Einstein (1905) với lí thuyết về hạt photon và Planck với phương trình nổi tiếng: E=hv (E: năng lượng, h: hằng số Plank, v: tần số) đã là những người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu về Laser. Tuy nhiên do những khó khăn về kỹ thuật nên hơn 50 năm sau các nhà bác học Nga và Hoa Kì (Prokhorov, Basov và Maiman) mới chế tạo thành công những mát phát lượng tử đầu tiên.
Việc ứng dụng Laser trong nhãn khoa là do Zweng (1963) khởi xướng và thực hiện đầu tiên. Từ đó đến nay người ta đã dùng nhiều lạoi Laser để chữa các bệnh mắt:
- Laser Hồng ngọc (rubis): ngày nay ít dùng cho hiệu lực kém.
- Laser Krypton: để điều trị các bệnh vùng hoàng điểm.
- Laser Acgon: để điều trị các bệnh ở đáy mắt, bệnh glôcôm, v.v...
- Laser Neodym Yag: để điều trị glôcôm, xử lí một số biến chứng của phẫu thuật lấy thuỷ tinh thể, cắt các chỗ dính mống mắt, v.v...
Sau đây xin đề cập đến 2 loại Laser (Laser Acgon, Laser Neodym Yag) đã được nghiên cứu sâu và thu được kết quả tốt trong lĩnh vực chữa một số bệnh ở mắt.
LASER ACGON
Laser Acgon là loại được dùng rộng rãi nhất hiện nay, có hai loại:
- Laser Acgon màu xanh lơ: loại này có bước sóng 476.5 - 501.7nm. Ưu điểm: hấp thụ tốt bởi hemoglobin và các mạch máu ỡ võng mạc. Dùng Laser này điều trị các u máu nhỏ rất tốt. Nhưng sắt tố xantophin của điểm vàng cũng hấp thụ rất mạnh các loại bức xạ này, do vậy không dùng được trong khu vực hoàng điểm.
- Laser lực: có bước sóng 514.5nm, có ưu điểm hấp thụ ít bởi xanthophilin, nhưng lại hấp thụ nhiều bởi hồng cầu và các mạch máu ở võng mạc. Loại này hiện được dùng rộng rãi.
Các máy Laser dùng trong nhãn khoa có cấu tạo cơ bản giống nhau bao gồm:
Một bộ phận chứa ống Laser
Một dây dẫn quang học để truyền bức xạ Laser.
Một đèn khe tiếp nhận bức xạ Laser, nó gắn bàn đạp để điều khiển phóng chùm tia Laser. Đèn khe này cũng có thể gắn vào kính hiển vi phẫu thuật để phóng Laser ngay khi mổ.
Một thiết bị kiểm tra và điều chỉnh các thông số kỹ thuật của chùm tia Laser.
Hiệu ứng sinh học Laser Acgon
Các thông số của chùm bức xã:
Đường kính của Laser (spot): trung tâm của vết này là nơi nhiệt độ lên cao nhất. Từ chỗ này nhiệt sẽ chuyển lan sang vùng lân cận rồi hạ xuống. Nếu vết Laser nhỏ, tâm nhiệt sẽ lạnh đi nhanh chóng. Nếu Laser lớn, nhiệt độ sẽ tăng lên nhiều và hiện tượng toả nhiệt cũng kéo dài hơn.
Thời gian bức xạ thường dùng của máy Laser Acgon là 0.1 giây. Kéo dài thời gian bức xạ (vẫn giữ nguyên cường độ bức xạ) thì thương tổn của tổ chức sẽ nặng hơn. Nếu bức xạ với thời gian thật ngắn mà tăng công suất phát Laser sẽ dẫn đến tình trạng: xuất huyết tổ chức, nhiệt độ của mô bị bức xạ làm tăng lên đột ngột khiến nước ở đấy bay hơi. Bọt nước trong tổ chức lan toả sẽ gây thương tổn cho cả vùng lân cận.
Công suất của bức xạ. Ngoài yếu tố diện tích và thời gian bức xạ, công suất của chùm Laser cũng là một yếu tố quyết định thương tổn gây ra trên tổ chức sống. Phải xác định được công suất ngưỡng (seuil) đối với từng loại Laser và từng loại tổ chức. Ví dụ với Laser Acgon: sau khi xác định được 2 yếu tố: đường kính của vết Laser trên võng mạc và thời gian bức xạ thì để tìm được ngưỡng công suất bức xạ, cần thực hiện như sau:
Trước tiên phải dùng bức xạ công suất thấp rồi tăng dần lên. Soi đáy mắt nếu thấy các vết chạm Laser (chỗ chùm Laser tiếp xúc với mô của cơ thể) màu vàng nhạt: công suất bức xạ quá thấp. Thương tổn của Laser sẽ có hình chóp cụt và chỉ liên quan đến các lớp ngoài của võng mạc (lớp mao mạch bắc mạc, biểu mô sắc tố, v.v... cho đến lớp rối ngoài).
Nếu công suất Laser quá cao, trên võng mạc sẽ xuất hiện vết trắng kèm xuất huyết, khi đó thương tổn sẽ có hình chóp, đỉnh quay về phía lớp giới hạn trong. Nếu bức xạ quá mạnh có thể gây ra thương tổn của cả dịch kính. Trong trường hợp hợp lí tưởng tìm được công suất ngưỡng thích hợp, có thể chủ động chỉ để gây dính lớp biểu mô sắc tố với các lớp ngoài của võng mạc (bong võng mạc).
Tuy nhiên trong tất cả các trường hợp phải tránh gây thương tổn đến lớp sợi thần kinh (sợi trực của các tế bào hạch).
Ảnh hưởng của bản thân các mô bị bức xạ: Khi chùm Laser gặp một mô của cơ thể, nếu mô hấp thụ bức xạ, thì sẽ bị nóng lên, với các bức xạ có bước sóng từ 400-900nm, nó có thể xuyên qua các tổ chức trong suốt như giác mạc, dịch kính, phần trong của võng mạc, v.v... mà không gây ra những thay đổi đáng kể, đó là vì các mô trong suốt này không hấp thu những phôtôn của chùm Laser.
Tuy nhiên thể thuỷ tinh khi bắt đầu bị đục thì cũng hấp thụ một phần bức xạ Laser, trong trường hợp này không được chỉ định dùng Laser để điều trị các bệnh ở đáy mắt.
Mêlanin (trong màng bồ đào, trong lớp biểu mô sắc tố, v.v...) hấp thụ rất mạnh bức xạ Laser. Khi tia Laser vào mắt thì chính biểu mô sắc tố là nơi bị nóng lên đầu tiên, rồi từ đó nhiệt mới lan toả ra các vùng lân cận như lớp tế bào thị giác, tế bào 2 cực, v.v...
Sắc tố vàng (xanhthophylin) của hoàng điểm nằm trong lớp tế bào hạch ở bờ hố trung tâm (fovea centralis) cũng hấp thu bức xạ Laser Acgon, nhất là loại màu xanh lơ.
Hemoglobin hấp thụ đặc biệt mạnh đối với bức xạ Laser, cho nên phải hết sức thận trọng khi dùng Laser đối với những ca có xuất huyết võng mạc. Tuy nhiên cũng có thể lợi dụng tính chất này để điều trị các u máu nhỏ hoặc các vi phình mạch ở võng mạc.
Với các tân mạch, không thể làm quang đông bằng hiệu ứng chiếu trực tiếp mà thông thường phải dùng bức xạ Laser soi vào lớp biểu mô sắc tố nằm dưới tân mạch, gây hiện tượng tăng nhiệt độ từ dưới lên. Như vậy phải dùng chùm Laser có công suất lớn, vùng quang đông sẽ là một hình chóp cụt lan đến tận các lớp trong cùng của võng mạc (ở đó có các tân mạch). Phải dùng các vết Laser tương đối lớn (100-200 microns), như vậy thời gian toả nhiệt sẽ dài, tránh được các hiện tượng cơ giới thứ phát (toả nhiệt nhanh, vỡ thành mạch), gây xuất huyết.
Các chỉ định chính sử dụng Laser Acgon trong nhãn khoa.
Điều trị các bệnh của mạch máu ở võng mạc và hắc mạc:
Các u mạch trong bệnh Von Hipel: đây là loại u lành tính bẩm sinh - u mạch, có thể phát triển hoặc từ lớp trong hoặc từ lớp ngoài của các mao mạch võng mạc.
Mục đích điều trị: nhằm làm tiêu u mạch, ngăn ngừa biến chứng.
Kỹ thuật: Laser Acgon rất thích hợp trong trường hợp này vì độ dài bước sóng Laser Acgon tương ứng với vùng hấp thụ của Hemoglobin. Các xét nghiệm bệnh lí giải phẫu của Apple xác nhận Laser Acgon có khả năng huỷ hoàn toàn các u mạch cỡ bé dưới 0,8 đường kính đĩa thị. Các u lớn hơn phải dùng lạnh đông, hoặc phối hợp Laser với lạnh đông.
Khi dùng Laser Acgon với u mạch cần điều chỉnh máy phát theo các thông số sau:
Vết chạm Laser: 500 micron.
Công suất: 300-500 mw.
Thời gian bức xạ: 0,5-1 giây (Bonnet, 1984)
Khi làm quang đông Laser cần: làm đông trực tiếp trên bề mặt u mạch và bắt đầu từ phía chu vi đi vào, không cần thiết phải làm quang đông bắt đầu từ cuống nuôi của u mạch.
Tổn hại võng mạc do đái tháo đường: do thương tổn của các mao mạch võng mạc ở đây sẽ xuất hiện một vùng thiếu máu. Tình trạng thiếu oxy trong mô sẽ dẫn đến hậu quả là trong võng mạc xuất hiện nhiều tân mạch. Thoạt đầu khó phát hiện những tân mạch này vì chúng nằm dưới lớp giới hạn trong, rất dễ nhầm với những đám xuất huyết nhỏ. Chỉ có thể nhìn thấy rõ những thương tổn này khi chụp mạch huỳnh quang võng mạc (angiographie fluorescéinique). Các tân mạch này chỉ có lớp nội mô mỏng manh, không có tế bào ngoại mạc (péricytes) bao quanh, cho nên rất dễ vỡ.
Với loại thương tổn trên của võng mạc cần thực hiện sớm kỹ thuật: Quang đông toàn võng mạc (photo - coagulation panrétinienne) bằng Laser Acgon:
Vết chạm Laser: 200 micron
Công suất: 300-500mw (thay đổi tuỳ ca).
Thời gian bức xạ: 0,2 giây.
Những vết Laser dày đặc trên vùng võng mạc thiếu máu sẽ huỷ hoại tổ chức này, ngăn ngừa sự phát triển của tân mạch.
Bệnh đái tháo đường còn có thể gây ra những vi phình mạch trên các mao mạch của võng mạc, đây cũng là những chỗ rất dễ vỡ. Để dự phòng biến chứng xuất huyế võng mạc trong bệnh đái tháo đường, người ta thường chỉ định bắn Laser vào dọc các mạch máu có hoặc nghi ngờ có các vi phình mạch. Trong trường hợp này thường dùng bức xạ Laser với:
Công suất: 200- 500mw (thay đổi tuỳ ca)
Vết chạm Laser: 100 micron
Thời gian bức xạ: 0,1 giây
Nên nhớ vị trí bức xạ là 2 bên thành mạch chứ không phải là ở chính trên mạch máu.
Bệnh hắc võng mạc tiết dịch trung tâm: Để chẩn đoán xác định bệnh này người ta thường hay chụp ảnh huỳnh quang đáy mắt để tìm những chỗ rò ở vùng hoàng điểm. Bắn tia Laser Acgon vào chỗ rò này có thể đưa lại kết quả tốt khá nhanh chóng. Cần chú ý tránh:
Bức xạ Laser vào đúng hoặc gần trung tâm hoàng điểm vì sắc tố vàng ở đây cũng hấp thụ Laser Acgon.
Bức xạ Laser vào khoảng giữa hoàng điểm và đĩa thị giác.
Để điều trị bệnh hắc - võng mạc tiết dịch trung tâm người ta thường dùng bức xạ Laser Acgon với:
Vết chạm: 50 micron
Thời gian: 0,1 giây
Công suất khoảng 200mw (đủ để có vết vùng trắng nhạt trên võng mạc).
Dự phòng và điều trị bong võng mạc: Laser Acgon xuyên qua các lớp trong suốt của võng mạc mà không gây ra thay đổi đáng kể ở đây. Chỉ biểu mô sắc tố, bức xạ này bị hấp thụ mạnh gây ra hiện tượng tăng nhiệt độ và đông đặc tổ chức tại chỗ và cả vùng lân cận. Nếu chọn được công suất ngưỡng thích hợp thì bức xạ Laser chỉ tác động đến các lớp ngoài của võng mạc, các lớp trong (như lớp sợi thị giác và dịch kính) không bị tác hại. Do vậy, việc sử dụng Laser Acgon để dự phòng và điều trị trong bong võng mạc là điều hợp lí.
Trong bong võng mạc người ta thường dùng bức xạ Laser Acgon với:
Vết chạm: 200 micro
Thời gian bức xạ: 0,2 giây
Công suất bức xạ phải thăm dò, thường tăng dần từ 100 mw đến khi đạt vết chạm màu trắng đặc là được.
Điều trị glôcôm góc mở bằng Laser Acgon: Nesterov (1970) bằng kinh nghiệm lâm sàng và thực nghiệm đã nêu vai trò quan trọng của hiện tượng xẹp vùng Schlemm (trong cơ chế nhãn áp trong trường hợp này là do lòng ống Schlemm bị xoá; thành trong bị ép sát vào thành ngoài ống do đó trở lưu thuỷ dịch ở góc tiền phòng tăng lên.
Phát triển luận điểm về hiện tượng xẹp ống Schlemm trong glôcôm góc mở, Krasnov (1973) đã nghiên cứu và đề ra phương pháp điều trị glôcôm theo cơ chế sinh bệnh mà phương pháp dùng Laser đổ nới rộng góc tiền phóng (gonoirétraction) hoặc để nới rộng Trabeculum (trabéculorétraction) là những thành tựu mới trong lĩnh vựv nghiên cứu về bệnh glôcôm.
Kỹ thuật nới rộng Trabeculum (N.R.T) bằng Laser Acgon (Trabéculo - rétraction au Laser à argon): Tiền thân của kỹ thuật này là phẫu thuật dùng Laser hồng ngọc tạo một rãnh ngăn ở góc tiền phòng. Krasnov (1973) đã thực hiện phương pháp mổ này và nhận thấy: kết quả tức thì rất đáng khuyến khích, nhưng sau một thời gian từ vài ba tuần đến vài tháng, nhãn áp lại tăng lên. Về phương diện bệnh lí giải phẫu trên các lõm do Laser gây ra, có một lớp tổ chức liên kết phủ lên, rồi bịt kín.
Công trình nghiên cứu về bệnh lí giải phẫu của Wise trên mắt của những người bị glôcôm chết một thời gian sau khi được điều trị bằng phương pháp nới trabeculum với Laser Acgon cũng cho thấy: không có những lỗ thủng thực sự ở vùng được xử lí bằng Laser: ở đấy chỉ có những vết bỏng nông và về lâu dài các khoang trong vùng trabeculum vẫn mở rộng.
Do vậy không thể dùng Laser để tạo những rò ngầm bên trong góc tiền phòng; tác động chính của Laser Acgon ở vùng góc tiền phòng là gây ra những sẹo co. Những sẹo này sẽ kéo nới rộng vùng trabeculum, giải quyết tình trạng xẹp ống Schlemm, làm cho sự lưu thông thuỷ dịch được dễ dàng, nhờ đó mà nhãn áp sẽ hạ thấp.
Từ những nhận xét trên, Krasnov (1974) rồi sau đó Wise (1979), Bechetoille và cộng sự (1985) đã có những cải tiến nhằm làm cho bức xạ Laser có hiệu lực hơn đối với bệnh glôcôm. Hiện nay, người ta thường sử dụng kỹ thuật nới rộng trabeculum (trabéculorétraction) để điều trị các loại glôcôm mà góc tiền phòng mở.
Các thông số kỹ thuật thường dùng trong N.R.T hiện nay với máy Laser Acgon lực là:
Thời gian phát xạ: 0,1 giây
Đường kính vết chạm: 50 micron
Công suất khoảng 1.000mw
Số vết chạm: 100 (rải đều trên 360 độ suốt dọc theo dải trabeculum).
Cần nhân mạnh ba chi tiết kỹ thuật sau đây khi làm N.R.T với Laser:
Về vết chạm: phải có đường kính đúng 50 micron màu trắng, thật tròn, bờ nét. Muốn vậy cần: dặn bệnh nhân ngồi yên, cố định tốt đầu, mắt bệnh nhân nhìn thẳng vào tiêu của sinh hiển vi, thở nhẹ nhàng.
Về vị trí của vết chạm Laser
Để đạt được hiệu quả tối đa trong khi thực hiện phẫu thuật N.R.T. Wise đề nghị đặc các vết chạm Laser trong phạm vi trabeculum màng bồ đào ngay trước cựa củng mạc. Lựa chọn vị trí này có dụng ý tránh đến mức tối đa các biến chứng ở mắt sau khi làm Laser.
Một số phẫu thuật viên khác (Krasnov, 1983, Bechetoille và cộng sự, 1985) đề nghị hướng chùm Laser vào giải thể mi và đặt tên phẫu thuật này là “nới rộng góc tiền phòng” (goniorétraction). Krasnov còn đề nghị bổ sung thêm một hàng vết chạm thứ hai chạy dọc theo tracbeculum củng giác mạc, tác giả đặt tên cho phẫu thuật cải tiến này là cyclotrabeculospasia (1983).
Về số lượng vết chạm: Nếu thừa nhận lí thuyết về hiện tượng xẹp tracbeculum và cơ chế gây sẹo co để nới rộng góc tiền phòng thì việc phân bổ đều các vết chạm trên 360 độ của góc tiền phòng là điều hợp lí (kỹ thuật Wise).
LASER YAG
Yag = Yttrium - Aluminium - Grenat).
Laser thường được kích thích bằng Neodym (Nd). Laser Yag phát bức xạ có độ dài bước sóng gần vùng tia hồng ngoại (1.06 micron hay 1060nm).
Laser Yag thường dùng hiện nay là loại phát xung (pulse). Tác dụng chủ yếu của Laser này là hiệu ứng nhiệt và một phần là hiệu ứng nổ.
Xếp loại theo thời gian bức xạ, hiện có hai loại Laser Yag:
Loại nano - giây (nanoseconde) có thời gian bức xạ tính theo 10-9 giây.
Loại pico - giây (picoseconde) có thời gian bức xạ tính theo 10-12 giây.
Các Laser Yag có chung 3 đặc điểm: công suất rất lớn phải tính bằng Megawatt; thời gian bức xạ rất ngắn: tính bằng 10-9 - 10-12 giây, diện tích vết chạm Laser rất bé: 30- 40 micron.
Với những đặc điểm trên người ta có thể dùng bức xạ của Laser Yag để cắt hoặc tạo các lỗ nhỏ xuyên qua các tổ chức của mắt.
Một số các chi tiết kỹ thuật về các máy Laser yag.
Để đánh giá và sử dụng các máy Laser Yag cần xem xét một số tiêu chuẩn sau:
Về thời gian bức xạ: Loại Laser Yago nano thời gian bức xạ trung bình là 10 nhiễm sắc thể (1ns = 10-9 giây). Tuỳ theo hãng sản xuất, có thể thay đổi thời gian bức xạ từ 2 hoặc 4 nhiễm sắc thể - 18 nhiễm sắc thể.
Loại Laser Yag pico cung cấp một giải sóng gồm 7 - 12 sóng (tuỳ theo máy); mỗi sóng dái chừng 30 p.S; sóng nọ cách sóng kia 6 nhiễm sắc thể. Toàn bộ giải sóng kéo dài 60 nano giây; như vậy là dài hơn thời gian bức xạ của loại máy LaserYag nano. Cần lưu ý: nếu năng lượng bằng nhau, hiệu ứng cơ học càng quan trọng nếu như thời gian bức xạ càng ngắn.
Về năng lượng: một số máy cung cấp năng lượng cố định vào khoảng 5 milijun (mJ). Các máy mới phần lớn có thể tăng hay giảm năng lượng theo sự điều chỉnh của phẫu thuật viên.
Các máy Laser Yag pico có trị số bằng năng lượng trung bình là 5 mJ (3.5 - 8 mJ).
Các máy Laser Yag nano có trị số trung bình là 15 mJ (5 - 25 mJ).
Về nhịp độ bức xạ: Có loại máy bức xạ từng phát một: mỗi lần dẫm vào bàn đạp, máy phát một bức xạ. Cứ như vậy có thể phát 2 hay 3 bức xạ trong 1 giây.
Có kiểu máy Laser điều chỉnh sẵn: lúc dẫm vào bàn đạp, máy sẽ phát Laser mỗi giây 1 lần. Nhắc chân khỏi bàn đạp, máy ngừng bức xạ.
Về kích thước vết chạm: các máy Laser Yag thường dùng phát ra những chùm tia có điểm chạm khoảng trên dưới 40 micron. Có hãng sản xuất thông báo những trị số bé hơn đến 20 micron. Đó chỉ là trị số lí thuyết trong không khí thực tế, không thể đạt mức dưới 30 micron.
Về hệ thống ngắm và phát xạ: Bức xạ Laser Yag nằm trong phổ hồng ngoại nên mắt ta không trông thấy được, do đó, để dễ sử dụng người ta thường dùng hệ thống ngắm phát ra một chùm sáng nhỏ có màu đỏ (thiết bị phát Laser Helium - Necon, Laser này có độ dài bước sóng là 632.8 Neodym Yag).
Hiệu ứng sinh học của Laser Yag
Laser Yag cũng như những nguồn bức xạ khác là một dạng năng lượng kèm theo nó có một trường điện từ. Các máy Laser Yag phát ra bức xạ có mật độ lớn, ở điểm chạm chùm Laser với tổ chức sống sẽ có một năng lượng đáng kể, dẫn đến sự hình thành một plasma. Khi năng lượng bức xạ lớn, trường điện từ của nó có thể làm văng ra các électron của tổ chức sống. Ở trong một trường điện từ cực mạnh, những eléctron này va chạm vào électron khác của môi trường, cứ thư thế sẽ tạo thành một palsma.
Trong lòng palsma đó, các électron tự do và các ion sẽ tái hợp, dẫn đến một quá trình tăng nhiệt độ. Sự thoái triển này gây ra một sóng chấn động ở môi trường.
Ngoài hiệu ứng nhiệt Laser Yag có lực xuyên khá mạnh; nó có thể làm thủng ngay tức thì nhiều tổ chức của mắt (mống mắt, vỏ bọc của thể thuỷ tinh, v.v...).
Aron Rosa (1984) nhấn mạnh khi dùng Laser Yag trên mống mắt đặc biệt trong trường hợp glôcôm, cần dự phòng biến chứng xuất huyết.
Về bệnh lí giải phẫu: Laser Yag có thể gây ra nhiều biến đổi rất khác nhau trên mắt tuỳ thuộc vào cách sử dụng, vào các thông số kỹ thuật, vào tổ chức nhận bức xạ Laser.
Với Laser pico giây, nếu tập trung bức xạ vào lớp biểu mô giác mạc thì tổ chức này sẽ bị huỷ nhưng lớp đáy ở dưới vẫn nguyên lành; nếu tập trung bức xạ vào lớp nội mô thì chẳng những tế bào ở đấy bị huỷ mà còn kèm theo thương tổn của mô nhục. Với Laser nano giây, có thể cắt xuyên 1/3 bề dày của giác mạc, bờ của vết chạm Laser thường rất gọn.
Laser pico với kính tiếp xúc có thể cắt thủng mống mắt rất gọn mà không gây ra đục thể thuỷ tinh.
Ở vùng góc tiền phòng; Laser pico có thể xuyên qua trabeculum tạo thành một đường ngầm thông vào ống Schlemm. Còn nếu bức xạ Laser nano vào sau trabeculum thì chẳng những có thể xuyên đến vùng ống Schlemm, mà còn gây ra hiện tượng co kéo ở mống mắt và tình trạng tập trung sắc tố ở phần trước của tua thể mi. Bắn vào vùng này khoảng 30- 60 vết chạm Laser có thể làm hạ nhãn áp.
Với thể thuỷ tinh: tất cả các loại Laser Yag đều có thể xuyên thủng lớp vỏ bọc; vết chạm Laser ở đây thường cũng có bờ rất gọn. Các sợi của thể thuỷ tinh ở chỗ bị vết chạm tác động sẽ bị phù và xô lệch rất nhiều.
Tác dụng của Laser Nd Yag trên hắc võng mạc: Aron và cộng sự (1983) nhận thấy: nếu tập trung bức xạ Laser lên võng mạc thì thương tổn gây ra sẽ tuỳ thuợc vào cường độ của chùm Laser 3 - 4 mJ lớp giới hạn trong bị uốn cong nhưng không bị vỡ, với cường độ 5 - 7 mJ, võng mạc bị thủng nhưng hắc mạc và củng mạc vẫn bình thường.
Với Laser Yag nano, Okisaka, Sterkers (1984, đều gây ra được những thương tổn chủ yếu cho các lớp ngoài của võng mạc và các mạch máu của hắc mạc, nhưng khôn gây được các sẹo dính vững chắc của lớp hắc võng mạc.
Chỉ định điều trị của Laser Yag trong nhãn khoa.
Laser Yag với thời gian phát xạ cục ngắn, cho phép cắt một số tổ chức bên trong mắt mà không cần mở nhãn cầu. Kết quả của phẫu thuật Laser rất nhanh chóng, bệnh nhân phần lớn không cần nằm bệnh viện.
Các chỉ định chính của Laser Nd Yag hiện nay là:
Cắt mở màng bọc của thể thuỷ tinh:
Có thể dùng Laser Yag cắt thủng những mảnh màng bọc sót che lỗ đồng tử sau phẫu thuật lấy thể thuỷ tinh, có thể giải quyết được những đục thể thuỷ tinh thứ phát ngay cả trong trường hợp đã đặt thể thuỷ tinh nhân tạo. Kết quả thường nhanh chóng và rất tốt.
Cắt các chỗ dính mống mắt sau chấn thương hoặc sau viêm màng bồ đào. Trường hợp này cần thận trọng hết sức vì có thể gây ra đục thể thuỷ tinh do bức xạ.
Trong viêm mống mắt thể mi khi mà toàn bộ bờ đồng tử bị dính hoặc mống mắt đã có hình “núm cà chua”. Hoặc trong những trường hợp nghẽn đồng tử, Laser Yaf có thể giúp tạo một “đường lưu thông thuỷ dịch giữa tiền phòng và hậu phòng” ngăn ngừa được biến chứng tăng nhãn áp thứ phát.
Để ngừa cơn glôcôm do đóng góc tiền phòng, có thể dùng Laser Yag làm phẫu thuật cắt mống mắt chu biên mà không cần mở tiền phòng, bệnh nhân không phải nằm viện (Collognon, Brach, 1984).
Trong trường hợp mổ cắt bè củng giác mạc mà lỗ rò bị bít, nhãn áp tăng trở lại, có thể dùng Laser Yag mở lại đường rò từ trong vùng Trabeculum.
Sau phẫu thuật lấy thể thuỷ tinh, nhất là khi bị phòi dịch kính mà không cắt mở mống mắt ở 6 giờ một số trường hợp lỗ đồng tử bị kéo lệch lên trên. Đồng tử” treo” lâu ngày sẽ bị dính tịt: mắt mù. Sử dụng Laser Yag trong những ca này có thể đưa lại hiệu quả tăng thị lực tức thì, nếu chưa có thương tổn nặng của màng bồ đào hay ở đáy mắt. |