Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
Viêm mũi dị ứng là gì? Phương pháp điều trị?

Viêm mũi là bệnh dị ứng của toàn thân có biểu hiện tại chỗ, thường biểu hiện bằng những cơn hắt hơi, sổ mũi và tắc mũi. Do không phải là bệnh riêng của cơ quan mũi mà là hiện tượng dị ứng toàn thân có biểu hiện tại chỗ.

            Từ cổ xưa, đã có nhiều thầy thuốc chú ý đến những phản ứng không bình thường trên của niêm mạc mũi. Một số người khi hít phải phấn hoa, bụi nhà, v.v... đã có những biểu hiện trên, trong khi đó, nhiều người khác không ảnh hưởng gì.

            Phản ứng trên khác hẳn phản ứng của niêm mạc mũi khi phải tự vệ chống lại một chất kích thích nào đó và người ta thấy yếu tố gây bệnh, tuy với số lượng rất nhỏ đã gây được phản ứng khá mạnh.

            Xưa kia, Gabien đã thấy sự bất dung khi uống sữa dê và đã biết cách chống lại hiện tượng đó.

            Ptolémée Dioscaride đã đề cập đến cơ địa và dùng từ đặc ứng (Idiosyncraise). Đến 1873, Blackley mới phát hiện ra bệnh dị ứng với phấn hoa và đồng thời ông cũng là nạn nhân của bệnh này. Ông mô tả triệu chứng và đã dùng các nghiệm ứng da, nghiệm ứng kích thích niêm mạc mũi, màng tiếp hợp để tìm mối liên quan giữa viêm mũi với chất gây bệnh.

            Các hiện tượng xảy ra vẫn nguyên như vậy, người ta vẫn hắt hơi với phấn hoa, bụi nhà, vẫn nổi mề đay khi ăn cùng một loại thức ăn, v.v... nhưng việc đánh giá các hiện tượng trên đã thay đổi.

            Những kết quả nghiên cứu choáng phản vệ của Magendie, nhất là của Richet (1850 - 1935) và Portier (1866 - 1963) và các kết quả nghiên cứu tiếp theo đó, đã đặt cơ sở khoa học cho dị ứng học và mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ của môn khoa học này mấy chục năm qua.

            Cơ chế phản ứng dị ứng ở niêm mạc mũi là cơ chế quá mẫn cảm nhanh: vai trò của kháng thể IgE và 2 loại tế bào chính là mastoxyl và basophil.

            Nguyên nhân và cơ chế

            Dị nguyên gây bệnh bao gồm:

            Dị nguyên đường thở nguồn gốc thực vật như phấn hoa; dị nguyên trong nhà ở: bụi nhà, nấm mốc, vải sợi, lông gia súc, gia cầm, v.v...

            Dị nguyên thức ăn: một số quả như dâu, dứa, v.v... loại khác như tôm, cua, cá, v.v...

            Dị nguyên là các loại thuốc chữa bệnh, đặc biệt là kháng sinh, aspirin, quinin, v.v...

            Dị nguyên là vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn coli.

            Ở Châu Âu, dị nguyên hàng đầu trong viêm mũi dị ứng là phấn hoa và bụi nhà (Bessot J.C., Khelladi.a, Braun J.J và Pauli G. - ở Pháp). Ở Việt Nam, bụi nhà là dị nguyên hay gặp nhất, chiếm 83% số bệnh nhân viêm mũi dị ứng tại Khoa dị ứng miễn dịch tai - mũi - họng.

            Kháng thể IgE là kháng thể chính gây viêm mũi dị ứng do Johansson và Bennich tìm ra từ 1967. Ishizaka có những đóng góp quan trọng về vai trò gây bệnh của IgE và chính Ishizaka (1987) đã phát hiện một số tinh chất mới liên quan đến sự điều hoà tổng hợp IgE trong cơ thể. Đó là các sinh chất EFA (Enhacing Factor of Allergy): yếu tố kích thích dị ứng, và SFA (Suppressing Factor of Altergy): yếu tố ức chế dị ứng.

            Khi hiện tượng dị ứng xảy ra tại niêm mạc mũi, tế bào mastoxyt hoặc basophit được hoạt hoá: cơ quan cảm thụ trên màng tế bào tác động hệ thống enzym của màng, trong đó men adenylcyelaza có vai trò quan trọng. Lượng AMP vòng trong bào tương giảm, giải phóng các chất sinh học trung gian ra ngoài tế bào: histamin, serotonin, SRS-A, ECF-A, v.v... Hiện tượng này xảy ra rất nhanh (60 giây); các hạt chứa các chất sinh học có thể đầy ra ngoài tế bào bằng hệ thống mao dẫn hoặc ở lại trong nguyên sinh chất và giải phóng sinh chất tại đó.

            Trong quá trình phát sinh phản ứng quá mẫn cảm nhanh, ở niêm mạc mũi, histamin được giải phóng ra, hiện tượng giãn mạch dưới biểu mô và các hốc tế bào mô cùng phản ứng phù nề xuất hiện.

            Về tổ chức học: biểu mô niêm mạc mũi quá sản, dày lên do các lớp tế bào chen lẫn. Lông chuyển giảm hoặc mất đi từng đám, nhất là nơi có dị nguyên đột nhập; phù nề rõ rệt tại những vùng có lớp đệm lỏng lẻo. Nhiều loại tế bào xuất hiện, nhất là tế bào plasmoxyl, mastoxyl và cosinophit.

            Ở dịch mũi, các tế bào trên tăng, kể cả KT IgE đặc hiệu và IgE toàn phần. Hệ thống IgA - IgA, xuất hiện rất sớm từ lúc tiếp xúc với dị nguyên. Ig này được sản sinh tại chỗ do tế bào plasmoxyl có trong các tổ chức lympho của niêm mạc.

            Trên thế giới nhất là ở các nước công nghiệp phát triển số người mắc bệnh dị ứng đường hô hấp rất cao: Ở Hà Lan, 10% dân số bị mắc bệnh dị ứng đường hô hấp (Van Dishock và Franssen, 1968). Ở Cuba, 10% dân số bị hen phế quản (Hội nghị Quốc tế chuyên đề về hen phế quản, Lahabana, 1974). Ở Hoa Kỳ 2,9% số dân bị hen phế quản (thống kê của tổ chức y tế thế giới 1968). Ở Pháp, cứ 100 bệnh nhân dị ứng, có ¼ dị ứng tai - mũi - họng (Denis, Flèche, 1982). Số ngày nghỉ việc khá cao. Hoa Kỳ: 25 triệu ngày nghỉ hàng năm (Arbersmann, Ricket và Lee, 1968): Anh: 10 triệu ngày; Pháp: 10 tiệu ngày (Halpern B, 1970).

            Ở Việt Nam, do nền công nghiệp đang phát triển, nhiều thành phố có độ tập trung dân số cao, nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, việc sử dụng thuốc men khá rộng rãi, khí hậu khắc nghiệt, v.v... là những yếu tố tạo thuận lợi cho sự phát sinh ra dị ứng dưới nhiều thể loại, trước hết là dị ứng đường hô hấp.

            Số bệnh nhân đến khám chữa tại các cơ sở điều trị dị ứng ngày một nhiều. Tại khoa dị ứng lâm sang Viện tai mũi họng, số bệnh nhân viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 60% số bệnh nhân viêm xoang mũi.

            Về phương diện lâm sàng: bệnh viêm mũi dị ứng có 4 đặc điểm cần lư ý:

            Triệu chứng điển hình (hắt hơi, sổ mũi, tắc mũi, v.v...), bệnh cảnh kéo dài, thường kèm theo bội nhiễm; thương tổn dị ứng ở niêm mạc mũi đồng thời xuất hiện ở niêm mạc xoang mặt và có tính tiềm tàng; bệnh có thể kéo dài suốt đời người bệnh, không ổn định, biểu hiện thay đổi từng thời gian trên cùng một cá thể, tầng số và tính chất nguy hiểm của các đợt bội nhiễm.

            Có 2 loại viêm mũi dị ứng: loại do phấn hoa hay viêm mũi theo mùa và loại không có chu kỳ hay không theo mùa.

            Viêm mũi dị ứng do phấn hoa: Bệnh có triệu chứng rõ rệt, phát hiện dễ dàng, điều trị có hiệu quả. Điều đáng chú ý là viêm do phấn hoa là bệnh của người ở thành thị, không phải là bệnh của người ở nông thôn. Bệnh xuất hiện vào thời gian nhất định, ngay thời kỳ đầu của mùa hoa. Ở Pháp, dân sống trong phạm vi Paris dị ứng với hoa cỏ lúa, vào tuần cuối của tháng 5. Thời gian này có thể thay đổi do điều kiện thời tiết, nhưng xê dịch rất ít, khoảng 10 ngày trước hoặc sau thời hạn kể trên. Một số yếu tố phụ khác có thể thay đổi ngưỡng cửa độ mẫn cảm. Nhưng chu kỳ không chênh quá 15 ngày nếu so sánh người bệnh này với người bệnh khác.

            Triệu chứng: Hắt hơi từng cơn dài, trong nhiều giờ rất mệt mỏi; nước mũi trong, nhiều, ướt đẫm mùi xoa, nhưng không gây hoen ố, mũi ngạt, có cảm giác ngứa, khó chịu, nhức đầu, đôi khi có cảm giác căng ở vùng xoang mặt. Niêm mạt xoang phản ứng cấp tính, hình ảnh X quang rất rõ. Nhưng sau cơn dị ứng, các thương tổn trên không tồn tại nữa.

            Biểu hiện ở mắt xuất hiện kèm theo cảm giác rát bỏng ở kết mạc, vòm họng; mắt đỏ, nước mắt dàn dụa, bệnh nhân sợ ánh sáng, nhất là vào buổi sáng khi thức dậy; cơn xuất hiện nhiều lần trong ngày, tối dịu đi. Các triệu chứnbg dội lên khi bệnh nhân đi ra ngoài, dạo phố hoặc về nông thôn và người bệnh thấy dễ chịu khi đóng cửa ở trong nhà hoặc lúc trời mưa.

            Hoa cỏ lúa không phải là thủ phạm duy nhất gây loại bệnh này. Nhiều loại cây khác như ambrosia, thông, liễu, sồi, v.v... cũng cho phấn hoa gây bệnh nhưng tùy vùng, ở thời điểm khác nhau và tùy thuộc vào mùa nở hoa của chúng.

            Viêm mũi do phấn hoa không phải là bệnh của trẻ em (rất ít khi thấy xuấthiện ở trẻ dưới 10 tuổi), người ở độ tuổi trưởng thành hay gặp nhất.

            Bệnh xuất hiện hàng năm, lặp đi lặp lại vào thời gian nhất định (cuối tháng 5 ở Paris); đó là điều kiện thuận lợi để người thầy thuốc tìm nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị. Có thể triệu chứng khu trú chủ yếu ở mũi xuất hiện trong vài năm và đột nhiên ngừng hẳn, hoặc các triệu chứng ở mũi giảm dần theo năm tháng và hết khi bệnh nhân ngoài 50 tuổi. Nhưng sau đó một thời gian, cơn hen xuất hiện, người ta cho đó là độ mẫn cảm của niêm mạc mũi tiến triển theo vết dầu loang (Pasteur Vatery Radot - Paris). Nếu bội nhiễm phế quản kèm theo, tiên lượng khó khăn. Charpin (Marscille) nêu tỉ lệ lan xuống phế quản chiếm 50% số bệnh nhân có viêm mũi dị ứng do phấn hoa.

            Trên thế giới, bệnh viêm mũi do phấn hoa được nói đến nhiều ở Châu Âu và Bắc Mỹ, coi là loại bệnh khá phổ biến. Ở Việt Nam, loại bệnh này ít được nhắc đến. Tại khoa dị ứng mũi lâm sàng Viện tai mũi họng, trong nhiều năm qua, chúng tôi chưa gặp loại bệnh này. Có thể do chưa có điều kiện để phát hiện, thiếu dị nguyên đặc hiệu, có thể đã bỏ sót do ít kinh nghiệm thực tế, v.v.... Tuy nhiên, chúng tôi cũng giới thiệu loại bệnh này, thuần túy về phương diện lâm sàng để tiện tham khảo.

            Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ: Bệnh rất thường gặp, chiếm khá đông số bệnh nhân viêm mũi dị ứng. Các biểu hiện thể hiện ở niêm mạc, không có dấu hiệu ở mắt. Ba triệu chứng đặc trưng nhưng ít rầm rộ.

            Sổ mũi thường xuất hiện khi thức dậy, lúc người bệnh rời khỏi giường, giảm đi trong ngày và xuất hiện trở lại khi gặp luồng gió, gặp lạnh, tiếp xúc với bụi, v.v... Thời gian đầu, nước mũi trong, loãng sau nhày đặc và thành mủ. Nước mũi có thể chảy thành từng đợt dài, ngắn tùy từng trường hợp, có khi gây viêm loét vùng tiền đình mũi, rất khó chịu, sổ mũi là triệu chứng hay gặp trong viêm mũi dị ứng.

            Hắt hơi xuất hiện trước sổ mũi, nhưng ít rầm rộ hơn so với bệnh do phấn hoa. Cơn hắt hơi hàng tràng và trong trường hợp nặng, hắt hơi liên tục nhiều giờ trong ngày, gây mệt mõi và hạn chế sự tập trung lao động, giảm trí nhớ. Triệu chứng này cẩn được khai thác tỉ mỉ vì nó có giá trị chẩn đoán đáng quan tâm.

Ngạt mũi thay đổi tùy theo từng thời gian, mọi thay đổi của thời tiết và theo mùa. Mũi có thể tắc không đều nhau, bên nhiều, bên ít, rất khó chịu, phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản. Phải dùng thuốc co mạch nhỏ vào mũi nhất là về ban đêm để thông và ngủ được.

            Trong đa số trường hợp, 3 triệu chứng trên có đủ nhưng nhiệu khi, các triệu chứng xuất hiện không đồng đều, đôi khi không đủ.

            Ngoài những triệu chứng trên, còn xuất hiện cảm giác ngứa trong mũi, có tiết dịch ứ đọng trong vòm họng làm bệnh nhân luôn phải khạc nhổ. Vô khứu có thể xuất hiện. Bội nhiễm thường gặp trong viêm nũi dị ứng. Vai trò của vi khuẩn thể hiện theo 3 dạng:

            Như một yếu tố tạo thuận lợi cho quá trình dị ứng ở niêm mạc mũi xoang: kháng thể cố định trên cơ quan mũi nhọn (Pasteur Vallery Radot, Halpern và Monnier). Nhiễm trùng làm giảm ngưỡng cân bằng dị ứng và tạo thuận lợi cho các biểu hiện lâm sàng tiềm tàng xuất hiện.

            Như một yếu tố gây dị ứng, tạo ra dị ứng vi khuẩn: ở một số cá thể, vi khuẩn tạo ra 2 loại mẫn cảm: Mẫn cảm muộn kiểu tuberculin và mẫn cảm nhanh, ít hơn.

            Chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng:

            Thăm khám niêm mạc mũi: Khi thăm khám, hình thái lâm sàng của niêm mạc mũi rất đa dạng: Niêm mạc có phù nề, nhợt nhạt, phủ dịch nhày loãng, hoặc mũ đặc, trắng, vàng, xanh khi có bội nhiễm; niêm mạc cương đỏ phù nề, niêm mạc bình thường, không có thay đổi gì đáng kể ngoài cơn.

            Sự xuất hiện của polip có giá trị đáng kể; polip to, nhẵn không chảy máu, thường có nguyên nhân do dị ứng. Trong một số trường hợp, polip nhỏ xuất hiện ở khe cuốn giữa hoặc dưới dạng 1 viêm xường sàng phù nề. Riêng loại polip đơn độc (polip Killian) không có căn nguyên dị ứng.

            Viêm mũi dị ứng thường kèm theo tổn thương niêm mạc xong, trước hết là xoang hàm và xoang sàng. Xoang bướm, xoang trán ít gặp hơn. Triệu chứng kín đáo: cảm giác nặng ở vùng trán, căng ở vùng xoang hàm. Hình ảnh X quang cho trả lời khá rỏ: các xoang kém sáng, mờ toàn bộ, mờ hình khung, v.v... Chọc rửa xoang là 1 phương pháp điều trị và chẩn đoán được dùng trong nhiều trường hợp.

            Chẩn đoán bệnh dị ứng mũi: Cần tiến hành có trình tự:

            Bệnh án đầy đủ: tuổi, giới, nghề nghiệp, địa chỉ

            Khai thác tiền sử gia đình, cá nhân, các nguyên nhân, hoàn cảnh xuất hiện bệnh. Cần làm tỉ mỉ vì khai thác tiền sử và hoàn cảnh phát sinh bệnh giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán và xác định nguyên nhân, nhât là khi các kết quả xét nghiệm chưa thật xác định.

            Tìm các biều hiện dị ứng của các thành viên trong gia đình: ông, bà, cha, mẹ, anh chị em, con cái, bệnh nhân được hỏi về các biểu hiện dị ứng từ nhỏ: chàm, nổi mề đay, hắt hơi sổ mũi, các đợt viêm phế quản, v.v...

            Thời gian và hoàn cảnh xuất hiện: sau đợt cảm cúm hoặc nhiễm trùng, sau thời gian làm việc mệt nhọc, căng thẳng, tiếp xúc với dị nguyên, v.v... thay đổi thời tiết, theo mùa.

            Triệu chứng:

            Mũi: Tìm triệu chứng cơ năng (hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi) và thực thể: tình trạng niêm mạc mũi, các khe cuốn, vách ngăn, dịch tiết, v.v...

            Họng: niêm mạc họng, A, vùng mũi họng; tình trạng răng miệng.

            Tai: bệnh tícg ở tai giữa, xương chũm.

            Khí phế quản - phổi: Ở những bệnh nhân có biến chứng ho kéo dài và hen phế quản.

            Các xét nghiệm: Xét nghiệm về cơ địa dị ứng (P.H.P.: khã năng gắn histamin của huyết thanh), nghiệm ứng da với histamin, nghiệm ứng da với histamin, nghiệm ứng histamin ở mũi, tìm tế bào eosino.

            Các xét nghiệm khác: công thức máu, tốc độ tăng máu, tìm vi khuẩn trong dịch mũi, chụp X quang các xoang mặt, v.v...

            Nghiệm ứng da với dị nguyên nghi ngờ.

            Nghiệm ứng ở niêm mạc mũi với dị nguyên để phối hợp với nghiệm ứng da khi cần thiết.

            Nghiệm pháp hấp phụ miển dịch phóng xạ để phát hiện kháng thể IgE (Test par Radio - Immono - Absorption).

            Nghiệm ứng RIST (Radio - Immuno - Sorbent Test(, PRITS (Paper - Radio - Immuno - Sorbent Test): Phát hiện kháng thể IgE không đặc hiệu và nghiệm ứng RAST (Radio - Allergo - Sorbent Test): Phát hiện kháng thể IgE đặc hiệu. Các chất liệu sử dụng trong các nghiệm ứng trên có bán trên thị trường và sử dụng thường quy tại cơ sở dị ứng học có trang bị tốt.

            Bệnh viêm mũi dị ứng khó điều trị. Giải quyết các thương tổn ở mũi không đủ và nếu chỉ định không đúng, nhiều thủ thuật ở mũi đã làm tiên lượng xấu đi. Không có quy tắc cố định, mỗi bệnh nhân có cách xử lý riêng.

            Điều lý tưởngtrong điều trị là làm cho mỗi bệnh nhân mất đi phản ứng quá mẫn cảm khi tiếp xúc với di nguyên thì ta chưa làm được. Cho đến nay, các phương pháp thường dùng là giải quyết các thương tổn tại chỗ do dị ứng kết hợp các biện pháp khác như làm sạch môi trường, thay đổi cơ địa và đáp ứng miễn dịch, sau hết là làm biến đổi cơ quan phản ứng.

            Điều trị tại chổ: Giải quyết nề niêm mạc, sung huyết, xuất tiết, nhiễm trùng ở mũi và xoang. Hút nhẹ các dịch tiết. Dẫn lưu và giải quyết viêm nhiễm niêm mạc bằng dung dịch kháng sinh và cortisone. Chọc rửa xoang để chẩn đoán và điều trị các bệnh tích. Làm Proetz kết hợp.

            Lomusol (cromoglycate disodique - DSCG) dạng dung dịch 2% có tác dụng phòng cơn dị ứng vì ức chế giải phóng chất hóa học trung gian đối với tế bào mastoxyl. Hiệu quả của thuốc phụ thuộc vào thời gian dùng thuốc và khi mũi thông thoáng và ít tiết dịch.

            Điều trị tòan thân: thường dùng kháng histamin:

            Phénergan (prométhazine): kháng histamin tổng hợp dùng từ lâu, hoạt tính mạng và kéo dài, tác dụng đối với viêm mũi dị ứng, hen và nhiều biểu hiện dị ứng khác.Tác dụng phụ: gây buồn ngủ, đờ đẫn, khô miệng chóng mặt. Liều dùng: 25mg x 2 - 6 viên/ngày. Đường trực tràng: 50mg x 1 - 2 nang/ngày.

            Hismanal (astémizole): kháng histamin tác động lên cơ quan cảm thụ H1, không ảnh hưởng đến thần kinh trung ương. Có tác dụng kéo dài chống các biểu hiện dị ứng, đặc biệt là viêm mũi dị ứng. Người lớn 10mg x 1 viên/ngày. Trẻ em trên 2 tuổi: 2mg (1ml sirô)/10kg cân nặng/ngày. Uống lúc đói.

            Teldane (Terfenadine): Kháng histamin tác động lên cơ quan cảm thụ H1, không gây buồn ngủ dùngtrong viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng. Người lớn, trẻ em trên 12 tuổi: 60mg x 2 viên/ngày.

            Ketotifène (zaditen) tính chất kháng histamin và chống phản vệ. Ketotifène ức chế giải phóng chất hóa học trung gian như DSCG có tác dụng phòng các cơn dị ứng như viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Dạng viên: 1mg/ngày, dùng trong 6-10 tuần, kết quả tốt. Thuốc dung nạp tốt, nhưng gây buồn ngủ, khô miệng, buồn nôn, v.v...

Méquitazine (primalan: kháng sinh histamin H1, không gây buồn ngủ, tác dụng phạm vi rộng nhỏ hoạt tính chống lại nhiều chất hóa học trung gian khác (acétylcholine, serotonin, AMPe, prostaglandin). Thời gian bán phân hủy trong huyết thanh là 38 giờ, uống 1 - 2 lần/ngày.

Trong số kháng sinh histamin H1 không gây buồn ngủ, primatan duy nhất thích hợp cho trẻ nhỏ (primatan dạng nước). Tác dụng tốt với dị ứng mũi và dị ứng da.

Kháng sinh và corticoide nếu có bội nhiễm, phòng thương tổn lan xuống phía dưới.

Khí hậu và nước suối: những đợt nghỉ ơ bờ biển hoặc trên n1ui có môi tường trong lành, rất dễ chịu; nước suối khoáng được sử dụng từ lâu trong điều trị bệnh này ở nhiều nước trên thế giới. Ở Pháp có nhiều trung tâm nước suối khoáng thích hợp cho từng loại bệnh, đặc biệt là các bệnh thuộc đường hô hấp. Tùy theo thương tổn ở niêm mạc mũi xoang, chỉ định điều trị bằng nước suối khác nhau.

Niêm mạc dễ kích thích, cương tụ thích hợp với loại nước dịu chlorobicarbonat ở vùng thượng Auvergne, nước chứa nhiều silic ở Mont - Dore hoặc chứa arsenic ở La Bourboule.

Niêm mạc viêm nhiễm thích hợp với nước suối lưu huỳnh sodic ở Luchon, Cauterets, Challes.

Giải mẫn cảm đặc hiệu: Phương pháp điều trị cơ bản. Chỉ định điều trị dựa vào 2 yếu tố: Viêm mũi dị ứng kèm theo ho (co thắt phế quản), hen, viêm kết mạc; cường độ các đơn vị dị ứng: tiết dịch nhiều, hắt hơi, tắt mũi tăng lên, v.v... bệnh nhân đã sừ fụng nhiều thuốc để điều trị triệu chứng (corticoid, kháng histamin, thuốc nhỏ, v.v...). Điều trị bằng dị nguyên đặc hiệu thực hiện ngoài cơn cấp tính. Các dấu hiệu bệnh lý ở mức bệnh nhân chịu đựng được. Tuổi của bệnh nhâhn không quan hệ. Cần được cân nhắc cẩn thận từng trường hợp để chỉ định điều trị thích hợp. Lịch sử bệnh giúp việc xem xét cơ địa, tìm dị nguyên mẫn cảm. Nghiệm ứng da khá trung thành nếu dương tính cao ở tại chỗ và có phản ứng cục bộ đường hô hấp. Nghiệm ứng mũi được bổ sung khi nghiệm ứng da chưa đủ tin cậy.

Phương pháp điều trị: đưa vào cơ thể liều dị nguyên mẫn cảm một cách từ từ, từ thấp lên cao, thưa dần. Liều khởi động là 3%ml, nồng độ loãng như khi thử nghiệm: 1/500.000 đối với dị nguyên bụi nhà, lông vũ và 1/100.000 đối với nấm, mốc. Thời gian điều trị: từ 1 - 3 năm, tuỳ trường hợp. Dùng dị nguyên tan chậm để điều trị duy trì.

Các dạng dị nguyên:

Dạng tan nhanh: Chẩn đoán và điều trị thời gian đầu

Dạng tan chậm: duy trì sau khi điều trị một thời gian có kết quả tốt.

Dạng uống: bệnh nhân không có điều kiện điều trị thường xuyên tại bệnh viện.

Kết quả: tốt nếu chỉ định đúng và qui trình hợp lý

Tai biến: Nặng: chóng phản vệ, ít gặp nhưng cần đề phòng.

Nhẹ: ngứa, choáng váng, nhức đầu

Tá chất miễn dịch: tăng cường sức đề kháng của người bệnh dị ứng.

BCG giảm hoạt lực của Viện chống lao và bệnh phổi (BCG 430) khi giảm mẫn cảm không bớt hoặc hay tái phát; bệnh tiến triển chậm, có phản ứng với tuberculin, candidin, CCB âm tính hoặc yếu. Liều dùng: 0,05mg/0,1ml tiêm trong da. Thời gian tuần 1 lần, trong 4 tuần. Có thể tiếp tục nhiều đợt tùy theo mức độ phản ứng của cơ thể bệnh nhân. Khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng Viện tai - mũi - họng đã dùng loại BCG trên đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng và kết quả tốt: 62.06% (theo dõi 10 năm).

CCB: vacxin đa giá (vi khuẩn đường hô hấp) sử dụng như đối với dị nguyên, liều từ thấp lên cao: khởi đầu 3%ml, tối đa 30 - 40%ml (nồng độ 200.000 vi khuẩn/ml); 1 tuần: 2 - 3 lần tiêm.

Phòng bội nhiễm tái phát.

Ribomunyl: Có tác dụng chống các nhiễm khuẩn phụ tái phát, dự phòng bội nhiễm các bệnh tai - mũi - họng và đường thở mãn tính. Thành phần gồm các yếu tố riboson của 1 số loại vi khuẩn đường hô hấp.

Dạng ống khí dung định lượng 10ml (200 liều)

Ống bột đông khô, kèm dung dịch pha 0,5ml. Khi dung: 1 luều: 2 lần/ngày, 1 đợt 15 ngày, nghỉ 1 tuần, tiếp theo 15 ngày. Tiêm dưới da sâu 1 liều hoặc 1 phần liều tuỳ phản ứng. Một đợt điều trị 4 lần tiêm, cách nhau 1 tuần. Cần thận trọng khi sử dụng nhất là đối với bệnh nhân có bệnh dị ứng. Làm nghiệm ứng thử trước.

Biostim: Loại kích thích miễn dịch có tác dụng phòng các nhiễm trùng đường hô hấp, giảm các đợt tái phát. Thành phần chủ yếu là glycoprotein chiết xuất từ Klebsietic pneumoniac: 1mg/viên. Dùng 1 liều mỗi tháng, trong 3 tháng liền.

Liều 1 trong 8 ngày: 2 viên/ngày, nghỉ 3 tuần

Liều 2 trong 8 ngày: 1 viên/ngày, nghỉ 3 tuần

Liều 3 trong 8 ngày: 1 viên/ngày.

Thuốc không độc.

Histaglobine: điều trị tạng dị ứng. Thành phần gồm: 8 globutin + histamin. Có tq1c dụng tạo ra khã năng miễn dịch đối với histamin, làm mất dần các biểu hiện dị ứng. Sử dụng cho các bệnh nhân dị ứng dưới mọi thê73 loại, đặc biệt dị ứng mũi và hen. Dạng bt, tiêm dưới da. Liều dùng: 3 - 6 lọ; 1 tuần 1 lọ. Lặp lại đợt 2 sau 1 tháng.

Phòng bệnh: dị ứng là bệnh cơ địa và môi trường. Phòng bệnh này khó, chủ yếu là bảo vệ môi trường sống; tránh các yếu tố tác động của dị nguyên. Bệnh có tính chất di truyền. Nam, nữ có cơ địa dị ứng không lấy nhau. Điều trị sớm những người có biểu hiện dị ứng. Người có bệnh dị ứng mũi cần được sống ở nơi thoáng mát, không khí trong lành

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình