Điều 57 Bộ luật Dân sự quy định “ Việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo nghi thức do pháp luật quy định; mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý ”. Cụ thể hóa quy định nói trên, Điều 25 Nghị định 83/1998/NĐ – CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ quy định nghi thức chung của lễ đăng ký kết hôn như sau :
Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại Uy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký. Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại quá khó khăn, thì lễ đăng ký kết hôn có thể được tổ chức tại bản, làng.
Tại lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt, đại diện Uy ban nhân dân cấp xã hỏi ý kiến lần cuối của hai bên, nếu hai bên vẫn đồng ý kết hôn với nhau, thì cán bộ hộ tịch tư pháp mời họ cùng ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn.
Chủ tịch Uy ban nhân dân cấp xã ký và trao cho mỗi bên một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và Gia đình. Bản sao và số lượng bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của hai bên nam, nữ.
Theo các quy định nói trên, lễ đăng ký kết hôn tại Uy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ là nghi thức kết hôn duy nhất có giá trị pháp lý. Việc tổ chức hay không tổ chức đám cưới hoặc nếu có tổ chức đám cưới thì các nghi thức tiến hành đám cưới như thế nào là do quy định của phong tục, tập quán địa phương đó chứ không phải là nghi thức bắt buộc để cuộc hôn nhân đó được pháp luật công nhận. Như vậy, nếu đã tiến hành lễ đăng ký kết hôn tại Uy ban nhân dân thì cuộc hôn nhân đó được coi là hợp pháp, không phụ thuộc vào việc tổ chức đám cưới hay không |