Bệnh chàm còn gọi là eczema, thuật ngữ eczema tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thoát ra” được dùng từ xa xưa để chỉ các bệnh da xuất hiện một các đột phát. Đến năm 1908, Willan giới hạn lại, thuộc nhóm các bệnh da có mụn nước, năm 1913 Bateman mô tả đầy đủ về lâm sàng. Trường phái Pháp Biett (1819), Rayer (1823), Bazin, Hardy xếp eczema là bệnh da do tạng (diahese) cùng với các bệnh sẩn ngứa, bệnh lichen v.v.v. Trường phái Viên (Áo), Hebra (1872) và Kaposi ngược lại không đồng ý giả thuyết do tạng và cho rằng các kích thích thường xuyên trên da có thể gây bệnh chàm cho mọi người. Đến năm 1892 Besnier kết hợp 2 giả thuyết trái ngược nhau ở trên và phân ra 2 loại : bệnh chàm liên quan đến cơ địa của bệnh nhân và chàm hóa là thương tổn da dạng chàm thứ phát sau các bệnh da khác, đặc biệt là sau viêm da tiếp xúc. Sự phân loại 2 nhóm bệnh chàm được nhiều tác giả bàn cãi. Cho đến nay qua nhiều công trình nghiên cứu và theo dõi về lâm sàng, bệnh chàm được xác định là một bệnh dị ứng xuất hiện như một phản ứng viêm ở biểu bì trên một cơ địa riêng biệt do các dị nguyên khác nhau gây nên. Bệnh chàm là một bệnh da phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 25% so với các bệnh da khác, bệnh có nhiều hướng phát triển do các yếu tố từ môi trường bên ngoài tác động lên cơ thể ngày càng nhiều như các hóa chất trong các ngành công, nông nghiệp, các loại thuốc dùng rộng rãi trong y học kết hợp với những điều kiện thuận lợi về cơ địa như rối loạn chức năng về nội tạng, nội tiết, thần kinh hoặc do nhiễm độc mạn tính nhất là nhiễm độc rượu. Bệnh chàm biểu hiện bằng thương tổn căn bản là mụn nước tập trung đám trên nền da bị viêm. Các mụn nước vỡ ra tạo thành các vết trợt đóng vảy tiết rồi bong vảy và da trở lại bình thường. Bệnh chàm bao giờ cũng kèm theo triệu chứng ngứa và hay tái phát. Các mụn nước trong quá trình bệnh lý cũng có nhiều biến đổi nên rất đa dạng, do đó bệnh chàm có nhiều hình thể lâm sàng khác nhau.
Triệu chứng lâm sàng : mụn nước là triệu chứng lâm sàng chủ yếu của bệnh chàm, thường kích thước bằng đầu đinh ghim sắp xếp thành từng đám phát ra trên nền da đỏ sung huyết, sau mụn nước vỡ chảy nước vàng và đóng vảy tiết. Vảy sẽ bong đi và da được phục hồi dần. Đặc tính của bệnh chàm là tiến triển thành từng đợt không đều nhau trên một bệnh nhân, phụ thuộc vào từng vùng da. Giai đoạn tiến triển của thương tổn cũng khác nhau nên trên một mảng chàm các thương tổn có thể rất đa dạng. Điều quan trọng là nhận định được mụn nước điển hình và giai đoạn tiến triển của các mụn nước đó. Ngoài tính chất khách quan thương tổn đa dạng, còn thêm một triệu chứng chủ quan thường xuyên nữa là ngứa, ngứa nhiều hoặc ít phụ thuộc vào giai đoạn cấp tính hoặc mạn tính, thường ngứa nhiều ở giai đoạn đầu của đợt phát bệnh và tăng lên sau một đợt phát bệnh mới. Ngứa còn phụ thuộc vào từng người, một số người chỉ ngứa rõ rệt ở giai đoạn đầu đợt phát bệnh. Ngược lại, một số người khác thuộc loại thần kinh dễ bị kích thích nên ngứa dữ dội, ban đêm ngứa tăng lên làm mất ngủ, ảnh hưởng đến toàn trạng, cơn ngứa có thể liên quan đến bữa ăn, ngứa có thể làm bệnh nhân không chịu được bắt buộc phải tìm mọi cách để trấn áp ngứa như chườm nóng nhất là gãi. Thường sau khi gãi cho đã ngứa bệnh nhân có cảm giác dễ chịu sảng khoái, nhưng cảm giác đó chỉ tạm thời, bệnh nhân càng gãi bệnh càng tăng và gây thêm các thương tổn trợt da, các vết hằn da và cuối cùng da dày kẻ ô. Những trường hợp bệnh kéo dài gãi nhiều các móng tay trở nên bóng trơn và mòn do cọ xát. Các thương tổn do gãi còn làm cho bệnh nhân còn có cảm giác đau rát hoặc đau như kim châm. Bệnh chàm qua các giai đoạn tiến triển tạo thành các mảng, số lượng kích thước và hình dạng rất khác nhau, bờ thường không đều và phân tán. Trên một mảng chàm mới phát cấp tính, mỗi đợt phát bệnh tiến triển theo 5 giai đoạn, phản ánh sự tiến triển của mụn nước, mỗi đợt kéo dài từ một vài ngày cho đến một vài tuần.
Giai đoạn đỏ da : bắt đầu ngứa ngáy cảm giác nóng rồi da trợ nên đỏ và phù. Ngứa là triệu chứng báo hiệu và tồn tại thường xuyên có tính trội hẳn nên Milian xem bệnh chàm như một bệnh của thần kinh giao cảm bị kích thích gây ngứa và dãn mạch. Đỏ da lan tỏa kèm theo phù, sung huyết, trên nền da đỏ nhìn kỹ thấy toàn bộ lăn tăn như hạt cát báo hiệu sắp có mụn nước. Cạo bằng một thìa nạo cùn sẽ làm các mụn nước vỡ ra và nếu đặt một tờ giấy mỏng như giấy quấn thuốc lá lên bề mặt mảng thương tổn sẽ thấy chất dịch tiết ra thấm vào tờ giấy thành từng chấm. Ở vùng da tổ chức lỏng lẽo như mi mắt, bao quy đầu, da đỏ kèm theo phù nhiều nên không thấy rõ hình dạng lăn tăn. Trường hợp da đỏ xuất hiện một cách đột ngột, chàm dạng viêm quầng thường bắt đầu là một viêm da tiếp xúc. Có một số trường hợp chàm cấp tính, xuất hiện và mất đi nhanh nhất là khi vị trí khu trú ở mặt, các mụn nước rõ rệt thường không thấy và sau vài ngày đỏ da, hình dạng lăn tăn và phù mất đi để lại bong vảy như cám.
Giai đoạn mụn nước : những mụn nước điển hình của bệnh chàm xuất hiện rất sớm sau vài giờ hoặc vài ngày trên mảng da đỏ và có thể lan rộng quá giới hạn của mảng đó, các mụn nước to bằng đầu đinh ghim đường kính khoàng 1 – 2mm, rất nông chứa dịch trong, liên kết với nhau có khi tạo thành bọng nước. Hình dạng chàm bọng nước thường gặp trong trường hợp chàm tiếp xúc hoặc chàm khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân. Trên một mảng chàm các mụn nước tiến triển qua nhiều đợt liên tiếp nên có nhiều giai đoạn khác nhau, có mụn nước mới mọc, có mụn nước đã vỡ và có mụn đã đóng vảy hoặc đã bong vảy. Mảng chàm lan rộng dần trở nên không đều và phân tán. Bệnh chàm có thể chỉ ở giai đoạn mụn nước, các mụn nước tự khô đi tại chổ và không vỡ ra, những vảy tiết nhỏ và vảy da thay thế các mụn nước (chàm khô), thông thường các mụn nước đều vỡ ra hoặc do gãi sẽ vỡ ra và chảy nước.
Giai đoạn chảy nước : các mụn nước vỡ ra chảy nước trong hơi vàng, dính ướt cộm quần áo, nước chảy ra liên tục khi thì từng giọt khi thì chảy giàn giụa, mặt da sũng nước, đến giai đoạn này mảng chàm lỗ chổ nhiều vết trợt hình tròn Devergie gọi là giếng chàm. Theo Civatte A nguồn gốc của giếng chàm là do thoát dịch trực tiếp từ trung bì, các nhú bì rất nhanh chóng bị lộ ra do các đợt phát bệnh xảy ra liên tiếp, làm cho biểu bì không trở lại bình thường được. Mảng chàm trở nên đa dạng và các đợt phát mụn mới kế tiếp với các mụn nước đã vỡ, thông thường khi mảng chàm chảy nước thì ngứa có thể giảm, tuy nhiên không phải thường xuyên, ngược lại ở một số trường hợp ngứa dường như được duy trì do sự kích thích của chất dịch trên mảng chàm.
Giai đoạn đóng vảy tiết : khi nước vàng bớt chảy huyết thanh đọng lại trên mặt da tạo thành từng mảng vảy tiết màu vàng hoặc một vỏ bọc đồng đều, màu vàng trong suốt, nếu không có bội nhiễm đôi khi rớm máu làm cho mảng vảy thành màu nâu. Nếu lại chảy nước, vảy sẽ mềm và bong đi rồi một vảy tiết mới sẽ hình thành khi giảm chảy nước. Trong vài ngày các vảy tiết tự bong, bong do gãi hoặc do đắp thuốc điều trị.
Giai đoạn bong vảy : (giai đoạn phục hồi) nếu các vảy tiết bong hoàn toàn thì da lộ ra màu đỏ nhẵn rất đặc biệt, màu da còn đỏ tươi chứng tỏ vẫn còn tồn tại hiện tượng viêm. Bề mặt da nhẵn căng bóng so sánh tương tự như vỏ hành, thường có từng chấm nhỏ hơi lõm xuống màu đỏ tương ứng với các giếng chàm từ trước. Hình dáng ấy chỉ tạm thời độ một hai ngày sau màu đỏ nhạt đi, da nhăn nheo nứt ra thành các vảy da có kích thước khác nhau, thành mảng dày hoặc vụn như cám. Qua nhiều đợt bong vảy ngày càng ít dần, sau một thời gian khi hết bong vảy nếu không có mụn nước tái phát da trở lại bình thường không có sẹo. Trên đây là các giai đoạn tiến triển của một mảng chàm có mụn nước thông thường, tuy nhiên không nhất thiết tất cả các thể chàm đều diễn biến qua các giai đoạn liên tiếp đó. Có thể thiếu trong các giai đoạn, ví dụ giai đoạn mụn nước có khi không rõ, chỉ thể hiện ở một số trường hợp chàm cấp bằng da đỏ hơi nhăn nheo và sau đó đến giai đoạn bong vảy. Trong một số trường hợp chàm bán cấp và chàm mạn tính, bệnh có thể tiến triển theo kiểu bong vảy da và vảy tiết (chàm khô). Chàm mạn tính tiến triển lâu dài, da dày lichen hóa rất ngứa có thể ít hoặc không có mụn nước ít hoặc không chảy nước. Bình thường trên một mảng chàm các giai đoạn tiến triển khác nhau do đó các thương tổn có tính đa dạng. Bệnh chàm có thể chỉ khu trú tại một vùng da của cơ thể có khi chỉ thu lại một mảng nhỏ, các lần tái phát sau có thể xuất hiện ngay tại chổ cũ (chàm cố định), thông thường các mảng thương tổn của bệnh chàm qua các đợt tiến triển xuất hiện rải rác trên toàn thân dẫn đến tình trạng da đỏ toàn thân. Trong bệnh chàm các niêm mạc không bị thương tổn nhưng các vùng bán niêm mạc (môi, quy đầu) có thể bị.
Các thể lâm sàng : người ta sắp xếp các thể lâm sàng của bệnh chàm dựa theo sự biến đổi về hình dạng và vị trí khu trú của thương tổn căn bản hoặc dựa theo căn nguyên.
1/ Hình thể lâm sàng : căn cứ vào biến đổi về hình dạng và vị trí khu trú của thương tổn căn bản.
Chàm đỏ : có đặc tính là da vùng thương tổn phù và nhất là đỏ da tăng lên rất rõ rệt, khu trú thường ở chi dưới tạo thành một mảng da đỏ thẫm ấn kính không mất hoàn toàn gần giống như một mảng xuất huyết. Trung bì và hạ bì đều có thâm nhiễm, bệnh chàm được xác định căn cứ vào sự hiện diện của một số mụn nước và chảy nước trên bề mặt thương tổn, ngứa là triệu chứng thường xuyên.
Chàm dạng viêm quầng : là một hình dạng lâm sàng mà hiện tượng sung huyết diễn ra cấp tính, thường khu trú ở mặt trong vài giờ mắt sưng húp, màu đỏ tươi mi mắt sưng phù, kèm theo triệu chứng toàn thân sốt thành cơn, đau khớp giống như viêm quầng nhưng bờ không nổi cao. Sau một thời gian trên mảng thương tổn xuất hiện những mụn nước, các hạch bạch huyết không sưng, bệnh có thể khỏi và giảm trong vài ngày nhưng thường có tái phát.
Chàm khô : mụn nước thương tổn điển hình của bệnh chàm dưới dạng chàm khô rất kín đáo. Triệu chứng lâm sàng là một mảng đỏ hơi cao lên mặt da, có phủ vảy da như cám hoặc vảy da mỏng, có khi vảy trắng dày như vảy nến giống như á sừng. Thỉnh thoảng ở rìa bờ thương tổn có một lớp vảy sừng bong ra, một dấu hiệu của chàm khô là khi cạo vảy bằng thìa nạo cùn (phương pháp Brocq) hoặc kích thích trên vùng da bị thương tổn, sẽ thấy tiết dịch thành từng chấm gọi là rỉ nước vàng hình ảnh giống như “giếng chàm”. Vị trí khu trú của đám thương tổn thường ở thân mình và các chi, ít xuất hiện ở cổ và da - đầu. Có khi các đám thương tổn liên kết với nhau và tạo thành các mảng thương tổn khá rộng (hình thể lan tỏa), ngứa ít không dữ dội như trong thể chàm điển hình. Bệnh chàm khô thường phát triển sau một bệnh nhiễm khuẩn toàn thân như cúm, viêm họng hoặc bệnh nhiễm khuẩn da.
Chàm tổ đỉa : là một thể lâm sàng có hình dạng mụn nước bất thường. Những mụn nước nhỏ xuất hiện trên nền da lành không đỏ nằm sâu trong biểu bì, phía trên là lớp sừng dày. Vị trí khu trú ở đầu chi (bàn tay, bàn chân) thường ở mặt bên các ngón, bệnh phát từng đợt rất ngứa lấy kim chích mụn nước thấy chảy ra một chất dịch trong dính, một số trường hợp bội nhiễm vi khuẩn nên hóa mủ. Các mụn nước không tự vỡ nhưng tự teo đi trong khi đó biểu bì trên mụn nước có hiện tượng bong vảy. Hình dạng chàm tổ đĩa có thể xen kẽ hoặc kết hợp với chàm mụn nước. Tính chất đồng nhất về tổ chức học và căn sinh bệnh học chứng tỏ sự giống nhau giữa tổ đỉa và chàm, bệnh không có liên quan đến bài tiết mồ hôi, có thể trong dịch mụn nước có vi khuẩn hoặc nấm do bội nhiễm.
Chàm bọng nước hoặc dạng pemphigut : mụn nước có kích thước lớn bất thường giống với một vài hình thể của bệnh da có bọng nước như pemphigut hoặc nhiễm độc da thể bọng nước do thuốc (brom, iot). Các hình thể lâm sàng có bọng nước thường khu trú ở vùng lớp sừng dày nhất là vùng bàn tay, bàn chân.
Chàm sẩn - mụn nước : đặc tính lâm sàng về thương tổn căn bản có những mụn nước nhỏ xuất hiện trên nền da nổi cao hơi sung huyết màu hồng, ấn kính mất từng phần, mụn nước ở giữa khi còn nguyên vẹn, khi bị sây xước và thay thế bằng một vảy tiết nhỏ. Kích thước của sẩn và mụn nước trên sẩn có thể thay đổi rất giống như bệnh sẩn ngứa (prurigo). Cách sắp xếp của thương tổn có tính chất rải rác trên bất kỳ vùng nào của cơ thể và cách nhau bằng một vùng da lành, bên cạnh những thương tổn rải rác cũng có trường hợp tập trung thành đám.
Chàm đồng tiền : chàm hình dạng tròn đều giống như đồng tiền giới hạn rất rõ đường kính 15mm hoặc có thể đến 30mm, mảng thương tổn thường nổi cao trên mặt da phù và có mụn nước, giống như mảng chàm sần mụn nước. Vùng trung tâm có thể khô, lành trong khi các mụn nước sắp xếp ờ bờ thương tổn dạng như một mảng nấm da. Hình thể chàm đồng tiền thường khu trú ở mu bàn tay, cổ tay điều trị dai dẳng và thường hay tái phát ngay tại vùng thương tổn cũ.
Chàm nứt rạn : ít gặp, xuất hiện ở mặt duỗi các chi, da hơi đỏ hồng có vảy trong mờ, mỏng nhưng tương đối rộng, hình dạng giống hình thoi, giới hạn bằng các đường nứt da rộng khoảng 1 -3mm, không sâu, chéo nhau không đều có sung huyết màu đỏ và nếu quan sát kỹ ở đường nứt có thể thấy những mụn nước và rỉ nước.
Chàm lá : thường khu trú ở chi dưới các vảy liên kết thành mảng rộng, dưới các vảy biểu bì đỏ chảy nước từ các mụn nước vỡ ra (giếng chàm) có thâm nhiễm ở trung bì. Thể bệnh này dai dẳng thường kèm theo hạch bẹn sưng to, bạch cầu axit tăng cao trong công thức máu.
Chàm da mỡ : phát ra trên vùng tăng tiết bã nhờn tức là vùng trước ngực, sau lưng (giữa 2 xương bả vai), rãnh mũi – má, vùng lông mày và da đầu, đặc tính là thường phát ra những dát đỏ ở nang lông, màu hồng có vảy nhờn màu vàng bao phủ. Các thương tổn liên kết với nhau thành từng mảng kích thước to nhỏ không đều và có ranh giới rõ rệt. Có khi bắt đầu ở giữa và lan rộng ra xung quanh thành hình chiếc nhẫn, cạo vảy thấy rớm nước trên toàn bộ thương tổn chứ không rỉ nước thành từng chấm như trong thể chàm điển hình.
Chàm sừng hóa Wilson (do Wilson mô tả): là hình thể đặc biệt của chàm khu trú ở gan bàn tay và bàn chân, đặc trưng bởi một vỏ bọc sừng hóa dày màu trắng hơi xám, nứt nẻ và có nú sừng đau, biểu bì ở dưới đỏ, ướt, có một vài mụn nước ở rìa bờ hoặc ở vị trí dưới nút sừng, bờ của mảng thương tổn không đều, phân tán, giúp phân biệt với các bệnh dày sừng khác ở gan bàn tay và bàn chân. Chàm khu trú ở các móng : thường ít gặp có đặc tính là móng bong khỏi gốc, nền ở dưới ráp, màu nâu nhạt thường tiếp theo với chàm khô ở các đầu ngón. Chàm của móng tiếp theo chàm khu trú ở lòng móng thường gặp hơn và có nhiều hình dạng lâm sàng khác nhau như viêm quanh móng, dày móng, móng có chấm hoặc vết trợt có đường nứt ngang và khía dọc. Những thương tổn ở móng nói trên không có đặc tính đặc trưng, để chuẩn đoán chắc chắn cần tìm các thương tổn chàm ở các vùng da khác của cơ thể.
2/ Căn nguyên bệnh chàm – Các hình thể lâm sàng dựa theo căn nguyên.
Căn nguyên : bệnh chàm khá phức tạp vì vậy điều trị bệnh chàm vẫn chưa đem lại kết quả mong muốn cho tất cả các trường hợp. Qua nhiều công trình nghiên cứu ở các nước và qua theo dõi lâm sàng, người ta xác nhận những điều kiện thuận lợi làm bệnh chàm phát triển những thay đổi trong cơ thể trước và sau khi phát bệnh. Các yếu tố kích thích trên da từ môi trường bên ngoài giữ vai trò quan trọng trong việc xuất hiện bệnh chàm, các yếu tố được phát hiện ngày càng nhiều. Có thể là loại thuốc trong đó hay gây phản ứng nhất là lưu huỳnh, thủy ngân, các thuốc gây tê các loại sulfamide, các loại kháng sinh (pénicilline, stretomycine) các loại gốc clo, v.v.v. Các hoạt chất gây bệnh chàm nghề nghiệp như các dược phẩm, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm, xi măng, nguyên liệu làm cao su, dầu mỡ, than đá, phân hóa học, v.v.v. Những yếu tố trong sinh hoạt như quần áo, đồ dùng, giầy dép bằng cao su, nhựa bút máy, các mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, v.v.v. Một số cây hay gây phản ứng như cây sơn, cây cúc cần, cây đay, tía tô dại, cỏ hoang,v.v.v. Những yếu tố bên ngoài (dị nguyên) chỉ có thể tác động gây bệnh chàm đối với những người có cơ địa dễ cảm ứng với các chất đó. Cơ địa có thể có tính gia đình, di truyền, điều tra tiền sử những bệnh nhân chà, thường thấy trong gia đình có người mắc bệnh chàm hoặc các bệnh dị ứng khác như mày đay, hen suyễn,v.v.v. Nhiều công trình nghiên cứu về cơ địa cho thấy có những biến đổi trong cơ thể bệnh nhân như rối loạn chuyển hóa các chất, rối loạn chức năng nội tạng, nội tiết, thần kinh,v.v.v. Da của bệnh nhân chàm có những thay đổi về tính chất dẫn điện, về cả giác đau, cảm giác sờ, về khả năng điều hòa nhiệt độ, khả năng chống đỡ của da đối với tác dụng của axit, kiềm và những chức năng khác. Những thay đổi đó có tính riêng biệt tùy theo cơ địa, xuất hiện trước khi phát ra các thương tổn và tiếp tục trong qua trình phát triển bệnh. Như vậy yếu tố bên ngoài và cơ địa (tức là yếu tố bên trong cơ thể) kết hợp với nhau chặt chẽ tạo nên cơ chế dị ứng là cơ sở chủ yếu trong phát sinh và phát triển bệnh chàm. Trong các yếu tố cơ địa người ta nói đến vai trò thần kinh, những phản ứng ở da do tăng cảm ứng đối với chất kích thích làm thay đổi các chức năng bình thường của da, đều chịu ảnh hưởng của các yếu tố thần kinh. Người ta nhận thấy bệnh chàm phát triển ở những người do có nguyên nhân nào đó - sự điều khiển của hệ
thần kinh đối với sự chuyển hóa các chất ở da bị rối loạn, những tính chất sinh lý và sinh hóa của da không giữ được ở mức bình thường. Nhiều trường hợp xuất hiện bệnh chàm do chấn thương tâm thần hoặc do tác dụng lâu dài của các yếu tố kích thích thần kinh. Ở một số trường hợp khác, bệnh chàm phát triển do các bệnh của nội tạng, các kích thích bệnh lý từ các nội tạng dẫn truyền đến hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng phản xạ đến chức năng của da. Rối loạn hệ điều hòa thần kinh dinh dưỡng trên da còn có thể xảy ra do thương tổn của dây thần kinh ngoại biên. Những nhận xét lâm sàng chứng minh vai trò của các yếu tố thần kinh trong căn nguyên sinh bệnh của bệnh chàm như sau : cách sắp xếp các thương tổn một số trường hợp bệnh chàm có tính đối xứng như cách sắp xếp của dây thần kinh. Khi gây bệnh chàm thực nghiệm do tiếp xúc, thời gian ủ bệnh cũng tương đương ngang với dây thần kinh xa hay gần, ở lưng mất 3 – 4 ngày, ở các chi phải mất khoảng 20 ngày, trong đợt phát bệnh mới, điện não đồ của bệnh nhân có chổ bất thường, khi khỏi bệnh không thấy nữa.
Chàm tiếp xúc : bệnh chàm tiếp xúc là do tác dụng kích thích hoặc dị ứng với các chất tiếp xúc (dị nguyên) trong sinh hoạt hoặc trong nghề nghiệp. Một số trường hợp còn do tác dụng tiếp xúc đối với tia tử ngoại trong tia bức xạ mặt trời, tỷ lệ bệnh viêm da, chàm tiếp xúc trong cộng đồng khoảng 1,5 – 5,4% tăng dần hàng năm với sự phát triển của nền công nghiệp từng nước, nhất là công nghiệp hóa chất. Chàm tiếp xúc có đặc tính là thương tổn khu trú ở vùng hở như mu bàn tay, bàn chân, cẳng tay, mặt và cổ tương ứng với các vùng tiếp xúc với chất gây bệnh, trường hợp cấp tính da đỏ và phù. Trên nền da đỏ xuất hiện các mụn nước nhỏ liên kết với nhau thành mảng, sau đó các mụn nước vỡ ra, chảy ra và đóng vảy tiết, qua các giai đoạn tiến triển của mụn nước như trong chàm bình thường, bệnh chàm tiếp xúc thường là ít đa dạng, về sau các thương tổn có thể phát xa vùng tiếp xúc với chất kích thích gây bệnh ban đầu. Các thương tổn của chàm tiếp xúc ở giai đoạn cấp tính thường tiến triển theo trình tự : đỏ da è phù è sẩn è mụn nước è bọng nước è chảy nước è vảy tiết. Khi vảy tiết bong đi, da trở lại bình thường sau một giai đoạn đỏ da tồn lưu tạm thời. Nếu cứ tiếp tục chịu đựng của chất tiếp xúc, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn bán cấp và sau đó đến giai đoạn mạn tính. Ở giai đoạn này vùng da bị thương tổn khô, ráp, hơi đỏ, nổi sần có vảy da, dày da lichen hóa. Nếu loại bỏ được hoàn toàn chất kích thích gây cảm ứng, bệnh giảm nhanh và không tái phát. Để chuẩn đoán bệnh chàm tiếp xúc thường sử dụng phương pháp làm test da (patch – test). Lấy chất ghi gây bệnh pha chế với nồng độ thích hợp, nếu là thuốc và hóa chất tùy theo tác dụng của hoạt chất, pha theo tỷ lệ 1 – 10% trong nước, cồn 600 hoặc vazơlin. Vùng da làm test là vùng mặt trước cẳng tay hoặc vùng sau lưng giữa 2 xương bả vai, sau khi lau sạch vùng da định làm thử nghiệm bằng ete, để chất thử nghiệm lên miếng gạt gấp tư (diện tích 1cm2) áp lên vùng da đó băng lại bằng miếng băng dính không gây cảm ứng da. Thủ nghiệm test da phải được làm trên vùng da lành, ngoài đợt bệnh đang phát triển. Đọc kết quả - kết quả được xác định sau 24 – 48 giờ cần kiểm tra lại vào ngày thứ 4, nhất là đối với các dị nguyên có tính chất ngấm chậm và gây phản ứng chậm. Test âm tính (-) : da vẫn giữ bình thường không có phản ứng. Nghi ngờ (?±) : da đỏ nhẹ. Dương tính (+) : da đỏ không có thâm nhiễm, có thể có sẩn giảm hoặc mất đi trong vòng 1 – 2 ngày. Dương tính mạnh (++) : do phản ứng dị ứng bao gồm không những đỏ da và sờ vào có cảm giác cứng do thâm nhiễm, có các sẩn và mụn nước, phản ứng có thể lan rộng qua giới hạn vùng da làm thử nghiệm. Dương tính rất mạnh (+++) : giống như dương tính mạnh kèm theo phản ứng bọng nước.
Chàm vi khuẩn : là hình thể bệnh chàm xuất hiện do phản ứng chàm hóa trên vùng da bị nhiễm khuẩn (liên cầu, tụ cầu), vì vậy các thương tổn có tính chất của bệnh chàm và của bệnh viêm da mủ, bờ của mảng thương tổn có giới hạn rõ, hình dạng tròn hoặc bầu dục. Dọc theo bờ của thương tổn có trường hợp thấy bao phủ một lớp sừng bị bong ra. Trên mặt thương tổn có vảy tiết, cạy vảy phía dưới là một lớp da ướt, màu đỏ, hơi thâm, đáy có những mụn nước tiết dịch, hình ảnh giống như giếng chàm. Vị trí khu trú thường gặp ở cẳng chân, mu bàn tay, bàn chân, da đầu, da mặt. Từ ở thương tổn đầu tiên không đối xứng, bệnh có thể lan rộng xuất hiện những ở thương tổn mới, sắp xếp có thể trở nên đối xứng. Chàm vi khuẩn cũng có thể là phản ứng chàm trên da của một ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể (nhiễm khuẩn tai mũi họng, răng hàm mặt, viêm xương). Một dạng đặc biệt của chàm vi khuẩn là chàm dạng đồng tiền (đã mô tả ở phần trên) không phải tất cả các bệnh da nhiễm khuẩn đều biến chuyển thành chàm vi khuẩn. Chỉ riêng những người có tăng cảm ứng da đối với vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt nhiễm khuẩn trên vùng da thường xuyên bị chấn thương, ẩm ướt và chịu tác dụng của các yếu tố kích thích khác (bụi, tia bức xạ) mới dễ có khả năng biến chuyển thành chàm vi khuẩn.
Chàm do nấm : về cơ chế gây bệnh giống như chàm vi khuẩn, một số trường hợp do tác dụng trực tiếp của nấm gây bệnh. Tính chất điển hình là giới hạn của thương tổn rất rõ, tròn, lan ra ngoại vi. Thường có 3 hình thể lâm sàng : chàm viền bờ của Hebra do loại nấm bẹn gây nên, đôi khi do loại nấm da khác. Vị trí khu trú thường ở mặt trong đùi, dưới nếp bẹn, một bên hoặc cả 2 bên, lúc đầu từ một hoặc nhiều vết màu hồng lan rất nhanh, liên kết thành đám hình vòng cung, bề mặt bong vảy nhỏ. Bờ rất nhỏ có viền bờ và có mụn nước, bên cạnh những mảng cũ xuất hiện thêm các vết mới, các thương tổ có thể lan đến nếp mông, hạ nang và vùng xương mu, nách, nếp vú và bàn chân, có thể kết hợp với nấm các kẽ ngón, nấm ở da thường không bao giờ lan đến lông. Chàm mụn rộp hình vòng cung do nấm : nấm ở da thường có thể gây nên do loại nấm tóc hoặc nấm từ súc vật lan sang người. Vị trí khu trú ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể nhưng thông thường là ở vùng hở, ở cổ, mặt bàn tay và cẳng tay. Mảng thương tổn giới hạn rất rõ hình tròn hoặc bầu dục, màu hồng, vùng trung tâm sẩm màu hơn và có vảy da. Rìa bờ có những mụn nước có thể xuất hiện cả trên bề mặt thương tổn, như vậy đôi khi tạo thành những vòng đồng tâm. Cũng có trường hợp không có mụn nước rõ, ngứa thay đổi tùy trường hợp, bệnh lan rộng ở bờ và lành ở vùng trung tâm. Chàm do nấm ở ngón chân và bàn chân : bệnh thường bắt đầu là nấm ở kẽ các ngón chân, nhất là kẽ ngón 4 và ngón 5, kẽ bị nứt bợn trắng, kèm theo các mụn nước ở rìa bàn chân, ở lòng và mu bàn chân kết hợp với tổ đỉa.
Chàm thể tạng : chàm thể tạng của trẻ nhỏ : thường gặp ở trẻ đang bú, bắt đầu vào tháng thứ 2 hoặc tháng thứ 3 có trường hợp ngay từ đầu tháng. Triệu chứng lâm sàng cũng là những mụn nước tập trung thành từng đám, vị trí khu trú có thính chất đặc biệt, thường bắt đầu từ má rồi lên từ má lan trên trán, bao giờ cũng trừ miệng, mũi và cằm. Các thương tổn sắp xếp theo hình bán nguyệt giống như vành móng ngựa. Hình ảnh lâm sàng này rất điển hình, có thể giúp cho chuẩn đoán bệnh chàm ở trẻ nhỏ một cách nhanh và dễ dàng. Giới hạn vành móng ngựa không rõ rệt và mờ dần, ngứa có khi rất dữ dội làm cho trẻ quấy khóc không ngủ được. Sau một thời gian các thương tổn lan đến tai, cổ, da đầu và các chi. Các mụn nước trên đám thương tổn tiến triển theo các giai đoạn như đã mô tả. Ở da đầu nước vàng chảy ra làm dính bết tóc lại. Bệnh tiến triển thành từng đợt, mỗi đợt khoảng 1 – 2 tuần, bệnh giảm, thỉnh thoảng lại có một đợt vượng bệnh mới. Một số trường hợp do điều trị không đúng bệnh có thể lan rộng toàn thân, dạng như bệnh da đỏ toàn thân. Người ta nhận xét những trẻ bị chàm thể trạng thường bụ bẫm hơn trẻ bình thường, trong quá trình tiến triển trẻ có thể bị sốt, ngứa, mất ngủ làm sút cân, ảnh hưởng đến toàn trạng. Tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra tai biến nặng : đột nhiên trẻ bị sốt cao (400C), mặt tím tái, trong khi đó đám thương tổn chàm giảm hoặc mất hẳn, trẻ có thể bị tử vong. Hiện tượng này gọi là chàm nhập. Thông thường đến năm 2 tuổi, sau khi mọc hết răng bệnh chàm thể trạng của trẻ nhỏ khỏi hẳn nhưng vẫn còn 20% trường hợp bệnh vẫn tiếp tục phát cho đến khi lớn và có lúc xen lẫn với cơn hen suyễn. Bệnh chàm thể trạng của trẻ nhỏ là một bệnh dị ứng nhưng dị nguyên kích thích gây phản ứng dị ứng chưa rõ rệt, có thể là do thức ăn hay gặp nhất là sữa, kể cả sữa mẹ và các protein khác.
Chàm thể tạng người lớn : đa số các trường hợp bệnh chuyển tiếp từ chàm thể tạng trẻ nhỏ nên có đặc tính là bệnh xuất hiện từ bé, dai dẳng, thường tái phát, cũng có trường hợp bệnh xuất hiện muộn, có tính gia đình và di truyền, tiến triển thành từng đợt. Vị trí lúc đầu khu trú ở mặt sau lan ra cổ, thân mình và các chi nhất là các kẽ khớp lớn (kheo chân). Chi dưới có thể bị thương tổn toàn bộ từ đùi đến mu bàn chân. Thương tổn xuất hiện thành mảng da dày lichen hóa. Trong đợt vượng bệnh trên bề mặt các thương tổn thấy có các mụn nước rải rác hoặc lan rộng ở bờ thương tổn. Bện tiến triển lâu dài da sẽ dày cộm, mất tính đàn hồi, sở ráp, màu nâu xám có chổ da mất sắc tố nên thành hình loang đen trắng, giảm tiết mồ hôi và chất bã. Các móng có thể cứng và dễ gãy, các đợt phát bệnh thường kèm theo ngứa, có thể khởi phát do thay đổi thời tiết, chấn thương về tinh thần, rối loạn về nội tạng, nội tiết hoặc thay đổi chế độ ăn uống hoặc do vi khuẩn, có khi không do một nguyên nhân nào rõ ràng. Bệnh chàm thể tạng người lớn có thể liên quan đến các bệnh dị ứng do cơ địa khác : bệnh hen, bệnh nhức nửa đầu (Migraine), bệnh mày đay. Sự kết hợp giữa bệnh chàm thể tạng và bệnh hen thường xảy ra làm cho bệnh trở nên dai dẳng, đến một lúc nào đó bệnh hen hoặc bệnh chàm có thể tồn tại riêng. Bệnh chàm thể trạng đôi khi kết hợp vớ bệnh sẩn ngứa dẫn đến trạng thái da dày, kẻ ô, nổi rõ các nếp gấp da và các sẩn huyết thanh. Trong tiền sử của gia đình bệnh nhân bị chàm thể tạng có thể tìm thấy những người thuộc thế hệ trên hoặc cùng một thế hệ có biểu hiện bị bệnh chàm, bệnh hen hoặc một bệnh dị ứng khác.
Biến chứng của bệnh chàm : Bệnh chàm nhiều trường hợp phải điều trị lâu dài, nếu không biết cách giữ gìn bệnh sẽ kèm theo một số biến chứng làm cho việc điều trị trở nên phức tạp, các biến chứng có thể do nhiều yếu tố.Bội nhiễm : biến chứng này thường xảy ra sau giai đoạn chảy nước vàng - huyết thanh tiết ra là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển. Hiện tượng bội nhiễm còn được gọi là chốc hóa (impétigénisation), biểu hiện bằng nước vàng, lúc đầu trong sau đó trở nên đục. Bên cạnh những mụn nước của bệnh chàm xen lẫn những bọng nước của bệnh chốc và những mụn mủ do nhiễm tụ cầu khuẩn ở nang lông, các mụn mủ vỡ ra đóng thành những vảy mủ. Bội nhiễm làm cho bệnh kéo dài và điều trị phức tạp hơn, trong các trường hợp bội nhiễm nặng, bệnh nhân sốt cao, viêm hạch và mạch bạch huyết, nặng hơn có thể dẫn đến viêm thận hoặc nhiễm khuẩn huyết, phải điều trị tích cực bằng loại kháng sinh toàn thân và tại chỗ. Có trường hợp bệnh chàm bội nhiễm do nấm cũng sẽ gây hậu quả xấu, có thể bội nhiễm vi rút như vi rút mụn rộp hoặc vi rút đậu mùa. Do đó đối với các trẻ bị bệnh chàm thể tạng khi chủng đậu cần phải thận trong không được chủng đậu trong đợt vượng bệnh. Ngoài đợt vượng bệnh nếu cần phải chủng đậu thì nên chọn vùng xa đám thương tổn chàm và che kín nốt chủng đậu lại. Một số trường hợp đặc biệt là đối với bệnh chàm nghề nghiệp, bội nhiễm kéo dài có tính chất mạn tính trở thành yếu tố gây dị ứng, kết hợp với nguyên nhân do bệnh nghề nghiệp lúc đầu làm cho bệnh chàm dai dẳng khó điều trị, bệnh chàm và bội nhiễm kích thích lẫn nhau thành một vòng luẩn quẩn.
Chàm lichen hóa : Ở giai đoạn bong vảy đôi khi mảng chàm có những thương tổn ổn hình dạng sẩn đa giác, bóng giống như các sẩn trong lichen phẳng nên được gọi là chàm lichen hóa. Biến chứng này thường gặp trong thể bệnh chàm dai dẳng và ngứa nhiều. Do ngứa gãi nhiều màng chàm biến thể, da dày thâm nhiễm sâu mất tính đàn hồi, nếp da bình thường nổi rõ làm cho bề mặt như kẻ ô, sờ vào ráp, màu sắc của mảng chàm sạm hoặc nâu nhạt, thông thường vẫn nhận được một vài mụn nước điển hình của bệnh chàm ở trên bề mặt hoặc ở rìa mảng thương tổn, tiến triển lichen hóa của một mảng chàm có thể có nhiều mức độ. Tiến triển nhẹ và tạm thời, lichen hóa thường tiếp sau giai đoạn bong vảy, có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi thích hợp nhưng có thể làm kéo dài đợt vượng bệnh cấp của lần tái phát sau. Bệnh chàm lichen hóa thực sự tiến triển có tính chất mạn tính, thỉnh thoảng có những đợt vượng bệnh đám thương tổn dày da lichen hóa trở lại đỏ tươi, phát ra các mụn nước chảy nước và sau một thời gian trở lại dày da lichen hóa dai dẳng. Hiện thượng lichen hóa là một biến chứng có thể gặp ở tất cả các thể bệnh nhưng thường gặp nhất là ở chàm thể tạng.
Biến chứng do điều trị sai : biến chứng này là do điều trị không đúng thuốc hoặc áp dụng các dạng thuốc không thích hợp với giai đoạn tiến triển của bệnh, bệnh chàm sẽ lan rộng.Ví dụ bệnh đang ở giai đoạn cấp tính, chảy nước vàng nhiều nếu bôi thuốc mỡ, thuốc ngấm sâu vào da làm nước vàng không chảy ra được gây phản ứng mạnh. Có trường hợp bệnh chàm ở mặt thưởng làm nấm da, bôi thuốc chữa nấm (cồn iôt) làm bệnh vượng lên gây phù mặt. Biến chứng do tác nhân gây bệnh mạnh : thường là do tiếp xúc với chất quá mạnh và cơ thể người bệnh quá nhạy cảm với chất đó. Ví dụ hóa chất trừ sâu, diệt cỏ như DDT hoặc 666 đã gây cho một số bệnh nhân chàm phản ứng
dị ứng lan rộng kiểu nhiễm độc dị ứng da nặng, cũng có trường hợp sơn gây phản ứng da mạnh : toàn thân phù to, nứt nẻ, chảy nước vàng, sốt cao.
Giải phẫu bệnh lý : thương tổn bệnh lý về mô bệnh học của bệnh chàm là hiện tượng xốp bào tạo nên do phản ứng viêm, khởi phát ở trung bì. Các mạch máu bị dãn, huyết thanh thoát ra ở khoảng cách giữa các tế bào gai, do dãy các cầu nối giữa các tế bào gai bị kéo dài ra làm cho tế bào tách rời nhau, nhìn dưới kính hiển vi trông giống như hình bọt bể. Các tế bào đứt cầu nối bị đẩy ra và hình thành ở giữa một khoảng trống chứa đầy nước, dần dần khoảng trống đó tiến lên phía trên mặt da đội lớp sừng để trở thành mụn nước. Các mụn nước là những khoảng hình cầu không đều, dịch ở trong chứa các tế bào limpho, tổ chức bào và một ít tế bào gai. Những mụn nước lớn chiếm cả chiều dày của lớp gai, những mụn nước nhỏ nhất nằm sát lớp sừng. Như vậy tất cả các mụn nước đều có cực trên giáp với lớp sừng, phần trung bì trên sát nhú bì, phù và có thâm nhiễm xung quanh mạch máu bao gồm tế bào đơn nhân, tế bào lympho và tổ chức bào. Giữa các tế bào bán liên bị đầy ra cũng thấy có tế bào đơn nhân (hiện tượng thoát bào). Ba loại thương tổn về tổ chức học : xốp bào, mụn nước và thoát bào tạo thành những yếu tố cần thiết của bệnh chàm. Trạng thái xốp bào và mụn nước giảm dần đến mức gần như mất hẳn ở những mảng chàm chảy nước và bong vảy. Trong khi đó các khoảng giữa các nhú bì lớp gai quá sản. Lớp gai trên nhú bì mất đi và tạo nên một giếng chàm, biểu bì gồm các lá sừng còn nhân và lớp sáng mất tạo thành á sừng. Lý thuyết cổ điển cho rằng mụn nước là di hiện tượng xốp bào tạo nên (thoát dị + đứt cầu nối) và giếng chàm là do các mụn nước vỡ ra. Do đó nên quan niệm xốp bào là thương tổn đầu tiên và cần thiết của bệnh chàm. Civatte đã thay đổi quan điểm đó và cho rằng thương tổn đầu tiên là mụn nước nhỏ dưới lớp sừng chứa các tế bào chủ yếu là tế bào đơn nhân. Mụn nước nhỏ khởi đầu đó thường ở ngoài xốp bào do hoại tử một đảo nhỏ các tế bào nông của lớp gai. Về sau các tổ chức tế bào, một số tế bào lympho và chất dịch xâm nhập đến ổ hoại tử đó. Hiện tượng xốp bào xuất hiện sớm xung quanh mụn nước đầu tiên và cứ lớn dần để trở thành mụn nước thực sự. Như vậy thương tổn đầu tiên của quá trình là sự thoái hóa của tế bào gai.
Điều trị : Căn nguyên gây bệnh chàm phức tạp, các dị nguyên gây nên bệnh chàm rất nhiều, do đó điều trị bệnh chàm cần khai thác kỹ bệnh nhân để phát hiện yếu tố gây bệnh, yếu tố làm tăng bệnh hoặc làm bệnh tái phát. Loại trừ được các yếu tố đó kết hợp với điều trị thích hợp thì mới có khả năng lành bệnh. Một số bệnh nhân điều trị nội trú đã lành bệnh nhưng khi về nhà hoặc trở lại làm việc thì bệnh lại tái phát. Trong trường hợp đó, thầy thuốc phải đến tận nơi ở hoặc nơi làm việc để phát hiện những dị nguyên trong sinh hoạt hoặc trong lao động. Cũng có những bệnh nhân bị chàm kèm theo chấn thương về thần kinh và tâm thần. Nếu thay đổi điều kiện sinh hoạt, chế độ làm việc, ổn định về thần kinh và tâm thần bệnh chàm giảm rõ rệt, cần chú ý đến chế độ ăn, hạn chế ăn uống những chất kích thích quá mạnh như gia vị, mỡ, rượu mạnh, cà phê và chè đặc, v.v.v. Theo dõi thức ăn gì làm phát bệnh, tăng bệnh để loại trừ, nếu ăn chậm nhai kỹ và đúng bữa. Những bệnh nhân bị chàm do tác dụng của nắng nên tránh nắng và không điều trị bằng tia tử ngoại. Nếu bệnh nhân có kèm theo các rối loạn về chức năng nội tạng, nội tiết cần điều trị phối hợp, những trường hợp bội nhiễm, chàm do vi khuẩn, nấm cần thiết phải điều trị nhiễm khuẩn và nhiễm nấm trước. Điều trị tại chỗ càng sớm càng có kết quả tốt, bôi thuốc tùy thuộc giai đoạn tiến triển của bệnh, thăm dò sự phản ứng da đối với thuốc, bôi thuốc trên một diện tích da nhỏ trước khi bôi trên thương tổn rộng. Ở giai đoạn sớm khi da mới đỏ và chảy nước ít thường chỉ định dùng : hồ nước : kẽm oxyt (oxyde de zinc) + bột hoạt hạch (talc) + glyxerin + nước cất : lượng bằng nhau : lắc mạnh trước khi dùng. Bôi hồ nước trên vùng da bị chàm, thuốc bốc hơi sẽ khô, có tác dụng hút nước và làm dịu da, các hạt tinh thể nhỏ của bột còn lại trên vùng da bị thương tổn tiếp tục có tác dụng làm dịu da, đỡ ngứa. Sau 2 – 3 ngày thay dạng thuốc khác. Ở giai đoạn cấp tính khi nước chảy nhiều áp dụng dạng thuốc đắp, các loại thường dùng : dùng dịch Jarish : Boric axit 10g + Glyxerin 20g + nước cất 1.000ml. Dung dịch Burow : 5% aacetat nhôm pha trong nước, pha loãng lần thứ 2 : tỷ lệ 1/40 trong nước trước khi dùng, dung dịch Burow có tác dụng hút nước làm dịu da và diệt khuẩn (ở mức trung bình). Các loại dung dịch khác : như nước muối sinh lý 0,9%, dung dịch vioform (clipquinol) 1%, dung dịch thuốc tím 1/10.000 được dùng như sau : dùng gạc nhúng vào một trong các dung dịch nêu trên và đắp nhiều lần lên thương tổn (2 – 3 giờ thay một lần). Đối với trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) không nên dùng dung dịch có boric axit vì có thể gây độc cho trẻ do hấp thụ qua da. Ở giai đoạn bán cấp tính khi thương tổn bớt chảy nước, bớt viêm, có thể lần lượt áp dụng các loại thuốc hồ (pate) hoặc các thuốc kem (crème) có kẽm oxit hoặc có thêm các chất khử oxy như ichtyon, goudron tỷ lệ 2 – 5%. Ở giai đoạn mạn tính dạng thuốc thích hợp thường dùng là thuốc mỡ. Thành phần thuốc mỡ gồm có hoạt chất và tá dược (vazơlin, lanolin) tỷ lệ hoạt chất dưới 20%. Khi bôi lên vùng da bị thương tổn thuốc mỡ ngấm sâu, không cho nước trong tổ chức tế bào bốc hơi, làm tăng nhiệt độ của da và có tác dụng mạnh, vì vậy không bao giờ dùng thuốc mỡ trong giai đoạn chàm cấp tính vì dễ gây phản ứng mạnh. Thuốc mỡ thườn dùng trong chàm mạn tính như mỡ ichtyon, mỡ goudron tỷ lệ 5 – 10%, các loại mỡ khử oxy này có đặc tính khi ngấm vào da làm tan thâm nhiễm tế bào và làm dịu ngứa. Có thể dùng cám hoặc lòng đỏ trứng gà đốt thành dầu bôi vào các thương tổn cũng có tác dụng khử oxy. Những thể bệnh chàm dai dẳng khó điều trị cần kết hợp áp dụng các phương pháp vật lý như chiếu tia cực tím, điện phân, chiếu tia X nông tại chỗ, tắm nước suối có lưu huỳnh, thay đổi khí hậu, v.v.v. Điều trị tại chỗ bằng các thuốc bôi corticoide, năm 1952 Sulzbeger và Witten thông báo kết quả điều trị của hydrocortisone đối với một số bệnh da ở Hoa Kỳ. Các loại thuốc bôi corticoide có tác dụng tốt đối với bệnh viêm da như các loại chàm. Các loại thuốc này hiệu nghiệm, bền vững, không màu, dễ sử dụng, dùng riêng hoặc kết hợp với các loại thuốc khác như ure,salixylic axit, goudron, dithranol và các loại thuốc kháng sinh như chlorocide (chlorocide H), néomycine, gentamycine, tétracycline, v.v.v. Các loại thuốc bôi corticoide có tác dụng chống viêm làm co mạch, chống tăng sinh tế bào, chống ngứa nhưng lại có tác dụng giảm miễn dịch. Căn cứ vào tác dụng của các loại thuốc bôi corticoide đối với bệnh chàm, người ta phân chia làm 4 loại theo bảng dưới đây :
Tác dụng của thuốc |
Tên loại thuốc |
Chỉ định đối với thể bệnh |
Tác dụng nhẹ |
Hydro hoặc acétate |
Chàm nhẹ |
Corticoide 0,5 – 2,5% |
Prednisolone 0,4% |
Méthy prednisolone |
Acétate 1% |
Tác dụng trung bình |
Clobetasone butyrate 0, 05% |
Chàm nặng vừa |
Hydrocortisone butyrate 0,1% |
Dexaméthasone 0,1% |
Triamcénolone acétonide 0,1% |
Prednicarbate 0,25% |
Flumethasone pivalate 0,02% |
Tác dụng mạnh |
Betamethasone valerate 0,1% |
Chàm nặng |
Fluocinolone acétonide 0,025% |
Halcinodide 0,1% |
Halométasone 0,05% |
Tác dụng cực mạnh |
Clobetasone butyrate 0,05% |
Chàm nặng |
Sử dụng các loại thuốc bôi corticoide, kem (dạng nhũ dịch có nước) áp dụng trong trường hợp chàm không chảy nước cấp hoặc bán cấp. Thuốc mỡ dùng trong chàm mạn tính khi da khô, ráp, da dày có vảy. Dung dịch cồn và nước dùng trong chàm mạn tính khu trú ở da đầu. Tác dụng phụ : Epstein và cộng sự 1963 đã nhận xét hiện tượng teo da ở những bệnh nhân điều trị bằng triamcinolone hoặc điều trị dài ngày bằng các loại hydrocortisone. Teo da thể hiện bằng mỏng biểu bì và trung bì còn phục hồi được hoặc những vết teo da theo đường thẳng không hồi phục được. Lúc đầu là các vết đỏ sau để lại vết sẹo mỏng, do teo trung bì các tổ chức liên kết mất độ chun dãn, dẫn đến dãn các mạch máu nhỏ. Các mạch máu có thể vỡ trong điều kiện chấn thương nhẹ và tạo thành tụ máu dưới da, về sau để lại trên da một vết sẹo lõm mất sắc tố hoặc một số trường hợp có thể bị loét. Các loại corticoide bôi lên da mặt có thể gây đỏ mặt, sẩn và mụn mủ, nếu phát triển ngày càng nhiều sẽ dẫn đến hình ảnh lâm sàng của trứng cá đỏ hoặc trứng cá mủ. Viêm da dị ứng do corticoide thường ít gặp có thể di các tá dược hoặc do kháng sinh trong thành phần của thuốc, ở các nếp gấp hoặc trong trường hợp băng bịt có thể xuất hiện viêm nang lông do tụ cầu hoặc viêm da do nấm Candida trong qua trình điều trị bằng thuốc bôi corticoide. Có thể tóm tắt các tác dụng phụ của thuốc bôi corticoide
như sau :
Tại chỗ |
Toàn thân do thuốc ngấm |
- Teo da, dãn mạch |
Hội chứng Cushing |
- Chấm xuất huyết, vết thâm da |
Vết rạn da |
- Sẹo lõm hình sao |
Chấm xuất huyết |
- Loét da |
|
- Trứng cá |
Trứng cá |
- Trứng cá đỏ |
|
- Mọc lông dài |
Lông dài |
- Viêm quanh miệng |
Tăng huyết áp |
- Tăng sắc tố |
Glocom |
- Giảm sắc tố |
Glucozơ niệu |
- Che dấu nhiễm khuẩn |
Chậm phát triển ở trẻ em |
- Dị ứng tiếp xúc |
|
Những tác dụng phụ không đặc biệt có thể là những kích thích da, cảm giác nóng rát, đỏ da, bong vảy, khô da ở chổ bôi thuốc. Những phản ứng phụ ở toàn thân là do sử dụng không đúng, ví dụ dùng loại thuốc mạnh bôi trên một diện tích rộng, nhất là sử dụng băng bịt kéo dài khoảng vài tuần lễ. Trẻ em thường hay gặp phản ứng toàn thân do bôi corticoide, vì diện tích da so với cân nặng tương đối lớn hơn so với người lớn và cấu tạo biểu bì chưa phát triển đầy đủ. Phương pháp sử dụng các loại thuốc bôi corticoide không bao giờ dùng thuốc mỡ trong chàm cấp tính, bôi lớp mỏng và không quá 2 lần trong ngày. Cần làm sạch vảy da, vảy tiết và thuốc của lần bôi truớc rồi mới bôi thuốc lần sau. Nên bôi thuốc sau khi tắm rửa hoặc phun ướt vùng da bị thương tổn. Loại thuốc bôi corticoide cực mạnh và mạnh khi được chỉ định bôi vào da mặt và các nếp gấp chỉ bôi một lớp rất mỏng; nếu cần thiết chỉ bôi 1 – 2 tuần đầu, về sau bôi củng cố bằng loại thuốc có tác dụng trung bình, bôi vùng mi mắt cẩn thận vì ngoài phản ứng teo da còn có thể gây glocon. Năm 1960, người ta cho rằng tác dụng thuốc có thể tăng rõ rệt nếu băng bịt để qua đêm bằng một miếng nhựa plastic mỏng, nhưng phương pháp này bất lợi vì các phản ứng phụ tăng lên cả tại chỗ và toàn thân. Ví dụ nhiễm khuẩn, viêm nang lông, chốc hạt kê, teo da, vết rạn da. Chỉ nên dùng phương pháp băng bịt trong trường hợp mảng chàm mạn tính khu trú, dày da và khô da theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, không nên áp dụng trong thời gian dài và trên diện tích rộng. Để điều trị chàm mạn tính cần chọn phương pháp nào có kết quả tốt và ít phản ứng phụ nhất, có thể áp dụng phương pháp sau : sử dụng loại mỡ corticoide có tác dụng mạnh như sicorten (0,05% halométasone) bôi 2 lần trong 1 ngày, kéo dài 2 – 3 tuần, sau đó dùng loại có tác dụng trung bình, ví dụ : locasalen gồm có 0,02%, flumétasone pivalate + 3% salixylic axit 2 lần một ngày để duy trì điều trị 3 - tuần. Tiếp theo dùng một loại kem hoặc mỡ bảo vệ da không có corticoide bôi 2 – 3 lần một ngày, trong khoảng 4 – 8 tuần để săn sóc da và đề phòng tái phát. Những bệnh nhân trong tiền sử dễ tái phát bệnh, có thể bôi loại thuốc corticoide có tác dụng trung bình mỗi ngày 1 lần hoặc mỗi tuần 2 lần trong tháng đầu, trước khi chuyển sang bôi thuốc bảo vệ da đề phòng tái phát sớm. Những loại thuốc mạnh và cực mạnh không nên sử dụng trên diện tích thương tổn tương ứng với 10% hoặc 20% diện tích cơ thể. Để đề phòng bệnh tái phát nặng khi dùng thuốc mạnh và cựa mạnh không được ngừng thuốc một cách đột ngột, phải ngừng thuốc từng bước sau khi đã lành bệnh và dùng thuốc bảo vệ da tiếp theo một thời gian nữa. Loại thuốc nôi corticoide có tác dụng mạnh và cực mạnh chỉ nên dùng cho trẻ em khi đã sử dụng các loại thuốc nhẹ và trung bình không mang lại kết quả mong muốn. Nếu cần thiết chỉ dùng trong 1 – 2 tuần rồi sau đó sử dụng thuốc có tác dụng vừa để duy trì điều trị, phải kiểm tra hàng tuần trong suốt thời gian điều trị. Cẩn thận trong khi sử dụng thuốc bôi corticoide cho phụ nữ mang thai vì có thể độc cho thai nhi. Điều trị toàn thân bằng các thuốc sau đây : thuốc giải cảm ứng đặc hiệu vẫn được sử dụng mặc dù kết quả không rõ rệt. Tiêm máu tự thân (autohémothérapie) là phương pháp trước đây thường áp dụng, nhưng ngày nay không dùng phổ biến nữa vì kết quả hạn chế. Các loại thuốc natri và manhê hyposunfit, canxi clorua dung dịch 10% tiêm tĩnh mạch mỗi ngày 5 – 10ml cho người lớn. Các loại thuốc dân tộc cổ truyền như kim ngân hoa, ké dầu ngựa, lá đơn, các loại thuốc an thần chống ngứa. Dung dịch natri bromua 2 – 3% mỗi ngày uống 2 – 3 lần, dung dịch novocaine 1% tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da hoặc uống, cần thử test trước khi sử dụng vì có thể mẫn cảm với novocaine. Các loại kháng sinh histamin có tác dụng đối với tiết dịch và làm giảm ngứa, có thể tiêm dưới da loại thuốc gồm có gama globulin histamin (histaglobine) nhất là đối với trường hợp chàm thể tạng. Ngứa là một triệu chứng cơ năng làm cho bệnh nhân rất khó chịu, ngứa gãi da bị sây xước và càng gãi thương tổn càng chảy nước nhiều, do đấy do không lên sẹo và trở lại bình thường được. Thầy thuốc chỉ định các loại thuốc toàn thân và tại chổ để bệnh chống lành, nhưng nếu bệnh nhân gãi nhiều thì các kết quả điều trị vừa được củng cố lại bị phá hủy ngay. Làm dịu ngứa và bệnh nhân không gãi là điều kiện cơ bản cho bệnh chóng lành. Ngoài các loại thuốc an thần, chống ngứa có trường hợp phải dùng cả thuốc ngủ như méprobamate, séduxen nếu cần thiết, cần đặt thành chế độ không được gãi, khi có cơn ngứa nên tập trung tư tưởng về vấn đề khác. Đối với trẻ em nếu ngứa nhiều để tránh cọ gãi nên làm ống tay áo bằng bìa cứng để trẻ không thể co tay lên gãi được. Các loại corticoide toàn thân chỉ nên sử dụng trong các trường hợp bệnh nặng lan rộng, đỏ da toàn thân thứ phát sau bệnh chàm. Liều khởi đầu cho người lớn là 30mg – 60mg – 90mg prednisolone mỗi ngày tùy theo tình trạng bệnh, giảm dần xuống 5 – 10 mg mỗi lần, 3 – 5 ngày giảm một lần. Đối với trẻ em cần tránh sử dụng corticoide toàn thân trừ trường hợp rất cần thiết và cũng chỉ nên điều trị ngắn ngày.
Dự phòng bệnh chàm : một số lớn truờng hợp bệnh chàm là do tiếp xúc với các dị nguyên trong sinh hoạt và trong nghề nghiệp, để dự phòng cần chú ý không để xảy ra viêm da tiếp xúc do các dị nguyên đó. Khi bị viêm da cần phát hiện và điều trị sớm vì nhiều trường hợp bệnh viêm da về sau chuyển biến thành bệnh chàm. Để dự phòng các bệnh do vi khuẩn hoặc do nấm cần chú ý điều trị các vết xước các thương tích trên da, không để các thương tổn đó nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm lâu dài. Điều trị tích cực bệnh da nhiễm khuẩn (chốc, nhọt, viêm nang lông) và các bệnh da nhiễm nấm. Dự phòng các bệnh chàm tiếp xúc do các yếu tố nghề nghiệp, cần tôn trọng những nguyên tắc bảo hộ lao động tùy theo ngành nghề. Phải bảo vệ da công nhân tránh vị chấn thương hoặc tác hại do các hóa chất dầu mỡ bám trên da. Dự phòng bệnh chàm cho trẻ em cần chú ý chăm sóc da, giữ vệ sinh da thật tốt, nhất là da mặt và da đầu, cần theo dõi chế độ ăn của trẻ : sữa bò, sữa mẹ và các loại protein khác.v.v.v. nếu loại nào có khả năng gây bệnh cần thay thế bằng các thức ăn khác. Đối với người mẹ khi mang thai và thời kỳ cho trẻ bú cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý. Nhiều trường hợp bị bệnh chàm là do các yếu tố thần kinh, tâm thần, các bệnh về nội tạng, nội tiết hoặc do các ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể. Vì vậy dự phòng bệnh chàm cần phải bảo vệ cho cơ thể được lành mạnh, một người có thể lực tốt, thần kinh không căng thẳng, da không bị thương tích, vệ sinh da tốt thì ít khi bị bệnh chàm. Đối với bệnh chàm thể tạng làm vệ sinh da tốt cũng tạo điều kiện cho bệnh không phát triển, phương pháp làm vệ sinh da thông thường là tắm rửa với xà phồng thích hợp, giữ cho độ Ph da không chuyển sang hướng kiềm, đối với khô giảm bài tiết chất bã nên dùng loại thuốc bôi làm mềm da như hồ Brocq gồm kẽm oxyt 30g, lanolin 30g, vazolin 40g, dùng mỡ axit boric 2% hoặc mỡ salixylic 1 – 2%.
|