Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về giải pháp hữu ích?

 

Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có khả năng áp dụng trong lĩnh vực kinh tế xã hội.

Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động sáng kiến, cải tạo kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.

1. Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật đáp ứng đầy đủ hai điều kiện: mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới và có khả năng áp dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

2. Các tiêu chuẩn bảo hộ (hay các dấu hiệu đặc trưng của giải pháp hữu ích).

Theo Điều 4 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, các yêu cầu về tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới và các yêu cầu về khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đối với giải pháp hữu ích được quy định như đối với sáng chế.

Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, Quy định tiêu chuẩn để bảo hộ một giải pháp kỹ thuật là một giải pháp hữu ích chỉ là giải pháp kỹ thuật có tính mới lạ tại Việt Nam. Tiêu chuẩn bảo hộ này rất thấp nhằm khuyến khích tạo ra các giải pháp chỉ có tính mới lạ tại Việt Nam và thúc đẩy việc du nhập công nghệ vào Việt Nam không kể công nghệ đó có trình độ cao hay thấp so với trình độ chung trên thế giới. Tuy nhiên, yêu cầu thấp đối với các giải pháp hữu ích đã tạo ra nhiều nhược điểm lớn: không phát huy tối đa tính sáng tạo của cá nhân, tổ chức; không khuyến khích được việc đưa các tiến bộ kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới vào Việt Nam.

Để khắc phục những nhược điểm lớn trên, Bộ Luật Dân sự đã quy định: Giải pháp phải có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới. Quy định mới này cũng thể hiện sự gần gũi, phù hợp hơn giữa pháp luật về sở hữu công nghiệp của các nước trên thế giới và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Đối với giải pháp hữu ích, trình độ sáng tạo không được đặt ra như đối với sáng chế.

3. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.

Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất là một giải pháp kỹ thuật hoặc một giải pháp tổ chức sản xuất mới có khả năng áp dụng và mang lại những lợi ích thiết thực cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận đăng ký.

Nội dung khoa học của sáng kiến có thể là: Cải tiến kết cấu máy móc, công cụ lao động, sản phẩm, cải tiến phương án thiết kế, kết cấu công trình xây dựng; cải tiến tính năng, công dụng, thành phần của nguyên vật liệu, của sản phẩm; cải tiến phương pháp khảo sát, thiết kế, công nghệ thi công, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh; cải tiến tổ chức sản xuất nhằm sử dụng hợp lý sức lao động, công cụ lao động, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, tiền vốn…

Việc đăng ký sáng kiến do tác giả thực hiện dưới hình thức nộp đơn đăng ký sáng kiến cho cơ quan, đơn vị hoặc cho cá nhân, các doanh nghiệp khác mà theo các tác giả thì doanh nghiệp đó có điều kiện, khả năng áp dụng sáng kiến của tác giả.

Giấy chứng nhận một giải pháp là sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất do thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó cấp cho tác giả và chỉ có giá trị trong phạm vi cơ quan, đơn vị đó.

Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp được ban hành đã thay thế các Điều lệ do Chính phủ ban hành trước đây với sáng kiến, sáng chế về nhãn hiệu hàng hóa, về kiểu dáng công nghiệp, về giải pháp hữu ích, về mua bán lixăng. Riêng các quy định về hoạt động sáng kiến theo Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và sáng chế ban hành theo Nghị định số 31/CP ngày 27-1-1981 vẫn được tiếp tục thi hành.

4. Các đối tượng không được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là giải pháp hữu ích được bình luận tại Điều 787

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình