Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT: Luật sở hữu trí tuệ
Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được Nhà nước bảo hộ bao gồm những đối tượng nào?

 

Khác với các đối tượng được bảo hộ theo quyền tác giả các đối tượng về sở hữu công nghiệp không mang tính sáng tạo cá nhân. Các đối tượng được Nhà nước bảo hộ bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Các đối tượng được liệt kê tại Điều 780 Bộ Luật Dân sự là các đối tượng đã được bảo hộ ở Việt Nam tới trước khi ban hành Bộ Luật Dân sự trên cơ sở các quy định của Pháp lệnh về sở hữu công nghiệp và các Điều lệ về các đối tượng cụ thể. Khác với các đối tượng được bảo hộ theo quyền tác giả các đối tượng về sở hữu công nghiệp không mang tính sáng tạo cá nhân. Do vậy việc bảo hộ chúng về cơ bản phải qua những thủ tục có tính chất hình thức nhất định (đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ).

Ngoài các đối tượng đã được liệt kê tại Điều 780 Bộ Luật Dân sự, trong lĩnh vực kinh doanh còn có các tài sản của cá nhân hoặc của một doanh nghiệp nhất định nào đó (ví dụ như tên thương mại, bí mật thương mại, biểu tượng thương mại v. V …). Đây là những tài sản được các thương gia sử dụng riêng cho mình và qua quá trình phát triển, đã tạo ra giá trị thương mại, biến chúng thành tài sản riêng cũng được bảo hộ. Việc bảo hộ các đối tượng này không phải thông qua thủ tục hình thức mà thông thường chỉ xuất hiện khi có sự xâm phạm quyền của người chủ sở hữu.

Cần lưu ý rằng, đối tượng được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu công nghiệp không phải chỉ là chính bản thân đối tượng đó mà còn là những lợi ích kinh tế, thương mại xuất phát từ đối tượng sở hữu công nghiệp. Lợi ích thương mại, kinh tế của các tài sản thuộc sở hữu công nghiệp sẽ bị mất đi nếu các đối tượng này bị bắt chước làm theo hoặc bị sử dụng hoặc bị gây nhầm lẫn hoặc bị công bố công khai v. V … Do vậy, thực chất đối tượng bảo hộ ở đây là lợi ích kinh tế của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, đằng sau lợi ích kinh tế của tư nhân là lợi ích công cộng, lợi ích về khuyến khích phát triển khoa học và vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, việc bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp có nghĩa là Nhà nước đảm bảo chỉ có chủ sở hữu mới có quyền sử dụng, khai thác lợi ích kinh tế của đối tượng sở hữu công nghiệp của họ. Nhà nước bảo đảm cho chủ sở hữu được yên ổn khai thác các lợi ích kinh tế đó và giúp chủ sở hữu chống lại các hành vi xâm phạm, làm hạn chế khả năng khai thác của chủ sở hữu.

Các giải pháp kỹ thuật muốn trở thành đối tượng sở hữu công nghiệp thì phải có tính mới so với trình độ thế giới. “Mới” ở đây có nghĩa là chưa được ai sử dụng một cách rõ ràng trước ngày nộp đơn xin bảo hộ, chứa bị ai công bố khai bằng lời hoặc thông qua các ấn phẩm trước ngày nộp đơn xin bảo hộ. Pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định chi tiết về những yếu tố làm hại đến tính mới của sáng chế và giải pháp hữu ích. Tính mới ở đây là so với trình độ kỹ thuật thế giới. Khi xem xét các yếu tố làm hại tính mới phải xem xét trên bình diện quốc tế chứ không phải trong phạm vi của một quốc gia. Các giải pháp kỹ thuật phải có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Đây là điểm khác nhau căn bản giữa sáng chế, giải pháp hữu ích và các phát minh khoa học. Các phát minh khoa học phần lớn còn ở dạng lý thuyết, là các học thuyết chưa có khả năng áp dụng thực tế trong lĩnh vực kinh tế và xã hội do đó không được bảo hộ theo pháp luật sở hữu công nghiệp. Riêng đối với sáng chế thì ngoài các yêu cầu nói trên, giải pháp kỹ thuật phải có trình độ sáng tạo (tức là phải là một tiến bộ kỹ thuật so với trình độ kỹ thuật chung của thế giới). Tính sáng tạo ở đây khác với tính sáng tạo cá nhân trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tính sáng tạo đối với sáng chế chỉ là việc tạo ra một cách không hiển nhiên, một bước tiến bộ cao hơn về mặt kỹ thuật so với trình độ trước ngày nộp đơn. Theo Pháp lệnh về sở hữu công nghiệp năm 1989, tiêu chuẩn để bảo hộ một giải pháp kỹ thuật là một giải pháp kỹ thuật đó phải có tính mới tại Việt Nam. Tiêu chuẩn này rất thấp, nó nhằm khuyến khích việc du nhập công nghệ mà Việt Nam chưa có, bất kể công nghệ đó có trình độ cao hay thấp. Tuy nhiên, yêu cầu thấp đối với giải pháp hữu ích đã tạo ra nhiều nhược điểm lớn: nó khiến cho các nhà kỹ thuật không tiếp cận và sử dụng các thông tin quốc tế, làm giảm nỗ lực phấn đấu của nền công nghiệp Việt Nam; đồng thời khuyến khích tạo ra các giải pháp có trình độ kỹ thuật trung bình, khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài đăng ký các giải pháp kỹ thuật đã được phổ cập trong trình độ kỹ thuật quốc tế, phong tỏa các việc áp dụng kỹ thuật phổ cập của Việt Nam. Do vậy, Bộ Luật Dân sự yêu cầu giải pháp hữu ích phải có tính mới so với trình độ quốc tế và chỉ kém sáng chế về trình độ sáng tạo. Với quy định này, Bộ Luật Dân sự đã khắc phục được nhược điểm của quy định về giải pháp hữu ích trong Pháp lệnh về sở hữu công nghiệp năm 1989.

Đối với sáng chế, giải pháp hữu ích thì việc bảo hộ phải thông qua thủ tục hình thức, tức là phải nộp đơn bảo hộ và cấp văn bằng bảo hộ. Phạm vi bảo hộ của hai đối tượng này là nội dung các giải pháp kỹ thuật, đồ vật chứa đựng những nội dung và giải pháp kỹ thuật đó (ví dụ: Máy móc, thiết bị và dụng cụ lao động) và những sản phẩm, được tạo ra do việc áp dụng các ý tưởng là nội dung của giải pháp kỹ thuật.

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình nổi, màu sắc hoặc kết hợp với yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới so với trình độ thế giới. Một kiểu dáng công nghiệp được coi là mới nếu nó khác biệt cơ bản so với các kiểu dáng công nghiệp tương tự và chưa được sử dụng ở đâu, bằng bất kỳ hình thức nào trên thế giới. Trong trường hợp kiểu dáng công nghiệp được trưng bày tại một triển lãm quốc tế được công nhận trước ngày nộp đơn, thì kiểu dáng công nghiệp đó vẫn được coi là mới, nếu trong vòng 6 tháng kể từ ngày bắt đầu triển lãm, đơn đăng ký bảo hộ được nộp tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp). Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp và phải khác biệt về căn bản với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã được bảo hộ. Yêu cầu này đòi hỏi kiểu dáng công nghiệp phải chứa đựng sự tưởng tượng của cá nhân tạo ra nó. Về mặt này, kiểu dáng công nghiệp có phần nào hơi giống các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên sự tưởng tượng sáng tạo cá nhân phải ở một hình thức thể hiện nhất định và phù hợp với sở thích của nhiều người. Khác với nước ta và các nước theo hệ luật thành văn, ở Mỹ kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo cả hai cách, theo pháp luật về sở hữu công nghiệp và theo pháp luật về quyền tác giả.

- Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc là sự kết hợp các yếu tố đó bằng một hoặc nhiều màu sắc (Điều 785 Bộ Luật Dân sự). Trước hết một nhãn hiệu hàng hóa phải là một dấu hiệu dùng để đánh dấu sản phẩm, dịch vụ của một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc để phân biệt chúng với hàng hóa, dịch vụ của một cơ sở khác. Dấu hiệu phải có tính độc lập nhất định so với hàng hóa, dịch vụ mà nó đánh dấu. Dấu hiệu phải được thể hiện trong một hình thức khép kín thống nhất mà người ta có thể nhận biết được qua việc nhìn, quan sát. Nhãn hiệu phải được thể hiện bằng từ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu hàng hóa phải có khả năng phân biệt, tức là phải chỉ ra được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ mà nó đánh dấu, chỉ rõ xí nghiệp sản xuất ra chúng. Những dấu hiệu chung chung không có khả năng phân biệt hoặc dễ gây nhầm lẫn cho người khác không được coi là nhãn hiệu hàng hóa và không được đăng ký và bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Khác với ba đối tượng sở hữu công nghiệp nói ở phần trên, nhãn hiệu hàng hóa thực chất không phải là kết quả của một hoạt động trí tuệ. Nó chỉ là một biểu tượng có sẵn trong tài sản chung của cộng đồng được cá nhân hoặc pháp nhân dùng để đánh dấu hàng hóa hoặc dịch vụ riêng của mình. Việc sử dụng riêng dấu hiệu và việc nâng cao uy tín của dấu hiệu mà cá nhân, pháp nhân đã sử dụng cho sản phẩm, dịch vụ của mình đã tạo nên giá trị kinh tế của nhãn hiệu hàng hóa. Đến lúc này, nhãn hiệu hàng hóa là biểu tượng cho năng lực và thành tích của một cơ sở sản xuất kinh doanh về một loại sản phẩm hoặc dịch vụ. Do vậy nội dung bảo hộ đối với đối tượng này là việc cấm người khác sử dụng một nhãn hiệu tương tự hoặc giống hệt nhãn hiệu của người đã đăng ký đánh dấu cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Thực chất, việc bảo hộ này một phần bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, phần khác nhằm bảo vệ công chúng trước những việc làm hàng hóa giả và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ hàng hóa. Ở đây đặc biệt nhấn mạnh đến chức năng bảo đảm của nhãn hiệu hàng hóa.

Tên gọi xuất xứ hàng hóa là tên địa lý của một nước, địa phương với điều kiện những mặt hàng này có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người và cả hai yếu tố đó (Điều 786).

Điều cần khẳng định là tên gọi xuất xứ hàng hóa không phải là nhãn hiệu và tên thương mại. Tên gọi xuất xứ là tên địa lý (địa danh) của một nước hoặc một địa phương hoặc một khu vực (ví dụ như Phú Quốc, Hải Phòng v. V …). Tên gọi xuất xứ hàng hóa thường được gắn với những mặt hàng có tính chất hoặc chất lượng đặc thù mà tính chất và chất lượng đặc thù này do các yếu tố độc đáo về địa lý, về con người của địa phương đó tạo nên (ví dụ vị ngọt của nước mắm Phan Thiết phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố ánh sáng mặt trời và kỹ thuật muối cá của những người dân tại Phan Thiết).

Xuất xứ từ thực tế là một địa phương có thể có nhiều người cùng được hưởng những yếu tố độc đáo về tự nhiện và con người của địa phương mình để sản xuất những sản phẩm có tính chất và chất lượng đặc thù, cho nên bất kỳ cá nhân, pháp nhân nào sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc biệt tại địa phương có yếu tố đặc trưng đều có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Việc bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa ở đây trước hết là để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp có quyền sử dụng hợp pháp tên gọi xuất xứ và nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Tên gọi xuất xứ hàng hóa và uy tín của chất lượng hàng hóa mang tên gọi xuất xứ hàng hóa đó thực chất không xuất phát từ năng lực của từng doanh nghiệp mà là tài sản phi vật chất chung của từng địa phương. Cá nhân, các tổ chức kinh doanh khai thác lợi ích kinh tế từ tên gọi xuất xứ hàng hóa đó nên chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền cấm người khác sử dụng.

Điều 871 của Bộ Luật Dân sự có quy định các đối tượng khác cũng có thể là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Các đối tượng này còn mập mờ, chưa rõ, còn chỗ ngỏ để cho pháp luật quy định. Thông thường các nước coi các đối tượng thể hiện bằng năng lực và uy tín của doanh nghiệp nói chung (tên thương mại, biểu tượng của doanh nghiệp v. V …) hoặc là các bí quyết trong kinh doanh, trong tổ chức sản xuất v. V … là thuộc loại này. Đây là những tài sản do chính bản thân doanh nghiệp tạo ra và giữ làm của riêng để khai thác lợi ích từ các tài sản đó. Thông thường pháp luật không quy định chế độ bảo hộ toàn diện như đối với các đối tượng khác, mà chỉ bảo hộ khi có sự xâm phạm. Chủ sở hữu có thể cấm người khác sử dụng các đối tượng thuộc sở hữu của mình nếu chứng minh được người này đã xâm phạm quyền sở hữu của mình.

Nhà nước không bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo và các đối tượng khác mà pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định không được bảo hộ (Điều 787).

Đối với các giải pháp kỹ thuật, mặc dù đáp ứng các yêu cầu về tính mới, có khả năng áp dụng trong thực tế, có trình độ kỹ thuật cao hơn trình độ trung bình, nhưng các giải pháp này không được công nhận nếu sáng chế hoặc giải pháp này trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, ở đây phải hiểu là trái với những nguyên tắc nhân đạo, trái với những nguyên tắc cơ bản của xã hội hiện tại. Ví dụ một giải pháp kỹ thuật tìm ra công cụ phạm tội sẽ không được công nhận và bảo hộ như một sáng chế. Cũng tương tự, các giải pháp kỹ thuật mà trái với nguyên tắc nhân đạo cũng không được bảo hộ là sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật trái với nguyên tắc nhân đạo, lợi ích xã hội, trật tự công cộng, còn có một số giải pháp kỹ thuật khác cũng không được bảo hộ. Ví dụ: các chương trình máy tính điện tử, giống cây, giống con, chủng loại vi sinh vật, các phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh cho người. Lý do không bảo hộ các đối tượng này rất khác nhau. Ví dụ đối với chương trình máy tính thì được bảo hộ theo các quy định pháp luật về quyền tác giả. Các phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh thì ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới không bảo hộ độc quyền sử dụng các giải pháp đó vì để tạo điều kiện dễ dàng phục vụ mục đích nhân đạo. Các giống thực vật, động vật mới đến nay chưa được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp. Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu để có chế độ bảo hộ thích hợp đối với đối tượng này.

Những đối tượng không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế, giải pháp hữu ích được liệt kê tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996. Những kiểu dáng không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp được liệt kê tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 63/CP nói trên.

Đối với nhãn hiệu hàng hóa, mà việc sử dụng chúng sẽ làm phương hại đến lợi ích xã hội, trật tự công cộng và nguyên tắc nhân đạo, thì một loạt các dấu hiệu được liệt kê tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 cũng không được bảo hộ. Ví dụ như: Các dấu hiệu không có khả năng phân biệt (tập hợp các hình học, chữ số, chữ cái, hoặc chữ không thể phát âm được) trừ trường hợp nhãn hiệu này đã được sử dụng rộng rãi và được tín nhiệm từ trước (ví dụ như Bia 333). Các dấu hiệu quy ước (hình vẽ con rắn được sử dụng cho các loại thuốc tây, hoặc chữ “thuốc”) cũng không được bảo hộ. Các dấu hiệu làm hiểu sai lệch về xuất xứ hàng hóa, các dấu hiệu giống hoặc tương tự với dấu chất lượng, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của Việt Nam, nước ngoài cũng như của các tổ chức quốc tế v. V …; các dấu hiệu giống hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy, ảnh lãnh tụ, anh hùng dân tộc Việt Nam cũng như của nước ngoài; các biểu tượng, tên gọi của các tổ chức quốc tế v. V … cũng không được bảo hộ như là nhãn hiệu hàng hóa, vì chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn của nhãn hiệu hàng hóa. Ngoài ra đối tượng đã được liệt kê tại Điều 780 Bộ Luật Dân sự còn có các đối tượng khác thể hiện năng lực thành tích của toàn bộ doanh nghiệp như: Biểu tượng của doanh nghiệp, bí mật sản xuất, kinh doanh uy tín danh tiếng của doanh nghiệp đã được công chúng công nhận v. V … Các đối tượng này được bảo hộ theo các căn cứ pháp luật trong các trường hợp có xâm phạm hoặc theo quy định trong các quan hệ hợp đồng cụ thể

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình