Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Vai trò của thuốc trong điều trị hen suyễn là gì?

Sử dụng thuốc trong điều trị hen suyễn thì yêu cầu phải kiểm tra thường xuyên. Khi những triệu chứng nặng hơn, bác sĩ có thể thêm loại thuốc mới hoặc tăng liều thuốc mà bạn thường dùng. Tương tự khi những triệu chứng được cải thiện thì một số thuốc có thể được bớt đi hoặc giảm liều xuống.

Có hai loại thuốc điều trị hen suyễn:

Thuốc giãn phế quản: cũng được biết như là thuốc giảm đau, giúp giãn cơ của đường dẫn khí và mở chúng. Thuốc giãn phế quản làm dịu cơn hen suyễn, nó cũng có thể giúp tránh những cơn hen suyễn hay giảm mức độ nguy hiểm của chúng. Thông thường, thuốc giãn phế quản được sử dụng dưới dạng ống hít và nó cũng có dạng lỏng, dạng viên, dạng viên con nhộng hoặc dạng thuốc tiêm. Có ba loại thuốc giãn phế quản chính:

(a) Beta2 agonists

(b) Methylxanthines

(c) Anticholinergics

 Beta2 agonists: những thuốc này kích thích hệ thần kinh giao cảm, là một phần của hệ thần kinh tự chủ, kiểm soát tất cả những hành động không ý thức của mạch máu, của các cơ quan … Hệ thần kinh giao cảm điều khiển những hoạt động của cơ thể bằng cách làm tăng nhịp tim và kích thích những phần khác của cơ thể.

Lý thuyết khóa beta cho bệnh hen suyễn trước đây đã được thảo luận. Theo lý thuyết này, người bị bệnh hen suyễn có những thụ thể beta2 bất thường và do đó xung thần kinh đi từ não không thể đến chúng được. Những thụ thể là những điểm cuối thần kinh đặc biệt, đáp ứng những tác nhân kích thích khác nhau. Khi nhịp thần kinh không đến được thụ thể beta2 thì có sự chít hẹp đường dẫn khí. Beta2 agonists hoạt động trên những thụ thể của phổi, một agonists kích thích. Vì vậy, beta2 agonists kích thích thụ thể beta2 trong những cơ quanh đường dẫn khí. Khi những thụ thể này được kích thích, cơ của đường dẫn khí giãn ra và đường hô hấp giãn nở. Bảng 4 liệt kê những thuận lợi và bất lợi của beta2 agonists

BẢNG 4: NHỮNG THUẬN LỢI

VÀ BẤT LỢI CỦA BETA2 AGONISTS

Thuận lợi:

Chúng là thuốc an toàn và hoạt động trong thời gian ngắn, làm giãn đường dẫn khí.

Chúng có nhiều loại khác nhau và giúp cá nhân hóa việc điều trị.

Thuốc tiêm beta2 agonists có hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp, bởi vì chúng hoạt động rất nhanh chóng. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng chỉ kéo dài 20 phút.

 Hít vào 2 – 3 hơi beta2 agonists trước khi tập thể dục hay tiếp xúc với khí lạnh có thể ngăn ngừa triệu chứng trong vòng 4 giờ.

 Beta2 agonists hoạt động dài ngăn các triệu chứng về đêm hay sáng sớm, thuốc có hiệu quả trong vòng khoảng 12 giờ.

 Bất lợi:

 Chúng không thể chống sự viêm nhiễm đường dẫn khí, nên cần phải kết hợp với thuốc chống viêm. Việc lạm dụng quá mức những loại thuốc này tạo ra sự dựa dẫm quá mức vào thuốc làm giãn phế quản, có thể dẫn đến việc khó kiểm soát hen suyễn.

 Beta2 agonists có hiệu quả kiểm soát triệu chứng chỉ trong một thời gian ngắn. Nó không có hiệu quả đối với các triệu chứng hen suyễn nặng

 Phản ứng phụ của beta2 agonists như là run, tăng nhịp tim, hồi hộp … là ít nhất nếu dùng thuốc dạng thuốc hít. Những phản ứng phụ này thường biến mất sau một thời gian.

 Khi dùng beta2 agonists dạng thuốc viên có thể gây ra những phản ứng phụ như bị xúc động, hồi hộp, căng cơ, uể oải, rùng mình giống như dùng beta2 dạng ống hít.

Thuốc beta2 agonists có hai loại là tác dụng nhanh hoặc tác dụng chậm. Thông thường thuốc beta2 có tác dụng nhanh là hai thuốc terutaline và salbutamol.

Terbutaline: thuốc này vừa có dạng viên vừa có dạng ống hít. Với dạng thuốc viên cần được giữ ở nhiệt độ phòng, kín gió, ít ánh sáng. Còn dạng ống hít thì cần được giữ ở nhiệt độ phòng, tránh nơi có nhiệt độ quá cao.

Terbutaline có hiệu quả trong việc kiểm soát thở khò khè, và khó thở. Nó có tác dụng trực tiếp đến cơ đường dẫn khí và làm giãn chúng.

Phản ứng phụ: phản ứng phụ của terbutaline là có cảm giác lo lắmg, nhạt miệng, hoa mắt, choáng váng, đau đầu, máu dồn lên làm đỏ mặt, dễ bị xúc động, khó ngủ, biếng ăn, bồn chồn, buồn nôn, tăng lượng chất ngọt, nôn hoặc cảm thấy bị mệt. Tất cả những phản ứng phụ này sẽ mất đi khi cơ thể đã quen thuốc.

Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi thấy những phản ứng phụ như thở khò khè, khó thở, bị chuột rút, hồi hộp.

Terbutaline có thể phản ứng với một số loại thuốc khác, chính vì vậy bạn cần thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Thuốc khóa beta làm giảm tác dụng của terbutaline. Terbutaline dùng để chữa bệnh đau tim, cao huyết áp, chứng đau nửa đầu … Một số thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng, thuốc ho, cảm lạnh, viêm xoang mua không có đơn của bác sĩ có thể làm gia tăng phản ứng phụ của terbutaline

Nếu bạn bị tiểu đường thì cần phải điều chỉnh liều lượng insulin hay thuốc uống chống tiểu đường sau khi sử dụng terbutaline.

Chú ý nên dùng terbutaline theo hướng dẫn của bác sĩ nhất là trong những trường hợp sau:

Trước đây bạn đã bị dị ứng với một số loại thuốc khác, đặc biệt là những thuốc như là amphetamines, ephedrine, pseudoephedrine …

Bạn bị bệnh tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp (tăng áp lực trong mắt), cao huyết áp, bệnh tim, chứng động kinh, hoặc bị bệnh về tuyến giáp.

Bạn phải phẫu thuật hay chữa răng.

Bạn đang có thai hoặc đang cho con bú.

Không chọc thủng, làm vỡ hoặc đốt ống hít chứa terbutaline vì thuốc trong bình có áp suất cao có thể gây nổ. Không dùng quá liều terbutaline mà không có chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn không thấy đỡ thì phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Salbutamol: cách sử dụng, phản ứng phụ, tương tác với thuốc khác và chú ý đề phòng của salbutamol giống như đối với terbutaline.

Beta2 agonists tác dụng chậm dùng điều trị hen suyễn gồm có salmeterol và eformoterol. Thường dùng cho những người hay bị các cơn hen suyễn về đêm và những người đang dùng thuốc chống viêm vùng miệng như corticosteroids và corticosteroid dạng hít. Những thuốc này có tác dụng trị viêm đường dẫn khí và mở thông đường dẫn khí 12 giờ sau khi uống. Đây là lý do tại sao phải mang theo beta2 agonists phản ứng nhanh khi cần làm dịu những cơn hen suyễn cấp.

Nên dùng beta2 agonists tác dụng chậm cho trẻ trên 4 tuổi bị hành giấc ngủ do hen suyễn và người hay phải dùng beta2 agonists tác dụng nhanh trong ngày. Việc dùng beta2 tác dụng chậm lâu dài có thể làm hen suyễn nặng hơn hay không thì chưa có cơ sở rõ ràng.

Salmeterol: đây là thuốc có dạng ống hít. Nó chống được rất nhiều loại kích thích gây hen suyễn như tập thể dục, dị ứng nguyên, histamin … Nó bắt đầu có tác dụng sau khi hít 30 phút, đạt hiệu quả cao nhất sau 2 giờ và hiệu quả của nó có thể kéo dài đến 10 giờ. Dùng salmeterol thường xuyên sẽ làm giảm tác dụng của nó.

Phản ứng phụ: salmeterol có những phản ứng phụ nhẹ như lo lắng, hoa mắt, uể oải, khô miệng, rát họng, tăng nhịp tim, nổi nóng đỏ ở mặt, chán ăn, buồn nôn, tăng lượng chất ngọt, ốm yếu. Những phản ứng phụ này sẽ mất đi khi bạn quen thuốc.

Salmeterol cũng tương tác với nhiều loại thuốc khác. Khóa beta có thể làm giảm hiệu quả của salmeterol trong khi một số thuốc như ho, cảm lạnh, viêm xoang, dị ứng, thuốc giãn phế quản làm cho các phản ứng phụ của nó nặng hơn.

Eformoterol: cách dùng, phản ứng phụ và tương tác của thuốc eformoterol giống như của salmeterol.

Methylxanthines: cho tới cách đây vài năm thì methylxanthines là loại thuốc chính dùng trong điều trị hen suyễn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì việc dùng ống hít tỏ ra có hiệu quả hơn. Chính xác methylxanthines hoạt động trong phổi như thế nào thì không rõ ràng. Người ta cho rằng thuốc này hoạt động trên tế bào mast trong phổi và ngăn không cho chúng tiết ra hóa chất như histamine. Methylxanthines làm giãn cơ đường dẫn khí và do đó làm chúng mở ra. Người ta tin rằng chúng là một chất chống viêm trong giai đoạn sau của cơn hen suyễn.

Theophylline và aminophylline là hai loại methylxanthines thông dụng. Chúng có dạng viên hoặc dạng con nhộng. Nên nhớ cafein được xem như là một methylxanthines. Do đó bạn phải cẩn thận khi dùng trà, cà phê, sô cô la trong khi dùng methylxanthines.

 Phản ứng phụ: hầu hết các phản ứng phụ của methylxanthines giảm xuống khi bạn ngừng thuốc. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi bạn bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ngợp máu, đau đầu hay hồi hộp. Đây là những triệu chứng của độc tố methylxanthines. Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có các phản ứng phụ như mất ngủ, tăng số lần đi tiểu, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa dài hạn.

Methylxanthines có thể phản ứng với nhiều loại thuốc khác. Khóa beta có thể làm giảm hiệu quả của methylxanthines. Những thuốc này có thể làm tăng các phản ứng phụ của những thuốc trị xoang, ho, cảm lạnh và thuốc pha loãng máu. Chúng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc chữa động kinh. Thay đổi đột ngột trong khẩu phần ăn như ăn chất giàu protein và ít carbonhydrate có thể ảnh hưởng đến hoạt động của methylxanthines.

 Anticholinergics: những anticholinergics thông dụng dùng trong điều trị hen suyễn là atropine và ipratropium bromide. Atropine có nhiều phản ứng phụ hơn nên ít được dùng.

Anticholergic thường không được dùng để điều trị hen suyễn ban đầu. Chúng thường được dùng song song với beta2 agonists. Anticholergic kích thích những thụ thể phổi riêng biệt ở thần kinh phế vị. Thần kinh này phân nhánh vào những cơ chịu trách nhiệm mở thông đường dẫn khí và tuyến chất nhầy. Nó làm giảm viêm nhiễm và giãn cơ đường dẫn khí.

Những anticholergic mới hơn như ipratropium bromide gây ít phản ứng phụ hơn vì có ít thuốc xâm nhập vào phổi hơn. Đây là lý do tại sao một số bác sĩ thích dùng chúng hơn để làm dịu cơn co thắt phế quản thay thế cho beta2 agonists.

 Phản ứng phụ: khô miệng và họng, tăng thở khò khè là những phản ứng phụ thông thường của anticholergic. Anticholergic không có hiệu quả đối với tác nhân gây hen suyễn là tập thể dục hay dị ứng nguyên. Nó chậm phản ứng, hiệu quả tối đa thường sau 30 – 60 phút.

 Thuốc chống viêm: cách đây khoảng 1 thập kỷ, một nhóm các chuyên gia quốc tế nhận thấy hen suyễn là một vấn đề đang phát triển nơi có sự viêm nhiễm đường dẫn khí. Do đó họ đề nghị dùng thuốc phòng chống viêm để ngăn chặn các triệu chứng hen suyễn như là thở khò khè và khó thở.

Thuốc chống viêm hoạt động sâu bên trong đường dẫn khí nơi xuất phát sự viêm nhiễm. Chúng chặn những sản phẩm hóa học trong tế bào mast. Như đã đề cập ở trên, tế bào mast thải ra những hóa chất có tác dụng như là dị ứng nguyên. Khi thuốc chống viêm hoạt động trong tế bào mast thì chúng làm giảm sưng đường dẫn khí. Nó cũng làm giảm sự nhạy cảm của đường dẫn khí với nhiều dị ứng nguyên khác. Ít phản ứng với các dị ứng nguyên hơn để ngăn viêm nhiễm và giúp giữ đường dẫn khí mở ra. Nên nhớ hiệu quả của một số thuốc chống viêm bắt đầu sau nhiều ngày hay nhiều tuần sau khi bạn uống thuốc. Thế nên bạn không nên bỏ thuốc trong vòng vài ngày nếu không thấy các triệu chứng được cải thiện.

Có 3 loại thuốc chống viêm chính:

(a) Steroid.

(b) Không có steroid.

(c) Thuốc chống dị ứng.

 Steroid: có dạng viên hoặc ống hít. Oral steroid gây ra nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng và đây là lý do tại sao nhiều người bị hen suyễn cảm thấy rằng tất cả các loại steroid là xấu. Điều này không đúng vì steroid dạng hít gây ra ít phản ứng phụ hơn.

 Oral steroid: được dùng như là loại thay thế cuối cùng để trị hen suyễn nặng không kiểm soát được hay những cơn hen suyễn cấp tính. Oral steroid là thể tổng hợp của những steroid tự nhiên xuất ra bởi tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận là một cơ quan nhỏ nằm ngay phía trên thận. Chúng sản xuất ra nhiều hooc môn ảnh hưởng đến nhiều chức năng quan trọng của cơ thể.

Oral steroid thông thường được dùng trong điều trị hen suyễn gồm betamethasone, dexamethasone, cortisone, hydrocortisone, prednisone và methylprednisolone. Tất cả những oral steroid nói trên đều có phản ứng phụ nghiêm trọng nếu dùng trong thời gian dài. Đây là lý do tại sao oral steroid được dùng rất cẩn thận trong điều trị hen suyễn.

Liều dùng oral steroid phụ thuộc vào độ nặng của bệnh. Bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra lưu lượng tối đa và dung tích phổi để đánh giá liều dùng steroid cần thiết. Thông thường liều steroid sẽ giảm dần sau khoảng thời gian từ 1 đến 3 tuần. Bạn nên dùng steroid vào buổi sáng sớm để phù hợp với lịch sản xuất steroid tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên nếu bị hen suyễn nặng thì bạn cũng có thể dùng vào ban đêm.

Những thuận lợi của oral steroid bao gồm:

Chúng là những thuốc chống viêm mạnh.

Chúng làm giảm các triệu chứng hen suyễn trong tình huống đe dọa đến tính mạng rất nhanh và gây ấn tượng.

Dù một số steroid có tác dụng chỉ sau vài giờ nhưng hiệu quả bảo vệ của chúng kéo dài lâu hơn.

Chúng có thể được dùng trong thời gian ngắn để kiểm soát các triệu chứng hen suyễn trước khi bắt đầu dùng thuốc hữa dài hạn mà có ít phản ứng phụ hơn.

Oral steroid có nhiều bất lợi. Khi bạn bắt đầu dùng oral steroid, tuyến thượng thận ngưng sản xuất steroid tự nhiên. Khi bạn ngừng thuốc thì việc sản xuất steroid tự nhiên chỉ bắt đầu sau một thời gian. Ở giữa khoảng thời gian đó, bạn phải chịu những triệu chứng suy giảm như yếu ớt, mệt mỏi, đau toàn thân hay sốt.

Bạn không nên ngừng steroid một các đột ngột vì nó rất nguy hiểm, đặc biệt là khi bạn đã dùng nó trong một thời gian dài. Bảng 5 liệt kê những phản ứng phụ thông dụng khi dùng steroid dài hạn.

BẢNG 5: NHỮNG PHẢN ỨNG PHỤ

THÔNG DỤNG CỦA STEROID

Tăng lượng chất lỏng giữ trong cơ thể.

Chứng loãng xương, là sự giảm những mô xương và kết quả là xương trở nên giòn và có thể nứt gẫy.

Tăng cảm giác thèm ăn dẫn đến tăng cân.

Cao huyết áp.

Nồng độ đường trong máu cao.

Yếu các cơ.

Tăng nguy cơ loét dạ dày.

Đục thủy tinh thể, có sự mờ đục trong thủy tinh thể của mắt và tầm nhìn bị hạn chế.

Những thay đổi như mụn ở da, phát ban, da mỏng dễ bị thâm.

Chậm phát triển ở trẻ em.

Mọc quá nhiều lông ở những vùng khác nhau trên cơ thể.

Steroid hít rất hữu ích trong việc điều trị hen suyễn vì nó được hít thẳng vào đường dẫn khí. Do đó chúng chỉ hoạt động nội bộ và rất ít thuốc đi vào trong máu. Steroid hít làm giảm sưng đường dẫn khí và cải thiện việc mở đường dẫn khí bằng cách giãn cơ phế quản. Bác sĩ thường hay kê đơn beta2 agonist với steroid hít. Beta2 agonist được hít vào trước làm mở đường dẫn khí và sau đó khi bạn hít steroid vào thì chúng có thể đi sâu hơn vào trong đường dẫn khí.

Steroid hít có nhiều thuận lợi như:

Phản ứng phụ của chúng ít hơn hẳn so với oral steroid.

Chúng có dạng phun và dạng bột khô nên có hiệu quả hơn.

Steroid hít giúp giảm viêm nhiễm đường dẫn khí một cách kinh ngạc nếu dùng liên tục trong khoảng 1 tháng.

Chúng cải thiện thở và giảm sự nhạy cảm của đường dẫn khí với dị ứng nguyên.

Mặc dù steroid hít ít gây phản ứng phụ hơn so với oral steroid nhưng chúng lại gây ra những triệu chứng khó chịu tương tự như oral steroid nếu dùng trong thời gian dài và ở liều cao. Phản ứng phụ thông dụng nhất của steroid hít là bệnh candidiasis, một sự nhiễm trùng gây ra bởi men có trong miệng và phía sau họng. Candidiasis thì dễ mắc hơn nếu bạn bị tiểu đường hay bạn uống kháng sinh cùng với việc dùng steroid hít. Những triệu chứng thông dụng của candidiasis bao gồm bị khoang trắng phía sau họng, cảm giác khó chịu và dính ở miệng và họng, đau họng và khó nuốt

Nguy cơ bị candidiasis có thể giảm đáng kể nếu bạn dùng steroid hít với một miếng đệm vì nó giúp thuốc đi vào phổi trực tiếp mà không đi qua mồm và họng. Miếng đệm và cách dùng của chúng sẽ được bàn ở phần sau của sách.

Bạn có thể ngăn ngừa candidiasis bằng cách súc miệng sau mỗi lần hít. Súc miệng bằng nước ấm giúp loại thuốc dư trong miệng và họng để bảo vệ tốt hơn.

Thuốc steroid hít thường được dùng để điều trị hen suyễn gồm:

 Beclomethasone: loại steroid này được dùng thường xuyên. Liều dùng phụ thuộc vào độ nặng của bệnh và kiểu ống hít. Thường nên dùng ở liều 50, 100 hay 250 microgram trong 1 lần hít, dùng với ống hít có đo liều lượng. Liều dùng với ống hít tự động thay đổi từ 400 đến 2000 microgram một ngày đối với người lớn và 200 đến 400 microgram một ngày đối với trẻ em.

 Budesonide: đây là loại steroid hiệu quả và được sử dụng rộng rãi. Nó thường được dùng 400 microgram một ngày với người lớn để có thể kiểm soát triệu chứng của họ. Budesonide cũng có thể dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ em qua bình phun.

Liều dùng budesonide thay đổi từ 50 đến 200 microgram cho một lần hít nếu dùng bình có máy đo liều lượng. Nếu dùng bình phun thì thay đổi từ 400 đến 2400 microgram một ngày đối với người lớn và 200 đến 800 microgram một ngày đối với trẻ em.

 Fluticasone: thuốc này có tác dụng gấp đôi beclomethasone và budesonide. Nên dùng thuốc này cho trẻ em trên 4 tuổi và người lớn nếu họ có một trong những nguy cơ sau:

Có nguy cơ loãng xương cao.

Có phản ứng phụ đáng kể với steroid.

Kiểm soát hen suyễn kém, triệu chứng tiếp tục hay tăng nặng hoặc lạm dụng beta2 agonist.

Chức năng phổi ít hơn mong đợi.

Fluticasone có thể được hít qua bình hít có máy đo liều lượng và có liều 50, 100, 250 microgram một lần hít. Liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi thay đổi từ 100 – 1000 microgram 2 lần 1 ngày. Trẻ em dưới 4 tuổi thường dùng 50 – 100 microgram 2 lần 1 ngày.

 Thuốc chống viêm không có steroid: dùng điều trị hen suyễn cũng được gọi là chất ổn định tế bào mast. Đó là những loại thuốc dài hạn làm giảm và trì hoãn những triệu chứng hen suyễn. Những thuốc này ngăn các tế bào mast thải hóa chất trong các phản ứng chống viêm và chống dị ứng. Chất ổn định tế bào mast có dạng ống hít có đo liều lượng, dạng bột hít và dạng bình phun. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để phát triển nhiều loại thuốc chống viêm mới hơn.

Chất ổn định tế bào mast có nhiều thuận lợi. Chúng có ít phản ứng phụ hơn so với hầu hết những loại thuốc chữa hen suyễn khác. Dùng chất ổn định tế bào mast thường xuyên ngăn ngừa việc sưng thành trong đường dẫn khí, đặc biệt là với không khí lạnh, dị ứng nguyên và một số khí gây khó chịu. Chúng có thể thay cho steroid và theophylline, đặc biệt là khi bạn bị hen suyễn nhẹ và liên tục. Chất ổn định tế bào mast rất hữu ích trong điều trị hen suyễn ở trẻ em vì dị ứng là những nguyên nhân chính gây hen suyễn ở trẻ em. Thuốc này cũng ngừa được hen suyễn do tập luyện nếu bạn dùng 30 phút trước khi tập.

Sau đây là những bất lợi của chất ổn định tế bào mast:

Nó không làm dịu các triệu chứng khi cơn hen suyễn bắt đầu. Nó chỉ có thể kiểm soát hen suyễn gây bởi một số nhân tố đặc biệt.

Cần phải dùng 4 lần 1 ngày nên dễ bị thiếu liều.

Nó hoạt động chậm. Một số thuốc trong nhóm này bắt đầu có tác dụng sau từ 3 đến 6 tuần.

Chúng gây ra vị khó chịu trong miệng.

Chúng có thể gây ra một số phản ứng phụ nhẹ như rát họng, phát ban da, khô họng, buồn nôn.

Những thuốc ổn định tế bào mast chữa hen suyễn bao gồm:

Sodium chromoglycate: thuốc này ngăn ngừa hen suyễn do yếu tố nguy cơ ngay lập tức và sau đó. Nó ngăn tế bào mast không thải hóa chất phản ứng với dị ứng nguyên ra. Nó thường được dùng làm liệu pháp ngăn ngừa ban đầu đối với trẻ em hay bị hen suyễn thường xuyên. Nó cũng hiệu quả trong việc kiểm soát hen suyễn nhẹ ở người lớn.

Sodium chromoglycate thường được dùng với ống hít có đo liều lượng dù dạng bột cũng có thấy ở một số nước. Hiệu quả có thể thấy sau 1 – 2 tuần đôi khi sau đến 4 tuần. Liều dùng thích hợp là 1mg cho 1 lần hít với 2 – 3 lần hít và hít 2 – 3 lần trong 1 ngày. Liều lượng thực sự phụ thuộc vào độ nặng của bệnh.

Nedochromil Sodium: thuốc này không có steroid này thì khác về thành phần hóa học với sodium chromoglycate và steroid. Cũng giống như sodium chromoglycate, nó ngăn ngừa ban đầu và sau đó với hen suyễn gây ra do dị ứng nguyên hay tập luyện.

Nedochromil sodium thường dùng cho hen suyễn liên tục vừa và nhẹ ở người lớn và trẻ em trên 2 tuổi thường hay bị hen suyễn. Liều bình thường khoảng 2 mg 1 lần hít với bình có đo liều lượng.

Thuốc chống dị ứng: nhiều nghiên cứu đang tiến hành để xác định cách dùng thuốc chống dị ứng để kiểm soát dị ứng hiệu quả. Người ta tin rằng những thuốc này làm giảm hoạt động của tế bào mast và ngăn chúng tiết ra các hóa chất.

Thuốc chống dị ứng hữu ích đối với hen suyễn nhẹ đến vừa. Nó cũng làm giảm hiệu quả những thuốc khác. Hiệu quả thường sau 2 tháng điều trị thường xuyên.

Bất lợi chính của thuốc chống dị ứng là chúng chỉ hoạt động nếu nguyên nhân gây hen suyễn là do tiếp xúc với các dị ứng nguyên. Cũng vậy, chúng không thể giúp giảm sử dụng lượng thuốc hít. Thuốc chống dị ứng có thể gây uể oải trong suốt tuần đầu điều trị.

Thuốc khác: một nhóm thuốc mới gọi là thuốc antileukotriene được giới thiệu để trị hen suyễn trong vài năm qua. Leukotriene là chất đưa tin được sản xuất ra từ các tế bào bị nhiễm để giao tiếp với những tế bào khác. Có 2 loại thuốc Leukotriene. Một loại ngăn cản việc sản xuất leukotriene và loại kia ngăn hóa chất từ tế bào bị nhiễm đi đến những thụ thể đặc biệt.

Thuốc anti – leukotriene bảo vệ bằng cách chống lại sự hẹp đường dẫn khí nếu được dùng trước khi tập luyện hay tiếp xúc với dị ứng nguyên hoặc lạnh. Nó cũng làm giảm các phản ứng hen suyễn ban đầu và sau đó. Vì những thuốc này rất mới nên nhiều bác sĩ không thích dùng để chữa hen suyên như là một thói quen.

Antihistamine: đây là một nhóm thuốc ngăn chặn ảnh hưởng của hợp chất hóa học gọi là histamine. Histamine được tiết ra từ tế bào mast đáp ứng với một phản ứng dị ứng. Antihistamine dùng cho các phản ứng dị ứng như ngứa, nổi đỏ, sưng trong da, mắt và mũi. Nhiều người nghĩ rằng vì hen suyễn và dị ứng thường đi đôi với nhau nên những thuốc này cũng được dùng để giảm sưng thành trong của đường dẫn khí. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng. Thực tế là một số antihistamine có thể làm hen suyễn nặng thêm. Thuốc này làm khô thành trong của đường dẫn khí làm tăng nguy cơ tạo ra các nút đờm chặn những đường dẫn khí nhỏ. Khô thành trong cũng có thể làm hẹp đường dẫn khí. Đây là lý do tại sao bạn không nên tự chữa trị bằng antihistamine nếu bạn bị bệnh nhẹ như phát ban đỏ, cảm lạnh thông thường …

Antihistamine thường không được dùng hoặc dùng phải chú ý nếu bạn:

(a) Bị dị ứng với bất kỳ thuốc nào.

(b) Đang mang thai.

(c) Đang cho con bú.

(d) Đang uống thuốc khác.

Nên tránh antihistamine nếu bạn bị cao huyết áp, tiểu đường hay tăng nhãn áp.

Thuốc thông mũi: những thuốc này dùng để giảm nghẹt trong mũi khi bạn bị cảm lạnh thông thường. Nó làm hẹp mạch máu ở thành trong của mũi. Kết quả là làm giảm sưng, viêm nhiễm và tiết chất nhầy ở đường mũi. Thuốc thông mũi được dùng ở nhiều dạng khác nhau như thuốc viên, sirô, thuốc nhỏ hay xịt. Chúng thường được dùng một cách bừa bãi cho những bệnh thông thường như cảm lạnh hay dị ứng. Thuốc thông mũi thường dùng gồm pseudoephedrine, phenylephrine và phenylpropanolamine. Những loại thuốc này có thể gây ra những phản ứng phụ nhẹ như bồn chồn hay đau đầu. Những phản ứng phụ này tăng nặng nếu dùng thuốc thông mũi với thuốc chữa hen suyễn. Nên nhớ nếu bạn dùng thuốc trong thời gian dài thì nghẹt mũi có thể trở lại nặng hơn sau khi ngừng thuốc.

Thuốc long đờm và tan đờm: thuốc long đờm giúp chất nhầy ở phần trên của đường dẫn khí lỏng ra và mỏng hơn. Kết quả là ho dễ hơn à đờm dễ dàng bị đẩy ra khỏi đường dẫn khí. Thuốc tan đờm là thuốc phá hủy hoặc hòa tan lượng đờm dư thừa trong đường dẫn khí. Có nhiều loại thuốc tan đờm và long đờm. Mỗi loại thuốc này có thể tạo ra rất nhiều phản ứng. Một số có thể gây khó chịu đường dẫn khí bị viêm nhiễm do hen suyễn trong khi một số khác làm tăng sự bài tiết đờm trong phổi. Do đó khi đang điều trị hen suyễn thì bạn không nên tự điều trị bằng thuốc long đờm hoặc thuốc tan đờm.

Thuốc kháng sinh: thuốc kháng sinh là thuốc chữa nhiễm trùng do vi khuẩn. Hầu hết những nguyên nhân gây hen suyễn là do vi rút và thuốc kháng sinh thì không chữa trị nhiễm trùng do vi rút, do đó nó đóng vai trò rất giới hạn trong việc điều trị hen suyễn. Chỉ nên dùng kháng sinh khi các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và các chứng cứ lâm sàng chỉ ra rằng có nhiễm khuẩn.

Thuốc kháng acid: trường hợp không thể kiểm soát các triệu chứng ợ nóng hay dội ngược khí bằng những cách đã nói trên thì bác sĩ sẽ khuyên dùng thuốc kháng acid. Đây là những thuốc kiểm soát việc bài tiết acid quá thừa trong dạ dày. Những thuốc kháng acid thông dụng gồm cisapride, omeprazole và ranitidine.


Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình