Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Nhân cách bệnh là gì? Phương pháp phòng ngừa?

 

Nhân cách bệnh là một bệnh tâm thần ranh giới, biểu hiện lâm sàng bằng những nét tính nết, bệnh lí, nhân cách mất thăng bằng và thiếu hoà hợp đến mức làm rối loạn sự thích nghi của cá nhân với môi trường, rối loạn mối tương quan bình thường với những người xung quanh. Bệnh xuất hiện ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên và kéo dài dai dẳng hầu như hết đời người bệnh. Trong bệnh nhân cách chủ yếu là thuộc tính cảm xúc và ý chí bị biến đổi bệnh lí còn trí năng vẫn duy trì tốt và có trường hợp còn phát triển cao hơn. Những đặc điểm về bệnh nhân cách tương đối ổn định và ít thoát triển, bệnh không dẫn tới mất trí.

Theo tài liệu điều tra cơ bản của ngành tâm thần tại nhiều vùng ở Việt Nam, tỉ lệ nhân cách bệnh chiếm 0,2-0,5% dân số. Theo tài liệu của Petrakov B.D, bác sĩ tâm thần Nga nghiên cứu trên 15 nước công nghiệp phát triển tỉ lệ nhân cách bệnh chiếm 2,3% dân số (1975).

Theo Maien và cộng sự (Đức, 1992) công bố tỉ lệ 10,3%. Theo Robins và Regier (Mĩ, 1991), tỉ lệ rối loạn nhân cách chống đối xã hội từ 2,1-3,4%, lứa tuổi từ 25-44 tỉ lệ cao hơn.

Rối loạn nhân cách có nhiều tên gọi khác nhau đã được mô tả từ đầu thế kỉ XIX. Các tác giả đã không thống nhất liên kết các rối loạn do thành một bệnh riêng. Đến nửa sau thế kỉ XIX xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về nhân cách bệnh. Năm 1860, Morel B. A (Pháp) đã công bố công trình “các bệnh tâm thần” với quan điểm nguyên nhân do thoái hoá di truyền; tác giả đã mô tả một thể bệnh thoái hoá nhẹ là nhân cách bệnh.

Năm 1886, Becterev B.M (Nga) đã công bố một cuốn chuyên khảo về nhân cách bệnh. Năm 1893, Kosakov C.C. (Nga) mô tả và sau đó năm 1994, Kraepelin Bệnh (Đức) cũng đã mô tả lâm sàng nhân cách bệnh.

Kretschmer (1921, Đức) đã công bố cuốn sách “Cấu tạo cơ thể và tính cách”. Ông chia những người bệnh ra 4 nhóm: phân liệt, khí sắc chu kì, động kinh và hysteria. Mỗi nhóm có một số tính cách nhất định; phân biệt người khoẻ với người bệnh là ở chỗ phân biệt số lượng những đặc điểm tâm lí đó. Nếu đặc điểm tâm lí lệch khỏi mức độ bình thường một cách sâu sắc thì có thể nói là nhân cách bệnh.

Năm 1933, Gannutskin P.B (Nga) lần đầu tiên đã mô tả hệ thống hoá đặc điểm lâm sàng động của nhân cách bệnh. Tác giải đã chú trọng 3 tiêu chuẩn chủ yếu:

Những đặc điểm bệnh lí về tính nết làm rối loạn sự thích nghi với môi trường xung quanh.

Những nét đặc điểm nhân cách bệnh lí có tính chất toàn diện không phải chỉ một số nét nhân cách mà toàn bộ tư chất tâm thần người đó có tính chất bệnh lí.

Những đặc điểm về bệnh nhân cách tương đối ổn định và ít thoát triển.

Schneider K, cho rằng người mắc bệnh nhân cách là người hoặc bản thân bị đau khổ về tính bất thường của mình hoặc làm xã hội phải chịu đựng khổ sở về tính bất thường đó.

Việc phân loại nhân cách bệnh có nhiều cách nhưng chưa cách nào được thừa nhận chung. Có nhiều tác giả đã phân loại trên cơ sở những triệu chứng không cơ bản, có khi chú trọng đến những triệu chứng tâm lí hoặc đạo đức.

