Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Thế nào là kiểu dáng công nghiệp?

 

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và đáp ứng đầy đủ hai điều kiện: có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

A) Yêu cầu thứ nhất đối với kiểu dáng công nghiệp là phải có tính mới đối với thế giới.

Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 quy định tính mới đối với thế giới của kiểu dáng công nghiệp là:

- Khác biệt cơ bản với các kiểu dáng công nghiệp được mô tả trong các đơn vị yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền với ngày ưu tiên sớm hơn.

- Khác biệt cơ bản kiểu dáng công nghiệp tương tự đã được công bố trong bất kỳ nguồn thông tin sau đây: các nguồn thông tin liên quan đến việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài, tính từ ngày công bố; các nguồn thông tin khác như quy định đối với sáng chế và giải pháp hữu ích (xem điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996.

- Trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, kiêu dáng công nghiệp nêu trong đơn chưa bị bộc lộ công khai ở trong và ngoài nước tới mức căn cứ vào đó người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể thực hiện được kiểu dáng công nghiệp đó. Hình thức bộc lộ ở đây có thể là sử dụng hoặc mô tả.

Tuy nhiên, Công ước Paris về quyền bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định: trong trường hợp kiểu dáng công nghiệp được trưng bày tại một cuộc triển lãm quốc tế được công nhận trước ngày nộp đơn và trong vòng 6 tháng kể từ ngày bắt đầu triển lãm, đơn đăng ký bảo hộ được nộp tới cơ quan có thẩm quyền thì kiểu dáng công nghiệp đó vẫn được coi là mới.

Một kiểu dáng công nghiệp được coi là mới nếu nó khác biệt cơ bản so với các kiểu dáng công nghiệp tương tự và chưa được sử dụng ở đâu, dưới bất kỳ hình thức nào trong trong nước và trên thế giới.

B) Yêu cầu thứ hai đối với kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng công nghiệp dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp

Yêu cầu quan trọng ở đây là kiểu dáng công nghiệp đó được dùng để chế tạo hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó, chứ không phải là sản xuất đơn chiếc

Khái niệm nhãn hiệu hàng hóa theo quy định của luật dân sự.

Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

1. Nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu hiển thị (từ ngữ, hình ảnh) dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau.

 Nhãn hiệu hàng hóa không phải là tên thương mại hay tên gọi xuất xứ hàng hóa.

2. Tiêu chuẩn để nhãn hiệu hàng hóa được Nhà nước Việt Nam bảo hộ là: nhãn hiệu hàng hóa phải có khả năng phân biệt.

Khả năng phân biệt của một nhãn hiệu hàng hóa là: nó phải chỉ ra được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ đó, chỉ rõ cơ sở sản xuất ra chúng. Những dấu hiệu chung chung không có khả năng phân biệt hoặc dễ gây nhầm lẫn cho người khác không được coi là nhãn hiệu hàng hóa và không được đăng ký và bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Điều 6 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996, Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 1-2-2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, quy định các dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu hàng hóa được công nhận là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố độc đáo, dễ nhận biết.

- Không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với những nhãn hiệu hàng hóa sau đây: nhãn hiệu hàng hóa của người khác đang được bảo hộ tại Việt Nam (kể cả các nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia); nhãn hiệu hàng hóa nêu trong đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với ngày ưu tiên sớm hơn (kể cả các hóa đơn về nhãn hiệu hàng hóa được nộp theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia).

- Không trùng với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đã hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực bảo hộ. Thời gian tính từ khi hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực.

- Không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn tên thương mại của người khác đang được bảo hộ, hoặc với chỉ dẫn địa lý (kể cả tên gọi xuất xứ hàng hóa) đang được bảo hộ.

- Không trùng với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc đã nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ với ngày ưu tiên sớm hơn.

- Không trùng với một hình tượng, nhân vật đã thuộc quyền tác giả của người khác trừ trường hợp được người đó cho phép.

Khác với các đối tượng sở hữu công nghiệp đã nêu ở trên, nhãn hiệu hàng hóa thực chất không phải là kết quả của một hoạt động sáng tạo trí tuệ. Nó chỉ là một biểu tượng sẵn có trong tài sản chung của cộng đồng được cá nhân hoặc pháp nhân dùng để đánh dấu hàng hóa hoặc dịch vụ riêng của mình. Việc sử dụng riêng tín hiệu và việc nâng cao uy tín của dấu hiệu mà cá nhân, pháp nhân đã sử dụng cho sản phẩm, dịch vụ của mình đã tạo nên giá trị kinh tế của nhãn hiệu hàng hóa. Đến lúc này, nhãn hiệu hàng hóa là biểu tượng cho năng lực và thành tích của một cơ sở sản xuất, kinh doanh về một loại sản phẩm hoặc dịch vụ.

Do vậy, nội dung bảo hộ là sự cấm việc người khác sử dụng một nhãn hiệu tương tự hoặc giống hệt nhãn hiệu đã đăng ký để đánh dấu cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Thực chất của việc bảo hộ này một mặt nhằm bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, mặt khác nhằm bảo vệ công chúng trước hàng giả và tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình