Chu sa (còn gọi là châu sa, đơn sa, xích đơn, quang minh sa, thần sa), tên khoa học Cinnabaris, là một loại đá có màu đỏ trong, thành phần chủ yếu là sunfua thủy ngân thiên nhiên. Y học cổ truyền xem chu sa là một vị thuốc vị ngọt, tính hơi hàn và có độc, vào được kinh tâm, có tác dụng trấn tĩnh, an thần, minh mục và giải độc. Ðược dùng để chữa các chứng bệnh như tâm phiền bất an, mất ngủ, ngủ hay mê, kinh quý, điên cuồng, kinh giản, trẻ em hay khóc đêm, mụn nhọt, thũng độc, họng sưng, miệng lở... Tuy nhiên, vì trong thành phần có HgS nên tuyệt đối không được dùng trực tiếp hoặc gián tiếp với lửa bởi khi đó chất HgS sẽ kết hợp với O2 tạo thành SO2 và Hg rất độc. Các y thư cổ đều nói chu sa phải dùng sống tuyệt đối, không dùng lửa vì có thể gây chết người và cũng không được dùng lâu, dùng nhiều vì có thể làm cho người thành si ngốc.
Hùng hoàng (còn gọi là thạch hoàng, hùng tinh, hoàng kim thạch, hoàng thực thạch, hắc hoàng, thiên dương hoàng, kê quan thạch). Tên khoa học Realgar, là một loại khoáng vật dùng để làm thuốc có thành phần chủ yếu là asen sunfua (AsS), trong đó asen chiếm chừng 70,1%, sunfua 29,9%. Theo y thư cổ, hùng hoàng vị cay đắng, tính ấm, có độc, vào được hai kinh can và vị; Có công dụng giải độc, sát trùng, táo thấp và trừ đàm; Thường dùng để chữa các chứng ung nhọt, nha cam tẩu mã, hầu phong hầu tý, ghẻ, trùng tích, sốt rét, rắn độc cắn, tràng nhạc, trĩ viêm loét... Tuy nhiên, đây cũng là một vị thuốc có độc nên khi dùng cần hết sức thận trọng và phải được thầy thuốc chuyên khoa chỉ định.
Khinh phấn (còn gọi là hồng phấn, cam phấn, thủy ngân phấn), tên khoa học Calomelas, là một loại muối thủy ngân clorua (Hg2Cl2) được chế bằng phương pháp thăng hoa. Vị thuốc này được dùng cả trong Ðông và Tây y. Theo Ðông y, khinh phấn vị cay, tính lạnh, có độc, vào được 3 kinh can, thận và đại tràng; Có công dụng trừ đàm, trục thủy, thông tiện (dùng trong), công độc, sát trùng, chống ngứa, làm sạch vết thương (dùng ngoài); Thường được dùng để chữa các chứng kinh phong, đàm ủng suyễn nghịch, thủy thũng chướng mãn, đại tiểu tiện bất lợi, mụn nhọt, lở ngứa, trứng cá đỏ... Tây y coi khinh phấn là một vị thuốc trừ giun, lợi đại tiểu tiện và thông mật. Tuy nhiên cả Tây và Ðông y đều xếp khinh phấn vào loại thuốc nguy hiểm.
Thiên hoa phấn (còn gọi là qua lâu căn, qua lâu phấn, thiên qua phấn, hoa phấn), tên khoa học Radix Trichosanthis Kirilowii, là rễ phơi hay sấy khô của cây qua lâu. Theo y học cổ truyền, thiên hoa phấn vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, vào được kinh phế và vị; Có công dụng thanh nhiệt sinh tân, nhuận phế hóa đàm, tiêu thũng bài mủ; Thường được dùng để chữa các chứng bệnh có sốt nóng, môi khô miệng khát, tiêu khát (tiểu đường), phế nhiệt táo khái, lở loét, thũng độc... Muốn có thiên hoa phấn, sau khi thu hoạch hạt qua lâu ít lâu (vào mùa thu hay mùa xuân), người ta đào rễ, rửa sạch đất cát, cạo bỏ vỏ ngoài, cắt thành từng đoạn ngắn, bổ dọc, phơi khô rồi xông diêm sinh để bảo quản.
Hồng táo là tên gọi khác của đại táo, có tên khoa học Ziziphus jujuba Mill. Trong y học cổ truyền đại táo là một trong những vị thuốc hết sức thông dụng, có vị ngọt, tính ấm, công dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần. Nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, đại táo có tác dụng cải thiện công năng miễn dịch, chống mệt mỏi, bảo vệ tế bào gan, hạ huyết áp, giảm ho, trừ đờm và chống ung thư.
Chu sa, hùng hoàng và khinh phấn có thể tìm mua ở các hiệu thuốc Ðông y lớn có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên vì chúng là những vị thuốc có độc cho nên khi dùng phải hết sức thận trọng, nhất thiết phải được các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và hướng dẫn cụ thể. |