Quan điểm học thuyết về loại hình hoạt động thần kinh cao cấp phân loại bệnh trên cơ sở sự biến thể của loại hình hoạt động thần kinh cao cấp.

Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10) phân định các rối loạn nhân cách bản thân nó có đặc trưng là các trạng thái bất thường của con người gây ra sự đau buồn cá nhân hoặc sự rối loạn hoạt động xã hội. Một số trạng thái và mô hình hành vi này xuất hiện sớm trong quá trình phát triển cá nhân như là hậu quả của nhân tố thể chất, một số khác được tập nhiễm về sau trong cuộc sống. Việc phân loại trong mỗi nhóm tuỳ theo hình thái ưu thế của những biểu hiện hành vi của nó.

Nhân cách bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo Paplop I.P. bệnh nhân cách là bệnh lí của hoạt động thần kinh cao cấp. Nó có thể do sự trùng hợp cả hai. Bệnh nhân cách bẩm sinh có thể do tác hại của giang mai; nghiện rượu thụ thai khi đang say rượu; bệnh của bào thai; thương tổn của bào thai; chấn thương sản khoa; chấn thương sọ não; nhiễm khuẩn và nhiễm độc từ tuổi thơ làm rối loạn sự phát triển của não; do ảnh hưởng của các yếu tố di truyền, yếu tố sinh hoá.

Bệnh nhân cách mắc phải phát sinh ra do nguyên nhân tâm lí. Sự giáo dục không đúng trong gia đình, ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội và các chấn thương tâm thần kéo dài làm cho sự phát triển tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên bị lệch lạc.

Nhân tố chấn thương tâm thần có thể tham gia vào sự hình thành bệnh nhân cách bẩm sinh, nhưng vai trò của chúng ở đây không phải là nguyên nhân cơ bản mà chỉ là nhân tố hỗ trợ, là điều kiện thuận lợi làm cho bệnh nhân cách dễ xuất hiện.

Bệnh sinh của các rối loạn nhân cách bệnh chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các sai lệch chức năng là những rối loạn về tương quan của các quá trình hoạt động thần kinh cao cấp của các hệ thống tín hiệu của võ não và các khu vực dưới vỏ.

Nhân cách bệnh thể hưng phấn là một biến thể bệnh lí của loại hình hoạt động thần kinh cao cấp mạnh, không thăng bằng với ức chế trong suy yếu và quá trình hưng phấn trội hơn quá trình ức chế.

Thể suy nhược là một biến thể bệnh lí của loại hình thần kinh yếu với đặc tính là sự suy yếu của các quá trình thần kinh cơ bản, dẫn tới ức chế thụ động. Thể hysteria có thể xếp vào một biến thể bệnh lí của loại hình thần kinh mạnh cũng như yếu, nhưng trong cả hai trường hợp đều có ưu thế của hoạt động dưới vỏ đối với hoạt động vỏ não và ưu thế của hoạt động dưới vỏ đối với hoạt động tín hiệu thứ hai. Thể paranoid đặc trưng là tính ý của các quá trình thần kinh và sự dễ dàng hình thành các ổ hưng phấn ứ đọng. Bệnh nhân cách thể bẩm sinh xuất hiện từ tuổi nhỏ, các biểu hiện đầu tiên và sự biến chuyển sau này của bệnh không quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh sống. Các biểu hiện nhân cách bệnh thường nặng lên trong các giai đoạn quá độ giữa các lức tuổi, các cơn khủng hoảng ở lứa tuổi trẻ em, ở thời kì dậy thì, thời kì mãn kinh; các hiện tượng tuổi già và xơ cứng động mạch não cũng làm biến đổi các biểu hiện của bệnh nhân cách.

Trong chứng phát triển bệnh nhân cách (mắc phải) ngay trong các biểu hiện đầu tiên của bệnh lí, nhân cách hình thành ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên đã thấy mối quan hệ chặt chẽ với các điều kiện giáo dục trong gia đình hoặc tập thể.

Sự hình thành nhân cách bệnh thể hưng phấn thường thấy trong những điều kiện thiếu theo dõi chăm sóc khi trẻ còn nhỏ hoặc thiếu niên bị buông lỏng, được tự do làm tất cả cái gì mới chợt nghĩ ra, không quen kìm nén những xúc cảm của mình và không tự chủ được. Các cảm xúc hưng phấn không những không được kìm hãm mà còn được củng cố (người bệnh phản ứng này giận dữ thực hiện bằng được ý muốn). Hình thức phản ứng này dần dần trở nên vững chắc thành thói quen như là một đặc điểm của tính nết.

Nhân cách bệnh thể ức chế hình thành trong những điều kiện đứa trẻ sống giữa những người thiếu tình cảm, thiếu sự âu yếm, bị sỉ nhục, bị xử phạt thô bạo vô lí. Thể hysteria hình thành trong hoàn cảnh đứa trẻ luôn được chiều quá trớn, tất cả mọi ý muốn và đòi hỏi của nó đều được thoả mãn, mọi hành động sai trái đều được bênh vực. Những điều kiện đó làm phát triển tính vị kỉ, tính tự ái và tính tự tôn quá cao. Chứng phát triển bệnh nhân cách khác với bệnh nhân cách bẩm sinh, đặc trưng là giai đoạn đầu đứa trẻ xử sự khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh khác nhau: ở trường học khi bị các trẻ cùng lứa tuổi chế nhạo, thì trẻ thường thể hiện những nét của thể nhân cách ức chế; ở nhà trẻ được nuông chiều trẻ lại hưng phần gần như làm khổ cả gia đình.

Các đặc điểm nhân cách bệnh có thể phát triển bằng những sự chuyển biến, những bước nhảy vọt. Người mắc bệnh nhân cách do khó hoà mình, gây khó khăn cho những người xung quanh, tạo nên một hoàn cảnh xung đột mà họ gây ra, sau cơn phản ứng các nét nhân cách bệnh càng tăng lên rõ rệt, đó là vòng xoáy nhân cách bệnh. Những thuộc tính nhân cách bệnh dẫn đến xung đột, xung đột gây ra phản ứng do tâm lí, trong khi phản ứng các thuộc tính nhân cách bệnh nặng thêm.

Các thể lâm sàng

Rối loạn nhân cách paranoid: đặc biệt có khuynh hướng hình thành các ý tưởng quá khích. Chủ đề hoang tưởng rất đa dạng (hoang tưởng nghi bệnh, ghen tuông bệnh lí, hoang tưởng phát minh, hoang tưởng bị theo dõi, kiện cáo bệnh lí, v.v...). Nhạy cảm quá mức khi thất bại hay bị cự tuyệt, có khuynh hướng thù dai dẳng, có tính đa nghi, tư duy phiến diện bảo thủ chuyển dần sang bướng bỉnh. Thường đấu tranh dai dẳng cho quyền lợi cá nhân không tương xứng với hoàn cảnh thực tế; có khuynh hướng đánh giáo cao mình. Người bệnh dễ sa lầy trong những ý nghĩ và xúc cảm nhất định: thô lỗ, thiếu tế nhị, nhìn ai cũng sẵn sàng cho họ có ác ý. Ít ai quan hệ tốt được với họ trong một thời gian dài, ở đâu có mặt họ là ở đó xung đột liên tục, có ác cảm với những kẻ thù tưởng tượng.

Rối loạn nhân cách phân biệt: Người bệnh khép kín, ít cởi mở, tách rời thực tế mất khả năng nhận cảm thích thú. Cảm xúc lạnh nhạt hay cùn mòn và mất khả năng thể hiện nhiệt tình với lời khen ngợi hay phê bình của mọi người. Thiếu mối quan hệ tâm tình mật thiết với người khác, họ thường được gọi là những người độc đáo, kì dị. Do tưởng tượng quá đáng, họ gom góp các tài liệu thực tế rồi tạo cho mình một quan điểm riêng, một thế giới riêng. Do ít hoạt động, khép kín, thô lỗ nên họ thường sống cô đơn. Hành vi thái độ biểu hiện không tự nhiên, điệu bộ, kiểu cách và khắt khe, châm biếm, cầu kì trong lời nói và âm điệu. Ít thích thú trong nhận cảm giới tính với người khác, khó khăn chấp nhận và thực hiện các quy ước xã hội.

Rối loạn nhân cách chống xã hội: Đặc trưng là sự không tương xứng giữa hành vi của người bệnh và sự chuẩn mực của xã hội đang thịnh hành. Lãnh đạm, nhẫn tâm đối với cảm xúc của người khác, thiếu khả năng đồng cảm với mọi người. Thái độ vô trách nhiệm và đùn đẩy, không thực hiện hoặc coi thường các chuẩn mực, nguyên tắc và nghĩa vụ xã hội. Người bệnh không có khả năng duy trì các mối quan hệ vững bền. Khả năng dung nạp rất thấp đối với sự bất toại, nhận cảm lầm lỗi và sự trừng phạt. Những người có rối loạn nhân cách loại này thường hay trách móc nhữn người khác hoặc đưa ra những lí lẽ có vẻ hợp lí để bào chữa cho những hành vi đã dẫn họ đến chỗ xung đột đối với xã hội. Tính cáu kỉnh dai dẳng, tính hung hãn mãnh liệt.

Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định: Người bệnh có đặc điểm hay phát khùng, dễ bị kích thích, dễ nổi cơn giận dữ, do đó còn gọi bệnh nhân cách bùng nổ hoặc nhân cách cảm xúc không ổn định: vì những phản ứng lí do rất nhỏ người bệnh có thể phát sinh những phản ứng độc ác mãnh liệt không thúch hợp. Người bệnh không chỉ quát tháo, chửi mắng thậm tệ, mà còn có hành động tấn công như ném đồ vật, cầm dao đâm xả vào người khác. Vì khó giao thiệp, hay xung đột và va chạm với những người xung quanh nên người mắc bệnh nhân cách thuộc nhóm xung đột thường gặp trong thực hành tư pháp tâm thần.

Người bệnh mất khả năng đặt chương trình, xem xét trước các kế hoạch, thấy trước những sự kiện, thường hành động không tính đến hậu quả. Sau các cơn bùng nổ cấp và bắt đầu yên tĩnh lại, người bệnh nhân cách xung đột thường không thừa nhận mình có lỗi và nói chung đổ tội cho mọi người. Đặc điểm của nhiều người bệnh trong nhóm xung động là hết sức bền bỉ, kiên trì, nhằm đạt mục đích và khi gặp trở ngại trên con đường đi tới khát vọng, họ thường phát sinh cơn bìng nổ giận dữ mãnh liệt. Tính vị kỉ cao luôn tìm kiếm một “lẽ cân bằng”, được quan niệm một cách định kiến, hay sinh chuyện kiện cáo. Đặc trưng là rối loạn khí sắc không chu kì: có thể là các phản ứng trầm cảm nhất là khi không đạt được ý muốn một cách nhanh chóng. Loạn cảm thường xuyên phát sinh đột ngột, không có lí do gì kéo dài vào giờ đến vài ngày và chấm dứt cũng đột ngột. Trạng thái tâm thần thường xuyên nổi bật là tư duy bầy nhầy, chi tiết, xúc cảm trí tuệ, tính vụn vặt nhỏ mọn quá mức. Một số bệnh nhân có xung động uống rượu hay dùng các chất ma tuý khác.

Rối loạn nhân cách kịch tính: Đây là một thể địa dễ phát sinh các phản ứng hysteria. Trong hành vi tác phong người bệnh nhân cách hysteria, cảm xúc đóng vai trò quyết định, cảm xúc nổi rõ và mãnh liệt về biểu hiện bên ngoài đồng thời hết sức dao động và hồi hộp. Sự vui sướng và buồn phiền thường biểu hiện các hình thức sân khấu như ôm chầm nồng nhiệt hoặc nức nở thất vọng. Người bệnh rất dễ bị ám thị, dễ chịu ảnh hưởng của người khác.

Đặc trưng là tính vị kỉ cao, khuynh hướng thường xuyên muốn mình là trung tâm chú ý của mọi người; họ cần người nghe và người xem chăm chú, cần sự ngạc nhiên và khoái trá của những người xung quanh. Người bệnh ham muốn được kích thích và kháo khát được khen. Họ luôn luôn tưởng tượng và bịa đặt, kể những chuyện khác thường trong đó tưởng như họ là nhân vật chính; họ say sưa với những chuyện do mình bịa ra, trình bày một cách bóng bẩy nhờ óc tưởng tượng rất sinh động và sự hình dung phong phú. Tuy vậy người bệnh có khi lại chủ tâm nói dối cũng với mục đích làm cho mọi người thích thú và chú ý đến mình. Loại người bệnh nhân cách đặc biệt này còn được gọi tên là những người nói dối bệnh lí. Nhiều khi cũng với mục đích muốn trở thành trung tâm chú ý hoặc nhằm thoả mãn một nguyện vọng nào đó, người bệnh nhân cách hysteria lại bài trí ra ý đồ tự sát để gây cảm tưởng họ là nạn nhân vô tội của một âm mưu; có trường hợp họ dùng cách tuyệt thực, hoặc làm ra vẻ đang bị một bệnh thực thể nặng.

Nếu người bệnh nhân cách hysteria không được mọi người chú ý quan tâm thì mau trở nên lờ đờ, gây sự, nhỏ mọn, độc ác và hay trả thù.

Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức: Đặc trưng là tính do dự nghi ngờ và cẩn thận quá mức, phản ánh sự bất an cá nhân sâu sắc. Người bệnh luôn phân vân về tất cả. Mỗi hành động đều được kiểm tra lại nhiều lần, quan tâm quá mức các chi tiết không tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề. Tính cho đáo và tỉ mỉ quá mức, người bệnh bận tâm đến suy nghĩ vô ích làm giảm những thúch thú và quan hệ giữa người với người.

Tính cứng nhắc và bướng bỉnh, mọi sự thay đổi đều khó khăn, mọi sự vi phạm đều quy định trong cuộc sống dù nhỏ nhất cũng đều rất nặng nề. Họ đòi hỏi những người khác phải phục tùng theo thói quen của mình. Có bệnh nhân biểu hiện những ý nghĩ hoặc xung động dai dẳng khó chịu nhưng không đến mức trầm trọng của một loại ám ảnh nghi thức. Họ có thể rất cầu kì, tỉ mỉ, đặt kế hoạch trước cho mọi hoạt động với những chi tiết không thể thay đổi được. Người bệnh thiếu tự tin, thường xuyên nghi hoặc, lo âu, họ sợ không biết có khả năng khắc phục những khó khăn có thể xảy ra hay không. Họ còn lo lắng đến sức khoẻ của mình, băn khoăn chú ý tới những cảm giác nhỏ nhất, mọi đau yếu không đáng kể họ cũng cho là vô cùng trầm trọng.

Rối loạn nhân cách lo âu, tránh né: Đặc trưng là cảm giác lo sợ dai dẳng và lan toả. Thường xuyên quá chú trọng bản thân và có cảm giác không an toàn. Thiếu tự tin, cho mình là thấp kém; rất nhạy cảm với sự hắt hủi. Ít quan hệ mật thiết với mọi người trừ khi có bảo đãm được tiếp nhận mà không bị nhận xét.

Người bệnh thường xuyên mong muốn được yêu thích và tán thưởng, có khuynh hướng phóng đại các tai hoạ và nguy cơ có thể xảy ra trong mọi hoàn cảnh đến mức tránh né một số hoạt động nhưng không đạt đến mức ám ảnh sợ.

Do quá lo lắng cho sự an toàn nên lối sống thu hẹp, khó gần gũi với mọi người. Tránh né những hoạt động nghề nghiệp và xã hội, cần sự tiếp xúc nhiều người do sợ bị phê bình, phản đối hoặc hắt hủi.

Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Biểu hiện: người bệnh khuyến khích hoặc cho phép người khác đãm nhân trách nhiệm trong những lĩnh vực chủ yếu của cuộc đời, luôn đặt nhu cầu của bản thân dưới nhu cầu của người khác mà mình phụ thuộc. Họ luôn luôn chịu ảnh hưởng của một ai đó, bắt chước ai đó, bọ ai đó điều khiển, người bệnh không muốn đưa ra những đòi hỏi dù rằng hợp lí đối với những người mà mình phụ thuộc. Tự nhân mìn h là người yếu đuôi, thiếu nghị lực, thiếu năng lực. Họ luôn bận rộn với ý bị bỏ rơi, có cảm giác rất khó chịu khi ở một mình. Dễ thất vọng kho có một mối quan hệ thân thiết bị gián đoạn. Người bệnh dễ bị lôi cuốn vào các tổ chức khả nghi, ở đây họ phục tùng quyền lực của bọn cầm đầu và trở thành người thực hiện không điều kiện các ý muốn của chúng; một số người bệnh đi vào con đường chè rượu, nghiện ma tuý.

Ngoài các thể nhân cách bệnh trên còn có nét nhân cách tăng đậm. Đây là một sự lệch lạc nhân cách ít trầm trọng hơn rối loạn nhân cách. Biểu hiện nhân cách thiếu hài hoà do đó sự tăng cường rõ rệt của một nét nhân cách đơn độc hoặc nhiều nét được tăng đậm bất thường ở mức độ nhẹ hơn. Nét tăng đậm xuất hiện ở tuổi trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Nét tăng đậm chưa phải là một rối loạn nhân cách nên ít khi buộc phải đi khám bệnh. Tuy nhiên nó có thể là một dấu hiệu quan trọng tiền bệnh lí cần được đánh giá và tiên lượng của các rối loạn tâm thần về sau.

Những nét nhân cách tăng đậm có thể về mặt cảm xúc hưng phấn, ức chế, có thể tri giác, tư duy hoặc hành vi tác phong. Việc phân ra các thể nhỏ tương tự như các thể nhân cách bệnh.

Việc chẩn đoán xác định bệnh nhân cách điều quan trọng là phải có những tài liệu khách quan về người bệnh được thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc điểm bệnh lí không phải chỉ thể hiện ở lời nói của người bệnh mà còn hành vi tác phong của người bệnh trong điều kiện sống hằng ngày.

Sau đây từ những nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán chung áp dụng cho các rối loạn nhân cách:

Hành vi thái độ thiếu hài hoà rõ rệt thường chạm đến nhiều lĩnh vực hoạt động. Cảm xúc, tri giác, tu duy, hành vi, tác phong không bình thường.

Mô hình hành vi bất thường lan toả và không thích ứng rõ ràng với những hoàn cảnh cá nhân và xã hội.

Những đặc điểm bệnh lí xuất hiện trong thời trẻ em hoặc tuổi thanh thiếu niên và tiếp xúc đến tuổi thanh niên.

Rối loạn này đưa đến đau buồn cá nhân nhưng chỉ xuất hiện về sau trong quá trình tiến triển của bệnh.

Bệnh không làm giảm sút trí năng, hoạt động nghề nghiệp và xã hội thường không giảm sút đáng kể.

Trắc nghiệm tâm lí MMPI (Minnesota Multiphasic Personality Invebtory). Đánh giá nhân cách. Kết quả được ghi thành điểm trên 9 bậc thang lâm sàng (thang ghi bệnh, thang rối loạn nhân cách, trầm cảm, tâm căn, v.v...,).

Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt một số trạng thái giống nhân cách bệnh phát sinh ở các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, chấn thương sọ não.

Bệnh tâm thần phân liệt: những thay đổi tính tình có thể rất sớm và những biểu hiện rõ rệt của bệnh trong thể đơn thuần bề ngoài như các trạng thái nhân cách bệnh, nhưng thu thập tỉ mỉ về bệnh sử, tiền sử nghiên cứu bệnh theo hình cắt dọc sẽ giúp phát hiện những triệu chứng đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt biểu hiện bằng các triệu chứng hoang tưởng ảo giác, cảm xúc ngày càng khô lạnh và những thiếu sót khác của bệnh phân liệt.

Động kinh: ngoài các cơn co giật người bệnh có những biến đổi nhân cách giống nhân cách bệnh. Đặc điểm của nhân cách động kinh là phạm vi thích thú thu hẹp, người bệnh trở nên ích kỉ, hay gây gổ, nhỏ nhặt, quá cầu kì vụn vặt; khi thì niềm nở cởi mở ngọt ngào khi thì độc ác tấn công bất thình lình nổ ra một cơn giận dữ mãnh liệt. Tư duy bầy nhầy khuynh hướng đi vào chi tiết.

Loạn tâm thần do chấn thương sọ não và những bệnh khác của não. Bề ngoài những biến đổi tính nết rất giống nhân cách bệnh, người bệnh dễ bùng nổ, loạn cảm, v.v...

Những trạng thái đó chỉ là một giai đoạn tiến triển của bệnh chấn thương hoặc bệnh não khác. Do đó cần thu thập bệnh sử, tiền sử và khám xét lâm sàng tỉ mỉ, phát hiện sự biến đổi nhân cách liên quan với bệnh chính.

Bệnh tâm căn: các rối loạn trong bệnh tâm căn không đến nổi làm biến đổi nhân cách người bệnh nặng và lan toả như nhân cách bệnh. Các triệu chứng bệnh tâm căn thì chính người bệnh nhận biết, hiểu rõ; đó là những rối loạn bệnh lí và có khả năng phê phán bệnh tật.

Trong việc điều trị nhân cách bệnh phải sử dụng cơ chế bù trừ kết hợp sử dụng tâm lí liệu pháp, giáo dục lao động với thuốc men điều trị các triệu chứng kích động lo âu, trầm cảm.

Tâm lí liệu pháp có thể thực hiện từng cá nhân, nhóm hay cộng đồng.

Tâm lí liệu pháp cá nhân đối với nhân cách bệnh có một số khác biệt quan trọng so với điều trị bệnh tâm căn, ít tái tạo lại những sự kiệ quá khứ, chú trọng phân tích phải xem xét kỹ sự liên hệ của một người với người khác. Chú trọng bất kì một sự không thống nhất nào giữa thói quen của bệnh nhân trong quan hệ với người khác và cuộc sống thực tại của họ.

Người thầy thuốc phải thông cảm với người bệnh, chuyển cảm xúc của mình sang người bệnh có như vậy mới hướng dẫn người bệnh phản ứng thích hợp đối với người khác. Phải tuỳ theo đặc điểm và trạng thái bệnh của từng bệnh nhân để có thái độ tiếp cận và giải thích cho phù hợp. Đối với bệnh nhân rối loạn nhân cách hysteria họ có thể đưa ra những yêu cầu trực tiếp và gián tiếp đối với bác sĩ như yêu cầu thuốc men không hợp lí, luôn tìm kiếm sự giúp đỡ, thái độ quyến rũ, đe dọa hành động nguy hiểm. v.v... Bác sĩ phải cảnh giác và phải sáng suốt giới hạn chỉ định giải quyết những hành vi của bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân rối loạn nhân cách chống đối xã hội liệu pháp tâm lí cá nhân ít kết quả hơn. Sự tiếp cận hướng dẫn và phỏng vấn thường gặp khó khăn.

Bác sĩ phải kiên trì đối chất nhiều lần với những hành vi bất thường của bệnh nhân.

Điều trị tâm lí nhóm: mỗi nhóm từ 10-15 người thầy thuốc chủ trì hướng dẫn bệnh nhân tự bộc lộ những cảm xúc hành vi của mình nhóm thảo luận phân tích, phê phán giúp cho mỗi người nhận thức được hành vi bất thường của mình và của người khác qua nhiều lần người bệnh sẽ học tập, kiểm tra hành vi của họ và chấp nhận con đường đối phó với cảm xúc và mối quan hệ sai lệch của họ.

Điều trị thuốc: trước đây do quan niệm bệnh nhân cách chỉ là biểu hiện của một trạng thái bệnh lí bẩm sinh, không thay đổi được nên người ta không điều trị bằng thuốc. Để chữa triệu chứng, tuỳ trường hợp người ta dùng các thuốc giảm đau, gây ngủ và an dịu thần kinh. Chú ý nhiều đến việc tổ chức lao động và giáo dục người bệnh.

Với quan niệm về bệnh nhân cách dựa trên nguyên tắc động học (dynamica) các vấn đề điều trị được làm sáng tỏ hơn.

Các thuốc an thần kinh đã được sử dụng rộng rãi.

Đối với thể hưng phấn, xung động, paramoid chỉ định điều trị các thuốc nozinan (tisercine) 25-100mg/ngày hoặc aminazin (largactil) 50-100mg/ngày chia làm 3 lần; hoặc melleril 100-200mg/ngày.

Đối với các thể ám ảnh, hysteria, lo âu chỉ định các thuốc an thần nhẹ, bình thản.

Librium có tác dụng làm giảm các hiện tượng nhân cách bệnh. Librium được chỉ định trong các trạng thái cân thẳng cảm xúc, loạn cảm, lo âu, sợ hãi, liều lường librium (Elenium) 5-20mg/ngày chia làm 3 lần.

Hoặc meprobamate (andaxin) 200-800mg/ngày hoặc seduen (valium, diazepam) 5-15mg/ngày.

Đối với trạng thái căng thẳng cảm xúc, lo âu, loạn cảm có thể dùng thuốc chống trầm cảm yên dịu amitriptyline 50-100 mg/ngày chia làm 2 lần.

Tuy bậy điều trị nhân cách bằng thuốc chỉ có ý nghĩa hỗ trợ các biện pháp y tế - giáo dục, lao động và tái thích ứng xã hội có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh nhân cách. Những phương pháp này luôn luôn phải thích hợp với từng người bệnh. Xuất phát từ 2 quy tắc quan trọng nhất: các quá trình hoạt động thần kinh cao cấp có thể rèn luyện được và bản chất tâm thần của người nhân cách bệnh có những mặt yếu, dễ bị thương tổn.

Do đó với từng người bệnh cụ thể cần chọn những công việc chế độ, hoàn cảnh thích hợp. Kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục uốn nắn những cảm xúc hành vi sai lệch của người bệnh. Tổ chức các cơ sở lao động, dạy nghề tạo điều kiện cho người bệnh tự bảo đãm sinh sống. Giữa những người cùng công tác tại cơ quan, xí nghiệp cần giải quyết tốt những mâu thuẫn, những thắc mắc, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Trường hợp đặc biệt cần phải thay đổi môi trường và điều kiện sống thậm chí phải tách người bệnh ra khỏi môi trường gia đình nếu gia đình giáo dục con cái không tốt thường xuyên gây căng thẳng cho người bệnh.

Nhân cách bệnh có thể do căn nguyên bẩm sinh hoặc mắ phải. Do đó việc phòng bệnh bao gồm nhiều biện pháp như y tế, giáo dục, tổ chức xã hội.

Tích cực bảo vệ ba mẹ và trẻ em để mỗi em bé ra đời hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần.

Cần tránh các yếu tố gây thương tổn bào thai (rượu, giang mai, nhiễm trùng, nhiễm độc, sang chấn cơ thể và tâm thần). Tránh các chấn thương sản khoa cũng như các chấn thương sọ não; chống các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc tác động lên người bệnh ở tuổi ấu nhi và trong những năm đầu của cuộc sống.

Giáo dục thích hợp trong gia đình nhà trường xã hội nhằm mục đích bồi dưỡng một nhân cách mạnh, có khả năng chịu đựng cao và tự kiềm chế tốt.

Quá nuông chiều hay quá nghiêm khắc đều là hai cách giáo dục không đúng tạo điều kiện cho đứa trẻ hình thành tính cách xấu. Giáo dục của gia đình phải kết hợp chặt chẽ với giáo dục của nhà trường và tập thể. Tuỳ sức, tuỳ tuổi giáo dục động viên trẻ em lao động tự giải quyết khó khăn, rèn luyện tính dũng cảm, chịu đựng gian khổ và khiêm tốn thật thà, để đủ sức chống đỡ với những tác nhân có hại của môi trường.

Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm thần. Tạo môi trường lành mạnh, thoải mái tránh các yếu tố sang chấn tâm thần. Trong gia đình tránh cho con cái những cảm xúc nặng nề trước cảnh xung đột mâu thuẫn giữa bố mẹ. Trong tập thể phải pát hiện và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, thắc mắc cũng như nguyện vọng của đứa trẻ.

Gia đình và xã hội phải có thái độ đúng mức, tận tình tìm lối thoát cho đứa trẻ khi phạm khuyết điểm trầm trọng hoặc bị thất vọng lớn, lo lắng cao độ, v.v...

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình