tư tưởng tình cảm, tích lũy và lưu truyền kiến thức, tri thức; 4) Biết chế ngự bản thân và cộng đồng dân tộc bằng hệ thống kiên kỵ, phong tục tập quán, luật pháp…; 5) Có ý thức xây dựng, cũng cố quốc gia và dân tộc, giao lưu quốc tế. Trong các giá trị đó thì lao động và chữ viết là hai lọai giá trị quan trọng nhất.
Dù xem xét dưới bất cứ góc độ nào, bản thân con người là bản chất tốt đẹp, biểu hiện ở sức sáng tạo, yêu lao động, luôn vươn tới cái Chân - Thiện - Mỹ.
Quan niệm truyền thống Việt Nam và Phương Đông nói chung, “ văn” là người (“ văn học là nhân học”), “văn” cũng là đẹp, là vẻ đẹp. “ Văn hóa” có nghĩa là trở thành đẹp, thành giá trị con người. Văn hóa hàm chứa cái đẹp, cái giá trị, cái bản chất con người - thước đo mức độ nhân bản của con người và xã hội.
Tuy nhiên, trên thế giới, có người đã nói rằng, con người vốn có người thiện, kẻ ác, thậm chí có “ hai con người trong một con người”; có người xây đền, lại có kẻ đốt đền ( kiểu Êrốttơrát) đều trở nên nổi tiếng; thế giới luôn có kẻ gây chiến và con người người yêu chuộng hòa bình, chến tranh và hòa bình…Lại có người nói đến khái niệm văn hóa và biểu hiện mặt trái của văn hóa (như sự suy đồi, tính bạo lực…), v.v…
Sự thật, con người vốn tiến hóa từ lọai vượn - người, điều này được F. Ăng-ghen khẳng định trong Phép biện chứng tự nhiên và Đác – Uyn đề cập trong Thuyết tiến hóa: Con người là một lòai động vật cao cấp hòan hảo. Con người có ý thức và khả năng sáng tạo vô tận. Nhưng trong bản thân con người vẫn tìm ẩn bản năng di truyền tự nhiên, hoang dã. Các nhà sinh học gọi đây là sự biểu hiện các họat động đã được lập trình sẵn trong bản năng di truyền tự nhiên.
Nếu chỉ dừng lại ở bản năng ấy, con người chưa thể trở thành sản phẩm văn hóa, càng chưa thể thành chủ thể văn hóa. Chính sự họat động sáng tạo trong môi trường xã hội, nảy sinh ra cả một xã hội sáng tạo, đã đánh dấu sự xuất hiện nền văn hóa của xã hội lòai người. Trong số những họat động của con người, chỉ có các họat động xã hội – sáng tạo mang tính nhân bản, vì lợi ích của con người đảm bảo sự tồn tại và phát triển xã hội, mới tạo ra văn hóa và là văn hóa. Những họat động tiêu cựa và mang tính hủy diệt ( như mê tín dị đoan, gây hại đến thuần phong mỹ tục, tham nhũng, trộm cướp, ma túy, mại dâm, kích động bạo lực, tôn giáo cực đoan, gây chia rẽ và hằn thù dân tộc, phản quốc, gây chiến tranh xâm lược, tiến hành chiến tranh hủy diệt, hủy họai di sản văn hóa dân tộc và nhân lọai, v.v…) đều là những hành động phản văn hóa đểy lùi bước tiến của lịch sử dân tộc và nhân lọai. Những hành động phản văn hóa đó bao giờ cũng gây tổn hại năng nề cho văn hóa.
Tổn hại nặng nề, không thể bù đắp được đối với nền văn hóa Việt Nam, ấy là hành động phản văn hóa và mang tính hủy diệt trên quy mô lớn của quân xâm lược phương Bắc, trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc và trong hai mươi năm quân Minh xâm lược (thế kỷ XV). Kẻ thù đã cố ý thực hiện chính sách đồng hóa triệt để dân tộc ta. Song song với hành động “ sát phu hiếp phụ”, chúng đã tàn phá không thương tiếc cá giá trị văn hóa Việt Nam, vốn thực sự vĩ đại và vô cùng rực rỡ, được tạo nên từ nền văn hóa – văn minh Phùng Nguyên, Đông Sơn thời Văn Lang – Âu Lạc, đến thời hưng thịnh Lý - Trần – Lê ( từ hàng mấy nghìn năm trước Công Nguyên đến thế kỷ XV). Âm mưu thâm độc của chúng là nhằm xóa bỏ ký ức người Việt Nam chúng ta về mọi dầu vết, thành tựu văn hóa, văn minh trong quá khứ lịch sử dân tộc. Trong kho tàng lưu trữ sách Hán – Nôm của ta còn lại đến nay, có một số tài liệu chép các mệnh lệnh của các triều đình phong kiến Trung Quốc, trong đó có Chỉ dụ của vua Minh Thành Tổ gửi các tướng Chư Năng và Trương Phụ, tháng 9 năm 1406, nhắc nhở như sau:
“…Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng, phàm là An Nam có tất thảy sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ, và tất cả các bia mà xứ ấy dựng lên, thì dù một mảnh, một chữ, hễ trông thấy là phải phá hủy ngay lập tức, chớ để sót lại”.
Tháp Báo Thiên ( hay Đại thắng báo thiên tháp, ở chùa Báo Thiên, Hà Nội), chuông Quy Điền (chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột, Hà Nội), tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), vạc (hay đỉnh) Phổ Minh ( chùa Phổ MInh, Nam Định) - gọi chung là “Tứ đại khí” (bốn vật lớn bằng đồng) nổi tiếng, đúc vào thời Lý - Trần, đều bị quân Minh phá hủy lấy đồng đúc súng đạn.
Ngoài ra, biết bao tài sản văn hoá, như sách vở, bia ký, minh văn, trống đồng…vô cùng quý giá của dân tộc ta đã bị quân xâm lược tiêu hủy. Di sản văn hoá thành văn của ta tàn khuết nhiều, đến nổi mười phần chẳng còn lại được một hai. Tình trạng ấy đã làm cho không chỉ nhà bác học Lê Quý Đôn, nhà sử học Phan Huy Chú, mà cả nhà Hán học Trần Văn Giáp và chúng ta ngày nay phải thở dài than tiếc! Nhiều sự kiện và con người trong quá khứ thiếu cứ liệu để xác định cụ thể. Nhiều sai lầm trong tàil liệu sao chép trước đây, do thiếu văn bản gốc, đã không thể kê cứu ra được. Một dân tộc trải mất nghìn năm lịch sử, có truyền thống văn hiến lâu đời, mà vẫn đành để những thời “ quyền sử”, những khoảng trống lịch sử xa xưa, nguyên do là vốn văn hoá thành văn bị tàn khuyết, thật đáng tiết biết bao những hành động hủy hoại di sản văn hoá của chúng ta, cũng là của nhân lại như thế, chính là sự phản văn hoá và không thể coi là văn hoá.
Chiến tranh xâm lược và sự đô hộ, đồng hóa của các thế lực phong kiến phuơng Bắc và đế quốc phương tây quả là khóc liệt, kéo dài đã gây tổn hại vô cùng lớn đối với nền văn hoá dân tộc ta. Nhưng dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển, trở thành biểu tượng quật cường trênn thế giới. Sức sống ấy sự tồn tại bền vững ấy sở dĩ có được chính là nhờ ở bản lĩnh, bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam