Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Người dân ở quê tôi thường dùng lá một loại dây leo, gọi là cây duốc cá, giã nhỏ để thuốc bắt cá. Xin cho biết ngoài việc làm bả bắt cá, cây có tác dụng dược lý gì không?

Còn gọi là dây duốc cá, dây mật, dây cóc, dây cát, lầu tín, tuba root (Anh), derris (Pháp), touba.

Tên khoa học Derris elliptica Benth., Derris tonkinensis Gagnep.

Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).

Dây duốc cá là những cây cho rễ dùng đánh bả cá. Vì những cây này chỉ độc đối với sâu bọ và động vật máu lạnh, không độc đối với người và súc vật nuôi trong nhà nên còn được dùng trong công nghiệp để diệt trừ sâu bọ. Cây cỏ ở Việt Nam.

Mô tả cây.

Dây duốc cá là một loại dây leo khỏe, thân dài 7-10m, lá kép gồm 9-13 lá chét, mọc so le, dài 25-35cm, lá chét lúc đầu mỏng, sau dai dày, hình mác, đầu nhọn, phía dưới tròn. Hoa nhỏ, trắng hoặc hồng. Quả loại quả đậu, dẹt, dài 4-8cm.

Phân bố và chế biến

Nguồn gốc mọc hoang dại tại các nước Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam. Sau được trồng ở những nước nói trên và một số nước khác ở châu Phi (như Congo...).’

Trước đây ở miền Nam, duốc cá được trồng nhiều ở Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Phú Quốc.

Công dụng và liều dùng

Đối với người và súc vật: Người ta dùng rễ duốc cá làm thuốc tẩy giun, nhưng cũng ít dùng so với các loại thuốc giun khác. Còn dùng chữa ghẻ dưới dạng thuốc mỡ.

Ở nước ta, tại một số vùng, người ta chỉ hái cây duốc cá tươi, làm thành một vòng treo trên sừng những con trâu bị dòi hay có ký sinh. Dòi và ký sinh thấy mùi duốc cá sẽ tự đi.

 

Duốc cá: Xem những nơi nào có cá, lấy một ít rễ dây duốc cá (nhiều ít tùy theo nơi đó nhiều hay ít nước), giã nhỏ, thả bột thô rễ cây duốc cá vào nước. Ít giờ sau, cá bị chất độc rotenon làm ngẹt thở nổi lên mặt nước. Bắt cá đó thả vào nước sạch, cá sẽ sống lại.

Làm thuốc trừ sâu: hay dùng nhất, dưới những dạng sau đây: Để diệt trừ ruồi, muỗi, mối, mọt, gián, nhện, sâu gây hại cây trồng... Tác dụng của rotenon mạnh gấp 4-10 lần nicotin. Đối với những sâu bọ có vỏ cứng và bộ máy hô hấp khó thâm nhập, cần dùng với liều cao gấp hai, ba lần.

Một công thức dùng rễ duốc cá

Rễ duốc cá 250g, xà phòng 250g, nước 100 lít. Rửa sạch rễ, giã nát ngâm vào 15 lít nước trong 24 giờ. Sau 24 giờ vớt rễ ra và lọc. Bã ngâm vào 10 lít nước trong 3 giờ. Lọc lại. Khi dùng cho thêm nước đã pha với xà phòng vào theo tỷ lệ trên cho đủ 100 lít. Dùng bơm bơm lên những nơi có sâu hoặc côn trùng như vườn rau, vườn cây, nhà cửa...

Viện Y Dược học dân tộc TPHCM đã dùng lá cây cóc kèn Derris trifoliata Lour (cùng họ) làm thuốc cầm máu, làm lành vết thương. Cây này là một loại dây leo lớn, lá có 3-5 lá chét, đôi khi 7 lá, hoa màu trắng phớt hồng, mọc thành chùm, quả dài 3-4cm, rộng 2-2,8cm, chứa một hạt. Trong lá cóc kèn có 11% tanin, rotenon, nhiều flavon dưới dạng bột mịn màu vàng nhạt.

Trong nhân dân còn dùng lá sắc uống chữa lỵ, tiêu chảy

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình