Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Y học Việt Nam
Tìm hiểu về bệnh dại?

Theo nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Văn Ân:   

Bệnh dại là một viêm não tuỷ cấp tính ở loài động vật có vú do virut dại gây nên, bệnh thường truyền cho người qua nước bọt do động vật mắc bệnh dại cắn. Bệnh dại ở chó được ghi chép từ đầu thế kỷ 4 trước Công Nguyên; chó dại cắn và truyền bệnh cho súc vật lành, đến thế kỷ 1, lần đầu tiên Celcius gọi đó là bệnh sợ nước (Hydrophobia), vì triệu chứng cơ bản gặp ở người và chó mắc bệnh dại là sợ nước. Năm 1804, Zincke chứng minh trên chó, trên thỏ sự lây truyền của bệnh qua nước bọt của động vật dại. Nhà bác học Pasteur (người Pháp) mở đầu kỷ nguyên nghiên cứu khoa học về bệnh dại, năm 1881, Pasteur, Roux, Chamberland (Pháp) đã thành công trong việc gây bệnh thực nghiệm cho thỏ bằng đường dưới màng cứng qua khoan sọ. Từ những chủng virut dại “đường phố” của nhiều động vật, các nhà khoa học đã tạo được một chủng “cố định”, hằng định về thời gian ủ bệnh và triệu chứng bệnh. Năm 1884, Pasteur đã thành công trong gây miễn dịch cho chó bằng tiêm tủy thỏ đã được làm khô. Năm 1885, ông đã tiêm chủng thành công lần đầu tiên cho người, mở đường cho nhiều tiến bộ to lớn trong nghiên cứu sản xuất vắcxin phòng chống bệnh dại. Năm 1903, Négri phát hiện những chất vùi đặc hiệu ở các tế bào thần kinh, đó là những thể Négri khẳng định bệnh dại ở người hay động vật. Virut dại thuộc họ virut cơ vân (Rhabdovirus) hình dáng như viên đạn súng lục hoặc đạn đại bác với một đầu tròn và một đầu cắt bằng, virut dại gồm một capsit nhân bên trong một bao. Capsit nhân có một ARN (axit ribolucleic) xoắn hình cánh quạt và các thành phần protein cấu tạo virut. Các thụ thể bề mặt giúp virut dại bám vào tế bào thần kinh, virut dại nhạy với tác động các yếu tố vật lý ;, virut bị bất hoại ở nhiệt độ 500C trong 15 phút, ở 400C trong một số ngày hoặc dưới ánh sáng tia cực tím, ngược lại cóng lạnh và đông khô bảo vệ toàn vẹn virut, dưới dạng đông khô hoặc nhiệt độ âm 700C rồi để ở 40C có thể tồn tại nhiều năm. Virut dại bị bất hoạt bởi các chất làm tan lipit (dung dịch xà phòng, ete, axeton), bởi trypsin. Nó tương đối ổn định ở độ pH: 5 -10 trong glyxerin 50%, virut dại biến đổi tùy điều kiện tồn tại trong thiên nhiên, nhiều chủng Châu Phi, Nam Mỹ, Việt Nam,v .v.v có khả năng gây bệnh cao với nồng độ virut thấp, thời gian ủ bệnh ngắn, diễn biến nhanh; còn ở Trung Phi một số chủng có khả năng gây bệnh kém hơn thời gian ủ bệnh và diễn biến bệnh dài ngày. Trong phòng thí nghiệm qua cấy chuyển nhiều lần trên não thỏ, Pasteur đã thành công trong việc biến virut dại “đường phố” thành virut dại “cố định”, với những đặc điểm : thời kỳ ủ bệnh ngắn 5 - 6 ngày, thể lâm sàng thường xuyên gặp là thể liệt, không thấy thể hung dữ, virut dại tích tụ ở tủy và não, nồng độ cao hơn so với virut dại “đường phố”, ít thấy ở tuyến nước bọt, thần kinh ngoại biên, các tạng, mô khác, không tạo nên các thể Négri. Khả năng gây bệnh giảm khi lây truyền qua tiêm bắp thịt, hầu như không gây bệnh khi tiêm dưới da. Từ những chủng virut cố định của Pastuer và các chủng được cấy trên hệ thống tế bào thích ứng (tế bào nhị bội người, tế bào thận khỉ, tế bào thận chuột đất vàng, tế bào thận phôi bò, nguyên bào sợi phôi gà), người ta tạo được những nhũ dịch virut. Nhũ dịch có khi bất hoại có khả năng miễn dịch cao, virut dại là một kháng nguyên : 8 ngày sau khi tiêm virut gây bệnh hoặc bất hoạt trong máu xuất hiện những kháng thể được phát hiện bằng các phản ứng huyết thanh cố định bổ thể, kết tủa, huỳnh quang miễn dịch, trung hòa, ức chế ngưng kết hồng cầu. Bệnh dại diễn tiến qua 3 giai đoạn nối tiếp nhau : giai đoạn thần kinh ngoại biên, virut dại xâm nhập ô cơ qua vết cắn, nhân lên trong các tế bào cơ vân tại điểm nhập trong 3 – 4 ngày đầu rồi xâm nhập vào những nhánh tận cùng của hệ thần kinh ngoại biên. Giai đoạn xâm nhập hướng tâm hệ thần kinh trung ương : virut dại lan theo chiều dài của dây thần kinh ngoại biên tới các hạch cột sống, các nơron tủy sống cuối cùng theo dòng sợi trục tới não, qua nhiều chặng có thể là từ nơron này sang nơron khác qua các khớp thần kinh. Tại não virut lan tỏa ra toàn bộ não, nhân lên trong các nơron và hình thành những thể Négri là những thương tổn đặc hiệu gặp trong bệnh dại. Đó là những thể vùi bạch cầu ưa axit trong bào tương nơron, hình tròn, bầu dục, kích thước khoảng 10nm (nanomet), gồm những peptit bao bọc những mảnh virut. Gặp nhiều nhất ở sừng Ammon (mặt trong thùy thái dương) vỏ não, tiểu não, hành tủy, các hạch thần kinh cột sống. Giai đoạn lan tỏa ly tâm : virut dại từ hệ thần kinh trung ương theo các trục, các tế bào bao Schwann của các thần kinh ngoại biên, tới các hạch giầu dây thần kinh, thượng thận, võng mạc, giác mạc, gai lưỡi, tuyến nước bọt, nước mắt.

Bệnh dại phổ biến hầu như khắp thế giới, tùy từng vùng nó mang tính chất lưu hành hoặc thành dịch. Mọi loài động vật có vú đều nhạy cảm với bệnh dại, chim và loài máu lạnh không mắc bệnh dại. Gia sức mắc và truyền bệnh dại chủ yếu là chó chiếm tỷ lệ trên 80%, rồi đến mèo 10% sau đó đến súc vật có sừng, ngựa. Chúng truyền bệnh qua người chủ yếu qua nước bọt ở vết cắn. Nước bọ động vật dại chứa virut có khả năng gây bệnh trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh khoảng 3 ngày (80% trường hợp), khoảng 4 – 5 ngày (15%), thậm chí 5 – 8 ngày (5%). Nước bọt người cũng có virut dại, nhưng số lượng thấp nên chưa có trường hợp lây bệnh từ người sang người. Sữa động vật có vú chứa virut dại, nhưng khó có thể truyền bệnh, vì chúng đã khô sữa trước khi bệnh dại xảy ra. Nước tiểu loài dơi cũng chứa virut dại nên có khả năng truyền bệnh, bệnh không truyền qua đường máu, bệnh sớm trở nên nguy kịch khi cắn vào đầu, mặt, cổ, chi trên, bộ phận sinh dục.

Bệnh dại ở động vật có diễn biến lâm sàng tùy theo loài, thời kỳ ủ bệnh biến động từ vài ngày đến vài tháng trung bình là vài tuần. Biểu hiện lâm sàng là rối loạn tâm thần và các trung tâm giao tiếp, với hiện tượng kích thích do viêm các nơron, rồi hiện tượng liệt do các nơron bị hủy hoại và cuối cùng là tử vong. Chó sói dại gây thương tích nguy hiểm nhất. Cáo dại mất sự thận trọng trong tự nhiên, không lẩn trốn, lang thang ban ngày, chạy vào làng mạc, hung hãn với gia súc, với chó và cả  người. Dơi dại phổ biến là mang viut dại không triệu chứng mang thể dại hung dữ rồi liệt như các động vật khác. Chó nhà bị dại, thời kỳ ủ bệnh từ 12 ngày đến hơn 2 – 3 tháng, bệnh diễn biến theo thể hung dữ hoặc thể liệt. Trong thể hung dữ thời kỳ đầu : chó thay đổi tính tình không theo tiếng gọi của chủ, tìm xó tối nằm, nuốt bất cứ vật gì bắt gặp, tăng tiết nước dãi, co thắt thanh quản làm biến đổi tiếng sủa. Tiếp đó là thời kỳ hung dữ, chó chạy ra khỏi nhà, cắn các con vật khác, cắn người, cuối cùng là thời kỳ liệt, lưỡi thè ra ngoài, nước dãi chảy nhiều, chó kiệt sức, lông xù chết sau 5 - 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát, trong thể liệt không rõ thời kỳ hung dữ bắt đầu bằng liệt, chết sau 3 – 8 ngày. Ở mèo bệnh dại gần giống như chó, nhưng khi bị dại mèo hay cắn và móc răng vào động vật bị cắn, không chịu nhả gây thương tích nặng, chết sau 2 – 4 ngày. Bệnh dại ở dê, trâu bò, ngựa diễn biến rầm rộ chúng tấn công nhau hoặc động vật khác bằng sừng, thỉnh thoảng rít lên rồi liệt dần chết sau 3 – 6 ngày. Bệnh dại ở lợn cũng rầm rộ, lợn trở nên hết sức hung hãn rồi liệt và chết sau 2 – 3 ngày. Chuẩn đoán bệnh dại động vật thường căn cứ vào diễn biến lâm sàng, vào tiền sử bị động vật dại cắn và sự phát hiện ở não, tiểu não các thể Négri với tỷ lệ dương tính ở chó là 10%, ờ mèo, ngựa là 25%, ở động vật có sừng 36%, ở lợn 48%. Chuẩn đoán phân biệt với bệnh viêm não và tủy do nguyên nhân khác.

Bệnh dại ở người : thời kỳ ủ bệnh từ 15 ngày đến nhiều tháng thậm chí tới 1 năm. Từ năm 1987 – 88 ở miền Bắc Việt Nam có trên 316 người bị dại, thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất là 20 ngày (6,6%) dài nhất 267 ngày (0,6%) trung bình 73 ngày (92,7%). Thời kỳ tiền chứng 1 – 2 ngày, bệnh nhân sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, dị cảm nơi bị cắn. Thời kỳ phát bệnh đột ngột do bệnh nhân xúc động, chấn thương, người bệnh bị kích thích tâm thần và vận động, lo lắng, bồn chồn, nói luôn miệng, muốn chạy trốn, có hành động bạo lực, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ nước, một kích thích tối thiểu có thể gây co thắt hầu họng, các cơ nuốt co thắt lại. Sợ nước là biểu hiện đặc trưng nhất. Khi bệnh nhân trông thấy nước, nghe nước chảy, thậm chí nghĩ đến nước hoặc nghe thấy một tiếng động nhẹ, là lên cơn dại. Bệnh nhân phá phách, xé quần áo, chăn màn, đâm đầu vào tường, có khi cắn xé, đồng tử mắt dãn không đều, chảy nước bọt, toát mồ hôi, huyết áp hạ; khi tỉnh, bệnh nhân báo cho người xung quanh ngừng nói chuyện vì sắp lên cơn. Nhưng đôi lúc có ảo giác lơ mơ, dương vật cứng, xuất tinh tự nhiên, rối loạn cơ tròn, sau 4 – 5 ngày bệnh nhân có thể đột ngột do ngạt thở, ngừng tim hoặc bị liệt rồi tử vong. Trong 25% trường hợp, bệnh dại bắt đầu bằng liệt dâng tip Landry, không có kích thích tâm thần và vận động, không sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Bệnh bắt đầu bằng đau dữ dội các chi dưới rồi liệt từ chi dưới, lan tới cơ vòng, dâng lên cơ

hông, cơ bụng, tới chi trên. Bệnh nhân chết do liệt thở hoặc ngất sau vài ngày phát bệnh. Bệnh dại ở trẻ em có thời kỳ ủ bệnh ngắn, diễn biến nhành với tình trạng kích động, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, nhưng có khi chỉ rối loạn ý thức, rối loạn hành tủy rồi chết đột ngột do ngừng thở, ngừng tim. Chuẩn đoán bệnh dại ở người cần căn cứ vào yếu tố dịch tễ (địa phương có bệnh chó dại), yếu tố tiền sử (bị động vật dại cắn), yếu lâm sàng (bệnh diễn biến nhanh với biểu hiện kích thích tâm thần và thần kinh vận động, rồi kết thúc bằng liệt và tử vong). Chuẩn đoán bệnh không phải bao giờ cũng rõ ràng, cần phân biệt với viêm não cấp do virut, hội chứng tâm thần phân lập, phản ứng hysteria, viêm nhiễm rễ thần kinh, uốn ván hoặc ngộ độc do atropine, strychnine. Chuẩn đoán quyết định bệnh dại căn cứ vào xét nghiệm thất được thể Négri trong tổ chức não, có khi phải tiêm truyền chất não bệnh nhân để gây bệnh dại thực nghiệm cho chuột.

            Điều trị và phòng bệnh : đến nay chưa có hóa chất, kháng sinh hay bài thuốc y học dân tộc nào chữa bệnh nhân lên cơn dại, tiến triển đến tử vong là không thể tránh khỏi, bệnh nhân lên cơn dại phải được đưa sớm vào bệnh viện, được nằm trong buồng riêng, thoáng, tránh tiếng động, tránh ánh sáng, tránh tối đa mọi kích thích. Các biện pháp săn sóc, điều trị là đặt bệnh nhân nằm trên giường sao cho khi lên cơn dại không bị thêm thương tích, giữ cho bệnh nhân luôn luôn khô sạch, không để ướt bẩn, đổ mồ hôi, phóng uế, đi tiểu không tự chủ, thầy thuốc săn sóc an ủi, trấn tĩnh bệnh nhân. Dùng thuốc an thần liều cao, nhỏ giọt tĩnh mạch hoặc thụt giữ, ví dụ cloral hydrat 2g pha trong 100ml nước thụt qua hậu môn ngày vài ba lần hoặc hơn, hút đờm dãi, bảo đảm thông khí đường hô hấp, truyền huyết thanh mặn, huyết thanh ngọt đẳng trương để nuôi dưỡng bệnh nhân, kèm theo vitamin thuốc trợ tim. Bác sĩ, thân nhân trong khi chăm sóc bệnh nhân có thể bị dây nước bọt; khi bệnh nhân cắn, thì rửa sạch bằng xà phòng và sát khuẩn da bằng cồn, ete. Phòng bệnh : cán bộ thú y khi xem xét chó hoặc bệnh phẩm chó cắn bị dại, cần nghiêm ngặt chấp hành các biện pháp an toàn như dùng bao tay bằng nhựa, đeo kính. Phòng bệnh đặc hiệu : khi bị súc vật dại cắn, cần được bảo vệ ngay bằng các biện pháp huyết thanh và vacxin đặc hiệu ngăn chặn không để bệnh phát, theo nguyên tắc miễn dịch dự phòng như Pasteur đã dùng cách đây hơn 100 năm.

Động vật nghi mắc dại phải được cán bộ thú y theo dõi, nếu con vật bị đánh chết, phải cắt đầu, ướp đá và gửi ngay tới phòng thí nghiệm chuyên trách tiến hành xét nghiệm chuẩn đoán. Nếu động vật bị mất tích, phải căn cứ vào động vật cắn, vị trí cắn, độ nặng vết cắn để tiến hành ngay các biện pháp điều trị dự phòng thích hợp. Chó sói, cáo rừng nguy hiểm hơn gia súc, mèo nguy hiểm hơn chó. Vị trí vết cắn càng ở gần thần kinh trung ương như mặt, đầu, cổ, tay nhất là đầu ngón tay, cơ quan sinh dục thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Xử lý ngay bước đầu bằng hút sạch máu, rửa vết cắn bằng dung dịch xà phòng 20%, sau đó sát khuẩn bằng cồn, ete hoặc dung dịch lysol để diệt virut, không dùng thuốc đỏ, không khâu vết thương, dùng thêm huyết thanh chống uốn ván 5.000 đơn vị tiêm bắp thịt cho người lớn, nên dùng kháng sinh phòng nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu vết cắn nguy hiểm thì trong 1 – 2 ngày đầu dùng huyết thanh kháng dại, kịp thời tạo miễn dịch thụ động bảo vệ bệnh nhân, đó là huyết thanh ngựa tinh khiết hoặc tốt nhất là huyết thanh người có khả năng tạo miễn dịch cao, tổng liều là 40 đơn vị kháng huyết thanh ngựa hoặc 20 đơn vị kháng huyết thanh người/kg thể trọng, tiêm trên bắp thịt, có thể dùng nửa liều tiêm ngấm quanh vết cắn. Đồng thời tạo miễn dịch chủ động bằng vacxin phòng dại, ngày nay không dùng vacxin Fermi từ não cừu bất hoạt bằng propiolactone, vì chúng còn chứa myelin có thể gây biến chứng về thần kinh. Ở Việt Nam dùng rộng rãi vacxin dại bào chế theo phương pháp Fuenzalida và Palacios, sản xuất từ não chuột trắng sơ sinh 1 – 3 ngày tuổi (chưa có myelin), bất hoạt bằng bêta propiolactone và dược đông khô, vacxin Fuenzalida Việt Nam đạt yêu cầu về chất lượng và độ an toàn, theo quy định của Tổ chức y tế thế giới, vacxin tiêm trong da ngày 1 lần 0,25ml, 6 ngày liền hoặc tiêm 6 lần cách nhật. hiện nay trên thế giới các nhà nghiên cứu đã phấn đấu tạo vacxin dại có hiệu lực và độ an toàn rất cao, không dùng chất não động vật nữa. Đó là các vacxin từ nuôi cấy tế bào : tế bào nhị bột người, khỉ Rhésus, tế bào thận chuột đất vàng, tế bào thận chó, thận phôi bò, nguyên bào sợi phôi gà, tế bào VERO. Chúng đánh dấu một bước tiến độ rất quan trọng của 20 năm vừa qua trong lĩnh vực phòng chống bệnh dại. Ngày nay chưa điều trị được bệnh dại nhưng việc chủ động phòng chống rất có hiệu quả, nhiều nước trên thế giới không còn bệnh dại. Ở Việt Nam nhiều biện pháp được thực hiện như khuyến khích tiêm phòng dại  cho chó, triệt chó ở địa phương có bệnh dại, tiêm phòng cho người bị chó cắn. hàng năm còn cần hàng trăm nghìn liều vacxin phòng dại cho người, cần chấp hành những quy định về quản lý chó, những quy chế tiêm phòng cho chó ở nông thôn cũng như thành thị, khi người bị chó hoặc mèo cắn phải tìm ngay đến bác sĩ hoặc trạm tiêm chủng phòng dại ở địa phương để kịp thời phòng chống bệnh.

Bảng hướng dẫn chung về phương pháp điều trị dự phòng đặc hiệu :

Bản chất sự tiếp xúc

Tình trạng động vật cắn đã hay chưa tiêm vacxin

Thái độ xử lý

Tiếp xúc không gây thương tổn trực tiếp, gián tiếp

Khỏe mạnh.

Nghi ngờ

Khỏe mạnh.

Bị dại

Không cần điều trị đặc hiệu

Liếm da, cào xước, cắn nhẹ các phần hở : tay, mình, chân

Khỏe mạnh

Nghi ngờ

 

 

 

 

Bị dại hoặc dã thú, gia súc không theo dõi được

Khỏe mạnh

Bị dại

Khoẻ mạnh

 

 

 

Bị dại

Không điều trị

Tiêm vacxin

Tiêm vacxin. Ngừng tiêm nếu sau 5 ngày động vật vẫn khỏe mạnh.

Tiêm đủ liều vacxin khi có chuẩn đoán dương tính.

Tiêm vacxin cho đủ liều

Liếm niêm mạc, cắn nghiêm trọng nhiều thương tích ở mặt, đầu, cổ, ngón tay

Dã thú, gia súc nghi ngờ hoặc bị dại không theo dõi được

 

Huyết thanh + vacxin.

Ngừng điều trị chỉ khi gia súc 5 ngày tiếp vẫn khỏe mạnh.

Ghi chú : khi bị cắn bởi loài gặm nhấm : chuột, thỏ nhà, thỏ rừng, không cần điều trị đặc hiệu chống dại

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình