Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
Bản sắc dân tộc của văn hoá là gì

Bản sắc dân tộc của văn hoá là tổng thể những giá trị bền vững, những tin hoa văn hoá vật chất và tinh thần làm nên sắc thái riêng của một dân tộc trong lịch sử và trong sự phát triển. Có thể nhận ra bản sắc ấy thông qua những biểu hiện của hai mặt giá trị: giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Nói cách khác, bản sắc dân tộc của văn hoá bao gồm hai mặt giá trị, đó là giá trị văn hoá vật chất và giá trị văn hoá tinh thần. Gía trị văn hoá vật chất bao gồm toàn bộ những giá trị của các sản phẩm do hoạt động sản xuất vật chất mà con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong việc ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, thờ cúng, chiến đấu v.v…Còn giá trị văn hoá tinh thần, bao gồm tất cả những giá trị của các sản phẩm do hoạt động tinh thần, lao động trí óc của con người tạo ra. Đó là các giá trị tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, đạo đức, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn học…Sự phân chia kể trên rõ rành chỉ là tương đối, bởi trong rất nhiều trường hợp không thể tách bạch văn hoá vật chất văn hoá tinh thần, và ngược lại. Chẳng hạn, các quan hệ sản xuất, các hoạt động thông tin, các quy trình tạo tác đồ thủ công mỹ nghệ, các loại sách vở, bào chí v.v.. sếp vào dạng văn hoá vật chất hay tinh thần? Trong thực tế, văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần luôn gắn bó hữu cơ với nhau, có thể chuyển hóa cho nhau. Do đó, tuỳ theo mục đích mà định ra tiêu chí riêng để phân biệt, nhưng không phải là chúng không còn ranh giới với nhau. Có thể khẳng định rằng, cơ sở tạo nên sức mạnh, sức sống mạnh mẽ bền vững của dân tộc, trở thành bảnlĩnh dân tộc chính là mặt giá trị tinh thần, cộng với nét đặc sắc riêng của dân tộc. Ở dây, bản sắc văn hoá dân tộc luôn bao hàm toàn bộ hệ giá trị tinh thần và nét riêng biệt, độc đáo của dân tộc. Giá trị tinh thần ở trong và nét riêng biệt, bộc lộ ra bên ngoài của bản sắc dân tộc của văn hoá luôn có mối quan hệ khắn khít với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, cái này cũng cố và thúc đẩy cái kia. Có nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, bản lĩnh dân tộc là nguồn gốc của bản sắc dân tộc, và là cái quyết định sự tồn tại của dân tộc. Thực ra, nói như vậy chỉ là hiều một mặt chưa đầy đủ về nguyên nhân tồn tại bền vững của dân tộc Việt Nam. Đất nước và con người Việt Nam sở dĩ tồn tại, phát triển qua trường kỳ lịch sử, trãi nhiều thử thách “Nghìn cân treo sợi tóc”, chống thù trong giặc ngoài…chính là do bản lĩnh và bản sắc văn hoá dân tộc.Bản sắc văn hoá dân tộc ta hội tụ và biểu hiện trên nhiều đặc trưng của nền văn hoá, đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc được vun đáp qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức công đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xa - tồ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống, sống hoà đồng với thiên nhiên, xã hội…Biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước là tình yêu gia đình, quê huơng; Tổ quốc và ý thức về cội nguồn dân tộc. Lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam không trừu tượng mà rất cụ thể: từ ông bà, cha mẹ, anh chị em, dân làng, cây đa bến nước sân đình…đến đồng bào, đồng nghiệp, đồng chí và cao hơn là Quốc tổ Vua Hùng, đất đai biên cương của Tổ Quốc. Ý thức ấy, thấm sâu trong lòng người, thành một tín ngưỡng đẹp, độc đáo nhất, kỳ diệu nhất đó là việc cả nước thờ một ông tổ chung – Hùng Vương, mà có lẽ không nước nào trên thế giới có được như thế. Trong tiềm thức sâu xa, các thế hệ người Việt Nam đều coi mình là con Rồng, cháu Tiên, con lạc, cháu Hồng. Sắc thái riêng của văn hoá Việt Nam biểu hiện ở sự gắn kết Nhà – Làng - Nước. Đấy là một cấu trúc độc đáo, đặc thù của tổ chức xã hội Việt Nam. Kết cấu xã hội này, về cơ bản, có nhiếu ưu điểm cần phát huy hơn là nhược điểm cần khắc phục; nó đãm bảo sự ổn định xã hội trong hoà bình xây dựng ổ một nước nông nghiệp, lại dễ dàng huy động lực lượng, sức người sức của trong chiến tranh chống quân sâm lược, trong hoàn cảnh một nước thường xuyên bị ngoại xâm đe doạ. Bản chất mối quan hệ này là sự gắn kết cá nhân với cộng đồng địa phương với cả nước, cộng đồng dân cư nhỏ với dân tộc nói chung. Thật độc đáo, trong tiếng Việt đã có những từ ghếp “Làng nước”, “Nhà nước”, “Dân nước”, “Dân Làng”, …và cả các từ “Đồng bào”,  “Nước mất nhà tan”, v.v…Lòng yêu thương dân tộc, nghĩa đồng bào, tình nước, tình người cùng chia sẻ vui buồn, no đói, hoạn nạn có nhau thật sâu sắc: “Nhường cơm sẻ áo”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “ Thương nguời như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” v.v…Bản sắc dân tộc còn biểu hiện ở ngôn ngữ. Giữ tiếng nói dân tộc là nguyên tắc, còn sử dụng chữ viết, chữa Hán hay là chữ Pháp là giải pháp tình thế. Trước sức áp đặt của người nước ngoài, nhân dân ta phải dùng chữ ngoại lai, nhưng không bài xích mà tìm cách tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các ngôn ngữ, để làm cho tiếng Việt phong phú hơn. Ta đã Việt hoá chữ Hán thành từ ngữ Hán - Việt, rồi từ chữ Hán mà sáng tạo ra chữ Nôm từ thời Lý - Trần, một thành tựu văn hoá lớn của dân tộc. Về sau, từ chữ La – Tinh, ta đã tạo ra chữ Quốc ngữ, một thành tựu thứ hai về mặt ngôn ngữ, chữ viết của Việt Nam, trong đó Việt hóa nhiều thuật ngữ Pháp và Trung Quốc. Kết quả là Tiếng Việt trở nên tuyệt vời, đủ sức diễn đạt mọi sắc thái tư tưởng, tình cảm và khái niệm khoa học, triết học phương Đông và phương Tây.Người Việt Nam thông minh, sáng tạo, hiếu học và ham hiểu biết - điều đó đả được các học giả trên thế giới thừa nhận. Do biết cách tiếp nhận và sử dụng chữ Hán, chữ Pháp, lại tạo ra được chữ Nôm và chữ Quốc ngữ của riêng mình, đồng thời sớm tiếp nhận Phật giáo và tư tưởng triết học Khổng tử, dân tộc ta đã có lịch sử thành văn vào hàng sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á, trở thành nước có nền văn hiến lâu đời. Nhưng chúng ta không tiếp thụ yếu tố văn hoá ngoại lai một cách nguyên si, mà cải biến và dân gian hoá các yếu tố đó cho phù hợp với cách sống, cách nghĩ của mình. Đạo Phật vào nước ta vào thế kỷ thứ II ( sau CN). Người Việt tiếp nhận nó, trở thành Phật giáo Việt Nam. Viêc thờ bà Mây, bà Mưa, bà Sấm, bà Chớp là sự kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa với tín ngưỡng phồn thực và truyền thống thờ Mậu ( Mẹ) vốn có từ xa xưa ở nước ta. Hình thức thờ Thích ca ở giữa, Lão tử ở bên trái, Khổng tử ở bên phải, Tức phật – Lão - Đạo giáo ở cùng một nơi ấy là sự biểu hiện quan niệm “Tam giáo đồng nguyên” rất độc đáo của người Việt. Hoặc là, khi tiếp thu tư tưởng “quân – sư - cụ” (Vua, thầy, cha), “tề gia, trị quốc”, “nhân bất học bất tri lý” (người không học thì không có trí tuệ cao) của Khổng tử, các thế hệ người Việt Nam xưa nay không chấp nhận quan niệm trong nam khinh nữ, coi thường lao đông chân tay và tư tưởng trung quan đến mức “ngu trung” của ông. Bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam có ý nghĩa to lớn, quyết định sự tồn tại, phát triển của dân tộc ta, là cái gi đó “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”, như Nguyễn Trãi đã nói. Nếu để mất bản sắc dân tộc trong văn hoá là mất tất cả. Ông cha ta đã kiên cường, bất khuất, thông minh và sáng tạo, đã để lại và chuyển giao cho chúng ta di sản vô giá của nền văn hoá với nhiều thành tựu văn minh, văn hiến vô cùng quý báu rất đáng tự hào. Chúng ta và con cháu muôn đời sau phải giữ, phát huy và không ngừng bổ sung thêm, để tài sản văn hoá của dân tộc không chỉ độc đáo, phong phú,mà quan trọng là đem lại lơi ích ngày càng to lớn, thiết thực hơn.

 

Nguồn: Văn hóa Việt Nam
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình