Răng được tạo thành bởi thân răng và chân răng, phần răng lộ ra trong khoang miệng gọi là thân răng, phần cắm trong xương máng răng được gọi là chân răng, bộ phận giáp ranh giữa thân răng và chân răng gọi là cổ răng. Người già do lợi bị co lại nên chân răng có phần lộ ra ngoài. Quan sát theo mặt cắt ngang, răng gồm bốn bộ phận: men răng, chất răng, xương răng và tủy răng.
Men răng là một lớp cứng bao phủ trên thân răng, ở ngọn răng là nơi men răng dày nhất, càng xuống phần cổ răng càng mỏng dần. Men răng là chất nửa trong suốt, có màu trắng sữa hoặc màu vàng nhạt, màu sắc của men răng có quan hệ với độ khoáng chất có trong men răng, độ khoáng càng cao thì men răng càng trong, do chất răng nằm dưới có màu vàng nhạt; nếu độ khoáng thấp thì độ trong của men răng kém, màu của chất răng không lộ ra ngoài nhìn răng có màu trắng sữa. Răng sữa có độ khoáng thấp nên có màu trắng sữa, răng đã thay có độ khoáng cao nên có màu vàng nhạt. Men răng là tổ chức cứng nhất, có thể chịu được áp lực tương đối lớn. Men răng giòn nhưng chất răng ở dưới lại có sức đàn hồi nhất định nên có thể phân tán sức chịu đựng của men răng làm cho nó không dễ vỡ.
Xương răng là phần cứng phủ lên bề mặt của chân răng: ở cổ răng có độ dày khác nhau. Xương răng và mô xương tương tự như nhau nhưng trong xương răng không có mạch máu. Trong điều kiện sinh lý bình thường, các mô xương vửa không ngừng sinh sôi mà không bị hấp thu. Trong xương răng có những sợi tơ liên kết với xương máng răng làm cho răng cố định ở trong xương máng răng.
Chất răng là phần cứng nằm ở mặt trong của men răng và xương răng, tạo thành chủ thể của răng, bảo vệ tủy răng bên trong, đồng thời hỗ trợ cho men răng và xương răng ở bên ngoài. Chất răng có màu vàng nhạt, hơi có tính đàn hồi, độ cứng thấp hơn men răng và cao hơn một chút so với mô xương.
Bên trong răng có một khe hở, gọi là khoang tủy, tủy răng nằm trong khoang đó. Tủy răng là một loại mô liên kết xốp, trong đó bao gồm các mô thần kinh, mạch máu, mô lim pha, tế bào tạo chất răng, ... đó là trung tâm dinh dưỡng, cảm giác và miễn dịch của răng, vì vậy cách gọi thông thường của bộ phận này là "thần kinh răng" là không toàn diện. Hệ thần kinh trong tủy răng rất phong phú, khi chịu sự kích thích ở bên ngoài thường có phản ứng đau mà không phân biệt được các kích thích khác nhau như nóng, lạnh, áp lực, hóa học ... điều này có thể do trong tủy răng thiếu bộ phận cảm thụ đối với những kích thích này. Thần kinh tủy răng còn thiếu năng lực định vị, do đó khi bị viêm tủy răng, người mắc bệnh không thể chỉ ra chính xác đau ở bộ phận nào |