Trước đây, người câm điếc vẫn bị xã hội đối xử tàn nhẫn, bị coi là người ngu đần, dốt nát, bị nhốt vào trong các trại tế bần, thậm chí còn bị giết hại. Nhưng đến thế kỷ XVI, một thầy thuốc Italia tên Giêrôm Cacđan đã nảy ra ý nghĩ dạy người câm điếc bằng các ký hiệu chữ cái.
Sự cố gắng của ông đã mang lại kết quả. Vào khoảng 100 năm sau ông, người ta phát minh ra một hệ thống chữ cái ra hiệu bằng tay, rất giống với các loại hiện nay người ta đang dùng. Người câm điếc có thể dùng tay mình làm công cụ để ghép các chữ cái đó lại thành câu. Một thí dụ về ngôn ngữ bằng tư thế tay như: khi ngón tay cái quệt qua trước miệng thì có nghĩa là "Bạn chưa nói thật với tôi", gõ nhẹ ba ngón tay lên trán nghĩa là "chú tôi". Dùng những cái ấy, một số người câm điếc có thể biểu đạt được tới 130 chữ.
Tuy vậy, nhiều giáo viên dạy trường câm điếc đều cho rằng phương pháp ngôn ngữ bằng tay và chữ cái bằng tay chưa phải là tốt nhất vì dùng các phương pháp đó người câm điếc chỉ trao đổi với những người câm điếc mà thôi. Bởi vậy các giáo viên đã sử dụng phương pháp gọi là "truyền miệng". Với phương pháp này, người câm điếc có thể hiểu được người khác nói gì với họ, và thậm chí họ còn có thể tự nói được.
Hiện nay nhiều người câm điếc hoặc khiếm thính (nghễnh ngãng) đã học được cách quan sát động tác mấp máy môi của người nói chuyện với họ, qua đó mà hiểu được người ấy nói gì. Họ cũng học được cách quan sát và sờ vào môi hoặc bộ phận phát âm thanh của giáo viên, qua đó bắt chước những động tác ấy của giáo viên.
Hiện nay, người ta dùng nhiều máy trợ thính (máy điếc) trong các lớp dạy trẻ câm điếc và trẻ khiếm thính, sử dụng cả máy trợ thính tập thể. Đó là máy gồm có nhiều tai nghe cá nhân dùng cho từng trẻ em câm điếc, có thể điều chỉnh âm lượng và âm điệu, giáo viên nói qua micrô và loa, trẻ câm điếc cũng nghe bằng cùng một phương pháp như nhau, tương tự như dùng tai nghe radio |