Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Y học Việt Nam
Tìm hiểu về bệnh phóng xạ?

Theo nghiên cứu của Giáo sư, tiến sĩ Phan Văn Duyệt:

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi tia X và các chất phóng xạ mới được ứng dụng trong y học để chuẩn đoán và điều trị, người ta đã thấy xuất hiện 1 số dấu hiệu bất thường trên bệnh nhân và có khi cả trên thầy thuốc. Đó là các triệu chứng tại chỗ như thương tổn da và vùng bi chiếu tia (ban đỏ, viêm da…) và toàn thân như buồn nôn, nôn, ỉa chảy, sốt, tình trạng đặc biệt dễ nhiễm trùng …mà sau này người ta biết rõ đó là những rối loạn gây nên bởi các bức xạ ion hóa như tia X, tia gama và các tia hạt anpha, bêta, nơtron. Cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 quan sát trên các nạn nhân của 2 vụ bom nguyên tử Hoa Kỳ thả xuống Hidrosima và Nagaxaki, người ta đã mô tả đầy đủ hình ảnh lâm sàng của bệnh phóng xạ điển hình. Những tư liệu về bệnh phóng xạ cấp còn được bổ sung thêm bởi các nạn nhân của các tai nạn lò phản ứng nguyên tử năm 1958 ở Nam Tư; 1945, 1946, 1958, 1964 ở Hoa Kỳ tai nạn nhà máy nguyên tử Trecnôbin ở Ucraina năm 1986 và gần đây nhất là tai nạn phóng xạ tại nhà máy làm giàu uranium ở Tokaimura (Nhật Bản) ngày 30/09/1999. Những triệu chứng của bệnh phóng xạ mạn tính được sáng tỏ dần qua theo dõi lâu dài các thầy thuốc phóng xạ cũng như các người hành nghề khác có tiếp xúc hằng ngày với bức xạ ion hóa. Những biến đổi sinh học (máu, tế bào, sinh hóa, di truyền…) trên cơ thể bị chiếu bức xạ ion hóa cũng được sáng tỏ nhiều nhờ các công trình phóng xạ sinh học thực nghiệm. Các tác nhân vật lý của bức xạ ion hóa ảnh hưởng lên cơ thể sống lại được nghiên cứu nhiều và kỹ càng.

            Trong nhiều thập kỷ qua, bệnh phóng xạ đã được goị dưới các tên khác nhau như chứng nhiễm tia bức xạ (mal des rayons), chứng nhiễm tia bức xạ xuyên (mal des irradiations pénétrantes), bệnh tia rơgen (rontgen sickness), bệnh phóng xạ (radiation disease). Chúng tôi đề nghị dùng thuật ngữ bệnh phóng xạ hay bệnh bức xạ (radiation disease). Người ta chia bệnh phóng xạ thành bệnh phóng xạ cấp tính và bệnh phóng xạ mạn tính, bệnh cấp tính xảy ra khi cơ thể bị chiếu toàn thân một liều lớn hoặc nhiều liều liên tiếp, cho ta hình ảnh lâm sàng với những triệu chứng cấp. Trái lại, những liều nhỏ tác dụng trong 1 thời gian dài cũng như 1 vài dạng của bệnh phóng xạ cấp trong đó bệnh không thể hiện đầy đủ cho ta hình ảnh dạng mạn tính. Bệnh phóng xạ có thể sinh ra do bị chiếu ngoài hoặc chiếu trong (nhiễm các chất phóng xạ vào trong cơ thể) hoặc do cả 2. Nhiễm xạ ngoài do các bức xạ X, gama, nơtron, cho ta hình ảnh lâm sàng tiến triển rõ rệt hơn nhiễm xạ trong. Trong thời đại hiện nay với sự tiến bộ của an toàn phóng xạ, bệnh phóng xạ cấp rất hiếm xảy ra, có 2 tình huống có thể dẫn đến bệnh phóng xạ cấp : nổ vũ khí hạt nhân kể cả nổ thí nghiệm và tai nạn lò phản ứng. Ngoài ra trong điều trị phóng xạ quá liều, cũng có thể gây cho bệnh nhân hội chứng phóng xạ cấp. Trái lại hội chứng phóng xạ mạn tính ngày càng lưu ý để phát hiện kịp thời trên những người làm nghề có tiếp xúc với chất phóng xạ và các nguồn bức xạ ion hóa khác. Bệnh phóng xạ mạn tính được xem là bệnh nghề nghiệp cần đề phòng ở những người này.

            Bệnh phóng xạ cấp : hình ảnh lâm sàng của bệnh phóng xạ cấp khá phức tạp, bên cạnh các triệu chứng điển hình xảy ra ngay từ đầu là những pha không thể hiện lâm sàng nhưng bệnh vẫn ngấm ngầm để rồi tiếp đến là tiến triển bi thảm của những dấu hiệu chủ quan, khách quan trong những pha sau. Mức độ trầm trọng tùy thuộc liều bức xạ hấp thụ và tình trạng cơ thể (tuổi, sức khỏe, thể lực, dinh dưỡng), vì thế khi tiên lượng bệnh cần rất chú ý đến phản ứng của từng cơ thể, có thể chia bệnh phóng xạ cấp tính thành 4 giai đoạn : giai đoạn I : những triệu chứng đầu tiên chủ yếu là tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Giai đoạn II : bệnh tiến triển mà không thể hiện ra các triệu chứng chủ quan (giai đoạn ẩn). Giai đoạn III : những triệu chứng lâm sàng rối loạn chức năng vị tràng, tạo huyết, đông máu, miễn dịch… Giai đoạn IV : thanh toán toàn bộ hoặc 1 phần các tai hại.

            Giai đoạn 1 : bệnh nhân khó chịu do kích thích thần kinh (bệnh nhân điều trị bằng chiếu xạ có thể gặp dấu hiệu này), hệ thần kinh bị kích thích nhưng nếu thương tổn nặng hơn có thể chuyển thành ức chế trên ngưỡng. Một trong những nguyên nhân là do tế bào mất ion kali và ứ đọng natri, ngay sau hoặc vài giờ sau chiếu xạ, bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mất khẩu vị, buồn nôn, khát, khô miệng, đau đầu, đôi khi có hình ảnh giống như sốc, hạ huyết áp động mạch, nếu có triệu chứng ỉa chảy, có thể nghĩ đến bệnh nhân bị chiếu nhiều liều cao gây thương tổn niêm mạc ruột. Rối loạn tri thức, rối loạn nhịp tim, sốt và có thể phù do tăng tính thấm, đôi khi có triệu chứng màng não nhẹ. Bệnh nhân bị chiếu dưới 1 Gray (100 rad) thường không có triệu chứng lâm sàng giai đoạn 1, về máu tăng bạch cầu là dấu hiệu thường gặp trong giai đoạn 1 do tăng bạch cầu đa nhân trung tính nhưng tế bào lympho giảm, tế bào ưa axit giảm, có những hạt nhiễm độc trong bạch cầu, giai đoạn 1 kéo dài trong vài giờ và thường không quá 3 ngày.

            Giai đoạn 2 : các triệu chứng chủ quan hết hẳn hoặc giảm nhiều cho nên gọi là giai đoạn ẩn. Nhiệt độ trở lại bình thường, hết đau đầu, hết nôn, tỉnh táo, chỉ đôi khi mất ngủ, khó chịu vùng tim. Triệu chứng thần kinh giảm do ức chế sau kích thích, giai đoạn 2 kéo dài khác nhau và không tùy thuộc trực tiếp vào liều hấp thụ. Trong những trường hợp trầm trọng có thể không có giai đoạn 2, theo Stein thời gian của giai đoạn ẩn như sau :

Liều                 1 – 3 Gy                      (100 – 300 rad)                     3 – 4 tuần

Liều                 4 Gy                            (400 rad)                                2 tuần 

Liều                 6 Gy                            (600 rad)                                1 tuần

            Trong giai đoạn 2 rất cần theo dõi một cách có hệ thống những thay đổi về máu, đó là 1 trong những chỉ tiêu tốt nhất để đánh giá mức độ trầm trọng của bệnh nếu như không đo được liều chiếu. Trong các tế bào máu lympho bào nhạy nhất trước phóng xạ và giảm lympho bào tỷ lệ với liều hấp thụ. Cronkite cho rằng nếu giảm lympho bào trước 24 giờ kể từ khi bị  chiếu thì liều lớn hơn 0,25 Gy, nếu giảm lympho bào chỉ thoáng qua thì liều nhỏ hơn 1 Gy, nếu giảm kéo dài trên 10% lượng lympho bào thì liều lớn hơn 1 Gy. Theo Dunham nếu lượng lympho bào giảm xuống dưới 80/mm3 máu trong 14 giờ xem như thương tổn nặng. Trên những nạn nhân ở lò phản ứng Los Alamos, Hemgelman thấy đều có giảm bạch cầu lympho (còn 500 – 1000/mm3). Trong khi đó bạch cầu trung tín tăng ở liều trên 1 Gy kéo dài 2 – 7 ngày sau chiếu xạ. Qua đó chúng ta thấy rằng nếu chỉ dựa vào số lượng bạch cầu chung thì nhiều khi khó đánh giá. Ngoài ra cần chú ý đến số lượng hồng cầu lưới và tiểu cầu cả 2 loại này đều giảm sớm. Sức bền thẩm thấu của hồng cầu giảm và đường kính hồng cầu tăng, tủy xương giảm sinh sản cả 3 dòng, sớm nhất là dòng hồng cầu, các xét nhiệm khác : tăng tốc độ lắng máu, thay đổi điện di protein (globulin tăng, anbumin giảm) tăng bài tiết 17 cetosterol, mất kali, ứ đọng natri kém giá trị so với xét nghiệm máu.

            Giai đoạn 3 : sau giai đoạn ẩn xuất hiện sốt, bị chiếu liều tử vong thì bị sốt ngay những ngày đầu, liều thấp hơn thường sốt ở ngày thứ 20 kèm tình trạng xuất huyết, các dấu hiệu lâm sàng khác là rối loạn vị tràng và thương tổn da, niêm mạc. sốt có thể do nhiễm khuẩn (giảm bạch cầu thiếu kháng thể), nhiễm độc huyết : mạch nhanh, ngoại tâm thu, loạn nhịp, viêm ngoại tâm mạc, sóng T dẹt trong khi đó cơ tim chưa có thương tổn thực thể. Rối loạn vị tràng là triệu chứng nặng trong bệnh phóng xạ : buồn nôn, mủa, ỉa chảy, có hoặc không có máu, liệt ruột. Tình trạng xuất huyết rất hay gặp : ban xuất huyết, máu cam, chảy máu niêm mạc ruột. Nguyên nhân do thương tổn thành mạch và giảm các yếu tố đông máu, giảm tiểu cầu. Các chức năng nội tạng gan, thận, sinh dục bị rối loạn, triệu chứng màng não giảm phản xạ, rối loạn động tác, máu : giảm bạch cầu trung tín, tủy xương vô sinh. Bệnh nhân có thể bị tử vong trong giai đoạn này vì những rối loạn kết hợp : nhiễm khuẩn, bỏng, trụy tim mạch, rối loạn vị tràng, tủy vô sinh, do đó việc điều trị bệnh phóng xạ rất phức tạp.

            Giai đoạn 4 : ở những đối tượng bị chiếu dưới liều tử vong có thể xuất hiện quá trình hồi phục các rối loạn chức năng và sau một thời gian nào đó có thể phục hồi hoàn toàn, trạng thái của bệnh nhân khá dần, tiếp đó các dấu hiệu khách quan cũng được cải thiện, bệnh nhân ăn ngon miệng trở lại, lên cân, hết đau đầu, ngủ được, hết sốt, hết các dấu hiệu tiêu hóa và thần kinh, khả năng tiêu hóa được phục hồi. Số bạch cầu đa nhân trung tính trở lại bình thường trong máu ngoại vi xuất hiện các bạch cầu non, trong bạch cầu thấy các hạt nhiễm độc, bạch cầu đơn nhân tăng, lympho bào trở lại bình thường chậm nhất, số tiểu cầu trở lại bình thường, khi không thiếu máu xuất hiện hồng cầu lưới và các hồng cầu non hơn trong máu, tủy xương có nhiều nhân chia. Tuy nhiên ở 1 số bệnh nhân vẫn còn các rối loạn chức năng và hình thái. Bệnh nhân bị yếu sức hoặc mệt mỏi kéo dài hàng tháng, hàng năm, thiếu máu kéo dài có khi tủy xương bị giảm sản hẳn. Một số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu hoặc khối u, một số bị vô sinh, phụ nữ có thai có thể bị sẩy thai hay sinh quái thai, hậu quả muộn có thể là đục thể  thủy tinh  có khi sau 3 – 4 năm mới xuất hiện. Các triệu chứng trong giai đoạn 4 được tóm tắt trong các bảng sau :

            Bảng 1 : những thay đổi lâm sàng và huyết học trong giai đoạn 1 của bệnh phóng xạ.

Liều, triệu chứng

6 Gy (L.D100)

4 Gy (L.D50)

4 – 1 Gy

1 Gy

Chết

1 – 2 tuần

3 – 6 tuần

6 – 12 tuần

0

Mệt mỏi

+++

+

+

 

Mất khẩu vị

+++

+

+

 

Buồn nôn

+++

+

+

 

Khát

+++

+

+

 

Mất ngủ

+++

+

+

 

Nôn

+++

+

+

 

Máu cam

+++

+

+

 

Sốc

+++

+

+

 

Triệu chứng màng não

+++

+

+

 

Rối loạn nhận thức

+++

+

+

 

Sốt

+++

+

+

 

Tăng bạch cầu

+++

+

+

 

Tăng bạch cầu trung tín

+++

+

+

 

Giảm lympho bào

+++

+

+

 

            Bảng 2 : các triệu chứng lâm sàng và huyết học chính trong giai đoạn 2 của bệnh phóng xạ.

Liều, triệu chứng

6 Gy (L.D100)

4 Gy (L.D50)

4 – 1 Gy

1 Gy

Chết

1 – 2 tuần

3 – 6 tuần

6 – 12 tuần

Không

Tốt giả mạo

2 – 7 ngày

2 tuần

3 – 4 tuần

Trên 4 tuần

Mất ngủ

+

+

 

 

Đau ngực

+

+

 

 

Giảm bạch cầu

+++

+++

+

±

Giảm bạch cầu đa nhân trung tính

+++

+++

+

±

Giảm lympho bào

trước ngày 3 đã giảm 10% cho đến chết

trước ngày 3 giảm 10% kéo dài trên 4 tuần

giảm còn 50 – 70% không kéo dài quá 3 tuần

giảm còn 50% không kéo dài quá 1 tuần

Giảm tiểu cầu

++

++

+

±

            Bảng 3 : các triệu chứng lâm sàng và huyết học chính trong giai đoạn 3 của bệnh phóng xạ.

Liều, triệu chứng

6 Gy (L.D100)

4 Gy (L.D50)

4 – 1 Gy

1 Gy

Sốt

+++

+++

+

±

Buồn nôn

+++

+++

+

±

Nôn

+++

+++

+

±

Ỉa chảy

+++

+++

+

±

Rối loạn tai, mũi, họng

±

+++

+

 

Đau vùng tim

++

++

+

+

Xuất huyết

±

+++

+

+

Giảm bạch cầu đa nhân trung tính, lympho bào

+++

+++

+

+

Giảm tiểu cầu

+

+

+

 

Thiếu máu

+

++

+

 

            Bảng 4 : các triệu chứng lâm sàng và huyết học chính trong giai đoạn 4 của bệnh phóng xạ.

Liều, triệu chứng

6 Gy (L.D100)

4 Gy (L.D50)

4 – 1Gy

1 Gy

Mệt mỏi

chết

Kéo dài tháng – năm

tuần – tháng

tuần

Thay đổi tủy xương

 

Tháng – năm

tuần – tháng

tuần

biến chứng

 

Vô sinh quái thai, máu trắng suy tuỷ

tuần – tháng xảy ra ít hơn

hiếm

            Ngoài ra đối với các trường hợp nhiễm xạ trong cần đánh giá xem chất

phóng xạ phân bổ đều trong cơ thể hay tập trung tại cơ quan xung yếu, trong thực tế có thể xảy ra nhiễm xạ trong đồng thời với chiếu xạ ngoài. Khi khám cần để ý 3 nhân tố :

            Liều chiếu gama toàn bộ (chiếu ngoài và chiếu trong).

            Thương tổn da vì bức xạ bêta.

            Thương tổn các nội tạng vì bức xạ bêta và anpha (chiếu trong).

Qua khám nghiệm và theo dõi y học các nạn nhân tai nạn lò phản ứng và thử bom hạt nhân, người ta đã rút ra : nhiễm xạ trong có thời gian ẩn dài hơn chiếu xạ ngoài. Các triệu chứng lâm sàng như chiếu xạ ngoài nhưng nhiễm xạ trong tùy trường hợp, có vài triệu chứng đậm nét hơn do loại chất phóng xạ tập trung ở cơ quan đặc hiệu nào đó trong cơ thể. Trong dạng mạn tính bệnh chuyển sang dạng bệnh cơ quan tuỳ chất phóng xạ đã thâm nhập vào cơ thể, nhìn chung các nguyên tố hóa trị 1 phân bố đồng đều trong cơ thể, các nguyên tố hóa trị 2 tập trung ở xương, hóa trị 3 tập trung nhiều ở hệ liên võng nội mô.

            Bệnh phóng xạ mạn : triệu chứng bệnh phóng xạ mạn có thể xuất hiện sau khi bị chiếu xạ 1 lần với liều cao dưới tử vong hay trong quá trình bị chiếu nhiều liều nhỏ kéo dài. Trong thực tế rất khó xác định bệnh cảnh lâm sàng của bệnh phóng xạ mạn, thường gặp chúng ở những người làm việc nhiều năm với bức xạ ion hóa nhưng cũng có thể gặp ở những người vào nghề chưa lâu. Về cơ chế bệnh sinh, khó phân biệt dấu hiệu nào là phản ứng của cơ thể trước tác nhân mới, dấu hiệu nào là sự thích nghi. Mặc dù trên thực nghiệm người ta đã chứng minh được có sụ thích nghi với phóng xạ qua quá trình tập dượt nhưng trong y học hoàn toàn không cho phép đề cập đến việc thích nghi phóng xạ đối với con người.. Trái với hội chứng phóng xạ cấp, hiện nay người ta vẫn chưa đề ra được những tiêu chuẩn chính xác để chuẩn đoán bệnh phóng xạ mạn tính, do đó có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định bệnh, nhưng người ta thống nhất là nên hướng về điều trị dự phòng. Có thể chia bệnh phóng xạ mạn thành 3 giai đoạn :

            Giai đoạn 1 : các triệu chứng không đặc hiệu kiểu như trong các bệnh nhiễm virút : yếu, mệt mỏi, buồn ngủ, nhức đầu, mất khả năng tập trung vào công việc, trạng thái dễ bị kích động. Nhằm thay đổi về máu có giá trị nhưng phải làm xét nghiệm nhiều lần để loại những dao động, cần chú ý có 6 đặc điểm dưới đây :

            Thay đổi từng loại bạch cầu trong khi số bạch cầu không đổi.

            Tăng hay giảm bạch cầu bất thường.

            Thiếu máu.

            Giảm tiểu cầu và hình dạng tiểu cầu bất thường.

            Những triệu chứng trên chỉ được nghĩ tới là do phóng xạ khi đã khẳng định đối tượng xét nghiệm có tiền sử tiếp xúc với phóng xạ. Nhiều công trình theo dõi máu của những người làm việc với phóng xạ không quá liều cho phép (liều trung bình hàng tuần không quá 0,1 rem tức 1mSv theo đơn vị SI) thấy so với trước khi tiếp xúc với phóng xạ, hình ảnh máu rất ít thay đổi, nếu thay đổi nhiều sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác thì có thể cho là do tính nhạy cảm đặc biệt của cá thể với phóng xạ hoặc bị chiếu bất thường.

            Giai đoạn 2 : các triệu chứng chủ quan và những thay đổi về máu tăng lên, xuất hiện các thương tổn ngoài da, những thay đổi này đứng hàng thứ nhì sau những thay đổi về máu.

            Giai đoạn 3 : xuất hiện các biến chứng như các bệnh riêng thường là khối u, máu trắng, suy tủy, rối loạn khả năng sinh sản.

            Chuẩn đoán bệnh phóng xạ :  như đã nói trên, việc xác định liều chiếu có ý nghĩa hàng đầu : dùng các loại liều kế, buồng ion hóa, phim hay nhiệt phát quang (TLD). Trong các tai nạn bị chiếu xạ bất thường ngoài sự kiểm soát, nhiều trường hợp không xác định được liều cá thể đã bị chiếu. Ta có thể dựa vào bệnh cảnh để suy đoán liều chiếu như sau : nếu không xuất hiện giai đoạn 1 của bệnh phóng xạ cấp và thời gian ẩn kéo dài : cá thể đã bị chiếu dưới liều tử vong. Nếu các triệu chứng của giai đoạn 1 xuất hiện nhiều và nhanh, giai đoạn ẩn ngắn cá thể đã bị chiếu liều cao. Chúng ta cũng có thể dựa vào các triệu chứng huyết học để suy đoán liều : bị chiếu dưới LDmin (min viết tắt của minimum có nghĩa là liều gây chết tối thiểu), số lượng lympho bào giảm chưa đến 50% kéo dài không quá 1 tuần, số lượng bạch cầu đa nhân trung tính không thay đổi. Bị chiếu LDmin : giảm lympho bào 50% kéo dài 2 – 3 tuần, đôi khi giảm bạch cầu đa nhân trung tính trong tuần 1 hoặc tuần 2. Bị chiếu LD50 : số lượng lympho bào còn dưới 25% kéo dài 4 tuần, tăng bạch cầu đa nhân trung tính trong tuần đầu sau đó giảm còn dưới 25% kéo dài. Bị chiếu LD100 : giảm lympho bào ngay ngày đầu còn dưới 100%, tăng bạch cầu đa nhân trung tính những giờ đầu sau đó giảm bạch cầu đa nhân trung tính còn dưới 25%.

Cần lưu ý rằng đánh giá động học mới có giá trị (có nhiều điểm vẽ hình đồ thị, đánh giá đồ thị mới có giá trị). Theo quan niệm hiện nay, một trong những chỉ thị sinh học để đánh giá liều chiếu là số thể nhiễm sắc bị sai lạc trong tế bào lympho của máu. Người ta đã xác lập được tương quan chặt chẽ giữa liều chiếu và tần số sai lạc thể nhiễm sắc. Tuy nhiên các phân tích thể nhiễm sắc để ước đoán liều chiếu chỉ có thể tiến hành với đủ mức tin cậy tại các phòng xét nghiệm chuyên biệt với các chuyên gia thành thạo. Còn về bệnh phóng xạ mạn tính việc chuẩn đoán nói chung rất khó vì lâm sàng và xét nghiệm đều không có gì đặc hiệu, để đánh giá các thương tổn do chiếu xạ liều nhỏ kéo dài ta thường dựa vào các tiêu chuẩn sau đây :

            Tiền sử tiếp xúc với phóng xạ, liều chiếu, tính chất công việc dạng tiếp xúc, thâm niên trong công tác phóng xạ đối chứng với các triệu chứng chủ quan.

            Xem các thương tổn da, niêm mạc, các dấu hiệu tạng xuất huyết.

            Các dấu hiệu phòng thí nghiệm.

            Giảm hay tăng bạch cầu (lặp lại xét nghiệm nhiều lần để tránh các dao động tình cờ), công thức chuyển sang trái. Giảm hay tăng hồng cầu bất thường.

            Giảm tiểu cầu.

            Rối loạn đông máu.

            Thay đổi hình ảnh tủy xương.

            Tăng hồng cầu lưới (hay gặp trong nhiễm xạ trong), trường hợp nhiễm xạ trong cần được xác định thêm.

            Đo liều gama toàn thân (nhiễm chất phóng xạ phát tia gama) hay bức xạ hãm (nhiễm chất phóng xạ phát tia bêta).

            Đo hoạt tính phóng xạ các chất thải hay dịch cơ thể (nước tiểu, phân, máu, mồ hôi…)

            Đo khí thở ra (khí radon,14CO2…)

            Đo 1 số cơ quan xung yếu : tuyến giáp (tập trung iot phóng xạ).

            Điều trị bệnh phóng xạ cấp : đưa ngay bệnh nhân ra khỏi chỗ bị chiếu xạ đến nơi yên tĩnh, nhiệt độ điều hòa, những người bị tai nạn với liều tia gama toàn thân trên 100 rad (1 Gy) nhất thiết phải được tiến hành tại bệnh viện với những phương tiện điều trị đặc hiệu và có sự theo dõi của các chuyên gia am hiểu. Trường hợp bị bỏng, vết thương hở, trạng thái kích động, cho morphin, chlopromasine, an thần, kháng histamine. Nếu có sốc thì điều trị chống sốc, truyền dịch thêm procaine, dextran, hydrocortisone…

            Nôn : cho dung dịch glucozo, nước muối sinh lý (hoặc cho uống dung dịch pha theo công thức 3,75 lít nước thêm 2 thìa bicarbonat và 3 thìa muối bếp).

            Kháng sinh : pénicilline, streptomycine sang tuần 2 nên cho kháng sinh có phổ diệt rộng như ampiciline, tetracycline, érythromycine… hoặc theo kháng sinh đồ.

            Truyền máu.

            Bệnh nhân ăn không được thì truyền dịch mặn, ngọt, đạm thủy phân, bệnh nhân ăn được thì cho ăn chế độ giàu protein động vật và giàu năng lượng, ít chất bã.

            Dùng các loại vitamin C liều cao, B, PP, K.

            Desoxycorticosterone.

            Ghép tủy xương rất có tác dụng.

Trường hợp bệnh nhân có nhiễm xạ trong, cần tiến hành thêm các biện pháp chống hấp thụ và làm thải nhanh các chất phóng xạ ra khỏi cơ thể. Nếu nhiễm đường tiêu hóa cho uống thuốc gây nôn, các tác nhân làm tủa và thuốc tẩy để loại trừ nhanh chất phóng xạ. Thường dùng oxyt magie hay hydroxyt amonium, nếu nhiễm các đất hiếm nên uống nhựa trao đổi ion, nhiễm stroncti thì dùng natri sulfat, nếu nhiễm theo đường thở dùng các chất co mạch, nếu nhiễm qua

vết thương : rửa xung quanh vết thương sau đó rạch rộng và sâu rửa bằng dung dịch sinh lý. Làm thải nhanh các chất phóng xạ ra khỏi cơ thể bằng cách dùng CaNa2 – EDTA, BAL, natri xitrat, ziconi xitrat.

            Trong điều trị bệnh phóng xạ cấp, việc xác định (hay ước đoán) liều chiếu là rất quan trọng trong việc lựa chọn phương thức điều trị cũng như tiên lượng.

            Điều trị bệnh phóng xạ mạn : đối với bệnh phóng xạ mạn vấn đề phòng bệnh và điều trị dự phòng hết sức quan trọng, cần chú ý phòng ngừa cho tất cả những người làm việc có tiếp xúc với phóng xạ thường xuyên. Phòng bệnh bằng khám sức khỏe định kỳ, tận giảm liều chiếu ngoài và trong, liều chiếu phải dưới mức tối đa cho phép, tuyệt đối tránh nhiễm xạ trong, những người có các triệu chứng bệnh phóng xạ mạn cần tránh công việc tiếp xúc phóng xạ, nghỉ ngơi ở những vùng suối nước trên núi cao là thích hợp nhất, dùng vitamin tổng hợp B, C, PP, K, dùng thức ăn giàu đạm, điều trị những thương tổn tại chỗ nếu có (viêm da), điều trị toàn thân (điều trị rối loạn điện giải, điều trị nhiễm xạ trong).

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình