Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Y học Việt Nam
Tìm hiểu về bệnh giun lươn?

Theo nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Thị Minh Tâm:

Các bệnh giun đường ruột là những bệnh kí sinh trùng do một số loại giun tròn kí sinh trong ruột người gây ra. Nhóm giun này có chu kỳ đơn giản, không có vật chủ trung gian, có phương thức truyền bệnh khác nhau. Truyền bệnh bằng trứng qua đường miệng : giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (trichuris trichiura), giun kim (Enterobius vermicularis). Truyền bệnh cũng qua đường miệng như bằng đường ấu trùng: giun xoắn (Trichinelle spiralis). Truyền bệnh bằng ấu trùng chui qua da: giun móc (Ankylostoma duodenale và Necatoramericanus); giun lươn (Strongyloides stercoralis).

Bệnh giun lươn là do một loại giun tròn kí sinh ở ruột người có tên là Strongyloides stercoralis. Đó là một loại giun rất nhỏ, sinh sản theo phương thức trinh sản, kí sinh trong niêm mạc của tá tràng.

Bệnh giun lươn được biết từ năm 1876, do Normand phát hiện được ở một lính viễn chinh Pháp cư trú tại Miền Nam Việt Nam, bệnh nhân này có các rối loạn về tiêu hóa, ỉa chảy. Khi đó giun lươn được coi là tác nhân gây bệnh “ỉa chảy Nam Kỳ”. Sau này bệnh của giun lươn được xác định lại: bệnh “ỉa chảy Nam Kỳ” không phải do giun lươn mà đó chỉ là tình trạng viêm ruột sau lị, đôi khi có giun lươn phối hợp.

Giun lươn Strongyloides stercoralis (Hình 4) là một loại giun rất nhỏ, hình ống, chỉ kí sinh ở người và ở thể trinh sản. Giun cái trinh sản dài 2-3mm, giun trưởng thành ở giai đoạn tự do nhỏ hơn giun ở giai đoạn trinh sản, con cái tự do dài 1mm, co đực dài 0,7mm. Ấu trùng của giun lươn có 2 dạng: dạng (Rhabditoides) có 2 ụ phình thực quản, dài độ 250-300 mm sống ở trong phân. Dạng Strongyloides có một ụ phình thực quản (hay còn gọi là thực quản hình trụ) dài chừng 600-700 mm, đó là dạng gây nhiễm được và ở môi trường tự do. Giun lươn có phân bố rộng nhưng tỉ lệ nhiễm không cao. Nếu cường độ nhiễm đáng kể thì giun lươn có thể gây các rối loạn về tiêu hóa. Bệnh thường gậy ở các vùng nóng và ẩm trên thế giới: Trung và Nam Mỹ, quần đảo Angti, Châu phi nhiệt đới, thung lũng sông Nin, Mađagaxca, bán đảo Tây Ban Nha, Italia, Bancăng, Đông Nam Á. Ở Việt Nam theo điều tra của Galliard năm 1940, ở Miền Bắc Việt Nam có tỉ lệ nhiễm giun lươn 0,2-2,5% dân số. Trong những năm gần đây, theo điều tra cơ bản của Trường đại học y Hà Nội và của Viện sốt rét kí sinh trùng thấy tỉ lệ giun lươn dưới 1%.

Về chu kỳ sinh học, giun lươn có hai phương thức sinh sản: Sinh sản hữu tính ở đất và sinh sản trinh sản ở trong ruột non.

Sinh sản trinh sản ở trong ruột non: ấu trùng Strongyloides ở trên mật đất chui qua vào cơ thể khi chúng ta đi chân đất, lội bùn, lội nước. Ấu trùng theo đường máu lên tim phải rồi lên phổi. Ở đó chúng chuyển hướng bò lên các phế quản, khí quản tới ngã tư hô hấp-tiêu hóa; rồi theo đường tiêu háo xuống ruột non và cố định ở tá tràng để trở thành giun cái trinh sản. Khác với giun móc, giun lươn không ăn hồng cầu nên không gây thiếu máu. Giun cái trinh sản đẻ trứng, trứng này nở ngay sau khi đẻ để cho ra ấu trùng Rhabditoides. Ấu trùng này theo phân ra ngoài, nếu xét nghiệm phân sẽ có thể chuẩn đoán bệnh khi phát hiện ấu trùng này.

Giai đoạn ở ngoại cảnh-tùy theo điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, pH và thành phần cấu tạo của đất. Nếu gặp điều kiện thuận lợi (trên 200C, độ ẩm thích hợp) ấu trùng Rhabditoides sẽ thay vỏ lớn lên để trở thành giun trưởng thành giun trưởng thành đực và cái ở dạng tự do, có sinh sản hữu tính đẻ trứng, trứng này trở thành ấu trùng Rhabditoides thế hệ 2, ấu trùng này thay vỏ trở thành ấu trùng dạng Strongyloides gây nhiễm được, và chờ dịp nhiễm vào người (đây gọi là chu kỳ gián tiếp). Nếu gặp điều kiện không thuận lợi (nhiệt độ dưới 20oC, độ ẩm thiếu) ấu trùng Rhabditoides ở thế hệ 1 trong phân sẽ thay vỏ để trở thành ấu trùng Strongyloides có thể nhiễm ngay được (chu kỳ này được gọi là chu kỳ trực tiếp và rất ngắn).

Dù là chu kỳ trực tiếp hay gián tiếp, ấu trùng cũng nhiễm chủ yếu qua đường da giống giun móc, nhiễm qua đường tiêu hóa rất hiếm. Thời gian chui qua da mất khoản 3-5 phút, thời gian ở trong phổi 6-9 ngày và ấu trùng thường xuất hiện trong phân vào ngày thứ 21. Thời gian chuyển dạng ấu trùng Rhabditoides sang dạng ấu trùng Strongyloides gây nhiễm phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài và vào độ 3 – 5 ngày. Đời sống của ấu trùng không quá 18 ngày.

Như vậy giun lươn còn có một chu kỳ trực tiếp ngay trong cơ thể người: trùng Rhabditoides chuyển sang ấu trùng Strongyloides ngay trong lòng ruột hay quanh hậu môn gây tự nhiễm, không cần phải ra ngoài. Đây là một đặc điểm của giun lươn, điều này cũng nói lên tính dai dẳng của bệnh giun lươn (có thể kéo dài đến 30 năm).

Ở giai đoạn ấu trùng chui qua da và di chuyển trong cơ thể, các triệu chứng thường không rõ, nếu có thì cũng nhẹ hơn giun móc.

Ở giai đoạn giun lươn kí sinh ở ruột, triệu chứng chủ yếu là ở đường tiêu hóa: đau do viêm tá tràng, thường đau ở vùng thượng vị, ỉa chảy xen kẻ với táo bón, ỉa chảy phân có mỡ do rối loạn hấp thụ của ruột. Trong giai đoạn này đôi khi có ngứa và bị nổi mẫn, vv. Thông thường thì bệnh ở thể nhẹ nhưng dai dẳng, có thể thẩm lặng không có biểu hiện lâm sàng và chỉ phát hiện được khi thấy bạch cầu ái toan tăng cao. Tuy vậy cũng có trường hợp nhiễm nặng, giun có độc lực cao gây tử vong. Diễn biến ắc tính của bệnh giun lươn còn có thể do dùng thuốc gây giảm miễn dịch ở người mang giun một cách thầm lặng.

Người ta thường phát hiện giun lươn qua hiện tượng ỉa chảy kéo dài mà không rõ nguyên nhân, xét nghiệm máu thấy bạch cầu ái toan tăng cao lên tới 60% khi giun lươn ở giai đoạn ấu trùng xâm nhập và di chuyển trong cơ thể, 10-15% ở giai đoạn trưởng thành kí sinh ở ruột.

Các phản ứng huyết thanh miễn dịch ít đặc hiệu vì có nhiều phản ứng chéo với các loại giun khác.

Xét nghiệm phân cho kết quả chính xác nếu phát hiện thấy ấu trùng giun lươn trong phân mới bài tiết ra.

Thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh giun lươn hiện nay là tiabendazole (mintezol) với lượng 25mg/kg/ngày dùng trong 3 ngày liên tiếp, hoặc uống một liều duy nhất 50mg/trong lượng cơ thể, 3 tuần sau có thể uống thêm một đợt như trên.

Do phương thức nhiễm giun lươn giống với nhiễm giun móc nên cách phòng bệnh cũng giống như phòng bệnh giun móc. Có trường hợp nhiễm phối hợp 2 loại giun trên một cơ thể bệnh nhân.

 

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình