Theo nghiên cứu của Giáo sư Lê Kinh Duệ:
Bệnh lậu là một bệnh hoa liễu cấp tính, có thể tiến triển kinh diễn lây truyền chủ yếu từ quan hệ tình dục do một cầu khuẩn gây nên, tên gọi là song cầu khuẩn hay lậu Neisseriagonorrhoeae. Triệu chứng bệnh lậu là viêm niệu đạo và những thương tổn khác ở hệ sinh dục, ở trực tràng, ở họng người lớn và viêm âm hộ, âm đạo ở trẻ em, biến chứng nguy hiểm là lậu mắt và mù mắt ở trẻ sơ sinh. Người ta biết đến bệnh lậu từ hàng nghìn năm nay, cựu kinh ước đầu tiên đã mô tả bệnh này với những triệu chứng rất rõ ràng. Sau đó cá thầy thuốc Hy Lạp quan niệm là “bệnh của những người ăn chơi trác táng chìm đắm trong lạc thú thần Vệ Nữ”. Năm 1161, luật pháp nước Anh đã cấm không được tiếp nhận vào nhà chứa những gái mại dâm bị chứng “đái nóng”, từ đó trong những năm 1300 người ta gọi bệnh lậu là bệnh “đái nóng” (chaude pisse). Bệnh lậu tăng nhanh trong các thời kỳ chiến tranh, trong chiến tranh thế giới thứ 1, bệnh lậu lần đầu tiên đã trở thành dịch lớn trên thế giới. Trong những năm 30 bệnh lậu có chiều hướng giảm xuống, nhưng tiếp đó chiến tranh lại bùng nổ và tỷ lệ người mắc bệnh lậu tăng vọt lên. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 và sự ra đời thuốc pénicilline bệnh lậu dần giảm xuống. Trong thập kỷ 50 bệnh lậu giảm xuống ở tỷ lệ thấp trừ những vùng chiến tranh còn tiếp diễn, từ những năm đầu của thập kỷ 60 tỷ lệ bệnh lại tăng dần lên.
Nguyên nhân và triệu chứng.
Tác nhân gây bệnh và cách lây truyền : song cầu khuẩn lậu tức lậu cầu là tác nhân gây bệnh lậu, đó là một vi khuẩn hình hạt cà phê (hay hình quả thận) xếp thành cặp nên gọi là song cầu khuẩn, chiều dài khoảng 1,6µm, chiều rộng là 0,8µm và đã được Neisser tìm thấy năm 1879. Trên kính hiển vi ta thấy lậu cầu bắt màu Gram âm nằm trong tế bào và độc chiếm tế bào. Vỏ của lậu cầu gồm màng ngoài cấu tạo bằng chất lipoprotein, màng trong cấu tạo bằng các chất polysacarit; nguyên sinh chất chứa nhiều hạt kích thước khác nhau; nhân gồm các sợi cấu tạo bằng axit desoxyribonicleic (ADN), lậu cầu là một loại vi khuẩn yếu ớt khi sống ở ngoài cơ thể. Ở môi trường bên ngoài nó chỉ sống được vài giây, vì vậy bệnh không thể lây truyền được qua chậu hố tiêu, qua khăn mặt, quần áo, cốc chén hay đồ dùng… Ngược lại lậu cầu có một sức sống rất mãnh liệt trong các môi trường ẩm của cơ thể, cho nên giao hợp vẫn là cách lây bệnh chủ yếu. Những quan hệ tình dục bằng đường sinh dục - hậu môn - hoặc miệng – cơ quan sinh dục, dịp tiếp xúc với những vùng có niêm mạc bao phủ nhạy cảm với lậu cầu như miệng, hậu môn, âm đạo, niệu đạo, tử cung. Đôi khi có thể gặp 1 bệnh nhân bị lậu mà không làm lây cho người khác, ta cũng không giải thích được vì sao. Tuy vậy nói chung, một nam giới nếu chỉ quan hệ tình dục 1 lần với nữ bệnh nhân lậu thì khả năng bị lây bệnh là 20 – 25%, nhưng khả năng bị lây đó sẽ là 50% đối với 1 nữ có 1 lần giao hợp qua miệng và hậu môn chưa được biết rõ, có thể từ khoảng 20 – 50%. Tất nhiên càng có nhiều quan hệ tình dục với bệnh nhân bao nhiêu thì khả năng bị lây bệnh tăng bấy nhiêu.
Chủng lậu kháng pénicilline gọi là PPNG (Penicillinase Producing Neisseria Gonorrhoaeae), trong hội nghị nghiên cứu bệnh lậu năm 1976 do Tổ chức y tế thế giới tổ chức tại Giơnevơ (Thụy Sĩ) một số nước đã thông báo sự xuất hiện những chủng lậu cầu khuẩn có khả năng sản xuất bêta – lactamaza (tức penixilinaza) gọi là PPNG như Ôxtrâylia, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nauy, Hà Lan, Philipin, Hàn Quốc, Anh, Singapore. Những tài liệu khác cho thấy bệnh nhân bị nhiễm các chứng đó ở 5 nước khác (Bỉ, Gana, HồngKông, Ôman, Thái Lan). Ở các tỉnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975, người ta đã nói đến “bệnh lậu Triều Tiên” hay “lậu Nam Hàn” rất khó chữa, có lẽ do các chủng lậu cầu kháng thuốc này du nhập vào. Người ta đã chứng minh rằng các chủng lậu cầu kháng pénicilline có chứa 1 yếu tố di truyền riêng biệt gọi là plasmine, có khả năng mã hóa sự sản xuất bêta – lactamaza. Người ta cũng biết rằng plasmide của các chủng lậu cần sản xuất bêta – lactamaza được phát hiện ở những địa phương khác nhau có mang những đặc điểm khác nhau. Ví dụ plasmide của một chủng lậu cần sản xuất bêta – lactamaza ở Luân Đôn (mà người ta cho là đã du nhập từ Gana, Châu Phi) có 1 trọng lượng phân tử khác với trọng lượng phân tử của plasmide tìm thấy ở các chủng lậu cầu đã phát hiện từ Châu Á. Sự nhận xét đó đã cho phép nghĩ rằng các plasmide của 2 chủng này đã có những nguồn gốc khác nhau. Độc lực lâm sàng của các chủng lậu cầu sản xuất bêta – lactamaza tức PPNG chưa được biết 1 cách đầy đủ. Tuy nhiên người ta đã tìm thấy các chủng PPNG gây viêm hố chậu, viêm vòi trứng, viêm mào tinh hoàn và gây những thể lậu lan tỏa. Nhìn chung trên thế giới bệnh lậu có xu hướng ngày càng tăng, từ 1950 – 71 qua số liệu công bố của Tổ chức y tế thế giới và so sánh tỷ lệ số bệnh nhân lậu trên số 100.000 dân qua các năm thì thấy rằng ở Anh, số bệnh nhân lậu đã tăng 2 lần; ở Hoa Kỳ 3 lần, ở Thụy Điển 3 lần, ở Na Uy 4 lần. Ở Việt Nam các số liệu thống kê trong cả nước chưa được đầy đủ. Theo thống kê tại Viện da liễu và các bệnh viện trong cả nước số người mắc bệnh lậu năm 1976 là 2.678 người, năm 1996 là 4.882 người, năm 1998 là 6.859 người. Nhìn chung bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn còn là một vấn đề xã hội quan tâm cần tập trung giải quyết.
Bệnh lậu nam giới : muốn hiểu rõ các triệu chứng và biến chứng có thể gặp chúng ta cần nắm vững giải phẫu học của bộ phận sinh dục nam giới. Những biểu hiện sớm ở nam giới khi mắc bệnh lậu : khi lậu cầu xâm nhập và nhiễm vào các tế bào của niệu đạo, chúng sẽ gây nên chứng viêm niệu đạo do lậu cầu. Cơ thể sẽ chống lại bằng cách huy động các bạch cầu đến đó để chống đỡ với vi khuẩn. Thế nhưng các lậu cầu với số lượng nhiều và độc lực mạnh thường đã thắng thế, nếu không có thuốc hỗ trợ kịp thời, gần 90% số bệnh nhân lậu xuất hiện những triệu chứng đầu tiên trong vòng 3 – 5 ngày kể từ khi bị lây nhiễm bệnh, sớm nhất là một ngày chậm nhất là 2 tuần lễ sau khi giao hợp với người có bệnh. Bắt đầu người bệnh thấy có tiết dịch trong miệng sáo, sau đó chất tiết dịch trở nên đặc hơn, nhiều hơn và có màu trắng đục hoặc hơi xanh. Trong tiết dịch có nhiều lậu cầu, tế bào mủ và bạch cầu, tiếp đó 2 mép miệng sáo đỏ và sưng nề lên. Khi đi giải đa số các bệnh nhân có cảm giác nóng buốt ở đầu sáo hoặc trong toàn dương vật. Có khi cảm giác đó khó chịu đến nỗi bệnh nhân đái từng tí một rất khó khăn có khi có máu lẫn vào mủ. Hạch bẹn bị viêm đau (30% số trường hợp), có khi mặt trong bao da quy đầu cũng bị nhiễm lậu cầu nên bị viêm đỏ và sưng tấy lên, do giao hợp đồng giới với người có bệnh, hậu môn và trực tràng có thể bị nhiễm lậu cầu gây nên bệnh viêm hậu môn trực tràng do lậu. Các triệu chứng trong những trường hợp này không rõ rệt, ở một số bệnh nhân chỉ thấy hậu môn hơi tấy đỏ kèm theo ít tiết dịch nhày chảy ra, một số khác thấy đau nhiều vùng quanh hậu môn, phân bị dính mủ hoặc máu. Nói chung bệnh không có triệu chứng gì rầm rộ nên bản thân bệnh nhân thường không để ý nên cứ tiếp tục làm lây bệnh cho những người giao hợp đồng giới khác. Những biểu hiện muộn và biến chứng ở nam giới : nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ ăn sâu và nặng dần, lậu cầu từ miệng sáo sẽ ăn sâu vào niệu đạo trước (tức phần trước của niệu đạo) rồi vào các tuyến Cowper, là những tuyết tiết chất làm nhờn làm trơn niệu đạo khi bộ phận sinh dục bị kích thích và một trong số trường hợp xâm nhập cả các tổ chức của dương vật. Nếu không được điều trị chứng viêm niệu đạo do lậu có thể tự khỏi 2 tuần lễ sau khi xuất hiện : mủ ra ít dần, đi giải ngày càng đỡ buốt. Tuy nhiên bệnh lậu vẫn tồn tại và lậu cầu vẫn tiếp tục phát triển và bệnh nhân vẫn làm lây lan bệnh. Trong vòng 2 – 3 tuần lễ tiếp đó, lậu cầu xâm nhập dần vào niệu đạo sau (tức phần sau của niệu đạo) và tuyến tiền liệt, là một tuyến có cơ cấu rất phức tạp, có nhiều ngỏ ngách do lậu cầu ẩn náu và sinh sôi. Có khoảng 5 – 10% số bệnh nhân điều trị kịp thời bị apxe tuyến tiền liệt, gây nên cảm giác nóng bỏng hoặc viêm tấy, kèm theo sốt và đau vùng hố chậu và quanh hậu môn. Tuyến tiền liệt viêm to lên, đè vào bàng quang làm đái khó hoặc có khi tắc đái. Apxe đó có khi bị vỡ ra, mủ sẽ rò vào niệu đạo hoặc trực tràng, một điều may mắn là tuyến tiền liệt cũng hiếm gặp mặc dù không điều trị. Tuy nhiên những biểu hiện khác tiếp tục gây phiền toái cho sinh hoạt bệnh nhân. Thỉnh thoảng bệnh nhân lại thấy đái ra mủ hoặc đau buốt khi đái, trong 20% số trường hợp không điều trị trong vòng 1 tháng lậu cầu có thể xâm nhập vào ống dẫn tinh (là những ống đi từ tinh hoàn lên tuyến tiền liệt) sau đó đi vào mào tinh hoàn một bên hoặc có khi cả 2 bên gây chứng viêm mào tinh hoàn do lậu. Chứng này thường gặp ở phía bện trái nhiều hơn bệnh nhân cảm thấy đau ở vùng bẹn và có cảm giác nặng ở tinh hoàn bị nhiễm bệnh. Khi khám ta sẽ thấy một khối rắn và đau ở phần dưới tinh hoàn tức phần đuôi mào tinh hoàn, da bìu cũng đỏ lên và đau khi sờ đến. Chứng viêm mào tinh hoàn dù được điều trị cũng thường để lại tổ chức sẹo, sau này sẽ cản trở đường đi của tinh trùng đi từ tinh hoàn lên túi tinh. Do đó nếu cả 2 mào tinh hoàn cũng nhiễm lậu cầu thì bệnh nhân sẽ bị vô sinh. Nói chung ở nam giới chứng viêm niệu đạo do lậu dễ được chuẩn đoán sớm vì những biểu hiện của nó khá rõ và rất khó chịu, nên bắt buộc bệnh nhân phải đi khám nghiệm và các biểu hiện muộn, các biến chứng ít xảy ra. Tuy vậy khoảng 20% số nam giới bị lậu lại không có triệu chứng lâm sàng gì, vì vậy tốt nhất là khi có nghi vấn ta nên đi khám nghiệm ngay.
Bệnh lậu nữ giới : muốn hiểu rõ các triệu chứng và biến chứng của bệnh lậu ở nữ giới cần nắm vững giải phẫu học của bộ phận sinh dục nữ giới. Những biểu hiện sớm của nữ giới khi mắc bệnh lậu : 80% số nữ giới khi mắc bệnh lậu không có triệu chứng gì hay một dấu hiệu khó chịu nào trong những tuần đầu, thậm chí trong những tháng đầu của bệnh nhân. Dấu hiệu duy nhất giúp họ phát hiện bệnh là sự xuất hiện của những triệu chứng của bệnh lậu ở người nam giới đã có quan hệ tình dục với họ và trong thực tế nhiều phụ nữ mắc bệnh mà không hay biết gì. Ở nữ giới cổ tử cung bị nhiễm bệnh trước tiên, mủ bắt đầu chảy ra từ cổ tử cung trong những ngày đầu sau khi bị lây bệnh, nhưng vì cổ tử cung nằm khuất dưới âm đạo nên người phụ nữ không nhìn thấy được và không biết đã bị bệnh. Tuy nhiên họ có thể thấy dây ra quần lót một chất “khí hư” màu vàng hoặc hơi xanh gây ngứa ngáy hay kích thích vùng âm môn. Nếu bệnh nhân mắc đơn thuần chỉ bệnh lậu thì “khí hư” (thực chất là mủ lẫn với tiết dịch âm đạo) thường ra với số lượng ít, những trường hợp như vậy rất hiếm. Thông thường 50% số nữ bệnh nhân lậu đồng thời bị thêm một bệnh nhiễm ký sinh trùng khác đó là trùng roi. Loại bệnh này gây nhiều khí hư, rất loãng, màu ngã vàng hay hơi xanh hoặc có mùi hôi, kèm theo có ngứa nhiều ở âm môn và phần nông của âm đạo. Bệnh nhiễm trùng roi rất phổ biến ở phụ nữ và thường cũng hay gặp ở cả phụ nữ không bị lậu.
Ngoài cổ tử cung là vị trí hay gặp nhất, nhiễm trùng lậu thường còn hay khu trú ở niệu đạo và lỗ niệu đạo nữa. Một số bệnh nhân cảm thấy nóng bỏng khi đi giải, đôi khi quan sát kỹ có thể thấy viêm đỏ ở lỗ niệu đạo, cũng có thể thấy có ít mủ trong lòng niệu đạo nhưng rất hiếm. Nữ bệnh nhân và đôi khi cả bạn tình của họ có thể ngửi thấy mùi hôi bất thường, tựa như mùi mốc xuất phát từ âm môn. Trong nhiều trường hợp vì nhiễm lậu ở cổ tử cung ngày càng nặng thêm, nên bệnh nhân thấy “khí hư” ra ngày càng nhiều, đôi khi còn cảm thấy hơi đau ở bụng dưới hoặc vùng ngang thắt lưng. Biến chứng vùng sinh dục hậu môn : chứng viêm tuyến Bartholin ở 30 – 50% phụ nữ mắc bệnh, lậu cầu xâm nhập tuyến Bartholin là 2 tuyến nằm kề 2 môi nhỏ của âm hộ, có chức năng bôi trơn các môi nhỏ đó khi bộ phận sinh dục bị kích thích, phần lớn bệnh nhân không thấy triệu chứng gì khi các tuyến đó bị nhiễm lậu cầu. Trong 1 – 2% trường hợp, 1 trong 2 tuyến đó bị sưng to và đau, đôi khi thấy có mủ chảy ra. Có khi 1 apxe được hình thành trong tuyến và mủ chảy lan đến một bên môi nhỏ, khi môi nhỏ bị viêm tấy thì người bệnh cảm thấy khó chịu khi ngồi hoặc đi lại. Hậu môn và trực tràng : ở nữ bệnh nhân lậu, mủ từ cổ tử cung chảy ra nhiều có thể tràn ra ngoài âm đạo và chảy lan xuống hậu môn gây viêm nhiễm hậu môn và trực tràng do lậu cầu, 40 – 60% nữ bệnh nhận bị biến chứng này, giao hợp qua hậu môn, giao hợp đồng giới ở bệnh nhân lậu cũng dễ gây chứng viêm hậu môn trực tràng do lậu. Những biến chứng nặng ở phụ nữ bị lậu : viêm vòi trứng : bệnh lậu ở phụ nữ thường rất khi được chuẩn đoán ở giai đoạn đầu, vì vậy việc điều trị thường không kịp thời. Khoảng 50% số bệnh được điều trị muộn (8 – 10 tuần lễ sau khi mắc bệnh), lậu cầu đã nhiễm vào tử cung. Bình thường lậu cầu khó lòng sống sót và phát triển ở màng trong tử cung, tuy vậy trong thời kỳ kinh nguyệt lậu cầu có điều kiện thuận lợi để sinh sôi phát triển trong tế bào chết và trong máu hành kinh. Chính trong thời gian đó, lậu cầu có thể nhanh chóng đi ngược thành tử cung và từ đó xâm nhập vào vòi trứng Fallpoe, gây viêm vòi trứng do lậu cầu. Chứng viêm vòi trứng do lậu cầu rất nghiêm trọng : lậu cầu gây viêm nhiễm vách trong vòi trứng, mủ được hình thành trong vòi sẽ đổ vào hố chậu và buồng trứng, các tổ chức bị nhiễm lậu cầu sẽ viêm tấy và sưng to, mủ đọng lại và tổ chức sẹo sẽ làm tắc vòi, vì thế vòi trứng bị to lên, có thể chỉ 1 vòi, có khi cả 2 vòi cùng bị và trong trường hợp này bệnh nhân sẽ bị vô sinh. Các triệu chứng của bệnh viêm vòi trứng có thể mang tính chất cấp tính hoặc bán cấp, chứng viêm vòi trứng cấp tính đôi khi bắt đầu bằng sự xuất hiện kinh nguyệt bất thường, bệnh nhân thấy đau và ra máu nhiều hơn thường lệ. Một hai ngày sau đó bệnh nhân bắt đầu thấy đau 1 bên hoặc 2 bên bụng dưới, đau ngày càng tăng kèm theo sốt khoảng 39oC buồn nôn và nhức đầu. Các triệu chứng của viêm vòi cấp tính thường làm bệnh nhân rất lo sợ, đặc biệt là biến chứng đau bụng dưới nên bệnh nhân phải đi khám cấp cứu, khi khám nghiệm ta cần phải hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng vì bụng rất đau, cổ tử cung cũng rất đau khi đụng đến. Trong một vài trường hợp chứng đau dữ dội đến mức phải gây mê mới khám được. Về triệu chứng lâm sàng, bệnh viêm vòi cấp tính rất dễ nhầm với chứng viêm ruột thừa hoặc chửa ngoài dạ con (thai nằm trong vòi trứng), có trường hợp phải phẫu thuật thăm dò mới chuẩn đoán phân biệt được. Trong chứng viêm vòi bán cấp các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân thường thấy bứt rứt, nặng hoặc đau âm ỉ vùng bụng dưới hay vùng bẹn, đau cũng có thể xuất hiện lúc giao hợp hay khi ta làm di động cổ tử cung khi khám hố chậu. Thường có 1 số triệu chứng đi song song với nhau : đau thắt lưng, mệt mỏi toàn thân và sốt nhẹ khoảng 38oC, kinh nguyệt thường không đều và đau, sau khi có kinh các triệu chứng lại dội hơn lên. Nếu để bệnh nhân nằm yên trong vài ngày, chứng đau và các triệu chứng khác có thể tạm thời biến hết nhưng không có nghĩa là nhiễm lậu cầu đã hết. Chứng viêm vòi trứng bán cấp rất khó chuẩn đoán vì các triệu chứng chỉ ở mức trung bình và rất dễ nhầm với nhiều bệnh phụ khoa khác.
Mặc dù điều trị sớm bằng kháng sinh có thể làm khỏi chứng viêm vòi cấp hoặc bán cấp và do đó tránh được chứng tắc vòi trứng gây vô sinh nhưng chúng ta không thể nào xóa hết được các thương tổn đã hình thành. Nếu buồng trứng đã bị thương tổn nặng thì cũng khó hồi phục chức năng bình thường như trước, trong trường hợp này hậu quả là chức năng nội tiết của buồng trứng bị ngưng trệ dẫn đến xuất huyết bất thường ở tử cung hoặc hành kinh nhiều và kéo dài hoặc thỉnh thoảng thấy ra tí máu giữa các chu kỳ hành kinh. Một hậu quả hay gặp ở chứng viêm vòi do lậu lầu là sự hình thành những dải tổ chức dính kết làm cho nhiều cơ quan kết dính với nhau : tử cung, vòi trứng, buồng trứng, bàng quang, trực tràng và phúc mạc. Trước đây chứng viêm vòi trứng do lậu cầu rất hay gặp, nhưng từ khi có pénicilline đến nay chứng đó đã trở nên ít thấy. Năm 1950 chỉ 1 – 2% nữ bệnh nhân lậu bị viêm vòi trứng, nhưng từ năm 1960 đến nay tỷ lệ đó đã tăng dần lên và hiện nay khoảng 10% nữ bệnh nhân lậu bị chứng viêm vòi trứng. Một trong những lý do là khả năng kháng pénicilline hiện nay của một số chủng lậu cầu. Chửa ngoài dạ con : chứng viêm vòi trứng gây vô sinh chiếm 20 – 30% số nữ bệnh nhân lậu. Một số nữ bệnh nhân khác không bị tắc mà chỉ bị hẹp hoặc tắc nhẹ một vài chỗ trên vòi trứng. Trong trường hợp này trứng đã được thụ tinh có thể bị cầm tù trong vòi trứng và phát triển ở đó gây chửa ngoài dạ con. Sau 2 tuần lễ sau khi ngừng thấy kinh, bệnh nhân lại thấy một ít máu và nhầm tưởng đó là hành kinh bình thường nhưng chậm ngày, đa số bệnh nhân kêu đau một bên bụng do thai nhi lớn dần lên đã gây áp lực mạnh và làm dãn vòi trứng. Sau 2 – 3 tháng một tai biến tất yếu xảy ra: vỡ vòi trứng và chảy máu nặng trong ổ bụng, bệnh nhân bỗng chốc bị đau điếng như 1 nhát dao đâm vào bụng dưới sau đó bụng trướng lên sờ vào rất đau. Tiếp đó bệnh nhân luôn luôn cảm thấy buồn đi ngoài, nhiệt độ hạ thấp, bệnh nhân bị ngất là những triệu chứng thông thường hay gặp trong tai biến này. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu ngay bằng phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng và truyền máu thì có thể bị choáng nặng và tử vong.
Bệnh lậu ngoài bộ phận sinh dục : viêm họng và viêm hạnh nhân do lậu : họng và hạnh nhân nằm 2 bên họng có thể bị nhiễm lậu cầu, do hôn hoặc tiếp xúc miệng với cơ quan sinh dục người mắc bệnh, nhiễm lậu cầu ở miệng thường không có triệu chứng gì, ở một số bệnh nhân thấy đau cổ, kèm theo sốt nhẹ sau khi nhiễm bệnh.
Viêm khớp và viêm da do lậu : khoảng 1% số bệnh nhân sau mấy tuần không được điều trị, lậu cầu có thể vào máu, gây nhiễm khuẩn máu do lậu cầu; hay gặp ở những người giao hợp đồng giới. Trong số 65 – 75% bệnh nhân nhiễm khuẩn máu do lậu có những triệu chứng sau đây : sốt 38 – 40oC, run tay chân, ăn không ngon miệng, mệt mỏi toàn thân, đau khớp, các khớp hay bị viêm nhất theo thứ tự là : đầu gối, khớp bàn tay, mắt cá và cùi tay. Trong 50% số trường hợp có thể thấy xuất hiện ở cánh tay, bàn tay, cẳng chân và bàn chân, nhất là xung quanh các khớp, những thương tổn ngoài da đặc trưng là những vết hồng to bằng đầu đinh ghim, bắt đầu nổi lên, về sau chảy nước và máu, xung quanh có viền màu hơi tím và ngoài cùng là viền đỏ, các thương tổn đó hơi đau nhưng sẽ lành sau 3 – 4 ngày và để lại một vết thẫm màu trên da. Lậu cầu xâm nhập vào máu chỉ sống được 4 – 5 ngày, sau đó các triệu chứng của nhiễm khuẩn máu biến hết. Tuy vậy sự thuyên giảm đó chỉ được vài ngày, khoảng 8 -10 ngày sau, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn máu, nhiều khớp nhiều khớp sẽ bị sưng lên, đỏ và rất đau. Các triệu chứng có thể tập trung vào một khớp nào đó, đau trở nên dữ dội đến nỗi khớp không cử động được, nếu điều trị kịp thời ngay thì có thể tránh được cho khớp xương những tai hại lâu dài sau này. Nhiễm khuẩn máu do lậu cầu còn có thể gây những tai biến khác : từ hệ tuần hoàn lậu cầu có thể xâm nhập các tạng quan trọng như tim, gan và hệ thần kinh trung ương, tuy những biến chứng này hết sức hiếm nhưng cần điều trị càng sớm càng tốt.
Đau mắt ở trẻ sơ sinh do lậu cầu : còn gọi là ophtalmianeonatorum, từ những bà mẹ bị lậu, mắt trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm lậu cầu khi đi qua cổ tử cung, âm đạo để ra đời : trong vòng 48 giờ sau khi đẻ, một hoặc cả 2 mắt đỏ lên, viêm tấy và đau, có khi 2 mi mắt sưng to đến mức mắt không thể mở ra được, mủ chảy ra giữa 2 mi mắt, nếu không điều trị kịp thời ngay trẻ có thể bị hỏng mắt trong vòng vài ngày, mủ lậu cầu dính vào mắt có thể gây bệnh cho trẻ nhỏ và người lớn. Trong thế kỷ trước, lậu mắt ở trẻ sơ sinh khá phổ biến, đến năm 1884, một nhà sản khoa Đức là Karl Credé phòng bệnh lậu mắt cho trẻ sơ sinh bằng cách nhỏ vài giọt nitrat bạc 1% vào mắt các cháu sau khi đẻ, tuy nhiên việc phòng bệnh tốt nhất là phát hiện bệnh lậu ở tất cả các phụ nữ có chửa 1 cách có hệ thống để tiến hành kịp thời cho thai phụ. Theo thống kê gần đây của 1 số nước (Hoa Kỳ, Canada) có đến 2,5 – 7,3% phụ nữ có mang mắc bệnh lậu nhưng trẻ sơ sinh không có triệu chứng lâm sàng gì, đó là cách phòng bệnh mắt lý tưởng nhất đối với trẻ sơ sinh.
Khám nghiệm và chuẩn đoán lâm sàng : muốn xác định chuẩn đoán cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Có nhiều trường hợp khám nghiệm lâm sàng có thể cho phép chuẩn đoán bệnh trước khi có kết quả xét nghiệm nhất là ở nam giới, ngược lại ở phụ nữ cần có kết quả xét nghiệm đầy đủ mới xác định bệnh được 1 cách chắc chắn. Không cần chuẩn đoán 1 cách vội vã khi chưa khám kỹ (bộ phận sinh dục và toàn thân), sau khi đã rõ bệnh cần giải thích cho bệnh nhân về bệnh tật và phương pháp điều trị để người bệnh hợp tác cùng thầy thuốc. Thầy thuốc giữ bí mật về bệnh cho người bệnh và phát hiện kịp thời người làm lây bệnh để điều trị kịp thời. Nói một cách khác, người bệnh cần chủ động đến với thầy thuốc để điều trị.
Đối với nam giới khám nghiệm kỹ miệng sáo xem tính chất của mủ : đặc màu hơi trắng hay ngả vàng, khám toàn bộ dương vật, khám lần lượt từng bên tinh hoàn 1 cách hết sức nhẹ nhàng; nếu bệnh nhân thấy đau đó là dấu hiệu của viêm mào tinh hoàn. Cũng không nên quên xem hạch bẹn có bị viêm hay không, để bổ sung cho chuẩn đoán lâm sàng, cần làm xét nghiệm vi khuẩn học, muốn vậy người ta dùng tăm bông hay quai platin cho sâu vào trong niệu đạo khoảng 1cm, lấy 1 ít tiết dịch hoặc mủ phết lên phiến kính để phát hiện lậu cầu gây bệnh. Trong trường hợp miệng bị nhiễm bệnh, tìm lậu cầu ở họng và hạnh nhân, trường hợp vần thiết hay nghi ngờ có quan hệ đồng giới cần tìm lậu cầu ở cả hậu môn nữa.
Đối với nữ giới : khi khám bộ phận sinh dục cần phát hiện mọi viêm tấy, trợt loét bất thường hoặc các tiết dịch ở vùng môi lớn, môi nhỏ, lỗ niệu đạo, các lỗ tuyến Skènes, lỗ tuyến Bartholin bên trái, bên phải, không bao giờ quên dùng quai platin hay tăm bông cho sâu vào lỗ niệu đạo để lấy ít tiết dịch hay mủ làm xét nghiệm tìm lậu cầu. Trong mọi trường hợp nhất thiết phải khám các phần sâu bằng mỏ vịt, chú ý đặt mỏ vịt một cách nhẹ nhàng tránh làm đau đớn hay gây chấn thương, không nên dùng chất bôi trơn có thể làm sai lệch các kết quả xét nghiệm, qua mỏ vịt có thể nhìn thấy rõ cổ tử cung. Trong giai đoạn đầu của bệnh, cổ tử cung thường đỏ lên, viêm tấy và có chất tiết dịch đặc hơi trắng. Muốn lấy bệnh phẩm để xét nghiệm cần dùng bông lau sạch cổ tử cung, sau đó cho 1 tăm bông hay quai platin vô trùng đưa sâu vào cổ tử cung 2 – 2,5cm lấy bệnh phẩm; nhưng chú ý phải rât1 nhẹ nhàng để tránh mọi biến chứng. Trong 40 – 60% số bệnh nhân nữ bị lậu, thường bị viêm hậu môn trực tràng do lậu cầu, vì vậy cần tìm lậu cầu ở vị trí đó. Việc khám kỹ vùng hố chậu ở các nữ bệnh nhân cũng không nên bỏ sót. Người thầy thuốc kẽ đưa 2 ngón tay có đeo găng vào trong âm đạo, trong khi tay kia sờ lên bụng để phát hiện 1 khối u bất thường hay những điểm đau ở cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng,v.v.v. Cuối cùng cần nhấn mạnh rằng trong mọi trường hợp lậu, cần nhớ cặp nhiệt độ : triệu chứng sốt dù chỉ rất nhẹ (trên 38oC) cũng có thể là dấu hiệu của một biến chứng sắp xảy đến, ví dụ viêm vòi trứng. Khi bệnh nhân đã bị viêm vòi trứng (cũng như khi bị chửa ngoài dạ con) một triệu chứng nổi bật khi khám vùng hố chậu hoặc bằng mỏ vịt là triệu chứng đau dữ dội có khi phải dùng đến thuốc mê mới tiến hành khám nghiệm được.
Soi trực tiếp là xét nghiệm đơn giản nhất để xác định lậu cầu, việc lấy bệnh phẩm có tầm quan trọng, vừa phải đảm bảo vô khuẩn, vừa phải biết lấy đúng chỗ, đúng quy cách. Đối với nam giới sau khi lau sạch miệng sáo, dùng tăm bông vô khuẩn thọc sâu vào niệu đạo 1cm, xát nhẹ vào thành niệu đạo để lấy tiết dịch hoặc mủ. Đối với nữ giới vì bộ phận sinh dục có cấu tạo phức tạp, có nhiều ngõ ngách có thể làm sào huyệt cho lậu cầu, nên phải lấy bệnh phẩm ở nhiều chỗ khác nhau. Trong các sách cổ điển người ta khuyên nên lấy ở 6 vị trí : niệu đạo, tuyến Skène bên phải, bên trái riêng rẽ, tuyến Bartholin bên phải, bên trái riêng rẽ, cổ tử cung và cho kết quả vi khuẩn học riêng rẽ ở từng vị trí một. Hiện nay đối với nữ giới chỉ lấy ở 3 chỗ là đủ : niệu đạo, cổ tử cung, hậu môn trực tràng. Các tiêu bản sẽ được nhuộm bằng phương pháp Gram do nhà sinh vật học Đan Mạch Gram H.C phát minh từ 1884. Lậu cầu sẽ bắt màu hơi hồng, hình hạt cà phê, xếp từng cặp một nằm trong bạch cầu. Ta cần chú ý rằng phương pháp soi trực tiếp sau khi nhuộm Gram này không thật chính xác đối với bệnh lậu ở nam giới (bỏ sót khoảng 15% số bệnh nhân) và rất ít giá trị đối với việc chuẩn đoán bệnh lậu ở nữ giới (bỏ sót khoảng 40 – 60% số bệnh nhân). Bên cạnh những kết quả “âm tính giả” (có lậu cầu mà không phát hiện) đó, xét nghiệm này còn có thể cho những kết quả “dương tính giả” (không phải bệnh lậu mà phát hiện cho là lậu cầu) vì ở người khỏe mạnh, trong âm đạo và trực tràng có rất nhiều loại vi khuẩn trông rất giống lậu cầu (giả lậu cầu).
Kỹ thuật nuôi cấy lậu cầu : là phương pháp xác định chắc chắn, người ta dùng môi trường aga có nhiều đạm, cho thêm máu người hay súc vật, cùng với 1 số lượng nhỏ kháng sinh (vancomyxine colistine, nystatine) có khả năng ngăn cản sự sống sót của các vi khuẩn khác, mà không ảnh hưởng tới sự nhân lên của lậu cầu. Môi trường thích hợp và thông dụng nhất hiện nay là môi trường Thayer Martin, môi trường đó được đổ vào 1 hộp lồng thủy tinh nông, đường kích khoảng 7cm tạo thành 1 lớp mỏng. Dùng tăm bông sạch lấy bệnh phẩm (mủ, tiết dịch,v.v.v.) quệt lên bề mặt môi trường, rồi cho ngay vào tủ ấm có nhiệt độ hằng định, nhiệt độ lý tưởng để lậu cầu mọc là 37,5oC, trong tủ ấm cần có hơi cacbon dioxyt. Lậu cầu sẽ mọc 24 – 48 giờ sau đó, các khuẩn lạc có thể trông thấy rõ trên bề mặt môi trường, dưới dạng những đốm hơi nổi cao, trơn, màu sứ, hơi xám, oxydaza, dương tính trong đó có hàng triệu lậu cầu. Một cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm nhìn vào hình thái, dung mạo các đốm khuẩn lạc đó đã có thể chuẩn đoán được, song để xác định chắc chắn người ta lấy các khuẩn lạc đó nhuộm Gram để soi trực tiếp và làm thêm các thử nghiệm khác nữa để xác định như phản ứng oxydaza dùng thuốc thử là 1% Dimethyl – p – phenylène diamin hydrochlorid và phản ứng lên men đường, thử nghiệm enzym, và nếu tất cả đều dương tính hay phù hợp thì mới khẳng định là lậu cầu.
Xác định sự nhạy cảm của lậu cầu đối với kháng sinh : nuôi cấy và phân lập lậu cầu còn cho phép tìm biết sự nhạy cảm của lậu cầu đối với các loại kháng sinh bằng kỹ thuật kháng sinh đồ, nhờ đó ta có cơ sở để lựa chọn loại kháng sinh thích hợp có tác dụng tối ưu với từng ca bệnh. Kỹ thuật kháng sinh đồ còn cho phép ta phát hiện sơ bộ chủng lậu cầu kháng pénicillin, PPNG : dùng 1 vòng có chứa 10 đơn vị pénicillin G để lên 1 đĩa thạch socola trên đó đã cho cấy chủng lậu cầu đã được phân lập. Để có kết quả tốt nhất, cần lấy 1 khối lượng lậu cầu là 108 trong 1ml, hoặc nếu không có điều kiện để xác định số lượng lậu cầu đó, thì có thể ước lượng số đó bằng cách dùng 1 dung dịch mặn hoặc 1 canh thang trong suốt và cho dần lậu cầu vào cho đến khi bắt đầu thấy đục, nếu ta thấy 1 vùng ức chế dưới 2mm thì ta có thể nghi ngờ là có chủng PPNG (lậu cầu sản xuất bêta – lactamaza hay penixilinaza) kháng lại tác dụng của pénicilline, kỹ thuật đơn giản xác định chủng PPNG là thử nghiệm thanh bằng iot với kỹ thuật như sau :
Dùng pénicilline G postassique : cho bột pénicilline G postassique vào 1 dung dịch đệm photphat pH 6,0 để có 1 dung dịch đậm độ 6.000µg/ml pha dùng ngay. Dung dịch amidon : cho hòa tan amidon vào 100ml nước cất, đun sôi cách thủy cho đến khi tinh bột hòa tan hoàn toàn, pha dùng ngay. Chất thử có iot : hòa 2,03g iot và 53,2g iodua kali vào 100ml nước cất, có thể pha sẳn và để trong lọ thủy tinh màu nâu, nếu có kết tủa nhiều cũng nên pha dùng ngay.
Kỹ thuật tiến hành : cho 0,1ml dung dịch pénicilline vào trong đáy lỗ của một phiến nhựa hoặc vào một ống nghiệm nhỏ, dùng 1 quai platin lấy nhiều khuẩn lạc lầu cầu nghi ngờ sản xuất bêta – lactamaza và cho hòa vào dung dịch pénicilline đã có trong đáy lỗ hoặc trong ống nghiệm cho đến khi có 1 dung dịch đậm đặc (ít ra cũng có chứa 109 lậu cầu/ml). Cho thêm 2 giọt dung dịch amidon và iot sẽ xuất hiện màu xanh biển ngay lập tức, lắc trong 1 phút, nếu lậu cầu có sản xuất bêta – lactamaza thì sẽ thấy nhạt màu nhanh chóng, nếu ngược lại dung dịch vẫn giữ màu xanh biển trong hơn 10 phút, tức là lậu cầu không sản xuất bêta – lactamaza kháng lại pénicilline.
Kỹ thuật thông dụng hiện nay : sử dụng khoanh giấy có tẩm nitrocefin gọi là chromogenic, cephalosporin assay : sự có mặt của bêta – lactamaza tức của chủng PPNG sẽ làm cho màu của khoanh giấy thay đổi từ vàng sang đỏ, do sự thủy phân benzyl penicillin thành penicilloid acid.
Phản ứng kết hợp bổ thể G.C.F.T (Gonococcal Complement Fixation Test) đã được phát hiện từ 60 năm nay, mặc dù phản ứng còn cho kết quả thay đổi, có thể cho phản ứng “âm tính giả” (có bệnh mà phản ứng vẫn âm tính) hoặc “dương tính giả” (dương tính ở những người khỏe mạnh trước đây có bị lậu nhưng đã khỏi hoàn toàn và ở 5 – 10% số người không hề bị lậu bao giờ), nhưng phản ứng kết hợp bổ thể vẫn là 1 xét nghiệm có ích trong 1 số trường hợp nhất định, ví dụ khi nghi ngờ là viêm vói do lậu hoặc viêm khớp do lậu…
Phòng bệnh và điều trị :
Nguyên tắc chung : điều trị trước hết cần dựa vào một chuẩn đoán chính xác cả về mặt lâm sàng và cận lâm sàng, chỉ được phép chuẩn đoán là lậu khi khẳng định được nguyên nhân là do song cầu khuẩn gây ra, có thể ở giai đoạn cấp tính hay mạn tính, cần điều trị sớm triệt để đúng phác đồ quy định, điều trị đồng thời cả vợ và chồng và những người bạn tình có liên quan sinh hoạt tình dục. Trong lúc điều trị cấp tính bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh lao động nặng, đạp xe, chạy nhảy…gây chấn thương hoặc chấn động mạnh lên bộ phận tiết niệu sinh dục, vì có thể tạo điều kiện cho biến chứng xuất hiện, chú ý nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng các chất dinh dưỡng, các loại hoa quả, vitamin… Định kỳ kiểm tra các xét nghiệm để đánh giá tiến triển của bệnh, kể cả sau khi ra viện để theo dõi tái phát, sau khi điều trị khỏi bệnh tránh giao hợp 4 – 6 tháng.
Phác đồ điều trị bệnh lậu : điều trị lậu không biến chứng của nam và nữ giới :
Phác đồ dùng 1 liều duy nhất pénicilline kết hợp với 1 – 2g probenceid, cụ thể với những loại pénicilline sau đây : procaine pénicilline tan trong nước, 4,8 triệu đơn vị, tiêm bắp thịt, sodium pénicilline G tan trong nước : 5 triệu đơn vị hòa tan trong 8ml dung dịch 5% lidocaine, tiêm bắp thịt : ampicilline 3,5g uống 1 lần duy nhất. Lợi : giá rẻ ít tốn kém, có thể khỏi cả giang mai đang thời kỳ ủ bệnh. Bất lợi : có thể dị ứng với pénicilline, có thể gặp độc tính của probenecid phản ứng với procaine, không có tác dụng đối với nhiễm chlamydiae mắc đồng thời. Tuy nhiên trong những năm gần đây ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Việt Nam tình hình lậu cầu kháng pénicilline, tetracycline và 1 số kháng sinh khác ngày càng phát triển và lan rộng, vì vậy cần phải thử tính nhạy cảm của lậu cầu ở từng bệnh nhân để sử dụng thuốc có công hiệu nhất. Mặt khác nhiễm lậu cầu thường kết hợp với nhiễm Chlamydia trachomatis cho nên y tế thế giới khuyến cáo nên điều trị đồng thời cả 2 bệnh : lậu và Chlamydia, cụ thể có thể dùng 1 trong các phác đồ sau đây :
Phác đồ dùng liều duy nhất ciprofloxacin 500mg uống, kết hợp với doxycyline 100mg mỗi ngày 2 lần, trong 7 ngày. Tuy nhiên, ciprofloxacin không nên dùng cho phụ nữ có thai và cho trẻ em hoặc ceftriazone 250mg, tiêm bắp thịt liều duy nhất kết hợp với doxycycline 100mg x 2lần/ngày trong 7 ngày hoặc spectinomycline 2g,tiêm bắp thịt liều duy nhất cũng kết hợp với doxycycline 100mg x 2 lần/ngày trong 7 ngày. Ngoài ra tùy điều kiện cụ thể có thể dùng các phác đồ liệt kê sau đây :
Phác đồ dùng 1 liều duy nhất kanamycine 2g, tiêm bắp thịt. Lợi : chưa gặp kháng thuốc. Bất lợi : chưa rõ về độc tính của thuốc, không có tác dụng điều trị giang mai hay trùng roi mắc đồng thời.
Các phác đồ khác dùng thuốc trong nhiều ngày : tetracycline 500mg, mỗi ngày uống 4 lần trong 4 – 5 ngày, tổng liều : 9,5g. Lợi : giá rẻ, ít tốn kém, có tác dụng tốt đối với chlamydiae và trùng roi mắc đồng thời. Bất lợi : có thể gặp kháng thuốc, Co – trimoxazole uống 1 lúc 6 viên mỗi ngày, trong 3 ngày, tổng liều 18 viên. Lợi : ít nhiều tác dụng với trùng roi. Bất lợi : có thể dị ứng với sulfamide tác dụng còn nghiên cứu thêm Thiamphénicol 2,5g uống 1 liều duy nhất. Lợi : có ít nhiều tác dụng với trùng roi. Bất lợi : giá cao.
Điều trị những người có quan hệ tình dục : áp dụng 1 trong các phác đồ sử dụng cho bệnh lậu không biến chứng. Penicilline hoặc ceftriazone, spectinomycine, điều trị viêm niệu đạo sau lậu (thường là do chlamydiae) : tetrecycline hydrochloride, viên 0,25g mỗi lần uống 2 viên, uống mỗi ngày 4 lần trong 7 ngày.
Điều trị lậu ở họng, hạnh nhân : procaine pénicilline tan trong nước 4,8 triệu đơn vị + 1g probenceid hoặc tetracycline hydrochloride viên 0,25g mỗi lần uống 2 viên, 4 lần trong ngày uống trong 5 ngày.
Điều trị lậu ở phụ nữ có thai : điều trị như đối với phụ nữ bình thường với pénicilline, nếu có dị ứng với pénicilline thì không dùng tetracycline vì có tiềm năng độc hại cho thai nhi. Uống érythromycine (stéarate, éthylsuccinate hoặc bazo) 0,5g mỗi ngày 4 lần trong 5 ngày. Spectinomycine 2g tiêm 1 liều duy nhất vào bắp thịt hoặc ceftriazone 250mg, tiêm bắp liều duy nhất. Điều trị lậu rải rác (viêm khớp – viêm da) : pénicilline G tan trong nước, tiêm tĩnh mạch 10 triệu đơn vị mỗi ngày, trong 3 – 10 ngày (đến lúc các triệu chứng giảm nhẹ). Nếu dị ứng với pénicilline thì cho uống tetracycline hydrochloride 0,25 x 2 viên, mỗi ngày 4 lần trong 7 – 10 ngày. Đề phòng đau mắt và mù mắt cho trẻ sơ sinh : khi trẻ mới lọt lòng nhỏ nitrat bạc 1% vào 2 mắt hoặc các thuốc nhỏ mắt tetracycline, neomycine, éthromycine, không dùng thuốc nhỏ mắt pénicilline để tránh nguy cơ gây dị ứng pénicilline cho trẻ sơ sinh.
Điều trị lậu cho trẻ sơ sinh : cho bệnh nhi vào viện, nếu trẻ đau mắt dùng pénicilline G hòa tan trong nước, tiêm tĩnh mạch 50.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm 2 lần trong 7 – 10 ngày. Nếu trẻ viêm khớp do lậu hay nhiễm khuẩn huyết do lậu : dùng pénicilline G hòa tan trong nước, tiêm tĩnh mạch 75 – 100.000 đơn vị/kg/ngày, mỗi ngày tiêm 2 – 3 lần trong 7 – 10 ngày.
Điều trị bệnh lậu ở trẻ em : procaine pénicilline tan trong nước, tiêm bắp thịt 75 – 100.000 đơn vị/kg/ngày kết hợp với probenecid 25mg/kg, đối với trẻ em dưới 6 tuổi, uống 40mg/kg/ngày, mỗi ngày uống 4 lần trong 7 ngày. Trẻ em trên 6 tuổi : tetracycline uống 50mg/kg/ngày, mỗi ngày uống 4 lần trong 7 ngày, chú ý trẻ em nhất là dưới 30 tháng ít dung nạp procaine.
Cho đến nay bao dương vật được coi như công cụ duy nhất đề phòng bệnh lậu, tuy nhiên đó không phải là phương sách tuyệt đối đảm bảo, ngoài ra không có loại thuốc uống, thuốc bôi nào có công hiệu phòng bệnh. Tốt nhất là tránh giao hợp với nhiều đối tượng hoặc với đối tượng nghi ngờ, phòng bệnh an toàn tốt nhất là thực hiện “một vợ một chồng”.
|