Đăng ký hộ tịch theo quy định tại Nghị định 83/1998/NĐ – CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền :
1. Xác nhận các sự kiện : sinh, kết hôn, tử, nuôi con nuôi, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, thay đổi họ tên, chữ đệm, cải chính họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh hay xác định lại dân tộc, đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn, đăng ký lại các việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi. Đối với loại việc này, cơ quan đăng ký hộ tịch xác nhận chúng thông qua việc đăng ký vào sổ và cấp cho đương sự giấy chứng nhận về sự kiện đó (ví dụ giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy chứng nhận kết hôn …)
2. Ghi chú các sự kiện : ly hôn, xác định cha, mẹ, con, thay đổi quốc tịch, mất tích, mất (hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, hủy hôn nhân trái pháp luật … Đối với loại việc này, cơ quan đăng ký hộ tịch không phải xác nhận mà chỉ căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ : bản án của Tòa án giải quyết việc ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Chủ tịch nước cho một người thôi quốc tịch Việt Nam …) để ghi chú sự kiện đó vào sổ hộ tịch.
Khi đăng ký hộ tịch, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy tờ chứng nhận đăng ký hộ tịch. Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo thủ tục, trình tự được quy định tại Nghị định 83/1998/NĐ – CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ là bằng chứng công nhận các sự kiện về hộ tịch, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức. Ví dụ : giấy chứng nhận kết hôn do Uy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Giấy báo tử là căn cứ chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của một người |