Con người ai cũng phải chết, nhưng khi người chết không phải toàn bộ cơ thể đều bị tổn hại, mà chỉ do bệnh tật của một bộ phận nào đó dẫn đến cái chết của cơ thể. Cho nên, các nhà y học đưa ra giả thuyết, nếu như có thể cắt bỏ những bộ phận mang bệnh gây nên cái chết và thay vào đó một bộ phận tương ứng khỏe mạnh, thì người đó chẳng thoát chết đó sao? Về giả thuyết này, ở mặt nào đó đã trở thành hiện thực.
Ví dụ: lấy thận khỏe mạnh của người bị chết đột ngột (tai nạn xe cộ, hung sát, sự cố, v.v.) nuôi cấy thay thế cho người có bệnh thận để cứu sống người bệnh đó, đã có rất nhiều ca thay ghép thành công ở nhiều nơi. Nhưng phương pháp này cũng rất bị động, không thực hiện theo ý muốn được: một là, một số thân nhân của người xấu số không tự nguyện hiến các bộ phận của người đã chết; hai là rất nhiều bộ phận không thể bảo quản thời gian dài được, do vậy mà không thể đảm bảo cung ứng đủ lượng yêu cầu.
Liệu có thể dùng các bộ phận, phủ tạng nhân tạo để thay các bộ phận, phủ tạng mắc bệnh trong cơ thể con người không? Cho đến nay việc này cũng đã thực hiện được một phần.
Tháng 12 năm 1982, một người Mỹ mắc bệnh tim sắp chết, sau khi thay quả tim nhân tạo làm bằng vật liệu cao phân tử hữu cơ, người ấy đã sống thêm được 112 ngày, kỷ lục này về sau luôn bị phá.
Năm 1984, một bệnh nhân nữ người Nhật Bản bị tổn hại nghiêm trọng hai đốt cột sống. Các thầy thuốc ở trường đại học Đông Kinh sau khi thay các đốt hư bằng sứ nhân tạo, người bệnh đã sống thêm được hơn 6 năm.
Được biết, ở nước ngoài có một người mà tai ngoài bị tổn hại hoàn toàn, các thầy thuốc đã dùng vật liệu kim loại tantan (Ta) để làm một tai giả, lấy miếng da ở đùi đắp lên tai giả này, miếng da đắp lên phát triển rất nhanh, chẳng bao lâu đã phủ kín tai giả, mọi người không phát hiện ra đó là tai giả.
Người ta gọi vật liệu dùng để chế tạo những bộ phận phủ tạng của con người là vật liệu y sinh vật.
Do cơ thể con người rất phức tạp nên vật liệu y sinh vật có những yêu cầu hết sức hà khắc. Một là nó phải vô hại đối với các bộ phận khác của cơ thể, có nghĩa là sau khi các bộ phận, phủ tạng nhân tạo được đưa vào cơ thể người, không gây nên những thay đổi bệnh lý, viêm nhiễm đối với những tổ chức tế bào xung quanh; hai là khi tiếp nhận máu không phát sinh hiện tượng máu đông, nghĩa là nó phải có khả năng chống đông máu.
Vật liệu y sinh vật có 3 loại lớn: loại thứ nhất là vật liệu cao phân tử hữu cơ, đa phần dùng để chế tạo phủ tạng nhân tạo như thận nhân tạo, mạch máu nhân tạo, tim nhân tạo, v.v. loại thứ hai là vật liệu kim loại như thép không gỉ, hợp kim Ti, hợp kim Ta, Co, Cr, v.v.; loại thứ 3 là vật liệu sứ như nhôm oxít, crôm oxít, v.v. Hai loại vật liệu sau, đa phần dùng để chế tạo các khớp, xương nhân tạo.
Hiện nay, trên thế giới mỗi năm ít nhất có 300 vạn bộ phận nhân tạo được thay thế vào cơ thể con người. Cùng với sự phát triển của vật liệu y sinh vật con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục gia tăng |