1. Nghĩa vụ đầu tiên của người biểu diễn là xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm được sử dụng tác phẩm để biểu diễn nếu tác phẩm chưa được công bố. Nghĩa vụ này phải được thực hiện trước khi người biểu diễn công bố, phổ biến tác phẩm. Quy định này nhằm bảo vệ quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm được quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 751, điểm a, b khoản 1 Điều 753 Bộ Luật Dân sự. Sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm của mình phải được thực hiện thông qua hợp đồng sử dụng tác phẩm (xem bình luận Điều 767 Bộ Luật Dân sự).
2. Thông thường khi biểu diễn tác phẩm, người biểu diễn được hưởng một lợi ích vật chất nhất định. Do vậy, họ có nghĩa vụ trả thù lao cho các tác phẩm hoặc chủ sở hữu tác phẩm, trừ trường hợp biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền, cổ động ở nơi công cộng (xem bình luận khoản 1 Điều 761 Bộ Luật Dân sự).
Pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc trả thù lao cho tác giả được thực hiện như thế nào? Thông thường một chương trình biểu diễn có thể có nhiều chủ thể được coi là người biểu diễn, như diễn viên chuyên nghiệp hoặc không chuyên, người dàn dựng, người đạo diễn, người đạo diễn chương trình. Như vậy, không phải tất cả những người biểu diễn trong cùng một chương trình đều phải xin phép và trả thù lao cho tác giả một cách độc lập. Để thực hiện nghĩa vụ tại khoản 1 và khoản 2 điều này có thể do người tổ chức chương trình hoặc đạo diễn chương trình thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
3. Nếu người biểu diễn không xin phép và trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu họ chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại. Thiệt hại ở đây không những là thiệt hại về lợi ích vật chất bị xâm phạm, mà còn bao gồm cả những thiệt hại phi vật chất liên quan đến quyền nhân thân của quyền tác giả. |