Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT: Luật sở hữu trí tuệ
Trong trường hợp nào Nhà nước không bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp?

 

1. Tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo không được Nhà nước bảo hộ. Quy định này nhằm cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 2 Bộ Luật Dân sự.

2. Ngoài ra, đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi xuất xứ hàng hóa pháp luật quy định các trường hợp cụ thể không được pháp luật bảo hộ.

A) Các đối tượng không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế, giải pháp hữu ích (gọi chung là giải pháp kỹ thuật) được quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996, Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 1-2-2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, bao gồm:

- Ý đồ, nguyên lý và phát minh khoa học;

- Phương pháp và hệ thống tổ chức và quản lý kinh tế;

- Phương pháp và hệ thống giáo dục, giảng dạy, đào tạo;

- Phương pháp luyện tập cho vật nuôi;

- Hệ thống ngôn ngữ, hệ thống thông tin phân loại sắp xếp tư liệu;

- Bản thiết kế và sơ đồ quy hoạch các công trình xây dựng, các đồ án quy hoạch và phân vùng lãnh thổ;

- Giải pháp chỉ đề cập hình dáng bên ngoài của sản phẩm chỉ mang đặc tính thẩm mỹ mà không mang đặc tính kỹ thuật;

- Phần mềm máy tính, thiết kế bố trí vi mạch điện tử, mô hình toán học đồ thị tra cứu và các dạng tương tự;

- Giống thực vật, giống động vật;

- Phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho người và động vật;

- Quy trình mang bản chất sinh học (trừ quy trình vi sinh) để sản xuất thực vật, động vật.

Các đối tượng kể trên không được bảo hộ vì những lý do khác nhau như: Không thỏa mãn các tiêu chuẩn được bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích như pháp luật quy định (ý đồ, nguyên lý và phát minh khoa học, giải pháp chỉ đề cập hình dáng bên ngoài của sản phẩm chỉ mang đặc tính thẩm mỹ mà không mang đặc tính kỹ thuật); nhằm mở rộng phạm vi áp dụng phục vụ mục đích nhân đạo (phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh); đã được bảo hộ ở lĩnh vực khác (phần mềm máy tính đã được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả).

B) Các đối tượng không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996:

- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình thuộc lĩnh vực tương ứng;

- Hình dáng bên ngoài do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có hoặc chỉ mang đặc tính kỹ thuật;

- Hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng;

- Kiểu dáng các sản phẩm chỉ có giá trị thẩm mỹ.

Lý do các đối tượng trên không được bảo hộ chủ yếu là: Các kiểu dáng đó không đáp ứng được các tiêu chuẩn của kiểu dáng công nghiệp theo quy định của pháp luật (tính mới và khả năng dùng làm mẫu để chế tạo các sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp).

C) Các dấu hiệu không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu hàng hóa được quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 (trước đây quy định tại Điều 2 Điều lệ về nhãn hiệu hàng hóa):

- Dấu hiệu không có khả năng phân biệt như: các hình và hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái, các chữ không có khả năng phát âm như một từ ngữ, chữ nước ngoài thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi; dấu hiệu, biểu tượng, quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa thuộc bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến (ví dụ từ “Medicine” hay “thuốc”, biểu tượng 4 gạch dọc của hãng sản xuất dụng cụ thể thao nổi tiếng thế giới Adidas).

- Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị mang tính chất mô tả hàng hóa dịch vụ và xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ.

- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa đảo người tiêu dùng, về xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ.

- Dấu hiệu giống hoặc tương tự với dấu chất lượng, dấu kiểm tra, dấu bảo lãnh, dấu bảo hành của Việt Nam, của nước ngoài cũng như của tổ chức quốc tế.

- Dấu hiệu, tên gọi (bao gồm cả ảnh, tên, biệt hiệu, bút danh) hình vẽ, biểu tượng giống hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy, lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, địa danh, các tổ chức của Việt Nam cũng như của nước ngoài nếu không được các cơ quan, người có thẩm quyền tương ứng cho phép.

Nói chung các dấu hiệu trên không được bảo hộ như nhãn hiệu hàng hóa vì không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhãn hiệu hàng hóa là có khả năng phân biệt.

D) Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên gọi xuất xứ hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996:

- Các chỉ dẫn xuất xứ không phải là tên địa lý (kể cả các dấu hiệu mang tính chất biểu tượng của nước, địa phương là nơi xuất xứ của hàng hóa nhưng không phải là tên gọi địa lý của nước, địa phương đó)

- Tên gọi xuất xứ hàng hóa đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa và đã mất chức năng chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa đó.

E) Các đối tượng không được bảo hộ là bí mật kinh doanh. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 của

Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp thì các thông tin bí mật không liên quan đến kinh doanh như bí mật về nhân thân, về quản lý nhà nước, về an ninh, quốc phòng không được bảo hộ dưới danh nghĩa là bí mật kinh doanh.

F) Các đối tượng không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý, là các thông tin địa lý đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, đã mất khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý (khoản 3 Điều 10 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 của Chính phủ)

G) Các đối tượng không được bảo hộ tên thương mại, được quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 của Chính phủ bao gồm:

- Tên gọi của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan tới hoạt động kinh doanh;

- Tên gọi nhằm mục đích thực hiện chức năng của tên thương mại nhưng không có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh của các cơ sở kinh doanh trong cùng một lĩnh vực;

- Tên thương mại gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã được sử dụng từ trước trên cùng một địa bàn và trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

- Văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa là giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa.

4. Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác như các bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không phải thông qua thủ tục hình thức và cấp văn bằng bảo hộ, mà thông thường chỉ xuất hiện khi có sự xâm phạm quyền của chủ sở hữu hoặc được thỏa thuận trong các hợp đồng cụ thể.

Theo Điều 6 bis – Công ước Paris năm 1883, các nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng có uy tín cao mặc dù không được đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ nhưng vẫn được đương nhiên bảo hộ trong phạm vi mà nhãn hiệu đó đã sử dụng và có uy tín. Việt Nam là thành viên của Công ước Paris nên các nhãn hiệu trên được bảo hộ tại Việt Nam không cần qua thủ tục đăng ký và cấp bằng bảo hộ của Cục sở hữu công nghiệp

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình