Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Y học Việt Nam
Tìm hiểu về bệnh bỏng thực quản

Theo nghiên cứu của Giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Tuân:

Bỏng thực quản là do uống phải các chất gây bỏng như axit, xút hoặc ăn, uống các chất ở nhiệt độ cao (mỡ, dầu, nước sôi…). Trong thực tế phần lớn thương tổn chủ yếu là ở thực quản, đôi khi kèm theo ở vùng miệng, họng hoặc sâu hơn, ở dạ dày. Nguyên nhân chủ yếu là do cố ý tự tử hoặc do ăn, uống nhầm, nhất là đối với trẻ em ở các nước công nghiệp phát triển.

            Bỏng thực quản thường tiến triển qua 2 giai đoạn chính : giai đoạn cấp tính xảy ra sau khi uống phải chất gây bỏng và tiếp sau đó là giai đoạn viêm thực quản mạn tính, tương ứng với quá trình xơ sẹo của thương tổn dẫn đến hẹp thực quản. Ở giai đoạn cấp tính của 1 bỏng thực quản nặng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên khoa tai mũi họng với chuyên gia gây mê hồi sức và ở giai đoạn sau là nhiệm vụ của chuyên gia tai mũi họng và có thể có sự phối hợp với chuyên khoa ngoại (tiêu hóa, chỉnh hình…)

            Các chất gây bỏng thường gặp là các hóa chất trong nhà máy hoặc được sử dụng trong gia đình. Các loại xút (NaOH) mạnh gây bỏng thực quản nguy hiểm nhất, còn các chất kiềm (KOH) để tẩy giặt thì ít khi gây bỏng nặng. Tính chất gây bỏng nặng hay nhẹ chủ yếu lệ thuộc vào nồng độ và số lượng của chất gây bỏng. Amoniac (NH4OH) ít khi gây bỏng nhưng vẫn nguy hiểm, các chất dùng để giặt, tẩy rửa nói chung vừa có thể gây bỏng vừa độc hại bởi độ kiềm tính (có thể đạt pH=12). Các loại axit gây bỏng nặng ở vùng họng thanh quản và dạ dày, còn thực quản thì chỉ bị bỏng ở lớp nông. Axit clohyric (HCl) đậm đặc thường gây bỏng rất nặng, còn axit Sunfuric (H2SO4) và axit nitric (HNO3) thường gây bỏng ở trong phòng thí nghiệm. Các dung dịch như dakin, javen loãng thì ít khi gây bỏng thực quản nặng.

            Các chất gây bỏng thực quản khác : thuốc tím cục hay viên có thể gây bỏng tại chổ, Formol và các axit hữu cơ khác ít gặp hơn. Loại amoni 4 nguyên tố (các loại thuốc diệt cỏ) có thể gây bỏng tại chỗ và gây ngộ độc toàn thân, nhưng cũng ít gặp. Các chất khác như thủy ngân, xăng, oxy già (H2O2) cũng có thể gây bỏng nhẹ nhưng ít gặp.

            Các axit và bazơ gây tác hại khác nhau đến niêm mạc thực quản, bazơ thì hoà tan protein, xà phòng, hóa chất mỡ gây hoại tử và ăn sâu vào các mô, đặc biệt là các lớp cơ của thực quản vì lớp cơ bị thương tổn gây sẹo chít hẹp rất nặng. Axit làm đông đặc protein của lớp biểu bì niêm mạc thực quản nhưng lớp cơ thì được bảo tồn hơn, các chất nóng bỏng khác chỉ gây bỏng chủ yếu ở phần niêm mạc.

            Các vùng dễ bị bỏng là các chỗ thắt hẹp của thực quản như miệng thực quản (C6), đoạn ngã 3 phế quản, động mạch chủ (D4) vùng đi ngang qua cơ hoành. Đoạn giữa của thực quản ngực ở trạng thái mở do áp lực trong lồng ngực nên ít khi bị bỏng hơn đoạn dưới và trên. Số lượng, nồng độ đậm đặc của chất gây bỏng… là những yếu tố có liên quan mật thiết với bỏng nặng hay nhẹ.

            Các thương tổn bỏng dễ gây thủng thực quản và viêm trung thất vì thực quản là 1 ống cơ niêm mạc, hệ thống tuần hoàn ít, sức đề kháng chống viêm nhiễm kém, việc khâu lại bằng phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Sự tiến triển của viêm bỏng cấp tính độ 2, độ 3 dẫn đến độ xơ cứng thực quản theo chiều dọc và hình tròn, gây hẹp thực quản và làm ngắn thực quản. Quá trình diễn biến thường xảy ra các giai đoạn : sung huyết; phù nề (nhất là các chất xút), lớp tổ chức nông bị hoại tử và bong ra thành giả mạc có thể là từ các mảnh nhỏ có khi cả 1 vùng niêm mạc bị ăn mòn và loét. các loét nông thì lành nhanh, các loét sâu ở lớp cơ có thể lan ra phía ngoài thực quản dễ gây chảy máu. Tiếp đó có sự xuất hiện tổ chức hạt (giai đoạn phục hồi) thường bắt đầu từ ngày thứ 15 đến tuần thứ 4 thì tổ chức sẹo hình thành dần dưới thể xơ cứng. Trên vi thể các thương tổn đó diễn ra như sau : trước tiên xuất hiện nhiều tế bào đa nhân ở các vùng loét và bội nhiễm, rồi dần dần các nguyên bào sợi xuất hiện, các nguyên bào này làm căng phồng mô hạ vùng loét hoại tử và sản sinh ra các sợi keo dẫn đến xơ cứng. Tùy các thương tổn bỏng làm cho thực quản tử một ống mềm mại và di động trở thành một ống xơ cứng, chít hẹp, không đều và dẫn đến các hình thái hẹp thực quản. Thường gặp là hình van do mô xo sẹo cắt chéo vào nhau hoặc hình vòng tròn do thương tổn hơi lan lên nên tổ chức xơ sẹo thắt hẹp lại thành hình vòng hoặc hình ống do bỏng nặng gây nên một đoạn chít hẹp dài hoặc ngắn hình cong queo, không đều làm cho lòng thực quản hẹp, co dúm lại. Do sẹo chít hẹp thực quản nên thực quản phía trên sẹo hẹp bị dãn to,thức ăn, nước bọt bị ứ đọng dễ gây nên viêm thực quản. Còn thực quản phần dưới sẹo hẹp có khuynh hướng tự co lại và kéo tâm vị lên phía lồng ngực.

            Độ bỏng thực quản thường được phân loại theo Taillens (qua soi thực quản). Cách phân loại này có ưu điểm là đối chiếu được giữa lâm sàng và nội soi, tiên lượng được tiến triển xơ sẹo của thương tổn bỏng.

            Độ 1 : bỏng khu trú ở lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc chỉ bị phù nề hoặc như ban đỏ, lớp cơ còn nguyên vẹn nên nhu động thực quản vẫn bình thường, bỏng độ 1 không ảnh hưởng đến thực quản.

            Độ 2 : bỏng lan xuống lớp cơ gây phù nề, ban đỏ, loét và được bao phủ bằng lớp giả mạc; lớp cơ bị thương tổn dẫn đến xơ cứng mô tạo keo nên ảnh hưởng lớn đến sự nhu động của thực quản, sẹo hẹp sẽ tái phát rất nhanh sau khi ngừng nong thực quản.

            Độ 3 : bỏng lan đến toàn bộ thành thực quản và cả tổ chức xung quanh thực quản, thường có loét chảy máu và từng đám hoại tử. Biến chứng dễ gây ra thủng thực quản dẫn đến viêm trung thất khu trú hoặc lan tỏa.

            Cả 3 độ bỏng trên có thể cùng tồn tại dọc theo thực quản, thương tổn tại chỗ hay lan tỏa và thường các chỗ thắt hẹp của thực quản (ngang C6, D4, cơ hoành) bị nặng nhất. Bỏng độ 2 và độ 3 thường làm cho lớp cơ của thực quản bị thay thế bằng tổ chức liên kết xơ sẹo của chất tạo keo. Bởi vậy mục đích của mọi phương pháp điều trị là chống lại sự hình thành sẹo chít hẹp này.

            Triệu chứng lâm sàng ở thời kỳ bắt đầu rất khác nhau vì lệ thuộc vào tính chất và số lượng của chất gây bỏng. Bệnh cảnh có thể nhẹ hoặc nặng như trụy tim mạch, khó thở thanh quản đau vùng họng thực quản… Đối với trẻ em nhiều khi không biết được là trẻ bị bỏng do ăn, uống vào lúc nào, nên dễ bị bỏ qua và sau đó xuất hiện nuốt khó. Thông thường bỏng thực quản trải qua 3 giai đoạn : giai đoạn cấp tính (niêm mạc bị bỏng); giai đoạn trung gian (tái sinh niêm mạc) và giai đoạn xơ sẹo thực quản bị thương tổn.

            Ở giai đoạn cấp tính các vết bỏng thường hay gặp lành tính (80%) nếu uống 1 lượng ít chất gây bỏng, nồng độ loãng và nhổ ra ngay. Ta có thể thấy thương tổn bỏng ở môi, miệng và thực quản nhưng rất nông và bé. Trong thực tế những trường hợp chỉ có thương tổn ở thực quản mà không bị ở vùng miện chiếm khoảng 15 – 25%; ngược lại chỉ có thương tổn ở miệng mà thực quản vẫn bình thường chiếm khoảng 29 – 50%. Vì vậy đối với trẻ em tuy không biết bị bỏng vào lúc nào nhưng nếu có hiện tượng nuốt khó thì dù có thương tổn hay không cũng phải soi thực quản. Các thương tổn bỏng nặng thì gây đau ở vùng miện họng, vùng trung thất, dạ dày, nuốt khó, chảy nhiều nước bọt, bệnh nhân mặt xanh tái, hạ huyết áp, sốt 37,5 – 380C. Một số bệnh nhân bị choáng ngay (khoảng 3%) sau khi uống chất gây bỏng (nhất là với bazơ), mặt tái nhợt, toát mồ hôi lạnh, mạch nhanh nhỏ, thở nhanh, nông. Sau đó mô bị hoại tử lan tỏa dọc theo lòng thực quản, dạ dày… dẫn đến thủng thực quản, viêm trung thất có mủ với triệu chứng đau vùng ngực, sốt cao và các triệu chứng của sốc. Thủng dạ dày cũng có các triệu chứng như trên, với hiện tượng co cứng và đau vùng bụng, chướng bụng, các biến chứng này phải can thiệp ngay bằng phẫu thuật cấp cứu để cắt bỏ và dẫn lưu.

            Giai đoạn trung gian : trường hợp bỏng nặng thì không có giai đoạn này, người bệnh thường có triệu chứng khó nuốt và đau nhất là trong thể bỏng nặng không được điều trị, còn ở thể bỏng nhẹ thì thường không có triệu chứng gì. Sau giai đoạn cấp tính người bệnh trở lại ăn, uống bình thường, có thể có 2 khả năng xảy ra : hoặc là thương tổn nhẹ của giai đoạn 1 và không để lại di chứng gì, hoặc ngược lại vết bỏng của giai đoạn 2 có thể tiến triển dẫn tới sẹo chít hẹp, biểu hiện nuốt khó ngày càng tăng đối với thức ăn đặc.

            Giai đoạn viêm mạn tính : thường xảy ra trong tháng đầu, đây là hậu quả không thể tránh khỏi của loại bỏng giai đoạn 2 hình vòng tròn và ở cao. Loại viêm thực quản này sẽ tiến triển qua nhiều tháng, nhiều năm dẫn đến chít hẹp thực quản làm cho bệnh nhân không ăn uống được (vừa do chít hẹp vừa mất nhu động của thực quản), nuốt khó từ đó dẫn đến nghẽn tắc thức ăn vì sẹo chít hẹp này không thể phục hồi trở lại tự nhiên được. Nếu chít hẹp nặng và ở cao thường có hiện tượng tăng tiết nước bọt, người bệnh thường nôn ra thức ăn do phần thực quản ở phía trên sẹo hẹp bị dãn rộng, gầy sút nhanh chóng nhất là trẻ em.

            Các biến chứng hoặc các thương tổn bệnh lý cùng phối hợp làm tăng thêm viêm xơ sẹo thực quản. Viêm thực quản do tắc nghẽn thức ăn càng làm nặng thêm các thương tổn xơ sẹo vốn đã bị từ trước. Còn viêm thực quản ở phía dưới phần xơ sẹo thường gây co kéo thực quản và kéo tâm vị lên trên. Sẹo hẹp thực quản thường gây dị vật đường ăn (thức ăn rắn, to) nên phải soi thực quản lấy dị vật nhiều lần. Sẹo hẹp dạ dày thường ít khi phát hiện được sớm do triệu chứng nuốt khó, nên dễ làm cho ta nhầm lẫn. Chỉ có thể phát hiện qua chụp dạ dày vì các triệu chứng hẹp dạ dày như nôn trớ, chướng bụng vừng thượng vị, tiếng óc ách lúc đói bụng và suy dinh dưỡng thường xuất hiện muộn. Ngoài ra các túi nhánh thực quản do sẹo hẹp co kéo làm cho ăn uống khó thêm. Trên cơ địa này thực quản cũng dễ bị ung thư hóa. Vì vậy bỏng thực quản nặng thường dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Để có sự đánh giá đúng các thương tổn phản căn cứ vào các thương tổn được phát hiện qua nội soi từ lần đầu.

            Đối với trẻ em nếu có các thương tổn bỏng ở vùng môi, miệng hoặc không có thương tổn rõ rệt cũng phải soi thực quản, thường dùng ống soi cứng và gây mê dãn cơ. Nếu nghi ngờ có bỏng đoạn ở dưới thực quản thì bổ sung soi ống mềm để kiểm tra cả dạ dày (ở trẻ em ít khi xảy ra tình huống này). Lúc soi cần thận trọng; nếu thấy thương tổn nặng và dễ chảy máu thì phải ngừng lại không nên đi quá vùng thương tổn. Soi thực quản càng sớm càng tốt ngay sau khi nuốt phải chất gây bỏng hoặc trong 24 giờ đầu sau khi xảy ra tai nạn.

            Đối với người lớn thời gian và chỉ định soi cũng như trên, dùng gây mê dãn cơ hoặc có thể phối hợp dùng ống soi mềm thực quản - dạ dày loại cỡ trung bình (gif P2 Olympus). Nếu bị bỏng nặng và bị choáng thì phải đợt sau 2 – 3 ngày, qua nội soi có thể xác định được độ lan rộng, vị trí cường độ các thương tổn, có thể phân làm 5 giai đoạn :

            Giai đoạn 0 : không có thương tổn.

            Giai đoạn I : thương tổn nông : ban đỏ, đốm, xuất huyết.

            Giai đoạn II : thương tổn trung gian : loét, chảy máu.

            Giai đoạn III : thương tổn sâu có hoaị tử.

            Giai đoạn IV : thương tổn coi như có thủng thực quản.

            Nếu bệnh nhân có biểu hiện khó thở thì khi soi thực quản cần kiểm tra luôn thanh khí quản. Ở giai đoạn đầu nếu chỉ căn cứ vào chụp thực quản có uống chất cản quang thì không giúp được gì cho chẩn đoán và tiên lượng một cách chính xác được.

            Hướng xử lý sau khi kiểm tra thương tổn như sau : nếu thực quản không bị bỏng hoặc bị bỏng nhẹ độ 1 thì cho bệnh nhân ăn uống bình thường, sau 1 tháng có thể cho chụp lại thực quản có uống chất cản quang để kiểm tra, không cần thiết soi thực quản.

            Nếu bị bỏng độ 2 độ 3 thì phải đặt xông thực quản để cho ăn nhưng xông này phải mềm mại và có khẩu độ thích hợp (người lớn số 24, trẻ em số 14 – 21 tương đương 7 – 8mm đường kính). Khi đặt xông phải thận trọng, qua ống soi hoặc nhờ X quang, tránh gây chấn thương. Sau đó cứ 15 ngày phải soi kiểm tra 1 lần, khi chọn khẩu độ xông thực quản thì dựa vào phim chụp thực quản cản quang. Khi đánh giá trạng thái niêm mạc thực quản thì dựa vào nội soi. Sự kiểm tra theo dõi này là cần thiết để phát hiện tiến trình sẹo hóa và định ra phác đồ điều trị sớm.

            Điều trị phải căn cứ vào giai đoạn phát triển bệnh và nhất là phải theo dõi diễn biến của bệnh qua từng giai đoạn, cần phải phát hiện sớm các biến chứng.

            Ở giai đoạn cấp tính bệnh nhân có thể tử vong do choáng nặng thứ phát sau viêm trung thất thủng thực quản; do viêm trung thất có mủ; do các tai biến soi thực quản. Việc săn sóc theo dõi bệnh nhân bỏng ở giai đoạn 1, chỉ cần kiểm tra bằng cách chụp thực quản có uống chất cản quang. Nếu bỏng giai đoạn 2 không hình thành vòng tròn thì cách 15 ngày phải soi thực quản 1 lần cho đến lúc thành sẹo (trung bình 30 – 45 ngày). Điều trị bỏng ở giai đoạn 3 phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc nội soi và tai mũi họng (15 ngày soi 1 lần). Mỗi lần soi kiểm tra cần thay luôn xông thực quản. Thời gian xơ sẹo bỏng giai đoạn 2 trung bình 60 – 80 ngày, bỏng giai đoạn 3 là 90 – 120 ngày. Các sẹo hẹp này thường rất chắc (đường kính dưới 8mm) và thường gặp ở đoạn miệng thực quản và đoạn 1/3 giữa của thực quản. Chất gây bỏng này hay gặp là axit nitric và xút. Việc phân chia giai đoạn 2 và 3 bằng nội soi đôi khi cũng gặp khó khăn, bỏng dạ dày thường kèm theo bỏng thực quản, nhưng vì thương tổn ở thực quản bé nên ống soi mềm không phát hiện được. Vì vậy đến tháng thứ 4 thường xuất hiện các triệu chứng của hẹp môn vị hoặc hẹp đoạn giữa dạ dày. Trường hợp này ở trẻ em ít gặp hơn ở người lớn do lượng chất bỏng nuốt vào ít. Chẩn đoán bệnh phải dựa vào chụp thực quản có uống cản quang để xác định trạng thái của thành thực quản và độ nhu động. Lòng thực quản thường cong queo không đều, kém mềm mại, còn dạ dày có hình ảnh mất các nếp nhăn, các sẹo chít hẹp các vết loét, tâm vị bị co kéo lên…

            Việc phòng bệnh bỏng thực quản đặt lên hàng đầu, kể cả trẻ em và người lớn. Theo thống kê của nhiều nước thì trẻ em bị bỏng thực quản nhiều nhất do uống nhầm các chất gây bỏng; ở Việt Nam thì hay gặp ở người lớn cũng do uống nhầm nhưng chủ yếu là do cố ý tự sát. Bởi vậy nơi sản xuất hóa chất…phải chú ý nhãn hiệu ghi đặc biệt hoặc ký hiệu độc hại; màu sắc phải khác với các loại vật dụng thông thường. Nơi phân phối hoặc bán các loại hóa chất trên phải có quầy riêng không được lẫn lộn với các loại thực phẩm ăn uống, các hoá chất trên phải cất giữ chổ kín đáo, riêng biệt không cho trẻ em sử dụng.

            Xử lý những trường hợp đã uống phải chất gây bỏng : đối với người uống phải chất gây bỏng phải điều trị cấp cứu, không rửa dạ dày hoặc tránh dùng các chất gây nôn vì gây nôn làm chất gây bỏng lại đi qua thực quản lần 2 càng làm bỏng thêm. Các chất trung tính cũng không có tác dụng gì vì hóa chất sau mấy giây là đã gây nên hoại tử niêm mạc.Vì vậy, nhiều thầy thuốc chủ trương dùng thuốc tím để có thể tháo thải hoặc trung hòa chất hyposunfit natri nếu dạ dày còn trống hoặc đặt viên thuốc tím qua ống soi, nếu dạ dày đã đầy thì có thể theo dõi diễn biến tiêu hóa qua X quang vùng bụng.

            Hồi sức người bị bỏng bằng cách dùng các thuốc trợ tim, giảm đau. Nếu thanh quản cũng bị bỏng và khó thở thì phải đặt ngay ống nội khí quản (bỏng do nước sôi, xút). Nếu bị choáng, trụy tim mạch, viêm trung thất, viêm màng bụng do bị thủng tự nhiên thì phải đặt ống nội khí quản, bóp bóng, truyền dịch…Việc hồi sức này chủ yếu là chuẩn bị cho phẫu thuật cấp cứu vùng ngực hay bụng, phải được thực hiện không nên trì hoãn. Các bệnh nhân trước khi tiến hành nội soi phải được truyền dịch. Soi kiểm tra không phải là 1 phẫu thuật cấp cứu. Nhiều thầy thuốc cho rằng cần tranh thủ soi càng sớm càng tốt trước khi thực quản bị viêm và nhiễm trùng. Thường soi trong vòng 48 giờ sau khi xảy ra tai nạn nhưng cũng có thể sau ngày thứ 3, thứ 4 nếu bệnh nhân bị choáng nặng, hôn mê.

            Kỹ thuật soi còn có nhiều ý kiến khác nhau. Một số cho rằng dùng ống soi cứng là thích hợp nhất, nó giúp ta phát hiện dễ dàng hơn các thương tổn ở phía cao vùng hạ họng thực quản và thấy rõ hơn nhờ các thấu kính phóng đại. Ngoài ra có thể tránh được các tai biến nếu phát hiện thấy thương tổn hình tròn hoặc quá nặng thì dừng lại, đồng thời qua ống soi cứng có thể đặt xông dạ dày, thực quản.

            Dùng ống soi mềm có ưu điểm là kiểm tra được cả thực quản và dạ dày, soi ống mềm ít nguy hiểm hơn nhưng khi đi qua miệng thực quản phải soi mò. Nếu bảo đảm an toàn thì đồng thời phải dùng ống soi họng (có kiểm tra luôn ống hạ họng) và thanh quản. Có trường hợp phải dùng cả 2 loại ống soi trên và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc nội soi tai mũi họng và nội soi tiêu hóa, nếu có nghi ngờ thương tổn rộng có thể lan xuống phía dạ dày.

            Sử dụng ống xông dạ dày trong trường hợp bỏng hình tròn, giai đoạn 2 để nuôi dưỡng bệnh nhân nhất là đối với trẻ em. Dùng ống xông giảm bớt lần truyền dịch, tránh mở thông dạ dày, đồng thời có tác dụng nong rộng lòng thực quản tránh sẹo hẹp cong queo, nham nhở. Đặt xông qua nội soi là an toàn nhất vì có gây mê dãn cơ  nên bệnh nhân không giãy dụa, thấy rõ được lòng thực quản. Trường hợp không dùng được ống nội soi (bị bỏng nặng không xuống sâu được) phải lần mò đưa vào từ từ, đúng trục của thực quản.

            Xông thực quản dạ dày không ngăn cản được quá trình xơ sẹo của thương tổn nhưng dù sao cũng có tác dụng làm cái khuôn cho tổ chức xơ sẹo, tạo thành 1 đường thẳng dọc, không cong queo, khúc khuỷu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nong thực quản sau này. Ngoài ra phải dùng các loại kháng sinh có kháng phổ rộng để hạn chế nhiễm trùng, dùng các loại thuốc làm giảm sản sinh fibrin, nhiều người chủ trương không dùng các loại corticoide cho rằng loại này rất nguy hiểm trong giai đoạn cấp tính và không có tác dụng để phòng sẹo hẹp.

            Đối với những trường hợp bị hoại tử nặng của thực quản và dạ dày, những trường hợp có biến chứng viêm trung thất, viêm màng bụng, chảy máu trong khi phẫu thuật cấp cứu, riêng những trường hợp đang bị sốc và nhiễm trùng thì phải cân nhắc kỹ càng. Có thể tiến hành phẫu thuật dẫn lưu vùng cổ, trung thất, màng phổi hoặc tùy tình hình cụ thể mà mở khí quản, mở thông dạ dày để giải quyết tạm thời các biến chứng. Sau phẫu thuật cắt bỏ, chỉnh hình thực quản, để lấy bỏ mô hoại tử không còn khả năng phục hồi nữa.

            Săn sóc, theo dõi và điều trị bỏng thực quản ở giai đoạn xơ sẹo dựa vào 1 số tiêu chuẩn đánh giá mức độ xơ sẹo như thương tổn rộng, hình tròn, giai đoạn 2 hình tròn và giai đoạn 3. Các thương tổn nhẹ có thể tạo thành xơ sẹo thực quản không thấy được, vì vậy việc theo dõi ở giai đoạn xơ sẹo rất quan trọng, bao gồm diễn biến về lâm sàng, X quang và nội soi.

            Xông dạ dày phải tiến hành trong 1 thời gian dài 30 – 45 ngày hoặc 3 tháng khi giai đoạn xơ sẹo đã hoàn tất. Thay xông và kiểm tra nội soi thường 15 ngày/lần. Việc đặt xông dạ dày không rút ngắn được thời gian xơ sẹo của thương tổn niêm mạc, thời gian trung bình là 70 ngày, không đặt xông thì 60 ngày. Việc theo dõi lâm sàng rất quan trọng đối với các thương tổn nặng : triệu chứng nuốt khó chất đặc, chất sền sệt, chất lỏng, vị trí nuốt khó ở cao hay thấp…Đối với trẻ em thì phải chú ý tới toàn trạng, dấu hiệu sút cân để kịp thời xử lý. Nếu có dấu hiệu có cảm giác thức ăn bị mắc chẹn lại, bị đau bệnh nhân gầy sút nhanh thì cần kiểm tra lại thực quản, có thể là 1 sẹo hẹp đang hình thành. Thương tổn sâu đến lớp cơ thì sẹo hẹp sẽ xuất hiện rất nhanh sau khi rút xông thực quản các thương tổn trung bình thì sẹo hẹp tiến triển chậm, các triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện muộn sau nhiều tuần, nhiều tháng thậm chí nhiều năm. Ngoài triệu chứng lâm sàng có thể theo dõi qua chụp thực quản có uống chất cản quang và nội soi.

            Điều trị hẹp thực quản bằng các biện pháp nong thực quản, cần nong sớm khi phát hiện được chỗ sẹo hẹp, dùng các ống bằng gôm với đường kính khác nhau tùy theo khẩu độ sẹo hẹp, các ống nong có thủy ngân các quả kim loại có buộc dây. Thời gian đầu mỗi tuần nong 2 lần sau đó giảm xuống 1 lần, còn đường kính ống nong (theo số thứ tự của Charrière) thì tăng dần mỗi lần tiếp theo một số. Trường hợp không nong được từ trên xuống dưới thì phải dùng phương pháp Von Acker nong ngược từ dưới lên trên với các ống nong kiểu Tucker. Thông thường bắt đầu nong khi trạng thái viêm thực quản đã ổn định. Khẩu độ của ống nong lúc bắt đầu thường bằng khẩu độ của xông thực quản hoặc bé hơn một ít sau tăng dần, ống nong thường để 30 phút. Khi rút ống nong ra cần xem kỹ có dính máu không để đề phòng thủng thực quản. Nếu nong từ dưới lên theo phương pháp Von Ackert thì phải mở thông dạ dày, phương pháp này cũng ít được sử dụng, phần lớn dùng loại nong thủy ngân để bệnh nhân tự nuốt dần dần, phương pháp nong phải kiên trì, liên tục…

            Điều trị bằng phẫu thuật chỉnh hình thay thế thực quản khi các phương pháp điều trị trên không mang lại kết quả. Phẫu thuật này thường tiến hành ít nhất 6 – 12 tháng sau khi xảy ra tai nạn và thuộc phạm vi khoa ngoại tiêu hóa hay ngoại lồng ngực

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình