Tế bào là chất liệu cơ bản kiến tạo mọi cơ thể sống. Mỗi sinh vật sống đều được tạo nên bởi ít nhất là một tế bào. Sinh vật đơn giản chỉ gồm một tế bào. Những tế bào trong các tạo vật được kết cấu với nhau một cách phức tạp hơn thì cùng hoạt động với nhau. Chúng hợp thành từng nhóm hoàn thành một chức năng riêng nhưng đều nhằm một mục đích chung là sinh hoạt của thực vật hoặc sinh vật đó.
Mô là một nhóm tế bào cùng chủng loại thi hành một chức năng riêng, chẳng hạn mô xương, mô cơ bắp, mô vỏ (cây). Khi những mô phối hợp – “hợp tác” – với nhau trong một nhiệm vụ đặc biệt nào đó thì ta gọi đó là “cơ quan” (organ). Một ví dụ của sự phối hợp ấy là bàn tay ta chẳng hạn. Bàn tay ấy bao gồm mô xương, mô cơ, mô thần kinh… và nhiều loại mô khác. Té bào trong cơ thể ta có năm dạng - hay kiểu, chủng loại (type) – cơ bản. Tế bào biểu mô tạo thành da, tuyến (hạch) và các loại máu. Tế bào cơ tạo thành các loại bắp cơ (bắp thịt). Tế bào thần kinh tạo thành não, tủy và các dây thần kinh. Tế bào máu tạo thành máu và bạch huyết. Mô liên kết tạo thành một cái khung (sườn) mô của cà cơ thể.
Hệ thống tuần hoàn, trong các dạng sinh vật cấp cao, sẽ chuyển vận dưỡng chất và khí oxy đến các tế bào và khi trở về, sẽ chuyển vận các chất thải như khí carbon dioxide chẳng hạn. Từng tế bào đơn lẻ sẽ từ từ kết hợp dưỡng chất và khí oxy để biến thành nhiệt và năng lượng cần thiết cho sự sống và hoạt động cơ thể. Nhờ có năng lượng đó mà cơ bắp có thể co duỗi, thần kinh có thể truyền lệnh và óc có thể suy nghĩ. |