Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Điều trị đặc hiệu sốt rét Falciparum nặng và biến chứng như thế nào?

Phác đồ 1 : ARTESUNATE tiêm tĩnh mạch.

           Artesunate : thuốc được trình bày trong hộp gồm có 1 lọ chứa 60mg artesunate bột và 1 ống pha chứa 0,6ml dung dịch natri bicacbonat (NaHCO3) có thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

            Cách dùng : trước khi dùng phải hoà tan bột artesunate với 0,6ml dung dịch natri bicacbonat 5%, lắc mạnh cho tan đều, sau đó pha thêm 5,4ml dung dịch glucozo 5% hay dung dịch muối đẳng trương 0,9% để tạo một hỗn hợp 6ml dung dịch artesunate tiêm chứa 10mg artesunate trong mỗi ml, sau đó thuốc có thể dùng bằng đường tĩnh mạch hay tiêm bắp.

            Chú ý : thuốc phải được tiêm ngay sau khi pha, nếu dung dịch pha có cặn hay đục thì phải loại bỏ, liều đầu tiên có thể tăng gấp đôi, nếu tình trạng bệnh nhân nặng.

            Liều lượng artesunate :

1. Lượng thuốc cho mỗi lần tiêm

- Người lớn (50kg cân nặng) 60mg hoặc 1,2mg/kg cân nặng.

- Trẻ em <7 tuổi : 1,5mg/kg cân nặng.

2. Đường vào

- Tiêm tĩnh mạch chậm, trung bình là 3ml dung dịch artesunate/phút.

- Tiêm bắp

3. Số lần tiêm 4 lần

- Liều 1 : giờ 0, ngay sau khi nhập viện và có chẩn đoán sốt rét falciparum nặng và biến chứng.

- Liều 2 : giờ 4

- Liều 3 : giờ 24

- Liều 4 : giờ 48

4. Tổng liều

- 240mg đối với người lớn

- 6mg/kg cân nặng đối với trẻ em <7 tuổi

5. Phối hợp với mefloquine vào ngày thứ 3 (giờ 72)

- Bệnh nhân được dùng thêm mefloquine 250mg để chống tái phát, liều duy nhất như sau :

* Người lớn : 2 viên

* Trẻ em : 10mg/kg cân nặng.

* Uống qua ống thông dạ dày hoặc đường miệng nếu bệnh nhân tỉnh.

            Ghi chú 1 : đối với bệnh nhân sốt rét falciparum nặng và biến chứng chỉ ở nhóm 1 (thương tổn não đơn thuần theo phân loại của Trịnh Kim Ảnh) ở tuyến địa phương có thể dùng phác đồ artemisinine (nhộng, viên nén) uống qua ống thông dạ dày hoặc artemisinine đạn trị theo phác đồ sau đây :

            Phác đồ 2 : ARTEMISININE viên.

            Dạng thuốc : Artemisinine Việt Nam dạng nhộng hoặc viên nén 250mg. Artemisinine Việt Nam đạn trỉ hàm lượng : viên đạn 100mg, 200mg, 300mg artesunate (TQ) viên 50mg.

            Cách dùng : uống qua ống thông dạ dày : bỏ vỏ nhộng hoặc tán nhuyễn đối với viên nén sau đó hoà tan với 20ml dung dịch natri bicabonat 1,4% cho mỗi 1g artemisinine hoặc 200mg artesunate và bơm qua ống thông dạ dày, sau đó tráng ống thông bằng 20ml natri bicacbonat 1,4%.

            Đặt qua hậu môn : trước khi đặt ngâm viên đạn (kể cả vỏ bọc) vào nước đá hoặc nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó bóc vỏ bọc cao su, đặt sâu viên đạn vào trực tràng và giữa khoảng 5 – 10 phút cho thuốc tan.

            Liều lượng : Artemisinine cho mỗi lần dùng : người lớn ≈ 50kg : 1g; trẻ em <7 tuổi : 25mg/kg. Artesunate 50 kg cho mỗi lần dùng : người lớn ≈ 50kg cân nặng : 4 viên ≈ 200mg; trẻ em < 7tuổi : 5mg/kg.

            Đường vào : uống qua ống thông dạ dày hoặc đặt hậu môn (đạn trỉ) : số lần : lần 1 : giờ 0; lần 2 : giờ 24, tổng liều Artemisinine : 2g đối với người lớn, 50mg/kg cân nặng đối với trẻ em. Artesunate : 400mg (8 viên) đối với người lớn; 10mg/kg cân nặng đối với trẻ em, phối hợp mefloquine : tương tự như đối với artesunate tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

            Ghi chú 2 : Artersunate tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp dạng viên uống hay đạn trỉ có thể dùng trong điều trị sốt rét falciparum nặng và biến chứng ở phụ mữ mang thai qua kinh nghiệm lâm sàng.

            ĐIỀU TRỊ SỐT RÉT FALCIPARUM NẶNG VÀ BIẾN CHỨNG VỚI DIHYDROCHLORIDE QUININE.

            Phác đồ 3 :    Quinine Dihydrochloride truyền tĩnh mạch.

            Thuốc và cách dùng :

1. Quinine Dihydrochloride 600mg/ống

12,5 – 15mg/kg/12 giờ tương đương 25 – 30mg/kg/24 giờ

2. Lượng dịch cho mỗi lần truyền

10ml/kg nếu cơ thể đủ nước, 2 – 5ml/kg nếu cơ thể dư nước.

3. Loại dung dịch truyền

- Glucozo 5% 500ml

- Natri clorua (NaCl) 9%

- Glucozo 30%, 20% 200ml cần thêm 5 – 10 đơn vị insulin thường.

4. Thời gian truyền

4 giờ tốc độ trung bình 40 giọt/phút đối với pha loãng 10ml/kg cân nặng tĩnh.

5. Số lần truyền tĩnh mạch/24 giờ

2 lần

6. Tổng liều điều trị

Truyền tĩnh mạch cho đến khi bệnh nhân tỉnh, sau đó chuyển sang quinine sulfate uống với liều 10mg/kg cân nặng/ mỗi 8 giờ 1 lần cho đủ 7 ngày điều trị (trung bình là 10,5g cho 7 ngày điều trị).

            Ghi chú : có thể dùng quinoserum (một dạng của quinine hydrochloride) ống 0,05g pha trong dịch truyền để thế quinine dihydrochloride nếu không có sẵn.

            2. Nếu không truyền quinine dihydrochloride được tất cả thì có thể tiêm tĩnh mạch chậm 1 phần, phần còn lại tiêm bắp, cần pha loãng ở liều 0,05g quinie/ml bằng dung dịch muối Natri clorua (NaCl) đẳng trương để giảm bớt đau khi tiêm bắp, cần tiêm bắp sâu, thường vùng mặt trước đùi, chia ra nhiều điểm.

            3. Phụ nữ có thai, trẻ em thường dễ bị hạ đường huyết khi tiêm quinine, có thể ngừa bằng cách truyền đường ưu trương 20% hoặc 30%.

            ĐIỀU TRỊ SỐT RÉT FALCIPARUM NẶNG VÀ BIẾN CHỨNG VỚI CHLOROQUINE (nếu còn nhạy cảm với chloroquine)

            Phác đồ 4 : chloroquine truyền tĩnh mạch ở người lớn và trẻ em.

            Chloroquine 10mg base/kg pha trong dung dịch đẳng trương, truyền ở tốc độ cố định trong 8 giờ, sau đó là 15mg base/kg cân nặng truyền cố định trong 24 giờ kế tiếp, tổng liều là 25mg/kg cân nặng. Hoặc phác đồ chloroquine 5mg/kg cân nặng pha trong dung dịch đẳng trương, truyền tĩnh mạch với tốc độ cố định trong 6 giờ cho đến khi đủ tổng liều là 25mg/kg cân nặng trong 30 giờ.

            Ghi chú : Chloroquine có thể tiêm bắp cũng có tác dụng giống như truyền tĩnh mạch.

            Phụ lục 2  ĐIỀU TRỊ HỒI SỨC

1.      Nước : điều chỉnh nước là vấn đề quan trọng đối với bệnh nhân sốt rét ác tính falciparum nặng và biến chứng. Trước khi bù cần đánh giá kỹ tình trạng thừa, thiếu nước trên lâm sàng, cần kết hợp bệnh sử (ói, tiêu chảy, sốt cao lâu ngày…) lượng nước tiểu hiện tại. Nếu bệnh nhân mê cần kiểm tra nước tiểu qua sonde tiểu (cả tỷ trọng nước tiểu). Theo dõi bằng áp lực tĩnh mạch trung tâm, huyết áp và lượng nước tiểu trong mỗi giờ là cần thiết trong việc bù nước. Thường bù nước bằng dung dịch đẳng trương NaCl 0,9% hoặc glucozo 5%, đối với bệnh nhân sốt rét não đơn thuần không biến chứng phù phổi, suy thận, toan lactic, rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan - lượng nước cần mỗi ngày là 10 – 15ml/kg cộng với lượng nước tiểu bài tiết trong 24 giờ, trung bình 1500 -2000ml.

2.      Rối loạn kiềm toan : thường gặp là toan chuyển hóa, đa số kết hợp với suy thận và cũng có liên quan đến nhiễm toan lactic, khi lỗ hổng anion (Na+ - (Cl- + HCO3-) mEq/l) vượt quá 10 – 12 mEq/l có thể nghi nhiễm toan lactic. Trước tiên cần điều chỉnh tình trạng tưới nước để tránh tình trạng giảm thể tích, cải thiện tình trạng oxy hóa bằng cách làm thông đường hô hấp – tăng nồng độ oxy khí hít vào - nếu cần cho hô hấp hỗ trợ. Nhiễm toan chỉ điều chỉnh khi pH máu động mạch dưới 7,20 hoặc CO2 content từ 15 – 17mEq/l. Lượng HCO3- cần bù được tính như sau : HCO3- thiếu = (kg cân nặng) x 0,4 (HCO3- lý tưởng  - HCO3- đo được) từ 22 – 24mEq/l. Thường bù bằng dung dịch NaHCO3 5% hoặc 7,5%, một nửa lượng HCO3- thiếu sẽ được bù trong 3 – 4 giờ đầu nếu không có suy tim hiện diện, sau đó duy trì bằng NaHCO3 1,4% đẳng trương, đánh giá lại tình trạng kiềm toan và xử lý tiếp.

3.      Rối loạn điện giải : Giảm natri máu : trước tiên cần đánh giá tình trạng dư, thiếu nước lâm sàng, áp lực thẩm thấu huyết tương đo được, áp lực thẩm thấu huyết tương do ước đoán, áp lực thẩm thấu huyết tương ước tính là : (áp lực thẩm thấu mOsm/kg) = 2(Na+ (mEq/l) + K+ (mEq/l) + (BUN(mg%)/2,8 + (glucozo (mg%)/18). Giảm natri kèm giảm áp lực thẩm thấu; giảm natri kèm dư nước và phù : thường đi kèm suy thận trong sốt rét (Na+/nước tiểu > 20mEq/l). Xử trí là xử trí suy thận và hạn chế nước thường kết hợp lợi tiểu. Giảm natri kèm giảm thể tích dịch ngoại bào : do lượng natri mất nhiều so với lượng nước hoặc do bù quá nhiều dung dịch nhược tương. Thường do mất nước và muối ngoài thận (ói, tiêu chảy…) dẫn tới natri/nước tiểu thấp hơn 20mEq/l, hoặc do thận (giai đoạn đa niệu, lợi tiểu quá nhiều…). Xử lý là điều chỉnh nguyên nhân và bù với dung dịch muối NaCl 0,9%. Giảm natri kèm theo áp lực thẩm thấu bình thường : thường do có quá nhiều chất hòa tan ứ đọng trong dịch ngoại bào, do bù quá nhiều đường ưu trương (lượng natri huyết thanh giảm 1,6mEq/l khi đường huyết tăng thêm 100mg%) hoặc do tăng protein trong máu (trên 10g%), xử trí là điều chỉnh nguyên nhân. Tăng kali máu : được nghĩ đến khi ion đồ K+ > 5mEq/l hoặc điện tâm đồ có sóng T cao nhọn đối xứng ở các chuyển đạo trước tim, QRS dãn rộng, PR kéo dài. Xử trí nội khoa : canxi gluconat 10% (hoặc CaCl2 10%) 10ml tiêm tĩnh mạch chậm 2 – 5 phút. Liều thứ 2 có thể lập lại nếu không có đáp ứng điều trị sau 5 phút. Nếu không có hạ canxi máu thì không cần tăng thêm liều canxi, tác dụng canxi kéo dài 1 giờ, những biện pháp cần tiếp tục càng sớm càng tốt. Natri bicacbonat (NaHCO3) 5% hoặc 7,5% tác dụng trong vòng 15 phút và kéo dài 1 – 2 giờ, liều thường dùng là 44,6mEq/l (ống NaHCO3 7,5% 50ml) tiêm truyền tĩnh mạch trong 5 – 10 phút, có thể nhắc lại lần 2 nếu chưa có thay đổi trên điện tâm đồ sau 15 phút. Glucozo + Insulin : glucozo 50% (1 ống 50ml = 25g) kèm 10 đơn vị insulin thường, tiêm tĩnh mạch trong 5 phút, đáp ứng trong vòng 30 – 60 phút và kéo dài nhiều giờ. Thẩm phân phúc mạc hoặc chạy thận nhân tạo : đối với các trường hợp cấp tính hoặc thất bại nội khoa, thẩm phân phúc mạc lấy đi 10 – 15mEq/l kali/giờ, thận nhân tạo lấy đi đến tối đa 50mEq/l kali giờ.

4.      Suy thận cấp : xét nghiệm cận lâm sàng là BUN, creatinin, natri, kali, canxi máu, và cần cân bệnh nhân cẩn thận mỗi ngày. Natri niệu, tỷ trọng nước tiểu cũng cần thiết để đánh giá thương tổn lan rộng của ống thận. Có thể ghi nhận tình trạng tăng kali bằng điện tâm đồ, pH máu, pO2, pCO2 chụp X quang phổi cũng nên làm nếu có điều kiện. Suy thận cấp có thể giải quyết bằng điều trị nội khoa nếu tỷ trọng nước tiểu trên 1,015 hoặc natri niệu ít hơn 20mmol/l bằng cách : truyền NaCl 9% cho đến khi áp lực tĩnh mạch trung tâm đến trong khoảng 0 đến + 5cm nước. Nếu chưa có nước tiểu thì dùng furosémide (Lasix) 40mg, 160mg, 200mg bằng cách tăng dần liều mỗi ½ giờ cho đến khi có nước tiểu (chú ý liều cao furosémide phải tiêm tĩnh mạch thật chậm để tránh tai biến thính giác). Dopamine với liều 2,5 - 5µg/kg thể trọng/phút cũng có thể cải thiện tình trạng nước tiểu, nhưng phải theo dõi tình trạng tim thường xuyên. Nếu các biện pháp điều trị nội khoa trên không đạt kết quả, không cho thêm thuốc gì nữa, cần hạn chế nước, duy trì áp lực tĩnh mạch trung tâm khoảng 0 -5cm H2O. Lọc máu bằng thẩm phân phúc mạc hoặc thận nhân tạo được chỉ định trong các hoàn cảnh sau  : toan chuyển hóa (pH máu < 7,2) tăng kali máu (K+ > 6mEq/l), thừa nước, viêm màng ngoài tim do tăng cao tiếp tục và không cải thiện được bằng phương pháp nội khoa.

5.      Suy hô hấp cấp : đối với sốt rét falciparum nặng và biến chứng, thường gặp suy hô hấp ở dưới 3 hội chứng chính : Hội chứng giảm thông khí do tăng tiết khí phế quản : ứ đọng, ùn tắc, viêm khí phế quản ở bệnh nhân co giật, cần làm thông sạch đường hô hấp, đặt bệnh nhân nằm ở tư thế đầu thấp, nghiêng nhẹ 1 bên, vỗ lưng để dẫn lưu đờm nhớt dễ dàng, cần thiết có thể đặt nội khí quản để hút đờm hoặc cho thở máy với áp lực dương ngắt quảng và phải thêm kháng sinh thích hợp. Hội chứng phù phổi cấp thường thấy do truyền dịch quá tải, áp lực tĩnh mạch trung tâm và áp lực động mạch phổi ít tăng cao. Xử lý như sau : đặt bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao chân thấp, tăng lượng oxy cho hô hấp bằng mọi cách có thể được, nếu cần có thể đặt nội khí quản, thở máy. Tăng bài tiết nước tiểu bằng furosémide, liều 40mg tiêm tĩnh mạch, nếu không đáp ứng có thể lặp lại sau mỗi 5 phút cho đến tối đa 200mg. Trong các trung tâm có điều kiện có thể dùng thêm các thuốc dãn mạch như isosorbide dinitrate, sodium nitroprusside, nitroglycérine…nhưng phải theo dõi kỹ huyết động. Ngoài ra nếu điều kiện có thể và bệnh nhân không đáp ứng điều trị trên có thể dùng phương pháp chích huyết, khởi đầu có thể lấy 250ml máu cho vào 1 túi máu sau đó đánh giá lại tình trạng bệnh nhân. Trong trường hợp cho thừa nước, quá tải trên bệnh nhân sốt rét nặng có suy thận cấp cần có chỉ định lọc thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc để lấy bớt nước ra. Hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn thể hiện bằng khó thở và tím tái đột ngột, đôi khi xảy ra ở bệnh nhân đã qua khỏi trạng thái nguy kịch của sốt rét. Đo áp lực tĩnh mạch trung tâm hoặc áp lực động mạch phổi bít thấy bình thường hoặc thấp, xử trí cần hô hấp hỗ trợ, thở máy kiểu áp lực dương cuối kỳ thở ra. Nếu không có máy thở kiểu PEEP (positive end expiratory pressure) có thể dùng Ambu, bóp kiểu PEEP bằng cách nối đầu ống thở với ống chất dẻo đặt vào chai nước dưới một lớp nước 5cm.

6.      Chăm sóc bệnh nhân : bệnh nhân cần phải được chăm sóc, theo dõi kỹ các diễn biến não - phủ tạng để kịp thời điều trị, bệnh nhân được nằm ngửa hay nghiêng 1 bên, nếu chưa đặt ống thông nội khí quản, phải để đầu bệnh nhân xoay qua 1 bên, khi xoay trở bệnh nhân phải nhẹ nhàng vì trong sốt rét nặng – hôn mê thường não có thể bị phù. Đường hô hấp lúc nào cũng phải thông và đủ oxy cung cấp liên tục. Luôn có sẵn các phương tiện săn sóc và cấp cứu các tai biến. Khẩu phần ăn : năng lượng trung bình cần thiết cho bệnh nhân sốt rét falciparum nặng và biến chứng 35 – 45kcal/kg cân nặng, đối với bệnh nhân khoảng 50kg cần trung bình khoảng 2000kcal/ngày. Trong những ngày đầu của hôn mê bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng khẩu phần như sau :

            + 200g sữa đặc có đường chứa :

            protein                                                16 – 20g

            lipit                                                      18 – 20g

            lactozo                                                24 – 28g

            sacarozo                                            80 – 84g

            calo tổng cộng                                   640 kcal

            + 2 quả trứng gà                               260 kcal

            + 300g đường mía                            1200 kcal

            Tổng cộng                                          2100 kcal

            Thức ăn chia làm 4 bữa, cho qua sonde dạ dày, nước trong thức ăn 4 bữa trung bình là 500ml, nếu hôn mê kéo dài phải thay đổi khẩu phần bằng cháo và súp xay.

7.      Sốt cao :  trên 40oC có tiên lượng dè dặt, cần giảm sốt tích cực bằng cách làm mát phòng bệnh, thoáng khí, đắp mát, lau mát, dùng thuốc hạ nhiệt như : analgine 50% - 2ml, tiêm bắp 1,2,3 lần/ngày đến khi hạ được sốt; dùng paracetamol 0,5g uống sonde dạ dày 1 – 2 viên/lần từ 2 đến 3 lần 1 ngày, dùng aspirine 0,5g uống 1 – 2 viên/lần cách mỗi 8 giờ đến khi hạ sốt. Chú ý : dùng thuốc hạ sốt, tránh quá liều và phải theo dõi, chú ý chống chỉ định như loét dạ dày, dị ứng, xuất huyết (đã biết trong tiền sử).

8.      Ký sinh trùng sốt cao : được nghĩ đến khi mật độ ký sinh trùng trên 5% hồng cầu nhiễm và có nhiều schizont trong máu ngoại biên, cần phải cẩn thận khi dùng thuốc kháng sốt rét bằng đường tĩnh mạch ngay cả khi bằng đường uống. Ở nơi có đủ điều kiện có thể áp dụng biện pháp thay máu, thể tích máu cần thay 10 – 27 đơn vị (5 – 12 lít máu), kết quả thường rất tốt, mật độ ký sinh trùng có thể giảm từ 75% hồng cầu nhiễm xuống còn 1% hồng cầu nhiễm sau khi thay máu, bệnh cảnh lâm sàng cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên cần chú ý sự an toàn về lây nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, tốn kém cao và cần tối thiểu 5 lít máu tươi cho mỗi lần thay máu.

9.      Co giật, động kinh : có thể kiểm soát bằng diazépam 10mg x 1 – 2 lần, tối đa đến 8 lần/24 giờ cho đến khi cắt cơn, dùng tiêm tĩnh mạch chậm hay tiêm bắp, cũng có thể dùng phenobarbital 0,1 – 0,2g tiêm bắp.

10.  Nhiễm trùng phụ và biến chứng : có nhiều loại nhiễm trùng phụ trên bệnh nhân sốt rét falciparum nặng và biến chứng bao gồm viêm phổi do hít và tự nhiên. Nhiễm trùng Gram âm (-) thường do từ đường ruột hay đường tiểu, nếu bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng cần phải được lấy mẫu cấy tìm vi trùng nơi nghi ngờ, tuy nhiên thông thường khó xác định ổ nhiễm trùng và không thể đợi kết quả cấy vi trùng được. Phối hợp banzyl pénicilline và gentamycine thường hữu hiệu trong đa số trường hợp, nếu không kết quả nên kết hợp céfuroxime hoặc cephalothine với gentamycine. Nếu đã biết có kháng với gentamycine (đối với vi trùng Gram âm) có thể thay bằng piperacilline hoặc ceftazidime. Nếu bệnh nhân bị viêm phổi do hít có thể điều trị vối benzyl penicilline hoặc céphalothine hoặc nếu giá tiền có thể chịu đựng được có thể phối hợp ceftazidime với gentamycine. Nếu nghi do nhiễm trùng tiểu nên dùng triméthoprime với gentamycine, nếu nghi do nhiễm trùng tiểu cũng nên dùng triméthoprime – sulphaméthoxazole hoặc ampicilline.

11.  Xuất huyết và rối loạn đông máu : đông máu nội quản lan toả (DIC) cũng có gặp trên bệnh nhân sốt rét falciparum nặng và biến chứng ở vùng nhiệt đới. Cách xử trí tốt nhất khi có rối loạn đông máu và cầm máu là truyền tiểu cầu, truyền các yếu tố đông máu, bất đắc dĩ mới dùng máu tươi, nếu thời gian protrombin và thời gian tromboplastin kéo dài có thể viêm vitamin K 10mg tĩnh mạch chậm. Các thuốc có nguy cơ làm xuất huyết tiêu hóa như asprine, corticostercroide được khuyên nên tránh ở bệnh nhân sốt rét nặng.

            Phụ lục 3 : BẢNG THANG ĐIỂM GLASGOW THEO DÕI BỆNH NHÂN HÔN MÊ.

            Sử dụng bảng thang điểm này có thể do 1 người hoặc nhiều người theo dõi khác nhau để cung cấp 1 cách thống nhất trong việc so sánh và đánh giá sự đáp ứng trị liệu ở bệnh nhân sốt rét não. Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn đầy đủ ý thức có thang điểm cao nhất là 15 trong ghi thang điểm 3 là thấp nhất trong tình trạng bệnh rất nặng. Việc xếp loại hệ thống tính điểm được tính theo cách đáp ứng với kích thích và tránh sự giải thích theo cách riêng lẻ của từng cá nhân. Vì vậy bảng phân loại này có thể được áp dụng một cách rộng rãi cho từng nhân viên làm công tác điều trị.

1.      Mở mắt :

Mở mắt 1 cách tự nhiên                                                                   4

Mở mắt đáp ứng với tiếng nói lớn                                      3

Mở mắt đáp ứng với kích thích đau                                                3

Không mở mắt đối với kích thích đau                                             1

2.      Đáp ứng với lời nói :

Xác định đúng thời gian                                                                   5

Lơ mơ, lú lẫn, mất định hướng                                                        4

Đáp ứng không thích hợp nói những câu vô nghĩa                        3

Có đáp ứng được vài lời nói nhưng không rõ ràng                      2

Không đáp ứng                                                                                 1

3.      Đáp ứng vận động :

Thực hiện chính sách theo yêu cầu                                     6

Kích thích đau có đáp ứng chính xác                                               5

Đáp ứng vận động không thích hợp, khi được kích thích không 1 phần nào của cơ thể đáp ứng                                                                        4

Có hoặc không kích thích đau, bệnh nhân cũng gặp lại theo kiểu mất võ                                                                                                           3

Duỗi người gồng cứng mất não có hoặc không kích thích đau   2

Không đáp ứng với kích thích đau                                       1

            BẢNG PHÂN LOẠI MỨC ĐỘ RỐI LOẠN Ý THỨC (Bệnh viện Chợ Rẫy)

            Rối loạn ý thức độ I (obnibulation) tức là mức độ lơ mơ, thể hiện “buồn ngủ” hay vật vã kích động (thanh điểm Glasgow : phụ lục 2) hay lẫn lộn hay mất định hướng. Lâm sàng của Glasgow là “buồn ngủ”, dùng kích thích nghe và đau; bệnh nhân đáp ứng 1 phần, ngắn, bằng lời nói và động tác bao gồm cả mờ mắt.

            Rối loạn ý thức độ II (stupor) gọi là li bì, thể hiện ngủ sâu hơn, dùng kích thích nghe và đau, bệnh nhân mất đáp ứng bằng lời nói, chỉ đáp ứng bằng cử động kể cả mờ mắt. Lâm sàng của Glasgow là không đáp ứng với kích thích nghe.

            Rối loạn ý thức độ III (coma, coma carus) gọi là hôn mê, hôn mê sâu, không có nghĩa là hôn mê không hồi phục mà có nghĩa là hôn mê “khó” hồi phục. Thể hiện ngủ thật sâu tuy có thể vẫn có những cử động vô ý thức như : run rẩy, bắt chuồn chuồn, vật vã, dùng kích thích nghe và đau, bệnh nhân không đáp ứng bằng lời nói và cử động. Lâm sàng Glasgow là không đáp ứng với kích thích đau.

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình