Theo y học cổ truyền, khi mang thai trong giai đoạn 2-3 tháng đầu, không ít phụ nữ dương khí vốn thịnh nhưng vì có thai mà dương mạch không thông, huyết của kinh ứ tắc, kéo theo tinh huyết uất lại làm uế khí xung lên vị mà thành vị nhiệt, biểu hiện bằng các chứng như nôn chất đắng, chất chua, tâm phiền, ngủ kém, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, miệng lưỡi lở loét.... Ðể khắc phục tình trạng này, cổ nhân thường dùng phương pháp Thanh vị giáng nghịch, nghĩa là tiến hành chọn dùng các vị thuốc và bài thuốc có tính mát để làm hết yếu tố "nhiệt" ở trong vị và đưa nhiệt xuống dưới.
Trong Ðông y, mía được gọi là Cam giá, vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh phế và vị, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền (giải nhiệt, làm hết cảm giác bồn chồn), sinh tân chỉ khát (làm tăng chất dịch cho cơ thể hết khát), hòa trung nhuận táo (điều hòa công năng tỳ vị và nhuận tràng). Thường dùng để giải nhiệt, giải khát, chữa các chứng sốt cao làm hao tổn phần dịch trong cơ thể, nôn và buồn nôn do vị nhiệt, ho do phế táo, táo bón, ngộ độc rượu... Râu ngô được gọi là Ngọc mễ tu, vị ngọt, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi tiểu, chữa sỏi tiết niệu, vàng da do thấp nhiệt...
Cháu đang ở trong trạng thái vị nhiệt, bởi vậy việc dùng hai vị thuốc nói trên là hợp lý. Mía có tác dụng thanh nhiệt trực tiếp ở vị lại vừa có khả năng bổ sung phần dịch cho cơ thể. Còn râu ngô vừa thanh nhiệt bằng cách thải nhiệt qua đường tiết niệu, lại vừa có khả năng thay cũ đổi mới thủy dịch trong nhân thể. Hai vị phối hợp và bổ sung nhau giúp cho cơ thể sớm trở lại trạng thái sinh lý bình thường. Hơn nữa, mía còn cung cấp khá nhiều chất dinh dưỡng rất cần cho sự phát triển của thai nhi như đường tự nhiên, các acid amin, vitamin và nguyên tố vi lượng. |