Theo nghiên cứu của Giáo sư, tiến sĩ Phan Dẫu:
Thể thuỷ tinh có hình một thấu kính hai mặt lồi, trong suốt, không có mạch máu, công suất hội tụ khoảng 21 điôp. Thể thủy tinh có đường kính 9mm, dày 4mm, được treo vào vùng thể mi nhờ các dây Zinn. Thể thủy tinh nằm sát sau mống mắt, mặt sau áp sát với dịch kính. Có thể chia thể thủy tinh làm 3 phần từ chu vi đến trung tâm : bao thể thủy tinh (hay vỏ thể thủy tinh); biểu mô trước của thể thủy tinh; các sợi của thể thủy tinh.
Bao thể thủy tinh là lớp vỏ hoàn toàn trong suốt và đàn hồi, dưới bao thể thủy tinh là lớp biểu mô trước tạo thành từ 1 lớp tế bào độc nhất, lớp bao sau thì không có lớp biểu mô, ở xích đạo của thể thủy tinh những tế bào này tăng lên hình thành các sợi của thể thủy tinh. Hiện tượng đục thể thủy tinh có thể xảy ra theo 2 cách : tích tụ nước ở trong hay ở giữa các sợi của thể thủy tinh : rối loạn về hàm lượng nước có thể xảy ra do rối loạn về thẩm thấu, phần lớn là ở bao thể thủy tinh. Khi có thương tổn ở bao thể thủy tinh hoặc lúc lớp biểu mô bị rối loạn chức năng, thể thủy tinh cũng bị đục. Quá trình tổng hợp protein bị chậm lại : quá trình này gắn liền với một sự suy thoái các protein của thể thủy tinh, những chất này bị tủa tạo thành vùng đục, các sợi thể thủy tinh ở đây bị đứt đoạn và sắp xếp rối loạn. Trên đây là những hiểu biết sơ lược về quá trình đục thể thủy tinh còn nhiều điều mà ta chưa hiểu được, do đó về căn nguyên của bệnh còn phải tiếp tục tìm hiểu thêm. Về nguyên nhân bệnh có thể chia đục thể thủy tinh làm 4 loại : đục thể thủy tinh tuổi già (93,1%); đục thể thủy tinh bệnh lý (4,3%); đục thể thủy tinh chấn thương (1,8%); đục thể thủy tinh bẩm sinh (0,8%) (tài liệu của Viện mắt Hà Nội 1990).
Bệnh đục thể thủy tinh tuổi già : biểu hiện chủ yếu của bệnh đục thể thủy tinh tuổi già là vết đục trên thể thủy tinh, để phát hiện bệnh sớm cần khám tỉ mỉ sau khi đã làm dãn đồng tử, phương tiện khám : đèn pin, đèn bàn, ánh sáng chéo phối hợp với kính lúp hoặc lúp 2 mắt, máy soi đáy mắt để quan sát ánh đồng tử, máy soi đáy mắt với kính +16 điôp để xem thực trạng vết đục trên thể thủy tinh. Máy sinh hiển (đèn khe) cho phép xem xét tình trạng các lớp, các vùng của thể thủy tinh có thể phát hiện được cả những giác mạc bị đục để xem thể thủy tinh còn ở vị trí thông thường hay đã bị lệch và nhất là để thăm dò trong buồng dịch kính có khối u hay bị vẩn đục. Khi khám lâm sàng cần chú ý phân biệt tình trạng cô đặc thể thủy tinh ở người có tuổi với bệnh đục thể thủy tinh già, khi thể thủy tinh bị đặc, thị lực người bệnh bị sút kém nhưng trong ánh đồng tử không có vùng cản quang và vẫn soi được đáy mắt, còn trong đục thể thủy tinh thì dù mới bị nhiễm bệnh cũng có vết đục trên diện đồng tử; soi ánh đồng tử thấy có vùng đen ứng với chổ thể thủy tinh bị đục, nếu còn những vùng thể thủy tinh trong thì ánh đồng tử chỗ đó sẽ có màu hồng.
Triệu chứng chủ quan : thay đổi tùy theo vùng bị đục, nếu vùng bị đục ở trung tâm thì thị lực người bệnh lúc ra ngoài nắng bị giảm nhiều, nếu vùng bị đục bắt đầu từ ngoại vi (ở xích đạo) thì thị lực trung tâm được duy trì lâu. Triệu chứng chủ quan buộc người bệnh đục thể thủy tinh phải đi thăm khám là : nhìn xa kém, có cảm giác như nhìn qua sương mù, đôi khi có cảm giác ruồi bay, bỏ kính lão (hoặc dùng kính lão số thấp hơn) : vẫn đọc được chữ do thể thủy tinh đặc lại, chỉ số khúc xạ tăng. Khi nhìn xa, nếu dùng thấu kính phân kỳ thích hợp sẽ thấy thị lực tăng lên, hiện tượng này chỉ là tạm thời. Nếu thể thủy tinh đục không đều có thể bị song thị một mắt (mắt bị đục thể thủy tinh nhìn một hóa hai), khi toàn bộ thể thủy tinh bị đục thì thị lực giảm nhiều, mắt chỉ còn nhận được hướng ánh sáng.
Triệu chứng khách quan : thể hiện khi khám trực tiếp (bằng đèn pin, bằng ánh sáng chéo) thấy được mặt trước của thể thủy tinh qua lỗ đồng tử.
Trong đục thể thủy tinh tuổi già, vùng đục của thể thủy tinh thường có màu trắng một số ít có màu nâu hay đen, đối với thể thủy tinh chưa đục hết khi rọi nguồn sáng chéo vào lỗ đồng tử sẽ thấy bóng của móng mắt in lên vùng thể thủy tinh chưa đục – hình thành “bóng treo”. Soi ánh sáng đồng tử bằng cách dùng gương lõm hoặc máy soi đáy mắt điện chiếu sáng vào lỗ đồng tử, vùng đục thể thủy tinh cản ánh sáng do đó vùng này có màu đen, nếu thể thủy tinh chỉ đục một phần (ví dụ ở trung tâm) thì phần còn trong sẽ có ánh đồng tử màu hồng. Có thể dùng máy soi đáy mắt với thấu kính +16 điôp quan sát như soi đáy mắt để phát hiện những ca đục thể thủy tinh bắt đầu : có thể thấy hình bọt, đục ở nhân, đục hình chêm,v.v.v. Bằng đèn khe với phương pháp cắt lớp quang học chẳng những xác định được vùng đục thể thủy tinh (đục ở nhân, đục thể thủy tinh ở bao, đục ở cực sau) mà còn có thể đo được độ sâu tiền phòng, ước lượng được độ dày của thể thủy tinh hoặc phát hiện được những thương tổn thoái hóa ở sau giác mạc như là vết nhỏ trong như sương (cornea guttata). Những yếu tố này rất quan trọng ảnh hưởng nhiều đến chỉ định và tiên lượng của phẫu thuật. Có 2 loại đục thể thủy tinh già : đục bao thể thủy tinh ở nhiều vị trí khác nhau, nếu bắt đầu đục ở vùng xích đạo (sau mống mắt) thì có thể duy trì được thị lực lâu dài, nếu bị đục vùng bao ở trung tâm thì thị lực giảm rất sớm, trường hợp này nếu ở chỗ sáng đồng tử co lại thì thị lực càng sụt nhiều. Đục bao thể thủy tinh thường là do những rối loạn của các sợi ở bao thể thủy tinh, các sợi này bị phồng lên, biến dạng, giữa các sợi có những phần tử vụn nát của protein, lipid, canxi,v.v.v. Những rối loạn này gây ra sự đứt đoạn của các sợi protein ở bao thể thủy tinh đồng thời cũng gây nên những thay đổi về khúc xạ của thể thủy tinh. Những thay đổi trên đây hay đi kèm với sự tăng hàm lượng Na+ trong thể thủy tinh, vùng đục ở bao thể thủy tinh thường có màu trắng hay vàng nhạt.
Đục nhân thể thủy tinh do vị trí đục ở trung tâm nên thị lực thường giảm sút sớm, ở giai đoạn đầu nếu đồng tử mắt dãn (đeo kính râm, nhỏ thuốc néosynéphrine hoặc ở trong nhà ít ánh sáng) thì mắt nhìn rõ hơn. Loại đục thủy tinh này gắn liền với những biến đổi rất chậm của protein ở nhân thể thủy tinh.
Đục thể thủy tinh phối hợp thì đục cả bao lẫn nhân, người ta cũng gặp trong bệnh đục thể thủy tinh tuổi già 2 trạng thái đặc biệt : đục thể thủy tinh nâu và đục thể thủy tinh đen. Đục thể thủy tinh đen chỉ là giai đoạn muộn của đục thể thủy tinh nâu. Trong đục thể thủy tinh đen, thể thủy tinh bị xơ cứng, mất nước chẳng những ở nhân mà còn ở cả vỏ.
Biến chứng : bệnh đục thể thủy tinh biến chứng từ từ không gây đau nhức nhưng cũng có thể gây ra một số biến chứng.
Tăng nhãn áp thứ phát : trong một số ca đục thể thủy tinh có kèm theo hiện tượng phình to của thể thủy tinh dẫn tới tình trạng rối loạn lưu thông thủy dịch do nghẽn đồng tử (bao trước thể thủy tinh áp sát vào bờ đồng tử), cũng có trường hợp chân mống mắt bị thể thủy tinh đẩy ra trước áp sát vào phần chu biên mặt sau giác mạc; góc tiền phòng bị đóng, sự lưu thông thủy dịch bị cản trở do đó nhãn áp tăng. Đục thể thủy tinh quá chín cũng có thể gây ra tăng nhãn áp, trường hợp bao thể thủy tinh bị thương tổn, protein của thể thủy tinh bị ngấm qua vỏ rồi vào thủy dịch đọng ở góc tiền phòng, các phân tử protein bít vùng bè củng - giác mạc do đó gây tăng nhãn áp, glocom do tiêu thể thủy tinh.
Viêm màng bồ đào do kháng nguyên thể thủy tinh : các protein của thể thủy tinh khi ở nguyên trong bao của nó thì được coi là protein của cơ thể nhưng khi bao bị thương tổn, protein ngấm ra ngoài trở thành chất lạ của cơ thể (kháng nguyên). Chính kháng nguyên này là nguồn gốc gây ra viêm màng bồ đào do kháng nguyên thể thủy tinh. Để điều trị viêm màng bồ đào do kháng nguyên thể thủy tinh, điều trị glocom do tiêu thể thủy tinh chỉ định tốt nhất là mổ lấy thể thủy tinh, rửa sạch tiền phòng.
Chuẩn đoán phân biệt : triệu chứng đục thể thủy tinh cũng có thể thấy trong bệnh viêm màng bồ đào; trong giai đoạn cấp bao cũng có tương tụ rìa, dính mống mắt, Tyndall (+), tủa ở mặt sau giác mạc, v.v.v. Lúc bệnh đã thành mạng tính thì các triệu chứng cấp (cương tụ rìa, đục thủy tinh,v.v.v) giảm nhiều hay biến mất, còn triệu chứng khác như dính mống mắt, thị lực giảm vẫn tồn tại. Cận thị : cận thị nặng có thể kèm theo đục thể thủy tinh và nhiều thương tổn ở đáy mắt, để tránh nhằm lẫn cần khai thác tiền sử, làm xét nghiệm : điện võng mạc, siêu âm. Glocom : bệnh glocom hay đi kèm với đục thể thủy tinh là glocom góc đóng, bệnh gây ra dãn méo đồng tử, phản xạ đồng tử với ánh sáng mất, khi có nhãn áp cao thường hay xuất hiện triệu chứng cương tụ rìa, bệnh có thể gây mù lòa không hồi phục được.
Chuẩn đoán xác định : căn cứ vào tiền sử bệnh nhân, bệnh tiến triển làm thị lực giảm dần, không gây ra đau nhức mắt. Thể thủy tinh mất tính chất trong suốt trở
nên đục trắng (có khi màu nâu hay đen). Nếu là đục thể thủy tinh già thì phản xạ đồng tử với ánh sáng bao giờ cũng dương tính. Dù bị đục thể thủy tinh đã lâu nhưng nếu võng mạc và các đường thị giác còn tốt thì bao giờ bệnh nhân cũng nhận thức được hướng ánh sáng. Để xác định mắt bị đục thể thủy tinh có thể mổ được cần khám phản xạ đồng tử với ánh sáng, phản xạ này dương tính biểu hiện sự hoạt động bình thường của võng mạc, phần trước các đường thị giác và dây thần kinh sọ số III. Khám chức năng mắt : dọi đèn vào mắt để xem người bệnh có còn nhận thức được ánh sáng hay không, nếu còn đó là triệu chứng tốt để mổ đục thể thủy tinh. Những trường hợp có nghi ngờ thương tổn ở đáy mắt hay dịch kính thì cần làm các xét nghiệm điện sinh lý (điện võng mạc, siêu âm) để xác định. Ngoài những triệu chứng ở mắt để có thể mổ đục thể thủy tinh cần làm các xét nghiệm để phát hiện các bệnh toàn thân như lao, viêm nhiễm cấp, đái tháo đường, têtani, tăng huyết áp,v.v.v nếu có cần điều trị ổn định sau đó mới mổ mắt.
Điều trị : cho đến nay người ta chưa biết rõ nguyên nhân của bệnh đục thể thủy tinh già, do đó cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu có kết quả. Từ Davel (1745) đến nay, cách duy trì đưa lại ánh sáng cho người đục thể thủy tinh là mổ lấy thể thủy tinh, mục đích của phẫu thuật này là loại bỏ thể thủy tinh bị đục ra khỏi con mắt, nhờ đó giải phóng lỗ đồng tử, tạo điều kiện cho ánh sáng vào tới võng mạc, nếu tiến hành phẫu thuật thuận lợi các điều kiện của mắt bị mổ còn tốt thì thị lực sẽ tăng. Có nhiều phương pháp mổ : có thể lấy toàn bộ thể thủy tinh. Trong vòng hơn 30 năm qua ở Việt Nam phương pháp mổ được dùng nhiều nhất ít có biến chứng đục thể thủy tinh thứ phát. Có thể lấy thể thủy tinh bằng cặp bao Arruga, bằng viên chống ẩm silicagel hoặc bằng lạnh đông (cryocoagulation), mổ lấy thể thủy tinh để lại vỏ sau hay mổ thể thủy tinh ngoài vỏ, rạch vỏ trước của thể thủy tinh lấy phần lõi và chất nhân để lại vỏ sau của thể thủy tinh. Phương pháp này có ưu điểm là ít gây ra biến chứng ở đáy mắt, phù hoàng điểm, bong võng mạc,v.v.v sau mổ, đặt thể thủy tinh nhân tạo tốt. Ngoài cách mổ thông thường ngày nay người ta còn dùng siêu âm làm tan thể thủy tinh rồi sau đó rửa hút sạch chất nhân. Với biến chứng đục thể thủy tinh thứ phát người ta dùng lade YAG (néodyme) để xuyên thủng màng thể thủy tinh mà không cần mổ. Đục thể thủy tinh bệnh lý : đục thể thủy tinh do bệnh đái tháo đường thực sự rất ít gặp, bệnh tiến triển nhanh trong những đợt đường huyết tăng, trong vài giờ ở thời kỳ lui bệnh của một cơn hôn mê do đái tháo đường, đục thể thủy tinh điển hình là đục dưới bao ở đây người ta thấy xuất hiện những vùng đục như bụi hay những đám như bông. Thoạt tiên những đám này có thể biến mất nếu đường huyết được điều chỉnh nhanh chóng, nếu không bệnh sẽ tiến triển đến đục thể thủy tinh toàn bộ, bệnh thường gặp trong khoảng 15 – 25 tuổi hiếm gặp sau 45 tuổi. Bệnh đục thể thủy tinh ở người đái tháo đường cần chú ý phòng biến chứng xuất huyết trong và sau khi mổ. Đục thể thủy tinh do têtani : giảm năng tuyến cận giáp gây ra bệnh đục thể thủy tinh, bệnh có đặc điểm làm tăng hưng phấn thần kinh – cơ đi kèm, bệnh đục thể thủy tinh thường xuất hiện ở cả 2 mắt. Những thay đổi đầu tiên thường là những đám hạt nhỏ dưới bao, phía dưới hay phía sau thể thủy tinh tương tự như trong bệnh đái tháo đường, có khi có những tinh thể nhỏ nhiều màu (đỏ hay ve). Khi vùng đục lan rộng đòi hỏi mổ cần chuẩn bị tốt trước và sau mổ bằng canxi và hocmon cận giáp để tránh các biến chứng (xuất huyết nội nhãn sau khi mổ). Đục thể thủy tinh do biến chứng các bệnh ở mắt : rất khó phân biệt giữa bệnh đục thể thủy tinh đơn thuần với đục thể thủy tinh phối hợp với glocom góc mở. Phải đo nhãn áp theo dõi nhiều lần trong ngày mới phát hiện được, để tiên lượng mổ đỡ sai sót nhiều khi phải căn cứ vào điện võng mạc và siêu âm. Đục thể thủy tinh trong bệnh cận thị : trong bệnh cận thị có kèm theo bệnh của hắc mạc, thị lực giảm sút vừa do đục thể thủy tinh, vừa do tổn hại của hắc mạc và võng mạc, thể thủy tinh phần nhiều đục ở trung tâm và tiến triển rất chậm, dịch kính có thể lỏng, dây treo Zinn rất mảnh có thể lệch thể thủy tinh. Khi lấy thể thủy tinh cần phòng biến chứng phòi dịch kính. Trong thoái hóa võng mạc sắc tố, bong võng mạc, đục thể thủy tinh thường bắt đầu ở vỏ sau, điện võng mạc trong thoái hóa mạc sắc tố thường cho biết kết quả sớm.
Đục thể thủy tinh do chấn thương : người ta phân biệt 2 loại đục thể thủy tinh do đụng dập và đục thể thủy tinh do vết thương của bao. Loại sau lại chia ra đục thể thủy tinh có vết thương của bao thể thủy tinh và đục thể thủy tinh có dị vật trong nhãn cầu. Đục thể thủy tinh đụng dập thường xảy ra một số chấn thương đụng dập vào mắt, điển hình nhất là hình thái đụng hình hoa hồng hay hình sao. Vùng đục này thường xảy ra nhất là ở lớp bao sau, tuy nhiên nó cũng có thể khu trú ở dưới lớp bao trước hay cùng một lúc cả ở dưới lớp bao sau và dưới lớp bao trước. Vùng đục xuất hiện như một ngôi sao có những cánh rõ nét và được cách rời nhau bởi các khớp của thể thủy tinh, những múi của các nhánh sao thường nhọn, ít khi tròn, những thể thủy tinh hình hoa hồng phần lớn lại không đầy đủ và chỉ có một phần của thể thủy tinh. Có một số hình thái khác của đục thể thủy tinh chấn thương đụng dập ít gặp hơn như : hình thái mạng nhện dưới bao thể thủy tinh, hình thái đục lấm chấm dưới biểu mô, hình thái đục từng nốt. Các hình thái đục thể thủy tinh đụng dập này thường tiến triển rất khác nhau, một vài ca vùng đục nhỏ có thể biến mất, một số nhiều hơn vùng đục tồn
tại lâu dài; một số thì vùng đục phình to nhanh chóng rồi xuất hiện hiện tượng tăng nhãn áp, có khi đục thể thủy tinh toàn bộ. Đục thể thủy tinh kèm theo vết thương ở bao : thoạt đầu vết thương có thể giống như một đục thể thủy tinh hình hoa hồng mà những nhánh giống như nhánh cọ với một đường gân ở trung tâm, vùng đục luôn nằm ở bao sau, cả khi chấn thương chỉ liên quan đến bao trước. Bao thể thủy tinh khi bị rách nhỏ có thể tự liền bởi hiện tượng tăng sinh của biểu mô thể thủy tinh, những vết đục đó trong trường hợp này có thể nằm yên không tiến triển nhưng ít khi những vết này biến mất. Trong phần lớn các trường hợp thủy dịch ngấm vào các sợi của thể thủy tinh làm chúng phình to lên, những vết thương của bao sẽ làm cho chất thể thủy tinh thoát ra gây hiện tượng viêm và tăng nhãn áp (viêm màng bồ đào do kháng nguyên của thể thủy tinh). Bệnh nhân tuổi càng trẻ thì thủy dịch càng dễ làm tiêu chất thể thủy tinh. Đục thể thủy tinh phối hợp với dị vật nội nhãn : đa số trường hợp không thấy được dị vật của thể thủy tinh vì giác mạc đục, tiền phòng đầy máu, mống mắt bị rách,v.v.v. Trường hợp nghi ngờ cần chụp X quang hoặc dùng phương pháp chụp không xương để tìm dị vật. Cũng có trường hợp chảy máu ít hay không chảy máu, các môi trường trong suốt của mắt còn cho phép ta có thể đi theo đường vết rách từ giác mạc qua mống mắt và dưới đó là vết thương của bao thể thủy tinh, rồi dùng sinh hiển vi để quan sát dị vật ở trong chiều dày của thể thủy tinh thậm chí có thể thấy được dị vật ở sau thể thủy tinh. Có nhiều biến chứng như tăng nhãn áp do viêm, tăng nhãn áp do bè củng giác mạc bị tắt bởi chất nhân của thể thủy tinh, viêm màng bồ đào do nhiễm khuẩn và nhiễm viêm đồng cảm. Điều trị bằng phẫu thuật là cần thiết, trường hợp có dị vật trong nhãn cầu, phim X quang và những đo đạc bằng phương pháp BALTIN là những chuẩn bị cần thiết để cho phẫu thuật thành công.
Đục thể thủy tinh bẩm sinh : đa số trường hợp đục thể thủy tinh bẩm sinh được phát hiện là những trường hợp bệnh đã rõ ràng, những hình thái đục thể thủy tinh trung tâm, đục cực sau hay đục cực trước thường không phát hiện được sớm. Đục thể thủy tinh bẩm sinh hay đi kèm các dị tật khác ở mắt (mắt nhỏ, tổn hại hắc võng mạc, teo thị thần kinh,vvv) hay cơ quan khác (tật bất thường ở răng, ở tim,vvv) có nhiều hình thái đục thể thủy tinh bẩm sinh : đục bao thể thủy tinh thường rất nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến chức năng thị giác, không tiến triển hoặc tiến triển rất chậm, cần phân biệt : đục cực trước : một mắt hay hai mắt bị lệch, biểu hiện dưới dạng một đám trắng đục nhỏ tương đối dày đặc ở bao trước, đôi khi vùng đục này đi kèm những vết tích của màng đồng tử, một chỗ khuyết ở mống mắt, một tật không có mống mắt, một giác mạc hình chóp hay những chỗ mở của giác mạc. Đục cực sau chỉ phát hiện được khi soi ánh đồng tử hoặc sinh hiển vi, ta thấy vùng đục khu trú ở cực sau thể thủy tinh do di tích của động mạch dịch kính. Đục hình tháp là một hình thái đục bao trước của thể thủy tinh trong vùng trục, chỗ đục nhô ra bất thường ở trong tiền phòng, thị lực sút kém ít, trời hơi tối nhìn rõ hơn, phần nhiều những đám đục không tiến triển, nguyên nhân có thể là do dị tật, một viêm nhiễm trong giai đoạn phôi thai thể hiện bằng những chỗ dính bao với mống mắt. Đục chu biên nhân phôi thai hay là đục từng vùng ít khi phát hiện được sớm, người ta nhận thấy đồng tử không có màu đen hoặc trẻ nhìn kém lúc đầu đi học, khám thấy thể thủy tinh đục mờ, rộng 3 – 6mm. Cho đồng tử dãn rộng thấy bờ đám đục rất đều nhưng chu vi của thể thủy tinh vẫn trong, soi ánh đồng tử thấy một hình tròn đen hơi nhạt ở giữa, ở chu vi đám đục từng chỗ có những vết đục đậm hơn, chỗ đục chiếm chu vi của nhân phôi thai, sinh hiển vi cho thấy nhân phôi thai cũng không phải hoàn toàn trong mà có những chấm như bụi nhỏ, triệu chứng tùy theo mức độ đục : sợ ánh sáng, thị lực sút kém. Nếu đám đục không rộng quá có thể xem được đáy mắt. Đục thể thủy tinh trung tâm hoặc đục nhân thể thủy tinh : vùng đục khu trú ở nhân phôi thai còn các lớp khác của thể thủy tinh vẫn trong hay đục mờ có thể trở ngại cho thị lực. Về phương diện phẫu thuật phải để ý những điểm sau : phẫu thuật khó thì giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, đồng tử dãn khó, thể thủy tinh và bao dính chặt với nhau, phải mổ sớm trước khi xuất hiện rung giật nhãn cầu. Đục thể thủy tinh toàn bộ dễ thấy hơn vì đồng tử có màu trắng. Đây là một đục thể thủy tinh hình thái mềm nên lúc mổ dễ lấy được hết chất nhân, để lâu có thể thoái triển thành một đục thể thủy tinh quá chín. Một nhân đặc trong một túi thể thủy tinh có một chất lỏng trắng như sữa, tiền phòng sâu và mống mắt do không có chỗ dựa có thể rung rinh khi nhãn cầu vận động, nếu không mổ sớm có thể mù bẩm sinh trong 2 – 3 năm đầu vì mắt không làm việc.
Điều trị : nếu như phần lớn đụ thể thủy tinh tiến triển từ từ và chỉ cần mổ vào tuổi trước khi đi học thì một số trong đó cần mổ sớm hơn để tránh nhược thị, cách điều trị cũng rất khác nhau tùy thuộc vào đục thể thủy tinh một bên hay cả 2 bên. Trong điều trị đục thể thủy tinh bẩm sinh một bên, một số tác giả không can thiệp nếu thị lực mắt bên kia còn tốt. Tiên lượng sau mổ của đục thể tủy tinh bẩm sinh mặc dù có nhiều kỹ thuật hiện đại vẫn rất bấp bênh. Những biến chứng hậu phẫu nhiều và nặng (bong võng mạc, teo nhãn cầu,vvv) nhưng sự phát nhanh của một nhược thị bắt buộc phải phẫu thuật, đục thể thủy tinh một bên thường là thất bại về chức năng mắt. Không nên can thiệp đục thể thủy tinh bẩm sinh cả 2 bên khi thị lực còn trên 3/10 Parinaud 5 vì thị lực còn tạm đủ cho trẻ sinh hoạt và học tập. Đục thể thủy tinh toàn bộ thường gặp ở các trẻ nhỏ hay phối hợp với các dị tật khác : lác, rung giật nhãn cầu, có dị tật ở tim, điếc, ngớ ngẩn. Những trẻ này sinh ra chỉ thấy ánh tối nên phải mổ thật sớm để tránh nhược thị. Mặt khác vì có các dị tật quan trọng nên tiên lượng rất dè dặt, đục thể thủy tinh toàn bộ cả 2 mắt phải phẫu thuật rất sớm 12 – 20 tháng, đục thể thủy tinh bộ phận có thể là đục thể thủy tinh trung tâm, đục thể thủy tinh chu biên nhân phôi thai thường được phát hiện vào lúc trẻ bắt đầu đi học, do đó chỉ định mở cũng chậm hơn nhưng kết quả mổ cũng khả quan hơn. |