Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Tìm hiểu về bệnh thấp tim?

Theo nghiên cứu của Giáo sư Chu Văn Tường:

Bệnh thấp tim là 1 bệnh viêm do liên cầu khuẩn huyết tán nhóm A gây thương tổn ở nhiều bộ phận như khớp, tim, thần kinh, da và để lại di chứng ở van tim. Thuật ngữ thấp tim chứa đựng mối liên quan giữa 2 hội chứng khớp và tim, tuy trong 1 số trường hợp có viêm tim nhưng không có viêm khớp. Những di chứng ở van tim rất nguy hiểm và là nguyên nhân chính của bệnh tim mắc phải gây tàn phế và tử vong cho trẻ em 5 – 15 tuổi.

            Bệnh thấp tim có ở nhiều nước trên thế giới, nhưng tỷ lệ mắc bệnh thấp tim rất khác nhau ở các địa phương từ dưới 1% đến 2%. Bệnh thấp tim đã được ghi chép trong các tài liệu y học cổ đại nhưng phải nhiều thế kỷ sau, nhờ sự tìm tòi của nhiều thầy thuốc ở các nước khác nhau, y học mới có được những kiến thức về bệnh này.

            Sydenham (Anh) miêu tả các động tác vờn và tính chất di động của bệnh, về sau Pitcairn, Jenner và Well nhận xét là bệnh thấp có thể gây thương tổn ở tim. Phải 1 thế kỷ sau ở Pháp, Roger mới nêu rõ mối liên quan giữa khớp và tim trên lâm sàng và Bouillaud nghiên cứu kỹ về bệnh này. Aschoff 1904 tả những “hạt” ở cơ tim và cho các “hạt Aschoff” là đặc hiệu của bệnh thấp tim. Năm 1944 Jone đưa ra tiêu chuẩn về chẩn đoán bệnh. Schillesinger, Collis và Cobwen 1930 nghiên cứu mối liên quan giữa tinh hồng nhiệt (scarlatine0, viêm họng và thấp tim.

            Sự phát triển về kỹ thuật trong lĩnh vực vi khuẩn học giúp cho Lancefield và Griffith xếp loại các liên cầu và làm cho công tác nghiên cứu sự liên quan giữa cầu khuẩn nhóm A với bệnh thấp tim cụ thể hơn. Năm 1932, Todd tìm được kháng thể chống liên cầu khuẩn giúp cho các nhà y học có thể nghiên cứu bệnh thấp tim bằng chẩn đoán huyết thanh, bổ sung cho các công trìnhnghiên cứu về vi khuẩn, lâm sàng, dịch tễ học.

            Mac Lagon 1876 là người đầu tiên dùng salixylat để chữa thấp tim, sau đó Henoch sử dụng stéroide 1949. Thomacs và France, Cobwen và Moore nghiên cứu dùng sulfamide 1939 tiếp theo là Ramen Kamf và cộng sự dùng pénicilline phòng các đợt tái phát của bệnh. Những năm gần đây các nhà y học nghiên cứu cơ chế sinh bệnh và đã thu được một số kết quả.

            Nguyên nhân gây bệnh là liên cầu khuẩn. Liên cầu khuẩn là vi khuẩn phổ biến được chia ra làm nhiều nhóm mang tên A, B, C, G. Liên cầu khuẩn nhóm B trong bệnh nhiễm trùng sơ sinh hoặc nhiễm trùng sản phụ ở Hoa Kỳ. Liên cầu khuẩn nhóm C và G có thể gây viêm họng nhưng chỉ gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Liên cầu khuẩn nhóm A gây bệnh chốc lở và nhiễm trùng ngoài da và viêm cầu thận.

            Chỉ có liên cầu khuẩn huyết tán nhóm A tip M3,5,14,18,24,19 mới gây thấp tim. Theo Kaplan trong các vụ dịch mới đây ở Hoa Kỳ, người ta thấy liên cầu khuẩn tip M3,5,18,1,8. Cấu trúc của liên cầu khuẩn nhóm A gồm : vỏ có các hyaluronat, màng tế bào có protein M bên ngoài mặt, polysacarit, ở sâu bên trong thành 1 lớp mỏng, peptidoglycan là thành phần chính của màng tế bào và thấy xen kẽ giữa 2 lớp mỏng cácbohydrat của màng tế bào là thành phần quan trọng.

            Yếu tố làm mất miễn dịch của liên cầu khuẩn nhóm A là 1 thành phần của màng tế bào, nó làm mất phản ứng miễn dịch tiên phát, nhưng không ngăn cản sự sản xuất các tế bào 19S và 7S là những tế bào mang trí nhớ. Nhưng vấn đề quan trọng là thành phần nào trong cấu trúc liên cầu khuẩn có vai trò gây bệnh. Ngày nay nhờ những tiến bộ đã đạt được, người ta thấy có 1 thành phần protein trong màng tế bào liên cầu khuẩn nhóm A rất giống với thành phần protein trong màng tế bào cơ tim và 1 số tổ chức liên kết của cơ thể khi sản xuất ra các kháng thể chống liên cầu khuẩn đồng thời chống luôn cơ tim. Đó là hiện tượng tự miễn, theo Kaplan người ta còn phát hiện cấu trúc cacbohydrat trong màng tế bào của liên cầu khuẩn nhóm A cũng giống mucoprotein ở van tim người. Những sự hiểu biết mới này rất cần để giúp nghiên cứu bệnh sinh.

            Hiện nay, đa số các nhà y học nêu giả thuyết bệnh thấp tim là bệnh  nhiễm độc miễn dịch. Quan niệm này căn cứ vào nhận xét có một số chất chiết xuất từ liên cầu khuẩn nhóm A có độc tính với mô tế bào của vật chủ.

            Các công trình nghiên cứu cho thấy axit lipoteichoic ở lông của liên cầu khuẩn có tác dụng gắn vi khuẩn vào màng tế bào, protein M là yếu tố gây độc của liên cầu khuẩn, vì chất này có tác dụng làm dính, làm tiêu tiểu cầu, làm kết tủa fibrinogen và ức chế hồng cầu. Cùng với protein M, axit hyaluronic của vỏ vi khuẩn làm tiêu bạch cầu, chất peptidoglycan của liên cầu khuẩn nhóm A, dù ở trạng thái tự do hoặc kết hợp với polysacarit gây 2 tác dụng đáng chú ý : nếu tiêm trong da cho thỏ một phức hợp peptidoglycan – polysacarit, người ta gây được một thương tổn “cực” ở da thỏ; nếu tiêm vào tĩnh mạch chất peptidoglycan chất này có tác hại đối với tim vì người ta thấy cơ tim của thỏ bị thoái hóa và có những u hạt. Để giải thích những phản ứng bệnh lý này, các nhà y học cho là peptidoglycan làm cho tiểu cầu và hồng cầu bị phá hủy, ức chế sự di chuyển của đại thực bào. Một số đặc tính của peptidoglycan giống như một nội độc tố.

            Bên cạnh các chất trên, liên cầu khuẩn còn có các chất khác ở ngoài màng tế bào : streptolyzin S (SLS) với tác dụng phá hủy màng hồng cầu, tiểu cầu, có độc tính đối với tế bào cơ tim, tế bào thận, nguyên bào sợi của phổi chuột thí nghiệm. Streptolyzin O (SLO) làm tiêu hồng cầu. Ở chuột người ta thấy SLO làm ức chế đại thực bào. Tác dụng rõ nhất là tác dụng độc đối với tim của ếch, thỏ, chuột. Đối với 1 quả tim đã được cô lập mà cho streptolyzin O, biên độ đập của tim giảm, nếu số lượng Streptolyzin O với liều cao, các tế bào cơ tim bị viêm và bị phá hủy.

            Bên cạnh tác hại độc, các nhà nghiên cứu còn chứng minh phản ứng phản vệ ở những vật thí nghiệm đã được mẫn cảm hóa với SLO vì người ta nhận thấy phản ứng ngày càng mạnh khi vật thí nghiệm đã tiếp xúc với độc tố, tuy nhiên SLO chưa được coi là gây bệnh thấp tim vì người ta thấy ở người bình thường cũng có hiệu giá cao, kháng thể chống SLO. Các nhà nghiên cứu cho là kháng thể chống SLO đóng vai trò chính trong bệnh sinh thấp tim khi kháng thể gắn với độc tố của liên cầu khuẩn. Theo quan điểm này chỉ khi (-) nào phức hợp “kháng nguyên + kháng thể” tách ra ở người mảng liên cầu khuẩn mới có nguy cơ bị bệnh. Cách giải thích này chỉ để giải thích những trường hợp nhiễm trùng ngoài da do liên cầu khuẩn vì da có nhiều lipit làm ức chế SLO.

            Bên cạnh các công trình nghiên cứu nói trên, những năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu chú ý đến phản ứng miễn dịch tế bào và đã chứng minh được rằng khi để các loại tế bào của người hay vật thí nghiệm tiếp xúc với protein M, với peptidoglycan, với những kháng nguyên lấy từ liên cầu khuẩn, người ta thấy các nhóm người khác nhau có phản ứng khác nhau. Một công trình nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy 82% bệnh nhân thấp tim dương tính với kháng nguyên HLB5 ở tế bào lymph. Theo Kaplan, khi làm sinh thiết cơ tim người các nhà y học cũng thấy vai trò tế bào lympho trong quá trình gây thấp tim và trong quá trình thoái hóa ở giai đoạn sau. Ngoài yếu tố liên cầu khuẩn trong nghiên cứu bệnh sinh còn phải kể đến vai trò của vật chủ và môi trường. Nói tóm lại trong những năm gần đây, y học đã có nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu bệnh sinh thấp tim.

            Các triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện sau nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn nhóm A một thời gian 1 – 5 tuần. Các triệu chứng biểu hiện ở nhiều bộ phận khác nhau hay gặp nhất ở khớp, tim, thần kinh… Bệnh nhân thường ở lứa tuổi học đường 11 – 15 tuổi (64,5%), trẻ 2 – 4 tuổi rất khi mắc bệnh thấp tim (2%). Sốt là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn đầu, sốt có thể kéo dài trong 2 – 3 tuần.

            Đau khớp là triệu chứng làm cho người trong gia đình chú ý ngay đến bệnh thấp tim, các khớp sưng nóng, đau, đỏ, di chuyển từ khớp này sang khớp khác mà không để lại di chứng, đại đa số là các khớp lớn như khớp gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu tay. Các khớp đau làm cho bệnh nhân không đi lại được, các khớp nhỏ như khớp ngón chân, ngón tay, cột sống rất ít khi bị viêm. Có thể bệnh nhi chỉ kêu đau mà không có khớp bị sưng. Các triệu chứng viêm khớp khỏi nhanh chóng sau 2 – 3 ngày nếu bệnh nhân được chữa bằng aspirine, corticoide nhưng dễ tái phát.

            Viêm tim có các triệu chứng xuất hiện ngay đợt đầu của bệnh. Trong tuần thứ nhất các triệu chứng về tim có thể là triệu chứng chủ yếu trong bệnh cảnh, nếu bệnh nhi là trẻ nhỏ. Khi tim bị viêm, nhịp thở nhanh hơn bình thường ngay cả trong lúc ngủ và không đi đôi với thân nhiệt. Đôi khi nhịp tim lại chậm, trong trường hợp này cần làm điện tâm đồ để phát hiện “bloc”. Bên cạnh rối loạn nhịp tim, một triệu chứng quan trọng và gặp luôn là tiếng thổi tâm thu. Do van 2 lá hay bị viêm trong thấp tim nên tiếng thổi tâm thu thường nghe thấy ở mỏm tim, cường độ khác nhau, lan ra nách. Cần phân biệt tiếng thổi tâm thu với tiếng thổi tâm thu chức năng nhẹ và thay đổi với tư thế bệnh nhi. Trường hợp van động mạch chủ bị hở thì nghe tiếng thổi tâm thu trương ở vùng đáy, ngoài ra tiếng tim T1 mở ở mỏm tim trong viêm nội tâm mạc.

            Những triệu chứng viêm tim quyết định tiên lượng của bệnh thấp tim. Viêm cơ tim gây suy tim  với các triệu chứng : khó thở, tím tái, phù, gan to ấn đau, phản hồi gan  - tĩnh mạch cổ dương tính. X quang : điện tim to hơn bình thường và rốn phổi bị ứ đọng. Trên điện tâm đồ thường có rối loạn dẫn truyền nhĩ - thất, PQ dài trên 0,20 giây. Trường hợp viêm ngoài màng tim, bệnh cảnh có triệu chứng điển hình : bệnh nhi kêu đau ngực, khó thở. Nghe tim : tiếng tim mờ “xa xăm”. X quang : điện tim to, góc tim hoành thù, bờ tim không đập. Điện tâm đồ : giảm điện động, T dẹt và ST chênh.

            Khi viêm ngoài màng tim nằm trong bệnh cảnh “viêm tim toàn bộ” người ta thấy cả nội tâm mạc, cơ tim đều bị viêm. Bệnh nhân trong tình trạng nặng : khó thở nhiều, triệu chứng suy tim nặng. Bệnh nhi có thể tử vong nhanh hoặc diễn biến phức tạp sau một thời gian đỡ và để lại di chứng nặng ở van tim.

            Múa giật (chorée) : đây là biểu hiện ở hệ thần kinh của bệnh thấp tim, thường xuất hiện chậm, nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau nhiễm liên cầu khuẩn, trẻ em gái hay có biểu hiện này. Bệnh xuất hiện từ từ, mới đầu bệnh nhi hay cáu gắt, lo lắng, sợ sệt, sau đó có những rối loạn về vận động như vận động không do ý muốn, quá mức, vận động phối hợp rối loạn. Các động tác bệnh lý mới đầu nhẹ như viết khó, cầm đũa bát để ăn một cách khó khăn, hay đánh rơi đồ vật, dần dần các động tác mạnh và hỗn độn làm cho sinh hoạt khó khăn. Trương lực cơ bị giảm, múa giật không kèm theo sốt hay viêm khớp nhưng có thể có triệu chứng viêm nội mạc.

            Những biểu hiện ở da : các biểu hiện ở da trong bệnh thấp tim ít gặp. Có thể gặp 2 thể : ban vòng Besnier là những ban hình tròn 1 – 2 cm, màu hồng hoặc ở giữa màu nhạt, thấy ở ngực, bụng, không đau, không ngứa. Cục Meynet là những cục cứng nổi lên ở khuỷu dưới da, to bằng hạt đỗ, hạt ngô, thường thấy ở vùng gần khớp gối, khuỷu tay, dọc xương sống. Sau mấy ngày các cục mất đi nhưng có thể xuất hiện lại.

            Những biểu hiện lâm sàng chính của bệnh thấp tim ở bệnh nhân nằm tại khoa tim mạch Viện bảo vệ sức khoẻ trẻ em như sau :

Triệu chứng

Số bệnh nhân

Tỷ lệ %

Viêm da khớp đơn thuần

Múa giật (chorée)

Viêm tim nhẹ

Viêm tim nặng

91

43

163

963

7,2

3,4

12,9

76,5

Tổng cộng

1.260

100%

            Nhìn chung, bệnh cảnh thấp tim có những biểu hiện ở các bộ phận khác nhau và nguy cơ chính là các di chứng của tim như hở van 2 lá di chứng hay gặp nhất; hở động mạch chủ đơn thuần hay kết hợp với hở van 2 lá; hẹp van 2 lá. Bệnh này xuất hiện 3 hay 4 năm sau khi viêm khớp, bệnh có thể kết hợp với hở van 2 lá. Các di chứng van tim nói trên ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, tuỳ thuộc vào tác động của bệnh đối với huyết đông của tuần hoàn. Các bệnh van tim do thấp tim gặp ở bệnh nhi tại Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Thương tổn van

Số bệnh nhân

Tỷ lệ %

Hở van 2 lá

Hẹp van 2 lá

Hẹp + hở van 2 lá

Hở van 2 lá + hở động mạch chủ

439

173

248

103

45,6

18,0

25,7

10,7

Tổng cộng

963

100

            Những bệnh nhân do thấp tim trên đây rất nguy hiểm nhưng có thể đề phòng nếu được theo dõi đều đặn ngay đợt đầu. Một số xét nghiệm cần thiết để giúp cho chẩn đoán nhất là khi bệnh cảnh không điển hình. Các xét nghiệm do nhiễm trùng : tốc độ lắng máu cao trên 600mm/giờ thứ nhất : protein phản ứng C lưu hành trong máu nên phản ứng dương tính; bạch cầu tăng ở máu ngoại biên, fibrin trong máu tăng. Vì các triệu chứng thấp tim xuất hiện sau nhiễm trùng họng nên việc tìm liên cầu khuẩn không giúp nhiều cho chẩn đoán mà chỉ có tác dụng phát hiện người mang vi khuẩn, điều này có liên quan đến phòng bệnh.

            Xét nghiệm được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện là kháng thể chống liên cầu antistreptolyzin O (ASLO), bình thường ASLO dưới 200 đơn vị Todd, 80% bệnh nhi mắc thấp tim, hiệu giá ASLO trên 500 đơn vị Todd, nếu hiệu giá ASLO bình thường nhưng nghi bị thấp tim, cần làm các xét nghiệm khác nhau : antistreptokinaza, antihyalurodinaza, streptococcal desoxyribonucleaza B hoặc streptococcal diphotphopyridin nucleotidaza.

            Điện tâm đồ : khoảng PR kéo dài ra nhưng không phải là dấu hiệu của bệnh, bình thường PR ở các lứa tuổi như sau : dưới 3 tuổi : 0,16 giây; 4 – 12 tuổi : 0,17 giây; trên 12 tuổi : 0,18 giây.

            X quang : giúp cho chẩn đoán viêm màng tim, viêm cơ tim, tỷ lệ “tim - ngực” ở trẻ lớn là 50%, tim to độ : 50 – 55%, độ II : 55 – 60%, độ III : 60%. Nếu không được điều trị độ cấp phát thường kéo dài 2 hoặc 3 tuần, các triệu chứng viêm khớp, viêm tim sẽ khỏi, các triệu chứng sinh hóa cũng trở lại bình thường nhưng bệnh nhi hay mắc các đợt tái phát, đặc biệt trong 2 năm đầu sau lần mắc bệnh; mỗi lần tái phát các thương tổn ở van tim lại nặng lên, sau 5 năm khả năng bị tái phát trở nên hiếm.

            Thấp tim tiến triển là trường hợp bệnh tiến triển liên tục, các đợt tái phát liên tiếp không ngớt rồi dẫn đến tử vong trong vài năm do các thương tổn ở van tim. Riêng đối với bệnh múa giật có tiến triển khác, các triệu chứng thần kinh, tự khỏi trong vòng 2 – 6 tháng, bệnh có thể để lại di chứng tim, nếu được điều trị cơn cấp phát khỏi nhanh, các cơn tái phát sẽ không xảy ra nếu được phòng bệnh tốt. Nhìn chung viêm tim thường diễn biến như sau : viêm cơ tim, viêm màng tim khỏi hoàn toàn, thương tổn nội tâm mạc có thể khỏi nếu điều trị đúng phương pháp.

            Cơ thể bệnh : bệnh thấp tim có thương tổn ở nhiều bộ phận : thương tổn ở tim, có thể cả màng ngoài tim, cơ tim và nội tâm mạc hay chỉ 1 trong 3 màng có thương tổn bệnh lý. Nội tâm mạc có thương tổn xuất tiết và xơ. Nếu thương tổn đã tiến triển lâu các van này bị xơ cứng và co lại, nội tâm mạc có màu trắng ngà.

            Cơ tim : nhìn ngoài chỉ thấy tim to, về vi thể người ta thấy thương tổn của mô cơ tim và tổ chức kẽ của cơ tim, các tế bào liên kết tăng sinh. Ngoài ra người ta còn thấy những hạt Aschoff,  trước đây được coi là đặc hiệu. Hạt Aschoff gồm tế bào lớn có nhiều nhân tròn, những tế bào này bao bọc bằng lớp tế bào biểu mô xếp thành hình cánh quạt và những tế bào viêm như tế bào đa nhân và lympho. Ngoài ra còn có màng viêm giữa các bó cơ, có thể thấy các hạt Aschoff ở phổi, vùng quanh khớp, cục Meynet dưới da.

            Màng ngoài tim : thương tổn thay đổi tuỳ từng trường hợp, hoặc màng tim chứa nước vàng chanh hoặc mờ mờ có chất fibrin, cũng có trường hợp màng tim bị dính.

            Thần kinh : về đại thể, màng não và não bị cương tụ lan toả, về vi thể có hiện tượng tiêu sắc, thực bào các nơron và các mạch máu bị dãn to.

            Khớp : bao gồm khớp có nước vàng chanh, bị cương tụ máu.

            Chẩn đoán bệnh thấp tim không khó đối với trường hợp điển hình, nhưng các biểu hiện lâm sàng của bệnh này nhiều khi giống những bệnh khác và không có xét nghiệm lâm sàng đặc hiệu, vì vậy thầy thuốc có thể chẩn đoán bệnh quá mức hay bỏ sót bệnh.

            Jone 1944 đề ra tiêu chuẩn chẩn đoán và được các chuyên gia của Hội tim mạch Hoa Kỳ sau này thông qua 1966, 1982, 1986. Tiêu chuẩn chẩn đoán của Jone gồm 5 triệu chứng chính và 7 triệu chứng phụ. Năm triệu chứng chính : viêm khớp, viêm tim, múa giật, cục dưới da, ban vòng. Bảy triệu chứng phụ : sốt, đau khớp, khoảng PR dài hơn bình thường (hơn 0,20 giây), C – protein dương tính, tốc độ lắng máu cao, tiền sử có thấp tim, có dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn như hiệu giá ASLO cao một cách đáng kể hoặc trẻ mới mắc bệnh tinh hồng nhiệt thời gian gần đây.

           Chẩn đoán bệnh thấp tim ít nhất cũng có mặt hạn chế. Ví dụ : triệu chứng cục dưới da, ban vòng ít gặp, triệu chứng viêm khớp là triệu chứng quan trọng nhất nhưng trong một số trường hợp viêm khớp không có tính chất điển hình. Có trường hợp bệnh nhi mắc viêm tim mà không có triệu chứng viêm khớp. Có trường hợp viêm khớp không điển hình phải loại trừ viêm khớp mủ hoặc trường hợp viêm cơ tim hay viêm màng tim phải loại trừ nguyên nhân do virut. Tóm lại cần phải chẩn đoán bệnh thấp tim một cách thận trọng để điều trị kịp thời.

            Điều trị : điều trị nhiễm khuẩn liên cầu gây bệnh và điều trị các triệu chứng lâm sàng. Điều trị nhiễm khuẩn liên cầu cho đến nay vẫn dùng pénicilline là loại kháng sinh tốt nhất để diệt liên cầu khuẩn. Pénicilline với liều lượng 600.000 đơn vị/ngày cho trẻ dưới 6 tuổi; 1.000.000 đơn vị/ngày cho trẻ trên 6 tuổi dùng trong 10 ngày. Nếu bệnh nhi dị ứng với pénicilline thì thay bằng érythromycine.

            Điều trị viêm : Aspirine và corticoide chủ yếu, cả 2 có tác dụng giống nhau làm giảm viêm chứ không khỏi bệnh. Corticoide có tác dụng tốt hơn đối với hiện tượng viêm xuất tiết trong giai đoạn cấp nên được dùng trong các trường hợp nặng.

            Trường hợp viêm tim nhẹ chưa có thương tổn tim : aspirine 100mg/kg/ngày trong 7 ngày, sau cho 60mg/kg/ngày trong 3 – 4 tuần. Trường hợp viêm tim nhẹ có tiếng thổi tâm thu rõ : perdnisolone 2mg/kg/ngày trong 10 ngày, tiếp đó thay dần bằng aspirine 100mg/kg/ngày trong 1 – 2 tuần rồi rút1 xuống 60mg/kg/ngày trong 5 – 7 tuần.

            Trường hợp viêm tim nặng có triệu chứng suy tim : prednisolone 2mg/kg/ngày trong 2 tuần, cứ 2 tuần giảm liều lượng 1 lần. Sau đó tiếp tục điều trị bằng aspirine 100mg/kg/ngày trong 2 tuần rồi 60mg/kg/ngày. Điều trị suy tim là phần điều trị quan trọng.

            Digitalis : có tác dụng làm tăng cường độ và nhịp độ của cơ tim bị suy. Tuỳ theo tình trạng bệnh và tuổi của bệnh nhi mà dùng thuốc. Liều lượng : thuốc digoxine (coragixine) dùng liều tấn công 0,04 – 0, 06mg/kg. Lần thứ 2 dùng liều duy trì bằng 2/3 – 2/5 liều tấn công (uống), hoặc tim tĩnh mạch lanatoside C (cedilanid) liều lượng bằng 2/3 liều digoxine, sau lần tiêm đầu, cho uống digoxine. Thuốc digitalis là thuốc chữa suy tim có hiệu quả cao nhưng cũng dễ ngộ độc vì giữa “liều có hiệu quả” và “liều độc” có một khoảng cách nhỏ. Khi dùng thuốc digitalis phải theo dõi bệnh nhi, để phát hiện các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, nhức đầu, mạch chậm, ngoại tâm thu…

            Ngoài digitalis còn dùng các thuốc lợi tiểu như furosemide (lasix) 1mg/kg tiêm tĩnh mạch hoặc axit ethacrynic (edecrine viên) 50mg; uống ½ - 1 viên/ngày hoặc hypothiazide 2 – 4mg/kg/ngày. Nếu bệnh nhân khó thở thì cho thở oxy. Cần cho bệnh nhân nằm nghỉ tại giường trong một thời gian.

 

Nằm hoàn toàn

Hoạt động nhẹ

Hoạt động bình thường

Viêm da khớp

Viêm tim nhẹ

Viêm tim nặng

1 – 2 tuần

2 – 3 tuần

6 tuần

2 – 6 tuần

3 – 6 tuần

6 tháng

6 tuần

6 tháng

tuỳ theo trường hợp

            Điều trị múa vờn : để bệnh nhân nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh trấn an gia đình bệnh nhân, cho uống gardenal 0,05 – 0,10g/ngày hoặc haloperidol (Sharker và cộng sự) 1973 hoặc tétrabenzine (Hawke và Niarse 1977), tiêm pénicilline 1.200.000 đơn vị/ngày trong 10 ngày.

            Phòng bệnh có tầm quan trọng đặc biệt để tránh cho bệnh nhi các di chứng nguy hiểm. Phương pháp phòng bệnh tiên phát (cấp I) : người thầy thuốc điều trị ngay từ đầu tất cả những trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A. Phương pháp phòng bệnh thứ phát (cấp II): người thầy thuốc điều trị các đợt tái phát thấp tim vì các đợt tái phát làm cho bệnh tim nặng thêm lên.

            Phòng bệnh tiên phát (cấp I) dùng benzathine pénicilline thay bằng érythromycine 40mg/kg/ngày chia làm 2 lần nếu trẻ dưới 25 tháng, trẻ lớn hơn : érthromycine 250mg x 4 lần một ngày.

            Phòng bệnh tái phát (cấp II) : áp dụng cho tất cả các bệnh nhân có tiền sử thấp tim hoặc đang bị bệnh tim do thấp, khi đã chẩn đoán là thấp tim, cần phải tiến hành phòng tái phát ngay, sau khi đã điều trị nhiễm liên cầu bằng pénicilline 1.000.000 đơn vị/ngày trong 10 ngày.

            Cho bệnh nhân nhi tiêm benzathine .pénicilline (BP) 1.200.000 đơn vị, tiêm 1 lần trong 1 tháng, nếu trẻ dưới 30 kg, benzathine pénicilline : 600.000 đơn vị. Một số thầy thuốc chỉ định tiêm 3 tuần 1 lần hoặc uống phenoxyméthyl penicilline (PP) 250mg, 2 lần/ngày, uống hàng ngày. Thời gian phòng bệnh là 5 năm, tốt nhất phòng đến năm 18 tuổi, đối với thể có viêm tim, phải phòng tái phát đến 25 tuổi. Trong suốt thời gian phòng bệnh, thầy thuốc phải kiểm tra định kỳ, thuyết phục bệnh nhân và gia đình tiêm phòng đều đặn và giáo dục cách nâng cao sức khỏe toàn thân. Từ năm 1984, Tổ chức y tế thế giới triển khai “chương trình phòng bệnh” trên nhiều nước. Việt Nam có tham gia và đạt được kết quả đáng kể

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình