Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Y học Việt Nam
Tìm hiểu về bệnh bong gân?

Theo nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Quang Long:      

Bong gân là một loại thương tổn dây chằng bị kéo dãn quá mức, bị rách hay bị đứt hoàn toàn, do chấn thương treo khớp đột ngột gây ra.Trong bong gân thường không có di lệch vĩnh viễn các mặt khớp mà chỉ dây chằng bị dãn dài ra hơn bình thường hoặc bị đứt. Gân là phần tận cùng của cơ bắp, thương tổn bong gân không dính líu gì đến gân cơ, thuật ngữ bong gân là từ ngữ dân gian gọi chính xác là thương tổn dây chằng.

            Bao khớp che phủ khớp xương và liên kết các mặt khớp tiếp xúc với nhau để vận động được dễ dàng. Dây chằng là các cấu trúc gia tăng cho bao khớp, có nhiệm vụ đảm bảo sự vững vàng của khớp xương khi vận động. Cụ thể hơn các dây chằng hạn chế và nhiều khi ngăn cản hoàn toàn các vận động có hại cho hoạt động bình thường của khớp.Ví dụ vận động bình thường của khớp gối là gấp duỗi. Các vận động dạng và khép cẳng chân sẽ làm cho vận động gấp duỗi khớp gối lỏng lẽo, tư thế lại bị lảo đảo. Các dây chằng bên trong và bên ngoài khớp gối hạn chế các vận động sai lệch đó, làm cho sự đi đứng được vững vàng. Cấu trúc dây chằng bao gồm các bó colagen chạy song song và ken rất sít vào nhau, có định hướng theo phương của lực kéo căng, dọc theo trục dây chằng. Các dây chằng có sức bền chịu lực kéo căng lớn, đảm bảo duy trì chiều dài cố định kể cả sau khi bị kéo dài tạm thời khi khớp xương vận động. Khi sức kéo căng làm biến dạng chiều dài dây chằng chỉ dưới 4% thì dây chằng vẫn có khả năng co trở về dạng ban đầu khi không còn tác động của lực kéo, đó là sức kéo tăng sinh lý bình thường. Nếu sức kéo căng vượt quá 4% thì sẽ xảy ra sự biến dạng đại phân tử, dây chằng bị dãn dài ra sẽ không co trở về được nữa vì 1 số ít sợi colagen bị đứt, mức độ tổn thương này được xem là nhẹ và đó là bong gân độ 1. Nếu sức kéo mạnh hơn làm đứt nhiều sợi colagen thì thương tổn được xếp vào bong gân độ 2. Ở cả mức độ bong gân độ 1 và 2, khớp xương vẫn vững chắc chưa bị chênh vênh. Nếu sức kéo căng vượt quá 20% mức biến dạng, toàn bộ dây chằng bị đứt hoàn toàn đó là bong gân độ 3; khớp xương bị chênh vênh hay lỏng lẻo ở các mức độ khác nhau. Có thể chỉ 1 dây chằng hoặc nhiều dây chằng của 1 khớp cùng bị thương tổn.

            Bong gân ngày nay còn kể đến cả các thương tổn của bao khớp và của các cơ tham gia vào việc giữ vững khớp. Theo bệnh học vi thể diễn biến của bong gân trải qua 3 giai đoạn :

            Giai đoạn viêm tấy xuất hiện trong 72 giờ đầu tiên sau chấn thương, nước hoạt dịch ngấm vào các mô bị thương tổn (dây chằng bao khớp) máu tụ do các thương tổn mạch máu cũng ngấm vào các mô kể trên và đông thành máu cục có khi tràn cả vào trong khe khớp. Trong 36 giờ đầu tiên các hạt bạch cầu đơn nhân to và các đại thực bào được huy động về nơi bị bong gân. Từ dưỡng bào và các tế bào khác các chất histamin, serotonin và prostaglandin được phóng thích ra sẽ gây ra tình trạng thoát máu ngoài mạch, làm tăng thêm phù nề và đau nhức rõ rệt. Đó là chứng viêm bao khớp vô trùng sau chấn thương.

            Giai đoạn phục hồi, các đại thực bào tiêu hủy các mô giập nát và máu tụ. Cùng lúc xuất hiện các chồi máu để tạo ra các mạch máu mới, các nguyên bào sợi được huy động đến vùng bong gân tạo ra các sợi colagen non chưa có định hướng. Trong vòng 4 – 6 tuần lễ các sợi colagen non sẽ gia tăng kích thước cũng như tăng độ bền tới mức ở cuối giai đoạn này sẽ đạt được mức độ chịu được sức kéo căng sinh lý mà dây chằng không bị đứt.

            Giai đoạn tạo hình lại của dây chằng bị thương tổn diễn ra xen kẽ với giai đoạn phục hồi. Đấy là giai đoạn quan trọng nhất : các sợi colagen được định hướng song song với phương của lực kéo căng dây chằng. Tuy vào tuần lễ thứ 6 sợi colagen non đã đủ sức chịu đựng được sức kéo căng sinh lý, song phải mất 12 – 18 tháng, các sợi colagen mới thực sự trưởng thành và chịu được mọi sự kéo căng của hoạt động lao động và thể thao bình thường. Trong trường hợp bong gân độ 3, khi dây chằng bị đứt hẳn và đi lệch xa nhau, diễn biến của 2 giai đoạn phục hồi và tạo hình lại sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau tuỳ theo cách xử lý thương tổn khác nhau. Nếu để bong gân tự liền với các đoạn đứt vẫn cách xa thì ở khoảng trống giữa 2 đoạn đứt chỉ có 1 lớp mỏng các mô liên kết lỏng lẻo – mô dạng niêm dịch và mô hạt dài – không định hướng kết nối. Dây chằng sẽ dài hơn chiều dài ban đầu, song sẹo xơ lại yếu không chịu được sức kéo căng của các hoạt động bình thường của khớp, chất lượng kém. Buckwlter J.A và Cruss R.L gọi tình trạng nói trên là dây chằng không liền sẹo. Ngược lại nếu ta kéo và áp các mặt dây chằng bị đứt khít vào nhau và giữ yên thì khoang trống ở mức tối thiểu và chất lượng sẹo tốt hơn, dây chằng bị đứt sẽ liền sẹo chủ yếu bằng mô đặc hiệu có định hướng, sít chắc và khỏe, chiều dây chằng cũng trở lại gần như chiều dài ban đầu, đảm bảo giữ vững được khớp. Như vậy việc áp khít các mặt đứt dây chằng và giữ yên vùng đứt là điều kiện thuận lợi nhất giúp dây chằng bị đứt rời được liền lại tốt hơn. Đó là trường hợp ta khâu nối dây chằng bị đứt làm cho sức chịu lực kéo căng lớn hơn hẳn trường hợp để liền tự nhiên có khoang trống ở giữa và dây chằng dài hơn bình thường.

            Trong các giai đoạn phục hồi, nếu để khớp vận động tự do không hạn chế, lực kéo căng quá mạnh sẽ làm đứt lại dây chằng mới liền. Ngược lại bất động kéo dài quá sẽ làm cho sẹo dây chằng dính với các mô chung quang gây co rút dây chằng và hạn chế vận động của khớp. Vận động sớm ở mức độ hợp lý và có điều khiển (vào tuần lễ thứ 6 – 8) không những không làm đứt dây chằng mà còn thúc đẩy nhanh quá trình định hướng các sợi colagen và phòng tránh dây chằng không bị dính vào các mô chung quanh.

            Chẩn đoán bong gân : phải xác định những dây chằng nào bị thương tổn và nhất là xác định mức độ thương tổn. Ngoài phải xác định các thương tổn bao khớp và các cơ giữ vững khớp nếu có. Dựa vào nguyên nhân cụ thể gây chấn thương (cơ chế chấn thương) các dấu hiệu lâm sàng mà thầy thuốc quan sát thấy và dựa vào các phương tiện phi lâm sàng, chủ yếu là chụp X quang.

            Cơ chế chấn thương : gắng tìm hiểu để biết rõ chấn thương tác động từ phía nào tới, tư thế nạn nhân khi bị tai nạn, cơ chế giúp thầy thuốc xác định các thương tổn. Ví dụ nạn nhân bị đá từ phía ngoài khớp gối ở tư thế đang đứng, khe khớp bên trong sẽ bị toác mạnh; như vậy thương tổn dây chằng sẽ ở nửa khớp bên trong. Nếu khi bị thương tổn nạn nhân nghe tiếng “rắc” thì đấy là tín hiệu thương tổn dây chằng độ 3.

            Dấu hiệu lâm sàng chủ yếu là đau. Có các biểu hiện đau tự nhiên theo 3 thì (ngay khi bị tai nạn đau nhói như bị điện giật - tiếp theo là cảm giác tê bì, không thấy đau nữa - một thời gian sau lại đau nhức nhối dù nằm yên không cử động); đau nhói khi ấn vào vùng bong gân, khó chịu rõ rệt hơn vùng xung quanh; đau nhói khi vận động khớp làm toác rộng phía bên bị bong gân. Nếu bong gân độ 3 thì khi làm vận động mới trên thấy cử động toác khớp nhiều hơn so với khớp đối diện.

            Các dấu hiệu X quang chỉ xuất hiện ở 1 số ít trường hợp bong gân sau : nếu thương tổn dây chằng ở nơi bám vào xương, sẽ thấy hình ảnh mảnh xương mẻ (ví dụ mẻ gai mâm chầy là dấu hiệu của đứt dây chằng chéo trước của khớp gối). Ở bong gân độ 3 nếu ta giữ yên toác khe khớp bên phía bong gân để chụp X quang sẽ thấy khe khớp toác rộng hơn so với khe khớp phía đối diện cùng chụp theo 1 quy cách. Tóm lại hình ảnh X quang không gặp thường xuyên ở các trường hợp bong gân. Bong gân được chẩn đoán chủ yếu bằng sự kết hợp cơ chế chấn thương với các dấu hiệu lâm sàng. Bao giờ cũng nên chụp X quang sau khi khám lâm sàng. Dù hình ảnh X quang bình thường, mà các dấu hiệu lâm sàng bong gân rõ rệt chẩn đoán vẫn là xác định. Trường hợp hình ảnh X quang rõ rệt càng giúp khẳng định chẩn đoán.

            Các loại bong gân độ 2 nhất là bong gân độ 3 không được chữa chạy hoặc chữa không đúng cách sẽ để lại di chứng dai dẳng hạn chế hoạt động của khớp xương. Bao khớp sưng nề kéo dài, đau nhức khó chịu mỗi khi vận động khớp làm người bệnh trở thành người tàn phế. Đó là chứng viêm bao khớp vô trùng sau chấn thương mạn tính do dây chằng liền bằng mô liên kết lỏng lẻo không chịu đựng được sức co kéo thường ngày. Nếu là bong gân độ 3 dây chằng sẽ dài hơn bình thường, gây di chứng lỏng lẻo khớp mạn tính : khớp hoạt động yếu, không vững vàng. Lâu dần sụn mặt khớp bị mài mòn sớm hơn bình thường thành chứng hư khớp; các gai xương phát triển hạn chế dần vận động khớp và gây đau nhức thêm.

            Điều trị bong gân phải kịp thời. Ngay sau khi bị tai nạn dù ở mức độ nào, cũng phải làm ngừng chảy máu và hạn chế sưng nề tối đa tại vùng bong gân. Có thể dùng băng thun (băng chun) băng ép vùng bong gân. Nếu bên trong có đệm 1 miếng “mút” càng tốt, giữ băng ít nhất 48 giờ, chườm lạnh ngoài băng bằng nước đá (hoặc nước lạnh) trong suốt 4 giờ đầu tiên theo mức độ cứ cách 20 – 30 phút chườm 1 lần. Chườm nước đá vừa làm hết đau lại gây co mạch làm ngưng chảy máu nhanh chóng, hạn chế được sưng nề. Giữ chi bị bong gân bất động ở tư thế kê cao cuối chi; thời gian và mức độ bất động khác nhau tùy mức độ bong gân. Dùng thuốc giảm đau có tính chống prostaglandin như indométhacine hay ibuprofène. Ở giai đoạn này cấm không được xoa bóp hoặc chườm nóng vùng bong gân bằng bất kỳ phương tiện nào (các dầu nóng, muối rang….) ít nhất trong vòng 48 – 72 giờ đầu tiên. Chườm nóng cũng làm dịu đau nên dễ gây sự ngộ nhận có tác dụng chữa bong gân, nguy hại của chườm nóng là làm dãn mạch máu gây chảy máu tiếp tục và tăng thêm sưng nề. Cấm bệnh nhân uống rượu trong giai đoạn viêm tấy cấp tính này vì rượu cũng gây dãn mạch chảy máu nhiều hơn như chườm nóng. Không nên tiêm sinh học lại còn gây thêm sưng nề do khối lượng thuốc tiêm. Chườm lạnh đủ làm hết đau cũng không cần tiêm thuốc tê. Đó là tất cả các điều cần làm đối với bong gân độ 1, khi đã hết đau có thể cho bệnh nhân bị bong gân độ 1 vận động khớp.

            Điều trị bong gân độ 2 và 3 quan trọng nhất là băng bột để bất động vững chắc khớp bị bong gân, tránh các vận động đột ngột và quá mạnh. Bệnh nhân nên tập lên các cơ bị bất động trong bột và tập vận động các khớp khi không bị băng bột. Băng bột khoảng 6 tuần lễ sau đó tập vận động chủ động khớp bị bong gân. Nguyên tắc là tập vận động không được gây đau, tiến dần từ nhẹ đến nặng, chú ý tập tăng lực cả các cơ quanh khớp. Các điều trị tốt nhất bong gân độ 3 khi dây chằng bị đứt hoàn toàn là khâu áp khít các dây chằng bị đứt kết hợp với bất động, bảo vệ vùng bị thương tổn 4 – 6 tuần. Sau thời gian đó tập vận động chủ động sớm, có mức độ có kiểm soát và tăng dần. Đó là chỉ định phổ biến cho các bệnh nhân là vận động viên thể thao trẻ dưới 40 tuổi. Phẫu thuật đúng phương pháp, tiến hành vào tuần lễ thứ 3 sau chấn thương, khi máu tụ và phù nề đã hết thì kết quả thường là tốt.

            Đối với các bong gân khác không đòi hỏi mức độ phục hồi thật hoàn hảo, có thể áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn như đối vối bong gân độ 2. Phải điều trị thật sớm ngay sau tai nạn, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kể trên, bắt đầu tập vận động muộn hơn (vì bất động phải kéo dài 8 tuần lễ hay hơn nữa) và tiến hành kiên trì. Phẫu thuật chủ yếu là khâu phục hồi các dây chằng bị thương tổn cũng như các cấu trúc khác (bao khớp, các gân), đôi khi cũng phải làm phẫu thuật tạo hình như trường hợp đứt dây chằng chéo trước ở khớp gối. Điều trị chứng lỏng khớp khó khăn, tỷ lệ kết quả đạt được thật hoàn hảo không cao. Hướng chủ yếu là phẫu thuật, làm các phẫu thuật tạo hình. Trong thập niên 80, người ta đã bắt đầu chế tạo thí nghiệm và dùng thử các dây chằng nhân tạo, chủ yếu để tăng cường cho các phẫu thuật tạo hình. Các vật liệu được dùng bao gồm cacbon, polypropylen (có tên gọi là dây chằng Kennedy – LAD), dacron… Ở nước Đức người ta đã chính thức dùng dây chằng nhân tạo trong phẫu thuật song vẫn chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm. Nhiều thầy thuốc cho rằng chưa có loại dây chằng nhân tạo nào hiện nay có đầy đủ các điều kiện cơ học và sinh học có thể đảm bảo thay thế dây chằng thật về lâu dài được (Bonnel P.) Dưới đây là 1 vài bong gân thường gặp :

            Bong gân ở khớp cổ chân : khớp cổ chân được tạo nên bởi xương sên, có phần mặt khớp trên hình lượn sóng “lưng trâu” nằm trong 1 gọng kim do đầu dưới 2 xương chày và xương mác tạo thành. Do đó khớp cổ chân khá chênh vênh nếu không được các dây chằng khỏe giữ vững. Khớp chỉ được phép vận động gấp và duỗi cổ chân. Ba nhóm dây chằng chày – mác dưới, dây chằng bên ngoài và dây chằng bên trong hãm giữ, chỉ cho cử động gấp duỗi vững vàng, ngăn cản không cho cử động lật sấp và lật ngửa sang bên. Vì bàn chân dễ bị trẹo lật ngửa vào bên trong nên thương tổn nhóm dây chằng bên ngoài là thường gặp hơn cả : đó là bong gân bên ngoài cổ chân.

            Các dấu hiệu bong gân bên ngoài cổ chân rất dễ nhận : sưng bầm tím, đau nhói khi ấn phía bên ngoài cổ chân, ngay dưới mắt cá chân. Nếu bị trẹo chân có cảm giác đau như điện giật ở phía ngoài cổ chân và có cảm giác nghe thấy tiếng “rắc” thì thường là bong gân độ 3. Khi làm vận động thụ động lật ngửa bàn chân vào trong (làm lại cơ chế gây chấn thương) nạn nhân cũng cảm thấy đau nhói ở phía ngoài cổ chân, thấy cổ chân toác ra nhiều hơn so với vận động được thực hiện bên cổ chân lành đối diện. Chụp X quang ở tư thế giữ toác cổ chân sẽ thấy phần khe khớp phía ngoài rộng hơn so với khớp bên đối diện. Bong gân cổ chân ở các vị trí khác thì các dấu hiệu kể trên sẽ khu trú ở vùng tương ứng.

            Điều trị bong gân bên ngoài cổ chân thường dùng phương pháp bảo tồn, tức điều trị ở giai đoạn viêm tấy cấp tính như đã nêu trên, kết hợp với bất động trong băng bột (nếu là bong gân độ 2 và 3). Chỉ phẫu thuật bong gân độ 3 đối với các vận động viên thể thao tuổi dưới 40 hoặc đứt dây chằng chày – mác dưới.

            Bong gân ở khớp gối : khớp gối có cấu trúc kiểu “bản lề” các mặt khớp tiếp xúc với nhau gần như trên mặt phẳng, vì vậy khớp gối rất chênh vênh. Hệ thống 4 dây chằng ở khớp gối theo quan điểm cổ điển (dây chằng bên ngoài, dây chằng bên trong, dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau) không đủ đảm bảo giữ vững khớp gối. Theo quan niệm ngày nay, tất cả các cấu trúc giữ vững khớp gối được tập hợp vào 2 hệ thống lớn : hệ thống dây chằng - bao khớp là hệ thống giữ vững thụ động tĩnh và thường xuyên, hệ thống các cơ là hệ thống giữ vững chủ động nhưng chỉ giữ vững từng lúc khi các cơ hoạt động co cứng. Hệ thống giữ vững chủ động tăng thêm hiệu lực cho hệ thống tĩnh. Khi 1 dây chằng nào đó bị thương tổn không phục hồi, các cơ được luyện tập có thể thay thế 1 phần nào chức năng của dây chằng.

            Hệ thống động gồm có :

            1/ Cơ 4 đầu đùi ở phía trước khớp gối là cơ giữ vững chủ yếu có khả năng thay thế rất lớn thương tổn dây chằng.

            2/ Gân cơ bán mạc tăng cường cho bao khớp trong ở điểm góc sau – trong và cơ chân ngỗng; cả 2 cơ này đều ở phía bên trong khớp.

            3/ Cơ kheo tăng cường cho bao khớp ngoài ở điểm góc sau – ngoài và gân cơ 2 đầu đùi; 2 cơ này ở phía bên ngoài khớp gối.

            4/ Hai cơ sinh đôi ở phía sau khớp gối.

            Hệ thống dây chằng – bao khớp bao gồm :

            1/ Trụ xoay trung tâm có 2 dây chằng chéo trước và chéo sau ngăn cản không cho mâm chầy di chuyển ra trước hoặc ra sau.

            2/ Bình diện dây chằng – bao khớp bên trong.

            3/ Gồm dây chằng bên trong có 2 lớp ngăn cản không cho mâm chầy - cẳng chân dạng (khớp gối vận động quay ra ngoài : valgus); điểm góc sau – trong là phần bao khớp trong nằm giữa dây chằng bên trong và vỏ xơ lồi cầu, được dải lan tỏa dây chằng bên trong và gân cơ bán mạc tăng cường ngăn cản không cho mâm chầy - cẳng chân khép (khớp gối vận động vẹo vào trong : varus); dây chằng bên ngoài ngăn cản mâm chầy - cẳng chân không khép; điểm góc sau ngoài là phần bao khớp trong nằm giữa dây chằng bên ngoài và vỏ xơ lồi cầu và được dây chằng kheo hình cung và gân cơ kheo tăng cường. Vùng bao khớp này ngăn cản không cho mâm chầy - cẳng chân xoay vào trong.

            4/ Các vỏ xơ lồi cầu là phần bao khớp sau của khớp gối rất dầy ngăn cản không cho khớp gối duỗi quá mức.

            Trong nhiều cơ chế gây chấn thương có thể kể 3 cơ chế hay gặp là bong gân do khớp gối bị valgus, xoay ngoài và gấp (valgus, rotation externe et flexion); bong gân do khớp gối vị varus, xoay trong và gấp (varus rotation interne et flexion); bong gân do khớp gối bị duỗi ra quá mức. Bong gân do cơ chế valgus – xoay ngoài - gấp là cơ chế hay nhất hơn cả và tùy theo lực gây chấn thương có thể thấy các thương tổn ở điểm góc sau – trong (có khi làm bong rách cả sụn chêm trong); ở dây chằng bên trong; ở dây chằng chéo trước, ở dây chằng chéo sau. Bong gân do cơ chế varus – xoay trong - gấp có thể thấy lần lượt các thương tổn ở điểm góc sau – ngoài, ở dây chằng bên ngoài, ở dây chằng chéo trước, dải Maissiat, ở gân cơ 2 đầu đùi đứt ở nơi bám tận, ở dây chằng chéo sau (sau khi thần kinh hông kheo ngoài bị ké dài). Bong gân do cơ chế duỗi quá mức có thể do vận động duỗi mạnh quá mức (như “sút” trượt, chấn trúng bóng) sẽ gây thương tổn dây chằng chéo trước, chấn thương trực tiếp ở trước khớp gối gây duỗi quá mức gây các thương tổn dây chằng chéo sau, khớp gối ở tư thế gấp gây thương tổn dây chằng chéo trong đơn thuần.

            Mức độ trầm trọng của bong gân ở khớp gối : thương tổn dây chằng được phân loại theo mức độ 1, 2, 3. Còn việc đánh giá 1 bong gân khớp gối về đại thể được phân loại như sau :

            1/ Bong gân nhẹ khớp gối : bong gân độ 1 hoặc độ 2 dây chằng bên; khi bị chấn thương nạn nhân không cảm thấy tiếng “rắc”; có điểm đau nhói khi ấn trên dây chằng bị thương tổn; không có tràn dịch khớp gối; khớp vững vàng.

            2/ Bong gân mức độ trung bình : bong gân độ 3 một dây chằng bên; có điểm đau nhói khi ấn trên dây chằng bị thương tổn; có cử động bên lỏng lẻo; không có thương tổn ở trục xoay trung tâm.

            3/ Bong gân nặng khớp gối : có thương tổn ở trục xoay trung tâm; có tiếng “rắc” khi bị tai nạn, mất cơ năng chi, tràn dịch khớp thấy sớm, thấy các test chênh vênh khớp.

            Chẩn đoán đầy đủ các thương tổn của bong gân ở khớp gối dựa vào hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và chụp X quang. Hỏi bệnh nhân khi bị thương tích có nghe tiếng “rắc” hay không, tư thế khớp gối khi bị tai nạn và lực gây chấn thương từ hướng nào tới. Đối với bất kỳ nạn nhân nào bị bong gân cũng phải tìm đầy đủ mọi dấu hiệu liên quan đến bong gân ở khớp gối. Ngày nay ngoài các dấu hiệu trên các thầy thuốc chú ý tìm và xác định vị trí cụ thể các điểm đau nhói khi ấn xung quanh khớp gối; tìm vị trí điển hình có thương tổn dây chằng cụ thể; tìm các test vận động chênh vênh bao gồm :

            1/ Các test dạng và khép cẳng chân ở 2 tư thế khớp gối gấp và gối duỗi. Nếu test ở tư thế gối gấp dương tính thì thương tổn chỉ đơn thuần là ở dây chằng bên (trong hoặc ngoài). Nếu test ở tư thế gối duỗi dương tính thì thương tổn dây chằng phức tạp, thường là toàn các cấu trúc giữ vững khớp ở 1 bên nào đó bị thương tổn.

            2/ Các test ngăn kéo trước ở tư thế khớp gấp 90o khám ở 3 tư thế mâm chầy khác nhau : mâm chầy trung tính không xoay, mâm chầy xoay trong và mâm chầy xoay ngoài 20o. Nếu test ở tư thế trung tính mà dương tính thì có thương tổn dây chằng chéo trước, nếu test càng dương tính nhiều hơn ở tư thế mâm chầy xoay ngoài là có thêm thương tổn điểm góc sau – trong; nếu test dương tính nhiều hơn ở mâm chầy xoay trong là có thêm thương tổn điểm góc sau ngoài. Test ngăn kéo trước ở tư thế gấp gối nhẹ (gần như duỗi) còn có tên gọi là test Lachman – Trillat). Cho khớp gối gấp nhẹ để làm động tác thụ động đưa mâm chầy ra trước. Test giật cục (Jerk – test hay pivot – shift) để khớp gối gấp, giữ mâm chầy ở tư thế ra trước, xoay trong và gối valgus tối đa, cho duỗi gối từ từ, test được coi là dương tính khi tới khoảng vị trí 200 khớp gối nhảy giật đột ngột và phát ra tiếng kêu “cục” rồi tiếp tục duỗi bình thường; khi giật cục nạn nhân cảm thấy đau. Nhiều tác giả coi 2 test Lachman và Jerk là test có độ tin cậy xác định thương tổn dây chằng chéo trước cao hơn test ngăn kéo trước. Song không có test nào chắc chắn %, vì vậy nên làm tâấ cả các test nói trên khi thăm khám. Nên chụp X quang khớp gối 2 bình diện sau khi khám lâm sàng khớp gối khả nghi bong gân. Nếu thấy hình ảnh mẻ xương thì giúp khẳng định các thương tổn dây chằng. Các vị trí mẻ xương điển hình có thể làm mẻ xương ở bờ lồi cầu ngoài xương đùi; là thương tổn ở đầu bám trên dây chằng bên ngoài và gân cơ kheo, mẻ xương ở lồi cầu trong xương đùi là thương tổn ở đầu bám trên dây chằng bên trong, mẻ các gai mâm chầy là thương tổn các dây chằng chéo, mẻ bờ mâm chầy trong là thương tổn của dây chằng sụn chêm - chầy trong, mẻ bờ mâm chầy ngoài là thương tổn dây chằng đùi - chầy ngoài, dây chằng kheo hình cung và thương tổn gân cơ 2 đầu đùi (có tên gọi chung là thương tổn Segond), mẻ chỏm xương mác là thương tổn các dây chằng bên ngoài ở đầu bám dưới và gân cơ 2 đầu đùi, mẻ bờ trước mâm chầy ngoài là thương tổn dải Maissiat, mẻ vùng trước mâm chầy trong là thương tổn dây chằng bên trong ở đầu bám dưới. Điều cần chú ý nhiều trường hợp bong gân ở khớp gối hoàn toàn không có hình ảnh X quang. Tóm lại dựa vào bệnh sử (cơ chế) và các dấu hiệu lâm sàng mà ta có thể xác định 1 số các thương tổn dây chằng ở khớp gối như sau :

            1/ Test valgus ở tư thế gối gấp dương tính xuất hiện rõ rệt nhưng ở tư thế gối duỗi xuất hiện không rõ rệt thì đó là dấu hiệu thương tổn đơn thuần dây chằng bên trong.

            2/ Test varus ở tư thế gối gấp dương tính rõ rệt, test varus ở tư thế gối duỗi không rõ rệt là dấu hiệu thương tổn đơn thuần dây chằng bên ngoài.

            3/ Cả test Lachman và test giật cục đều dương tính là dấu hiệu thương tổn đơn thuần dây chằng chéo trước.

            4/ Test ngăn kéo sau ở tư thế gối gấp dương tính là dấu hiệu chênh vênh khớp gối ra sau.

            5/ Các test sau đây đều dương tính : test valgus ở cả 2 tư thế gối gấp và gối duỗi, test ngăn kéo trước ở tư thế mâm chầy xoay ngoài, test Lachman, test giật cục là dấu hiệu các thương tổn phối hợp của bình diện dây chằng – bao khớp trong và thương tổn dây chằng chéo trước.

            6/ Các test sau đây đều dương tính : test varus ở cả 2 tư thế gối gấp và gối duỗi, test ngăn kéo trước ở tư thế mâm chầy xoay trong, test Lachman và test giật cục là dấu hiệu các thương tổn phối hợp của bình diện dây chằng – bao khớp ngoài và thương tổn của dây chằng chéo trước.

            7/ Các test ngăn kéo trước và ngăn kéo sau đều dương tính là dấu hiệu của chênh vênh gối ra trước và ra sau.

            Khi 1 số trường hợp bong gân khớp gối có ít nhất 1 thương tổn dây chằng chéo (thương tổn ở trụ xoay trung tâm) thì sẽ được coi là bong gân nặng, vì các dây chằng chéo bị đứt không bao giờ có thể tự liền khỏi được. Không ít trường hợp bong gân khớp gối bao gồm nhiều thương tổn dây chằng, trong đó thường thấy “bong gân dạng tam chứng trong” bao gồm thương tổn dây chằng bên trong, dây chằng chéo trước và rách sụn chêm trong, “bong gân khớp gối dạng ngũ chứng trong” bao gồm thương tổn như dạng tam chứng và thêm dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau và rách sụn chêm ngoài.

            Điều trị bong gân ở khớp gối cũng dựa theo quy tắc điều trị bong gân nói chung. Điều quan trọng nhất khi có thương tổn giải phẫu dây chằng đáng kể là làm cho dây chằng liền bằng chiều dài dây chằng ban đầu. Đối với bong gân nhẹ, chữa bảo tồn bằng băng bột đùi – bàn chân, giữ khớp gối ở tư thế duỗi thẳng và cho tập đi sớm ngay khi còn băng bột. Đối với bong gân trung bình cũng băng bột như trên, song để khớp gối ở tư thế gập nhẹ giúp cho thương tổn dây chằng không bị kéo căng và cũng tập đi sớm. Chỉ phẫu thuật chọc lọc cho bong gân nặng đối với nạn nhân là vận động viên trẻ thi đấu thể thao và 1 vài trường hợp cá biệt. Còn đối với trường hợp khác nhất là đối với các nạn nhân trên 40 tuổi đều có thể điều trị bảo tồn với thời gian bất động bột lâu hơn và kiên trì thực hiện để phục hồi chức năng.

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình