Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Ngừa và điều trị bệnh
Viêm bàng quang là gì? Phương pháp điều trị?

Viêm bàng quang là một hội chứng bao gồm những bệnh lí có biều hiện viêm niêm mạc bàng quang do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân hay gặp nhất là các vi khuẩn không đặc hiệu, chủ yếu là các trực khuẩn gram âm, đứng đầu là Escherichia coli. Các vi khuẩn đặc hiệu thường gặp trong những bệnh lí riêng biệt như lao, lậu, v.v... Vì vậy, trong khái niệm thông thường, viêm bàng quang đồng nghĩa với viêm bàng quang do vi khuẩn không đặc hiệu gây nên, hay gặp ở phụ nữ. Tùy theo sự diễn biến của bệnh, người ta phân chia hai loại: viêm bàng quang cấp và viêm bàng quang mạn.

 Viêm bàng quang rất hay gặp do mắc phải ngoài bệnh viện cũng như trong quá trình điều trị ở bệnh viện. Trẻ sơ sinh bị viêm đường tiết niệu khoảng 1%, thường là trẻ em nam. Đến tuổi đi học, trẻ em gái có tỉ lệ viêm bàng quang từ 1 - 3%. Từ 20 tuổi trở lên, tỉ lệ này tăng lên ở nữ giới, song song với hoạt động sinh dục và quá trình sinh đẻ. Stamey ước tính có khoảng 20% phụ nữ có viêm đường tiết niệu trong cuộc đời. Nhìn chung tần số viêm bàng quang ở phụ nữ gấp 14 lần so với nam giới (Bergogne - Bérézies, 1985). Lúc có thai, số bệnh nhân nữ có vi khuẩn trong nước tiểu là 1 - 10% và trong đó 30% có khả năng bị iêm thận bể thận. Sau 50 - 55 tuổi, sự nhiễm khuẩn ở nam giới tăng lên do các bệnh của tuyến tiền liệt và bàng quang.

 Việc thăm khám và điều trị bằng dụng cụ nội soi cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới. Nhìn chung viêm bàng quang thường chiếm khoảng 5% các bệnh nhân khám tiết niệu.

 Viêm bàng quang xuất hiện mỗi khi vi khuẩn tác động trên bộ phận tiết niệu mà khả năng bảo vệ suy giảm.

 Các loại vi khuẩn: Phần lớn các loại vi khuẩn thường gặp xuất phát từ các chủng hoại sinh đường ruột. Một số vi khuẩn khác có nguồn gốc từ bên ngoài, đặc biệt trong môi trường bệnh viện.

 Các vi khuẩn hoại sinh đường ruột bao gồm nhiều loại: Escherichia coli là loại hay gặp nhất, chiếm trên 80% các vi khuẩn trên các bệnh nhân khám bệnh vì nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới.

 Hiện nay, người ta phân loại trên 150 chủng E. coli, nhưng chỉ có các chủng 01, 02, 04, 06, 018 và 075 hay gây bệnh. E.coli còn có các lông tơ, được gọi là pili hay fimbriac để bám vào biểu mô niệu và gây bệnh. Người ta đã phân biệt hai loại pili: loại pili 1 bám vào chất nhầy của bàng quang và loại pili 2 bám chắc vào các tế bào của biểu mô niệu. Các E. coli có pili 2 thường gây viêm thận - bể thận.

 Proteus mirabilis, có khả năng biến urê thành amoniac và dễ gây sỏi tiết niệu (sỏi struvite).

 Klebsielle pneumoniac, thường kháng với kháng sinh, đặc biệt là penicilline, vì chúng sản xuất men penicillinase

 Enterocoque gram dương, thuộc nhóm D của liên cầu khuẩn. Là một chủng hoại sinh ở da và niêm mạc nhưng trở thành một tác nhân gây bệnh nguy hiểm một khi kháng các loại kháng sinh, đặc biệt là kháng sinh mạnh như các loại céphalosporine.

 Các vi khuẩn đường ruột khác như Serratia, Enterobacter, Acinetobacter hay gặp trong nhiễm khuẩn ở bệnh viện.

 Các loại vi khuẩn nhiễm từ bên ngoài: Thường gặp là Pseudomonas aeruginosa và tụ cầu khuẩn.

 Pseudomonas aeruginosa là vi khuẩn gây 15% trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu, đặc biệt ở môi trường bệnh viện, ở những bệnh nhân phải điều trị lâu ngày và sử dụng nhiều kháng sinh.

 Tụ cầu khuẩn thuộc nhóm gram dương được chia làm hai loại: tụ cầu khuẩn vàng, gây nhiễm khuẩn nặng, kháng nhiều loại kháng sinh, thường gặp trong viêm bàng quang của phụ nữ trẻ, tụ cầu khuẩn coagluase âm, đặc biệt Staphylococcus saprophyticys và Staphylococcus epidermitis, ngày càng được phát hiện hiều trong nhiễm khuẩn tiết niệu dưới.

 Những điều kiện để vi khuẩn gây viêm bàng quang: Viêm bàng quang có thể xuất phát từ thận qua đường máu do vi khuẩn gây nên. Tình huống này ít gặp, vì phần lớn vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ngay ở thận. Tuy nhiên, những trường hợp viêm thận do sỏi hoặc do viêm có thể là nguyên nhân gây nên viêm bàng quang.

 Trong y văn cũng có nói đến chu trình ruột - thận, trong đó vi khuẩn theo đường bạch huyết để xuất phát từ đại tràng đến bàng quang. Nhưng trên thực tế điều này chưa được chứng minh.

 Hiện nay, các công trình nghiên cứu cho thấy là vi khuẩn trong bàng quang thường xuất phát từ hậu môn, trụ sinh vùng âm hộ và niệu đạo để tiến vào bàng quang. Thông thường, tầng sinh môn, tiền đình và niệu đạo nữ chức các trực khuẩn hoại sinh gram dương như Lactobacillus, Corynebactérium, tụ cầu khuẩn, cầu khuẩn ruột. Trong quá trình viêm nhiễm đường tiết niệu dưới, các tạp khuẩn này bị thay đổi và nhường chỗ cho các trực khuẩn gram âm, chủ yếu là E. coli. Điều này đã được chứng minh nhờ phân loại vi khuẩn theo tip huyết thanh (Stamcy, 1970). Các vi khuẩn E. coli bám vào biểu mô niệu nhờ các lông tơ (pili), đặc biệt các pili. Mặt khác, nhiều bệnh nhân, được gọi là “không tiết”, chỉ có rất ít thụ thể hoà tan trong chất nhầy của biểu mô niệu, làm giảm khả năng cạnh tranh để ức chế sự bám của vi khuẩn ào biểu mô. Chính ở các bệnh nhân “không tiết” này, các tế bào biểu mô niệu có sự giảm hoạt năng của fucosytransferase, một chất làm tăng sự hiện diện của oligosaccharide của các nhóm máu A, B và H có khả năng che phủ các thụ thể - bám oligosaccharide ở sát bề mặt biểu mô niệu. Vì vậy, ở các bệnh nhân này, các thụ thể dễ lộ ra để đón các lông tơ của E. coli gây bệnh (Lomberg, 1983).

 Các yếu tố thuận lợi để vi khuẩn gây viêm bàng quang ở phụ nữ là niệu đạo ngắn, sự trào ngược niệu đạo bàng quang lúc tiểu tiện xong, sinh hoạt tình dục à sinh đẻ nhiều lần.

 Các yếu tố bảo vệ của cơ thể: Nước tiểu là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Nhưng khi đưa vi khuẩn vào trong bàng quan của những người bình thường tự nguyện,thì sau một thời gian ngắn không còn vi khuẩn trong bàng quang(Cox và Hinman,1961).Vậy trong cơ thể có những cơ chế bảo vệ.

 Cơ chế bảo vệ đằu tiên và quang trọng là lợi niệu và đi tiểu tiện trong ngày. Lợi niệu làm pha loãng ước tiểu và mỗi lần đi tiểu làm giảm đáng kể lượng vi khuẩn,không để cho chúng phát triển.Sự co bóp của thành bàng quang có vai trò tống hết nước tiểu ra ngoài và không có sự tồn đọng nước tiểu.

 Niêm mạc bàng quang được phủ bởi một lớp màng nhầy, được gọi là glycosaminoglycan có tính chất bảo vệ biểu mô niệu,không cho vi khuẩn bám vào tế bào biểu mô.

Nhiều tác giả nói đến vai trò của những tác nhân miễn dịch.Viêm bàng quang thường kèm theo tăng các đề kháng thể IgA và IgG (Uehling)

Ở nam gớI niêu đạo dài hơn và xa hậu môn, đồng thời dịch tuyến tiền kiệt có khả năng hạn chế sự phát triển của một số vi khuẩn . Đó là những điều kiện giúp cho nam giới ít bị viêm bàng quang hơn nữ giới.Tuy nhiên ở trẻ em nam cũng dễ viêm đường tiết niệu do vi khuẩn có xu hướng bám vào các nếp của niêm mạc bao qui đầu (Fussell,1988).

            Viêm bàng quang cấp

Viêm bàng quang cấp là thể hay gặp nhất trong viêm đường tiết niệu dưới. Nguyên nhân là do các vi khuẩn gram âm đường ruột, chủ yếu là E coli. Các loại virut (adeno virus)hoặc nấm (candida)chỉ gặp trong một số trường hợp hạn hữu.

Thương tổn giải phẫu bệnh lí chỉ kh trú ở lớp niêm mạc bàng quang với các trạng thái xung huyết, phù nề, thâm nhiễm bởi các bạch cầu trung tính.Nhiều chỗ phù nề trở thành bọng nước hoặc loét nông kèm heo dịch rỉ.

Chẩn đoán viêm bàng quang cấp thường không khó khăn vì các triệu chứng xuất hiện đột ngột và khá rõ nét. Đái buốt với những cơn đau như xé từ niệu đạo lan đến vùng bàng quang. Càng về cuối bãi, càng buốt và buốt kéo dài trong nhiều phút sau khi tiểu . Đái nhiều lần ban ngày lẫn ban đêm với cảm giác lúc nào cũng buồn đi tiểu và sợ đi tiểu. Nước tiểu lờ đờ đục hay rất đục, có khi cuối bãi, nước tiểu có máu.

Bệnh nhân không sốt và đây là dấu hiệu quan trọng.

Ngược lại, các dấu hiệu thực thể không điển hình.Bệnh nhân thường kêu đau nhức vùng bàng quang, cần thăm khám niệu đạo, âm đạo ở nữ và niệu đạo, tuyến tiền liệt, tinh hoàn, mào tinh hoàn ở nam giới.

Trong viêm bàng quang cấp khôn nên thăm khám nội soi, vì dễ gây nhiễm khuẩn và đau đớn cho bệnh nhân.

Xét nghiệm nước tiểu rất quan trọng: tìm bạch cầu thoái hoá và vi khuẩn. Trước hết xem nước tiểu vừa hứng ngay lúc đi tiểu để tìm bạch cầu và vi khuẩn trên kính hiển vi.

Hiện nay một số phòng xét nghiệm có giấy thử dựa trên nguyên tắc là các trực khuẩn đường ruột, ngoài cầu khuẩn ruột và Protcus, làm thay đổi màu giấy thử khi nitrit chuyển thành nitrat.

Để được chính xác hơn cần định lượng bạch cầu thoái hoá đồng thời định lượng và xác định vi khuẩn gây bệnh. Nước tiểu phải được lấy giữa dòng, hoặc bằng thông đái, sa khi bỏ đi 10ml nước tiểu đầu tiên. Lấy nước tiểu vào buổi sáng, trước khi ăn uống.

Kết quả cho thâý có hiện tượng đái ra mủ, khi lượng bạch cầu thoái hoá trên 10.000 trong 1ml. Tuy nhiên,có nhiều trường hợp có viêm đường tiết niệu mà không đái ra mủ. Định lượng vi khuẩn có ý nghĩa lớn khi số lượng vi khuẩn vượt trên 105 vi khuẩn/ml. Tuy nhiên số lượng có thể thấp hơn nếu bệnh nhân dùng thuốc lợi niêụ và sử dụng kháng sinh. Xác định vi khuẩn gây bệnh được thực hiện sau 48 giờ nuôi cấy vi khuẩn.

Mỗi khi đái ra mủ không kèm theo kết quả rõ rệt về nuôi cấy vi khuẩn, Cần nghĩ đến trườg hợp bệnh nhân đã dùng khá sinh đặc hiệu hay có những loại vi khuẩn mà nuôi cấy chưa thích hợp: vi khuẩn kị khí, nấm Clamydiatrachomattis, v.v...

Viêm bàng quang mạn

Viêm bàng quang mạn do vi khuẩn không đặc hiệu thực chất là viêm bàng quang cấp tái phát nhiều lần trong năm, thường xảy ra mặc dầu đã được điều trị với các kháng sinh đặc hiệu đối với vi khuẩn đã được phân lập và nuôi cấy. Vì vậy, cần loại trừ các thể viêm bàng quang tái phát do điều trị không đúng quy cách, đặc biệt không đúng liều lượng.

Về thương tổn giải phẫu bệnh lí, niêm mạc có biểu hiện phù nề và xung huyết nặng, dễ xước và thường có ổ loét. Lớp dưới niêm mạc bị thâm nhiễm bởi nguyên bào sợi, tương bào và lympho bào. Càng về sau, thành bàng quang dày lên xơ hoá và kém đàn hồi.

Những điều kiện thuận lợi: bao gồm các yếu tố toàn thân và tại chỗ. Các yếu tố toàn thân được nêu lên là tuổi già và mãn kinh, đái tháo đường. Trong các yếu tố tại chổ, thường kể đến:

Các bệnh lý ở bàng quang do viêm nhiễm, u, sỏi, dị vật, chỉ khâu. Tồn đọng nước tiểu do nguyên nhân thực thể hay chức năng bàng quang, thần kinh không ổn định cũng là những điều kiện gây viêm nhiễm kéo dài.

Các bệnh lí niêu đạo cũng hay gặp trong viêm bàng quang mạn. Hẹp lỗ đái gây viêm ngược dòng do dòng xoáy của nước tiểu, tật lỗ đái thấp tíu thừa niệu đạo, viêm các tuyến cạnh niệu đạo.

Âm đạo của phụ nữ lớn tuổi thường kém nuôi dưỡng vì estrogen giảm. Mặt khác pH âm đạo trên 5 giúp cho vi khuẩn phát triển.

Các thăm khám lâm sàng: nhằm tìm nguyên nhân hay các điều kiện thuận lợi gây viêm bàng quang.

Thăm khám lỗ đái là một thỉ quan trọng. Cần quan sát vị trí (polip, lộn niêm mạc). Để phát hiện các dây chằng, vết sẹo ở vùng tiền đình làm lệch hướng lỗ đái dùng thao tác O’Donnell. Dùng hai gón tay gập cong để ấn chắc âm hộ xuống dưới và quan sát vị trí lỗ đái.

Niệu đạo phải được khám kỹ từ ngoài vào trong để phát hiệh túi thừa, apxe cạnh niệu đạo. Sau cùng dùng ống thăm dầu tròn để kiểm tra niệu đạo có bị hẹp không. Lúc kéo ống thăm ra thấy vướng thì rõ ràng niệu đạo bị hẹp.

Khám âm đạo tử cung và các phần phụ là những thao tác cần thiết để phát hiện viêm, u và ung thư.

Soi bàng quang: Ngoài giai đoạn viêm bàng quang cấp, soi bàng quang rất cần thiết để xác định viêm và đặc biệt là phát hiện các trường hợp phải u bàng quang, sỏi, dị vật, chỉ khâu, v.v...

Người soi bàng quang phải có kinh ngiệm để phân biệt phù nề và u bàng quang, viêm bàng quan đặc hiệu của lao. Trong một số trường hợp phải làm sinh thiết để có chẩn đoán xác định.

Xét nghiệm tế bào vi khuẩn xét nghiệm tế bào để định lượng bạch cầu thoái hoá và tìm tế bào ác tính trong những trường hợp nghi ung thư bàng quang tại chỗ (in situ).

Xét nghiệm vi kuẩn giúp cho việc xác định viêm bàng quang tái phát do vi khuẩn đã phân lập từ trước hay viêm bàng quang tái nhiễm do một vi khuẩn khác. Cần chú ý tìm trực khuẩn lao mỗi khi đái ra mũ và không có vi khuẩn kèm theo. Xét nghiệm vi khuẩn phải kèm theo kháng sinh đồ để có phương hướng điều trị và đánh giá kết quả điều trị qua từng thời gian .

Xác định vị trí nhiễm khuẩn trên hệ tiết niệu. Một khi tìm thấy vi khuẩn trong nước tiểu, cần xác định nhiễm khuẩn ở thận hay ở bàng quang. Mặt khác có khoảng 18% nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu trên gây viêm bàng quang (Busch và Hutand: 1984). Phương pháp đưa hai ống thông lên niệu quản (Stamey, 1972) hiện nay ít được dùng. Fairley (1971) giới thiệu phương pháp rửa bàng quang với 2 lít huyết thanh sau khi đặt một ống thông niệu đạo. Xét nghiệm vi khuẩn trước và sau khi rửa bàng quang để dánh giá vị tri nhiễm khuẩn. Thomas (1974) sử dụng phương pháp miễm dịch, dựa trên nguyên lí là chỉ các vi khuẩn trong viêm thận - bễ thận mới tạo kháng thể đặc hiệu.

Chụp X quang cho phép phát hiện những thương tổn đặc hiệu trong

viêm thận bể thận (nhu mô thận mỏng, đài thận tù).

Chẩn đoán phân biệt: Trước hết phải loại trừ ung thư bàng quang, đặc biệt là ung thư tại chỗ (in situ) và trong trường hợp này phải làm sinh thiết. Một bệnh lí khác phải chú ý xem xét là lao tiết niệu, vì cần phải có chẩn đoán chính xác và điều trị lâu dài.

Ngoài ra có hai loại bệnh có đầy đủ các triệu chứng của viêm bàng quang nhưng không đái ra mủ và không có vi khuẩn trong nước tiểu.

Viêm kẻ bàng quang, được Hunner mô tả (1914) nguyên nhân chưa rõ hay gặp ở phụ nữ trung niên. Thương tổn chủ yếu là xơ cứng dưới niêm mạc, gây phù nề và xuất huyết dưới niêm mạc. Dung tích bàng quang bị thu hẹp. Trong một số trường hợp có ổ loét ở vùng đỉnh bàng quang (ổ loét Hunner).

Viêm đau bàng quang: trong các tình huống này “nước tiểu trong”, không có vi khuẩn, nhưng có các triệu chứng đái buốt, đái nhiều lần và đau tức vùng hạ vị và tần sinh môn. Nguyên nhân chưa rõ nhưng có thể có các yếu tố nội tiết, tâm thần hoặc thương tổn vùng niệu đạo sinh dục.Vì vậy, một số tác giả đề xuất tên bệnh “Hội chứng niệu đạo”.

Điều trị

Điều trị viêm bàng quang cấp và mạn đều dựa vào kháng sinh đồ để sử dụng loại kháng sinh thích hợp. Vì vậy, ngoài những nguyên tắc chung về sử dụng kháng sinh, nên chú ý các đặc điểm sau đây:

Tác dụng của kháng sinh chịu ảnh hưởng của những đặc tính sinh vật học của nước tiểu. Các loại aminosid có tác dụng tốt trong môi trường kiềm. Các loại bêta và tétracyclin có tác dụng tốt trong môi trường axid.

Một số thuốc như rifampicin, quinolone dùng riêng lẽ dễ gây chọn lọc các chúng đột biến.

Chú ý đến tác dụng phụ: độc với thận (aminosid), tăng mẫn cảm (penicillin), ngứa (sulfamid), buồn nôn (nitro-furantoin).

Đối với phụ nữ có thai và lúc cho con bú, không nên dùng aminosid, sulfamid, quinotone. Có thể dùng pénicilltine, céphalosporin.

Điều trị viêm bàng quang cấp: thường đơn giản với kháng sinh chống vi khuẩn gram âm, thuốc giảm đau và giảm co thắt.

Thuốc được dùng thường là sulfonamid, trimethoprin, sulfamethazol, nitrofurantoin hoặc các loại pénicillin dùng từ 1-3 ngày. Viêm bàng quang cấp thường không để lại di chứng.

Điều trị viêm bàng quang mạn cấp: phức tạp hơn.

Trước hết tìm nguyên nhân gây viêm nhiễm kéo dài. Nguyên nhân có thể là một loại vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh như Pseudomonas aerugnosa, tụ cầu trùng vàng, đặc biệt khi bệnh nhân cò mang ống thông dẫn lưu bàng quang hoặc có sỏi bàng quang.

Các nguyên nhân khác có thể gặp là rò bàng quang, dị vật, chỉ khâu, túi thừa bàng quang hoặc túi thừa niêu đạo, hẹp niệu đạo. Mỗi khi các nguyên nhân này được giải quyết việc điều trị bằng kháng sinh sẽ có hiệu quả hơn.

Các loại kháng sinh thường được dùng trong viêm bàng quang mạn là sulfamid, pénicillin, nitrofurantoin, quinotone cho đến khi không còn vi khuẩn gây bệnh. Nhiều tác giả khuyên nên tiếp tục điều trị dự phòng với nitrofurantion 100mg mỗi ngày hoặc trimethoprin-sulfamethoxazol 480mg mỗi ngày trong nhiều tháng.

Các biện pháp hỗ trợ bao gồm bơm nitrat bạc vào bàng qung, tránh táo bón và đặc biệt là vệ sinh sinh dục.

Tóm lại,viêm bàng quang là một bệnh lí hay gặp ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhiều người. Trong khi viêm bàng quang cấp thường dễ chẩn đoán và điều trị đơn giản trong vài ngày, viêm bàng quang mạn khó điều trị dứt điểm nếu các yếu tố tác động đến viêm nhiễm kéo dài chưa được phát hiện và giải quyết một cách triệt để. Trong mọi trường hợp tránh chẩn đoán nhầm lao tiết niệu và đặc biệt ung thư bàng quang với viêm bàng quang thông thường hay gặp.

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình