Theo nghiên cứu của Giáo sư, tiến sĩ Hà Văn Ngạc:
Các bệnh đại tràng chức năng là những hội chứng có gối loạn chức năng đại tràng mà không tìm thấy một thương tổn thực thể nào như viêm, loét, u, vv. Do đó thường bị chuẩn đoán nhầm với viêm đại tràng mạn tính. Các chức năng đại tràng có thể biểu hiện như sau:
Rối loạn vận động: như động ruột thay đổi, chuyển vận thay đổi co thắt gây đau bụng.
Rối loạn hấp thu và tiết dịch: phân lỏng, nát, khô cứng, tăng tiết nhày.
Rối loạn phát triển vi khuẩn: tăng lên men, tăng thối rữa.
Các rối loạn này đều giống như bị thương tổn thực thể ở đại tràng, vì vậy phân biệt rất khó, thường chuẩn đoán phải rất công phu, loại trừ hết các loại bệnh có gây thương tổn đại tràng, cuối cùng mới nghĩ đến bệnh đại tràng chức năng.
Các bệnh đại tràng chức năng được chia ra hai nhóm: nhóm có nguyên nhân gọi là bệnh đại tràng chức năng thứ phát; nhóm không có nguyên nhân gọi là bệnh đại tràng chức năng nguyên phát.
Giải phẫu và sinh lí
Đại tràng được chia ra hai đoạn có chức năng tiêu hóa rõ ràng. Đoạn bên phải (đoạn gần) gồm có đại tràng lên và 1/3 bên phải của đại tràng ngang có giới hạn từ van Bauhin đến cơ vòng Cannon và Boehm.
Đoạn bên trái (đoạn xa) gồm có phần đại tràng ngang còn lại là toàn bộ đại tràng xuống. Giữa đại tràng xuống và sigma tràng có cơ vòng Moutier.
Nhờ có các cơ vòng mà đoạn bên phải giữ thức ăn lại, các nhu động và phản nhu động tạo điều kiện cho sự tái hấp thu được triệt để còn ở đoạn xa nhờ cơ vòng Moutier mà phân được tống xuống từng đợt gom lại xuống dần trực tràng, tạo điều kiện cho phản xạ buồn đại tiện tiếp theo.
Khi dưỡng chất từ ruột non đi vào manh tràng, 98% nước được hấp thu cùng với các chất điện giải, các chất hòa tan. Một lượng lớn tinh bột và chủ yếu là xenlulozơ chưa được tiêu hóa nhờ các vi khuẩn ưa axit dùng men xenlulaza của chúng phân hủy xenlulozơ bằng hiện tượng lên men chuyển ra glucozơ để hấp thu.
Khi đến đoạn bên trái, hầu như mọi thành phần của thức ăn đã được tiêu hóa, còn lại chất bã trong đó có một số sợi cơ chưa tiêu hết, mucoprotein từ thành ruột tiết ra sẽ được các vi khuẩn phân hủy gây ra hiện tượng thối rữa và cuối cùng hình thành phân để xuống sigma tràng, từng đợt rơi vào trực tràng để gây phản xạ buồn đại tiện.
Về phương diện sinh lí, các hiện tượng trên bị 3 cơ chế tác động: vận động của đại tràng (thông qua hoạt động của thần kinh và cơ); hoạt động của men và vi khuẩn trong lòng đại tràng phối hợp với hiện tượng xuất tiết và hấp thu của thành đại tràng; hiện tượng tống phân ra ngoài.
Hai cơ chế đầu hoạt động đồng thời và phụ thuộc vào nhau, còn cơ chế thứ 3 hoạt động độc lập.
Hệ thống thần kinh của đại tràng chưa xác định được hoàn toàn nhưng có thể chia ra 2 phần: Phần nội tại gồm có những đám rối dưới – niêm mạc Meissner và đám rối dưới – thanh mạc Auerbach có các thớ ken chặt với các thớ cơ, ở các cơ vòng thì dầy đặc tựa như những trung tâm thần kinh trong vách địa tràng chi huy vận động. Phần ngoại lai có các thớ thần kinh phó giao cảm (từ dây X) bên phải và các đôi cùng (S1, S2, S3, S4 vùng chậu) và các thớ giao cảm (từ các dây dương lớn và bé). Phó giao cảm kích thích vận đông của đại tràng, còn giao cảm ức chế. Đối với cơ vòng, phó giao cảm kích thích làm mở cơ vòng, giao cảm bị kích thích làm cho cơ vòng thít. Như vậy khi phó giao cảm khi phó giao cảm bị kích thích thì nhu động ruột tăng, cơ vòng mở ra. Giao cảm bị kích thích thì nhu động ruột giảm, cơ vòng thắt lại.
Bệnh đại tràng chức năng thứ phát
Nhiều nguyên nhân ở ngoài khu vực đại tràng gây ra những rối loạn chức năng như đi lỏng, táo bón, đau bụng, đầy hơi. Nếu điều trị loại trừ được các nguyên nhân đó các rối loạn sẽ mất đi, đại tràng trở lại hoạt động bình thường. Có thể do bệnh đường ruột ngoài đại tràng; do thần kinh; do bệnh về chuyển hóa, nội tiết; do thuốc men; do độc tố.
Bệnh đường ruột ngoài đại tràng do ăn uống, do dạ dày, do bệnh gan, bệnh tụy.
Ăn nhiều, uống nhiều (ở người béo) thường bị đi lỏng.
Ăn không đủ chất, thức ăn quá tinh, thiếu chất sơ; ăn các chất chát; hoặc ăn uống không đủ nước nên bị táo bón. Ăn nhiều gia vị, uống nhiều rượu dễ bị đi lỏng.
Cắt đoạn dạ dày làm thức ăn ưu trương xuống thẳng hỗng tràng, nước được kéo ra để lặp lại cân bằng thẩm thấu. Dịch thức ăn bị loãng ra xuống đại tràng nhanh hơn, chưa được các men ruột tiếp xúc đầy đủ nên còn nhiều thành phần chưa được tiêu hóa. Vì vậy niêm mạc đại tràng bị kích thích, tăng nhu đông và đi lỏng.
Dạ dày vô toan, thiếu axít xuống tá tràng, dịch tá tràng không kích thích sản xuất colexystokinin, secretin, pancreozym làm túi mật giảm co bóp, tụy giảm tiết, vi khuẩn có điều kiện phát triển ở hỗng và hồi tràng. Một số vi khuẩn làm cho muối mật không liên hợp được cho nên mỡ khó tiêu hóa gây ra ỉa chảy mỡ. Dạ dày giảm tiết trong viêm teo niêm mạc, trong bệnh Biermer cũng có thể bị đi lỏng nhưng với mực độ ít hơn.
Dạ dày tăng toan như trong hội chứng Zollinger – Ellision gây đi lỏng do niêm mạc ruột non bị kích thích và một số men không hoạt động được như lipaza cho nên có ỉa chảy phân mỡ.
Bệnh gan: vàng da ứ mật có thể bị đi lỏng, phân có mỡ (chủ yếu axit béo và xà phòng) do thiếu muối mật, ngoài ra còn phát triển quá mức hiện tượng lên men và thối rữa. Cắt bỏ túi mật làm cho mật và gan luôn luôn tiết ra đi thẳng vào ruột tá tràng và gây đi lỏng, nhất là sau mỗi bữa ăn đi lỏng phản xạ.
Viêm tụy mạn có thiếu năng ngoại tiết, thiếu men tụy gây ỉa phân mỡ và có sợi cơ chưa tiêu. Mỡ chủ yếu thuộc loại mỡ trung tính, trên 5g/100g phân.
Hội chứng Verner Morriaon còn gọi là bệnh tả tụy do u ở tụy sản xuất ra VIP (vasoactive intestinal peptide) kích thích sự tổng hợp AMP vòng, làm cho toàn bộ niêm mạc ruột non xuất tiết, lượng nước – chất điện giải ở đoạn cuối ruột non tăng lên, bệnh nhân bị đi lỏng mất nước, hạ kali máu và có trạng thái nhiễm toan.
Bệnh ruột non: Ứ trệ thức ăn trong ruột non gây ra loạn khẩu ở hỗng – hồi tràng, làm rối loạn hấp thu, đặc biệt là mỡ; thức ăn chưa tiêu hết kích thích niêm mạc đại tràng, đồng thời phát triển hiện tượng lên men và thối rữa.
Thiếu men ở ruột non thường là thiếu disacaridaza trong đó hay gặp là lactaza. Trẻ em bị bệnh bẩm sinh và đi lỏng xuất hiện sớm; người lớn bị bệnh thứ phát sau một bệnh viêm đường ruột. Triệu chứng lâm sàng : Ăn sữa vào là đi lỏng vì lactozơ không thể phân hủy thành glucozơ làm cho áp lực thẩm thấu của dịch ruột trở nên cao, phải kéo thêm nước để lập lại cân bằng thẩm thấu. Vì vậy dưỡng chất tăng nước xuống đại tràng, lactozơ làm vi khuẩn ưa axit phát triển, tăng hiện tượng lên men đồng thời kích thích niêm mạc đại tràng tăng nhu động và đi lỏng.
Bệnh đại tràng chức năng thứ phát do thần kinh thường gặp ở phụ nữ có kinh bị đi lỏng 1 – 2 ngày (do oestradiol trong máu hạ). Hoặc ở những người bị các bệnh tuyến tiền liệt, túi tinh, niệu đạo, nhiễm khuẩn đường tiết niệu (mót đại tiện và đi lỏng); bị chấn thương cột sống, liệt, bán liệt, bị bệnh tâm thần kinh.
Bệnh đại tràng chức năng do chuyển hóa nội tiết có thể do cường tuyến giáp, nhược năng tuyến giáp, đái tháo đường.
Cường tuyến giáp làm tăng chuyển vận ruột và đi lỏng. Thức ăn đi nhanh xuống đại tràng, đại tràng tăng co bóp. Bị đi lỏng 3-5 lần trong ngày từng đợt, không bị ảnh hưởng bởi thuốc và chế độ thức ăn.
Nhược năng tuyến giáp có thể gây táo bón dai dẳng không bị ảnh hưởng bởi thuốc nhuận tràng. Có khi liệt ruộc do giảm trương lực.
Bệnh đại tràng chức năng do đái tháo đường ở người 20-40 tuổi bị đái tháo đường lâu ngày, bị đi lỏng nhiều nước, mót đi đại tiện ngay, thường về đêm. Có đỡ từng thời kỳ. Có khi không kiềm chế được hậu môn. Phân có mỡ, nếu kèm theo triệu chứng hấp thu kém. Cũng có thể bị táo bón tiếp sau một đợt đi lỏng.
Bệnh gut gây đi lỏng do tăng axit uric trong máu.
Bệnh đại tràng chức năng thứ phát có thể do thuốc gây ra
Kháng sinh: dùng kháng sinh loại có phổ rộng (cycline và dẫn chất, colistine, néomycine, vv.) lâu ngày. Nếu bị nhẹ thì đi lỏng, đầy hơi trướng bụng, thường say ra sau khi dùng thuốc 12-72 giờ. Có trường hợp bị bệnh sau vài ngày đã ngừng thuốc. Phân nhão, màu hơi xanh nhiều nhày, dính và ít thối. Nếu
ở trạng thái bán cấp thì đi lỏng thật sự, chảy máu, sốt, soi sigma tràng có bị loét: dấu hiệu của viêm đại tràng do kháng sinh kích thích niêm mạc. Cấy phân có triệu chứng của loạn khuẩn.
Thuốc sát khuẩn ruột như các dẫn chất của nitrofuran, quinoleic, hoặc dùng nhiều loại thuốc sát khuẩn với nhau; thuốc nhuận tràng như magie sunfatdùng lâu ngày, mật bò, phenolphtalein có thể gây tắc ruột cấp do liệt ruột hay xoắn ruột. Thường bị đi lỏng kèm rối loạn điện giải, mất nhiều kali (bị thải theo phân) gây liệt ruột.
Các hóa chất khác như streptomicine, corticoide, thuốc chống gián phân trong chống ung thư có thể gây đi lỏng. Các loại thuốc an thần, chống trầm cảm gây táo bón có thể bị liệt ruột. Dùng lâu có thể làm thay đổi cơ học thành ruột gây ra triệu chứng đại tràng dài và to. Các thuốc chống bệnh Parkinson cũng có thể gây ra táo bón vì tác động lên nhu động và trương lực cơ ruột.
Ngoài ra nhiễm độc các muối vàng, thủy ngân có thể gây đi lỏng. Urê máu tăng cũng gây đi lỏng, có khi xuất huyết tiêu hóa.
Bệnh đại tràng chức năng nguyên phát
Trái với bệnh đại tràng chức năng thứ phát, khpông tìm thấy nguyên nhân thực thể. Chuẩn đoán rất khó vì phải loại trừ nhiều bệnh có thương tổn đại tràng. Điều trị chỉ là triệu chứng.
Hội chứng đại tràng dễ kích thích (còn gọi là hội chứng ruột dễ kích thích) chưa rõ căn nguyên, trước đây có nhiều tên gọi khác nhau: viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng mạn, rối loạn thần kinh đại tràng, bệnh đại tràng chức năng mạn, viêm đại tràng nhầy, viêm đại tràng đơn thuần, đi lỏng xúc động, đại tràng không ổn định. Hiện nay nhiều người gọi là hội chứng đại tràng dễ kích thích (hội chứng ruột dễ kích thích).
Các triệu chứng đặc biệt như đau bụng và đại tiện bất thường trong bệnh đại tràng chức năng nguyên phát là do thay đổi trương lực cơ ở thành đại tràng . Căng bụng cảm giác co kéo do hơi , co rút cơ thành ruột do co thắt là những cảm giác khó chịu được truyền theo các sợi giao cảm đến các trạm trung tâm ở não trung gian rồi đến vùng cảm giác của vỏ não. Căng bùng và co thắt có thể khống chế được bằng các thuốc chống co thắt.
Trương lực cơ thành đại tràng được hệ thần kinh tự điều khiển bằng hệ phó giao cảm kích thích và giao cảm ức chế. Gần đây người ta biết được vai trò của hocmon có hoạt tính đối với dạ dày, ruột, ví dụ gastrin được tiết ra khi ăn làm tăng phản xạ dạ dày, ruột nhất là ở những người bị chứng đại tràng dễ kích thích; colexystokinin cũng gây kích thích sau bữa ăn. Glucagon ngược lại, ức chế mạnh, secretin làm giảm năng lực vận động của ruột trong khi đó prostaglandin lại làm tăng vận động ruột và có thể gây ra đi lỏng. Tuy nhiên vấn đề cũng đang còn phải nghiên cứu thêm.
Các phương pháp ghi điện cơ ruột kéo dài cho thấy trong bệnh đại tràng chức năng nhịp điện cơ sở của thành ruột bị rối loạn, các hoạt động của sống chậm tăng lên và vận đông của sigma tràng bị giảm đi. Do đó những khối phân nhỏ thường xuyên đi xuống trực tràng, ở người bình thường, khi khối phân xuông, không gây ra cảm giác gì nhưng bị bệnh đại tràng chức năng, bệnh nhân có cảm giác buồn đại tiện. Nếu đại tiện được (áp lực cơ sở thấp) thì cho là đi lỏng, nếu không đi được (áp lực cơ sở cao) thì cho là táo.
Rối loạn sinh lý bệnh cơ bản của hội chứng đại tràng dễ kích thích là rối loạn vận động của ruột. Khi táo bón và đau bụng, vận động ruột lúc nghỉ tăng lên, ngược lại khi bị đi lỏng, ruột giảm vận động. ở cả hai nhóm này vận động ruột, đại tràng tăng lên sau khi tiêm colexystokinin, pentagastrin hoặc sau khi bị stress về tâm lý.
Đường ghi theo dõi sigma tràng.
a- Ở người bị chứng đại tràng co thắt, lúc nghỉ, có nhiều sóng nhọn bất thường;
b- Ở người bị đi lỏng chức năng lúc nghỉ, các sóng lăn tăn biểu hiện giảm trương lực;
c- Ở bệnh nhân lúc bị xúc động hoặc bị kích thích (bởi thức ăn, thuốc néostigmine) trương lực tăng, có nhiều sóng cao bất thường.
Hoạt động của ống tiêu hóa phụ thuộc vào các phản xạ thần kinh ruột bị kích thích bởi sự hoạt hóa các rexeptơ nằm trong biểu mô hay trong cơ trơn, vận chuyển nước và chất điện giải và vận mạch. Trong khi bị rối loạn chức năng ruột, tính hoạt động của phản xạ tăng lên làm cho ống tiêu hóa bị tăng phản ứng với chất dịch chứa trong lòng nó. Nguyên nhân tại sao chưa biết rõ. Ống tiêu hóa có thể tăng mẫn cảm với các kích thích bất thường như muối mật vào quá nhiều trong đại tràng làm tăng tiết và tăng vận động đại tràng, các thương tổn tiểu mô do nhiểm khẩn. . Muối mật hay độc tố có thể làm tăng tính thắm của niêm mạc, làm cho các protein của thức ăn hay của vi khuẩn dễ thấm, do đo người ta có thể cắt nghĩa mối liên quan giữa giai đoạn ban đầu các rối loạn chức năng ruột với niêm mạc dạ dày – ruột cấp tính cũng như sự tăng mẫn cảm với một số thức ăn nào đó thường gặp ở một số bệnh nhân. Đối với người rối loạn chức năng, nếu ăn uống nhiều đường thì axit hữu cơ tăng và bị đi lỏng. Trong rối loạn chức năng đại tràng, xuất tiết nhiều nhày hơn bình thường, vì vậy đã có tên gọi là viêm đại tràng nhày hoặc viêm đại tràng nhày do vi khuẩn.
Nguyên nhân tăng cảm của đại tràng dễ kích thích chưa biết rõ, chúng thay đổi tùy từng người và tùy từng lúc. Đối với tạng người có hệ thần kinh và thần kinh ruột nhạy cảm thì ruột phản ứng tùy theo tính chất lí, hóa của thức ăn. Ruột phản ứng lại một số yếu tố dịch thể và ngược lại gastrin, secretin colexystokinin, glucagon được thức ăn về lượng cũng như về chất kích thích lại. Đối với người có ruột dễ kích thích, phản xạ dạ dày ruột tăng lên để đáp ứng lại với ăn uống, tăng trương lực cơ( bao gồm cả tăng nhu động) và buồn đại tiện sau khi ăn.
Chế độ ăn nhiều xơ có thể tác động rõ ràng lên tính hoạt động của thành ruột. Ăn tinh càng ít chất xơ thì sự chuyển vận càng chậm và phân càng ít. Ngược lại ăn càng nhiều chất xơ thì chuyển vận càng nhanh hơn và lượng phân càng nhiều.
ĂN nhiều hyđrat cacbon và axit béo chuỗi dài có thể bị phản ứng đi lỏng thẩm thấu và góp phần vào triệu chứng của đại tràng dễ kích thích.
Một số thức ăn và thuốc có thể tăng kích thích đại tràng: cafeine, propranolol, guanéthidine, thuốc hạ huyết áp nhất là guanéthidine, hydralazine, résepine.
Yếu tố thần kinh như trạng thái dễ kích xúc cảm, lo lắng, các stress tâm lí làm nặng thêm triệu chứng của đại tràng dễ kích thích. Các yếu tố khác như ị ứng thức ăn, nhiễm khuẩn, kích thích bất thường của đại tràng là những yếu tố chưa được chứng minh đầy đủ.
Hình ảnh lâm sàng hội chứng đại tràng dễ kích thích ở bệnh nhân đến bệnh viện thường có tiền sử là đã mổ bụng (do viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, viêm phần phụ, tử cung, vết thương thấu bụng), đã bị nhiễm khuẩn (đi lỏng cấp do viêm dạ dày – ruột cấp tính, lị trực khuẩn, lị amip), bị viêm túi mật cũ, viêm dạ dày cấp; hoặc có trạng thái thần kinh dễ xúc động, hay lo lắng hoặc sinh hoạt khó khăn, thường bị kích động căng thẳng. Bệnh nhân có những rối loạn thần kinh thực vật, ra mồ hôi chân tay, nhức đầu, vv. Có 17-25% số bệnh nhân bị đại tràng dễ kích thích đến khám bệnh tiêu hóa, nữ nhiều hơn nam, độ tuổi trung bình là 40.
Triệu trứng thông thường là đau bụng, đại tiện bất thường, phân không thành khuôn. Các triệu chứng này thường đi kèm theo đầy hơi, trướng bụng, nổi cục cuộn ruột, sôi bụng, vv. Có người kèm đau đầu, buồn nôn, hồi hộp khó thở, đau ngực trái như đau tim.
Tùy theo các triệu chứng phối hợp với nhau mà người ta chia ra các thể bệnh sau đây: đi lỏng và đau bụng, táo bón và đau bụng, táo bón và đi lỏng xen kẽ nhau từng đợt.
Đi lỏng và đau bụng : Bệnh nhân thường đến với tình trạng cuộn ruột, đau bụng từng lúc, buồn đại tiện, đại tiện xong thì mới hết đau. Mỗi ngày đại tiện 3-4 lần, thường vào buổi sáng lúc ngủ dậy và sau khi ăn xong, ít đi vào buổi chiều, yên ổn về đêm. Vì bệnh nhân thường khó chịu về buổi sáng, trong ngày còn lại dễ chịu hơn. Phân lần đầu có thể đặc nhưng không thành khuôn, những lần sau phân lỏng, nhầy. Đa số trường hợp là phân nát (bệnh nhân thường gọi là phân sống) có khi còn một số thức ăn (rau) chưa tiêu, có khi phân lẫn nhầy mũi trong, không có máu, có khi nhầy đặc quánh thành dây dài bệnh nhân mô tả như ruột bị thoát ra. Trước mỗi lần đi đại tiện, có đau bụng, có khi buồn mót, có thể đau ở bất cứ chỗ nào dọc khung đại tràng nhưng hay ở hố chậu bên trái (vùng sigma tràng) hoặc ở hố chậu bên phải (vùng manh tràng). Nếu đại tiện được thì hết đau bụng và dễ chịu.
Thường đợt đi lỏng xảy ra sau khi thay đổi sinh hoạt, căng thẳng thần kinh, nhất là khi thay đổi chế độ ăn. Đa số bệnh nhân thấy xuất hiện đau bụng đi lỏng khoảng 2-4 giờ sau khi ăn cá, sữa (di lỏng sớm hơn), mỡ (mỡ rán, mỡ luột tùy người), thịt ôi hay thức ăn để nguội qua đêm nhưng không có biểu hiện triệu chứng dị ứng (ngứa, nổi mẫn, cơn hen,vv.). Trong khi đi lỏng, bệnh nhân ít cảm thấy mệt, có thể đầy hơi khó chịu. Một đợt đi lỏng kiểu này có độ 3-5 ngày, thường bệnh nhân biết điều chỉnh chế độ ăn của mình và đâu lại vào đấy, sinh hoạt bình thường trở lại. Có một số còn thấy hơi đầy bụng ít ngày, sau mới dễ chịu. Có một số trường hợp đi lỏng kéo dài mà không đau bụng.
Một số bệnh nhân bị đi lỏng 3-4 lần một ngày từng đợt trong nhiều tháng hay nhiều năm, tuy nhiên lượng phân hàng ngày không quá 300g. Thể trạng bệnh nhân ít thay đổi. Tuy vậy trạng thái thần kinh luôn lo lắng, sợ tái phát nên nhiều khi ăn uống kiêng kém quá mức, ảnh hưởng ít nhiều đến thể lực.
Đi lỏng có thể tăng lên khi bệnh nhân ở trạng thái xúc động, đang hành kinh, bị mỏi mệt, thay đổi chế độ ăn uống hoặc thuốc men.
Táo bón và đau bụng: Bệnh nhân bị táo bón, trên 3 ngày đi đại tiện một lần hay 2 lần một tuần, phân khô ít và cứng. Đau bụng có thể làm cho bệnh nhân bị ngất. Tuy nhiên có thể bị táo bón như không đau bụng, thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là phụ nữ. Táo bón kéo dài hàng năm, làm cho bệnh nhân rất khó chịu, nhiều khi tự dùng thuốc nhuận tràng (magie sunfat) hay thụt táo bón thường xuyên.
Táo bón và đi lỏng xen nhau:
Bệnh nhân bị từng đợt táo bón tiếp với một đợt đi lỏng, cứ như thế nhiều tháng hay nhiều năm, thường ít gặp hơn hai thể trên. Không có một triệu chứng thực thể nào đặt trưng cho hội chứng đại tràng dễ kích thích. Bệnh diễn biến nhiều năm nhưng thể trạng bệnh nhân cũng như sinh hoạt vẫn tương đối bình thường. Bụng mềm có thể trương hơi. Khám dọc theo khung đại tràng có thể có chổ co thắt, nhất là vùng đại tràng xuống và sigma tràng bên trái; vùng manh tràng bên phải. Thăm khám trực tràng: có phản xạ co thắt mạnh. Bóng trực tràng ở người bình thường thì trống rỗng, nhưng ở đây thường có phân.
Soi trực-sigma tràng là cách khám xét cơ bản trong hội chứng đại tràng dễ kích thích. Niêm mạc bình thường, mềm mại và trơn bóng, thường có nhiều nhầy trong. Đẩy ống soi vào thường chạm phải co thắt, khó đi qua vùng góc trực-sigma tràng.
Xét nghiệm: Không có triệu chứng nào đặc biệt, chỉ có thể giúp thầy thuốc tráng bỏ qua tình trạng thiếu máu, đái tháo đường tiềm tàng, hội chứng hấp thu kém không điển hình, đặc biệt quan trọng hơn cả là một ung thư kín đáo. Mặc dù đi lỏng nhưng không có rối loạn nước và điện giải.
X quang: không tìm thấy hình ảnh thương tổn hoặc cấu trúc bất thường trên các đoạn đại tràng. Có thể phát hiện được một chổ hay một vài đoạn đại tràng bi co thắt tên phim chụp khung đại tràng có thụt baryt. Đoạn sigma tràng và đại tràng xuống tăng mạnh cường tính như bị hẹp. Đoạn sigma tràng có hình răng cưa do các cơ vòng co thắt. Đoạn đại tràng ngang sâu và nhô lên cao. Nó chung trong hội chứng đại tràng dễ kích thích thường có hình ảnh tăng cường tính và co thắt từng vùng.
Cho ăn bữa ăn có baryt và theo dõi chuyển vận thuốc qua tiểu tràng có thể phát hiện thấy dấu hiệu ruột vận động không ổn định: tiểu tràng tăng cường tính, thuốc bị đẩy đi nhanh. Cũng vì trong hội chứng đại tràng dễ kích thích thường thấy có rối loạn chức năng tiểu tràng cho nên có nhiều tác giả gọi là bệnh chức năng tiểu-đại tràng hay rối loạn chức năng ruột.
Nội soi: Soi trực sigma tràng là biện pháp cơ bản, còn soi đại tràng ít khi dùng đến trừ khi muốn là rõ một số hình ảnh nghi ngờ trên X quang.
Chuẩn đoạn bệnh đại tràng chức năng
Chuẩn đoán bệnh đại tràng chức năng với các bệnh có thương tổn thực thể của đại tràng rất khó vì các biểu hiện lâm sàng có nhiều điểm giống nhau, cho nên phải tiến hành có hệ thống và đầy đủ để tìm các thương tổn thực thể như viêm, loét, u, polip, vv, chỉ chuẩn đoán bệnh đại tràng chức năng sau khi đã loại trừ đước các bệnh trên. Chuẩn đoán bệnh đại tràng chức năng thức phát thường ít khó khăn hơn chuẩn đoán bệnh đại tràng chức năng nguyên phát.
Đối với bệnh đại tràng chức năng thứ phát thì nguyên nhân là do ăn uống, do hậu quả sau phẩu thuật (cắt đoạn dạ dày, cắt gan, túi mật, cắt đoạn ruột, vv.), bệnh nội tiết, bệnh thần kinh tam thần. một số trường hợp phải cần đến xét nghiệm như hội chứng hấp thu kém.
Đối với bệnh đại tràng chức năng nguyên phát thì nguyên nhân là do hội chứng đại tràng dễ kích thích.
Bệnh nhân đa số là nữ, có trạng thái thần kinh không ổn định, dễ bị cảm xúc, hay lo lắng, có nhiều chấn thương thần kinh, stress m tâm lí hoặc đã có tiền sử phẩu thuật bụng (ruột thừa, viêm màng bụng, Cắt túi mật, mổ đẻ, chửa ngoài dạ con, vv) hoặc có tiền sử viêm dạ dày- ruột cấp tính.
Bị đi lỏng hoặc táo lỏng xen nhau từng đợt, có phối hợp với triệu chứng đau bụng, kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Thể trạng ít bị ảnh hưởng, sinh hoạt vẫn bình thường.
Khám thực thể: đau mo hồ hai bên hố chậu, dọc khung đại tràng có chổ bị co thắt.
Xét nghiệm không có triệu chứng gì đặc biệt, soi sigma tràng bình thường không có viêm loét đặc hiệu, chổ nối sigma trực tràng có thể bị co thắt, cho ống soi lên cáo hơn: khó khăn. Chụp khung đại tràng có baryt không có thương tổn loét, viêm, polip, vv, nhưng có vài chổ bị co thắt, đặc biệt là vùng đại tràng xuống, sigma tràng, vùng manh tràng, dùng thuốc chống co thắt thì các chỗ đó mất đi.
Cần chuẩn đoán phân biệt hội chứng đại tràng dễ kích thích với các hội chứng sau đây.
Thiếu men lactaza thứ phát: thực tế rất khó phân biệt vì về triệu chứng rất giống với hội chứng đại tràng dễ kích thích, hơn phân nữa thiếu men lactaza thứ phát có thể phối hợp với hội chứng đại tràng dễ kích thích, thường thiếu lactaza thứ phát xảy ra với người lớn sau khi bị viêm dạ dày-ruột cấp tính (lị trực khuẩn, lị amip, nhiễm độc, nhiểm trùng thức ăn) đã khỏi. Bệnh nhân ăn sữa vào đầy bụng, đi lõng đau bụng. Nếu không tiếp tục dùng sữa thì vài ngày hết đi lỏng. Lần sau nếu ăn sữa lại bị như lần trước.
Thể mạn tính của lị amip cấp hoặc không điển hình bị bỏ sót hoặc điều trị không chu đáo. Bệnh nhân đau âm ỉ hoặc đau bụng từng cơn. Đi lỏng kéo dài, thường hay về buổi sáng 2-3 lần trong ngày. Có trường táo bón một đợt rồi lại đi lỏng một đợt xen kẻ. Thường có kèm theo triệu chứng suy nhược cơ thể, mệt mỏi kéo dài. Chuẩn đoán dựa vào thử phân nhiều lầntìm amip và kén amip. Nội soi để phát hiện ổ loét hoặc sẹo của ổ loét cũ và lấy bệnh phẩm tìm amip. Thể mãn tính của lị trực khuẩn: Tiếp sau một giai đoạn cấp tính bị bỏ qua hoặc điều trị không chu đáo, bệnh nhân bị đi lỏng nhiều tuần, nhiều tháng, rối loãn điện giải, suy kiệt dần. Hoặc đo lỏng tái phát từng đợt. Có giai đoạn đi lỏng tiếp theo là là giai đoạn táo bón, có thời kì như bình thường tái đi tái lại nhiều lấn. Để chuẩn đoán phải cấy phân nhiều lần, làm nội soi.
Rối loạn lên men đại tràng: Khi ăn nhiều hydrat cacbon, bệnh nhân thường đi lỏng, đầy hơi trướng bụng và đau bụng ở hố chậu bên phải. Người ta cho là bị loạn khuẩn trong đại tràng lên, một số vi khuẩn chiếm ưu thế tăng sản xuất có chọn lọc một số axit hữu cơ, các axit này đã kích thích ruột tăng tiết và tăng vận đông gây ra đi lỏng. Xét nghiệm phân: pH thấp, có nhiều axit hữu cơ.
Một số thương tổn khác ở đại tràng cần được chú ý là ung thư đại tràng, lao hồi manh tràng, viêm ruột thừa mạn tính, bệnh đường gan mật, bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng không đặc hiệu.
Điều trị bệnh đại tràng chức năng nguyên phát là một chứng mạn tính nên không thể khỏi hoàn toàn. Bệnh không dẫn đến viêm, loét, ung thư. Bệnh có liên quan chặc chẽ đến trạng thái tâm lí thần kinh, bởi vậy điều trị phụ thuộc vào mức độ các trạng thái đó.
Đối với bệnh đại tràng chức năng thứ phát, điều trị nguyên nhân của bệnh là chủ yếu. Chế độ ăn uống cần được điều chỉnh phù hợp với nguyên nhân. Điều trị rối loạn chức năng giống điều trị hội chứng đại tràng dễ kích thích. Đối với hội chứng đại tràng dễ kích thích chế độ ăn rất quan trọng, nhiều bệnh nhân đã tự điều chỉnh được thức ăn và tránh được các rối loạn trong thời gian dài. Không nên uống lượng nước quá nhiều khi dễ đi lỏng, nhưng cần uống nhiều nước khi táo bón. Không uống rượu, bia, nước chanh, rượu mùi tanin. Nước hoa quả có thể gây đi lỏng, nhất là đi lỏng do lên men. Không uống càphê và chè đặc, chè tuy không kích thích niêm mạc nhưng lại ảnh hưởng đến nhu động ruột. Sữa uống được tùy từng người, nhiều người hợp với sữa chua đã lấy hết kem.
Tránh ăn nhiều gia vị, cay, chua khi táo bón, ăn nhiều rau, hoa quả thích hợp, nếu bị đi lỏng thì cần giảm. Thịt lợn, cá béo, nếu đại tràng có quá trình thối rữa mạnh thì giảm bớt. Các loại trứng (lòng đỏ), kem, nước canh thịt, vv, làm tăng vận động túi mật, không nên ăn.
Có thể dùng các thuốc sau đây để chống táo bón, đi lỏng, đau bụng và một số triệu chứng khác như đầy hơi, trạng thái lo lắng.
Chống đi lỏng:
Codeine 10-40mg/ngày, các dẫn chất thuốc phiện khác.
Diphenoxylate (reasec, diarsed, lomotil) 10-20mg/ngày.
Loperamide (imodium) 6-10mg/ngày.
Khi dùng các thuốc trên, nếu đã hết đi lỏng thì không nên dùngtiếp vì sẽ gây táo bón. Không được dùng trong trường hợp nghi bán tắc ruột.
Actapulgit băng niêm mạc làm giảm kích thích ngày uống 2-3 gói chia ra sáng, chiều, tối.
Chống táo bón:
Ăn tăng chất sơ, chất nhầy (rau mồng tơi, rau dền, rau đay, rau sam). Uống đủ nước cho hàng ngày.
Cám thô: 20g/ngày chia ra nhiều lần trong 6 tuần; các biệt dược fibrate, proctofibe liều lượng như cám thô.
Bismut liều cao: 20g/ngày.
Mucipulgite 2-3 gói/ngày.
Socbitol: 6-10g/ngày.
Nếu có kèm thêm đại tràng dài và to, dùng dihydroergotamine 1-2 mg tiêm dưới da hay bắp thịt sau đó uống 4-6mg/ngày hoặc uống eserin 5mg/ngày.
Nếu táo bón do giảm trương lực: protigmin tiêm 0,5-1mg hoặc eserin 5mg uống phối hợp với muối kali 0,5-1g/24 giờ.
Nếu táo bón do khó đại tiện (đoạn thấp: trực tràng hậu môn): dùng đạn hậu môn (cógelati, glyxerin, bơ cacao); thụt nước muối ấm cho nhảy nhẹ; thụt giữ đầu.
Chống đau bụng:
Đau sau bữa ăn: belladone 10-20mg/ngày hoặc dicyclomin 10mg x 3 lần/ngày.
Đau mạn tính vì co thắt: belladone, papavérine, codeine kết hợpamitriptyline (elavil, triptyzol…) liều nhẹ nếu có trạng thái tâm thần kinh (như mất ngủ, lo lắng…).
Các triệu chứng khác:
Nhiều hơi: Than thảo mọc, Smecta….
Trạng thái lo lắng, thần kinh không ổn định: an thần nhẹ 9benzodiazépine, méprobamate…), chống trầm cảm (amitriptyline…). Lên men nhiều: nước vôi nhì (cacbonat canxi) 40-60ml/ngày.
Thối rữa: ganidan, intetrix…
Các biện pháp hỗ trợ khác:
Đi bộ nhanh trước khi đi đại tiện lúc bị táo bón. Đi lại nhiều hơn, tránh ngồi một chỗ nhiều giờ.
Tập thở bụng theo phép dưỡng sinh.
Tập cơ thành bụng, xoa day bụng theo chiều kim đồng hồ |