Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Y học Việt Nam
Tìm hiểu về các chất bảo thọ?

Theo nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành:

Thuật ngữ “chất bảo thọ” (geroprotectors) được đề xuất từ năm 1975 trong quá trình xây dựng chương trình tăng tuổi thọ của Viện tích tuổi học thuộc Viện hàn lâm y học Liên Xô trước đây. Mục tiêu thứ 3 của chương trình này là nghiện cứu, sáng tạo những phương pháp điều trị có tác dụng củng cố sức khoẻ, tối ưu hoạt động của những hệ có vị trí quyết định nhất đối với quá trình tích tuổi như : hệ thần kinh, hệ nội tiết, hệ miễn nhiễm, các hệ men, các hoạt động sinh tổng hợp protein trong cơ thể… trên cơ sở đó tăng tuổi thọ của con người. Theo quan niệm tích tuổi học hiện đại, chất bảo thọ mới hoàn toàn không liên quan với các “thuốc trường sinh” “cãi lão hoàn đồng”.

Tích tuổi là quá trình sinh học phức tạp của một cơ thể tích cực tự điều chỉnh và thích nghi với những thay đổi điều kiện môi trường sống trong thời gian. Tuổi thọ là kết quả cuối cùng của quá trình tích tuổi, quá trình diễn biến từ nhiều điểm xuất phát theo nhiều cơ chế và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố : yếu tố di truyền, sự thừa kế bẩm sinh, yếu tố môi trường, hoạt động tự giác, tích cực của con người. Con người sau khi ra đời có khả năng tác động lại môi trường, tác động đến thiên nhiên bên ngoài và biến đổi nó; con người đồng thời cũng làm biến đổi bản chất của chính mình. Nội dung hoạt động tự giác và tích cực của con người là phát huy vốn thừa kế bẩm sinh, tận dụng điều kiện môi trường để thực hiện nếp sống hợp lý có tác dụng bảo vệ sức khỏe và tuổi thọ của mình. Vì thế không thể có thuốc gì cứu được một người suốt đời tự mình hủy hoại sức khỏe của mình.

Khi đã hội tụ được những điều kiện tối ưu trong hoàn cảnh thực tế của 1 nước, của 1 con người, chất bảo thọ là những chất có khả năng giúp cho con người đó tăng thêm sức khỏe và tuổi thọ 1 cách có ý nghĩa so với những người cùng sống chung những điều kiện như vậy nhưng không sử dụng chất bảo thọ.

Chất bảo thọ là những chất có tác dụng điều hòa cách tiến triển của quá trình tích tuổi theo hướng tối ưu, cụ thể có những mặt tác dụng chính sau đây : tăng khả năng thích nghi của cơ thể; mở rộng phạm vi thích nghi tối ưu, nâng cao hiệu lực của các cơ cấu tự điều chỉnh, bù trừ; tăng hiệu suất của các quá trình chuyển hóa, bổ sung những chất đã giảm thiểu trong quá trình tích tuổi như ion kali và magie, các chất chống peroxit hóa; điều hòa phản ứng tính của hệ miễn nhiễm, tăng sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm khuẩn, nhiễm độc, nhiễm xạ, ung thư… Do đặc điểm cơ bản của tích tuổi, 1 quá trình có nhiều nguyên nhân, diễn tiến theo nhiều cơ chế và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài cũng như từ bên trong, nên không thể có 1 chất bảo thọ duy nhất đáp ứng yêu cầu của mọi người ở tất cả các lứa tuổi. Hiệu lực của chất bảo thọ tuỳ thuộc vào cách đánh giá chính xác đặc điểm cơ thể của người sử dụng, trên cơ sở đó chọn chất bảo thọ thích hợp nhất. Các chất bảo thọ có tác dụng tốt nhất khi được sử dụng theo phương pháp châm dự phòng cho người còn trẻ, Khi đó chúng phát huy tác dụng chống già trước tuổi, góp phần giữ gìn khả năng hoạt động sáng tạo và tăng tuổi thọ.

Một số chất bảo thọ cổ điển : trước thập niên 70 đã có những chất bảo thọ được nghiên cứu và sử dụng có kết quả.

Các chất tăng khả năng thích nghi là 1 nhóm được chất có hoạt tính sinh học đáng lưu ý : dùng 1 đợt 3 – 4 tuần lễ, cơ thể tăng khả năng thích nghi và sức đề kháng, nhóm được chất này gồm : nhân sâm được dùng từ lâu đời ở nhiều nước. Ở Liên Xô (cũ) còn sử dụng rộng rãi 1 loại ngũ gia bì (eleutherococcus senticocus), dưới dạng cao (1:1 rượu 40o), uống 2ml nữa giờ trước bữa ăn. Hai loại ngũ gia bì này nên chỉ định dùng cho những người suy yếu, huyết áp thấp. Cất dibazol (bendazoli hydrochloridum) là 1 trị liệu hạ huyết áp cổ điển dùng với liều 20 – 50mg, uống 2 – 3lần/ngày, nhưng dùng không quá 10mg/24 giờ. Dibazol có tác dụng tăng thích nghi nên chỉ định cho người có thể địa với huyết áp hơi cao.

Các chất kích sinh hay chất sinh động tố (biostimulines) : phương pháp chữa bệnh bằng cách dùng các chất kích sinh để tăng sức đề kháng của cơ thể đã được nhà khoa học Liên Xô Filatov V.P. nghiên cứu và áp dụng có kết quả từ 1933. Sau 50 năm phương pháp này ra đời (1983) đã có trên 3.000 công trình nghiên cứu về cơ chế áp dụng, cấu trúc hóa học, kỹ thuật chuẩn hóa các dược phẩm kích sinh ứng dụng chúng trong lâm sàng. Từ hơn 20 năm nay, Viện tích tuổi học Kiev (Ucraina) đã sử dụng chất kích sinh để tăng cường sức khỏe cho những người có tuổi, kết quả như sau : các trị liệu chất kích sinh Filatov có tác dụng chống nhiễm mỡ xơ mạch; làm sức co bóp của cơ tim được tăng cường, tuần hoàn vành và hoạt động sinh điện học của tim được cải thiện, có những chuyển biến tích cực trong hoạt động thần kinh, trong chức năng tuyến thượng thận, trong phản ứng tính miễn nhiễm của cơ thể. Liên Xô sản xuất nhiều dạng chất kích sinh (nhũ tương, chiết xuất từ nhau thai, chiết xuất và viên lô hội aloes, torfot và pyridoxofot, pelloidodistillat và fibs…) Kỹ thuật điều chế chất kích sinh không tốn kém và không phức tạp lắm, dùng chất kích rất an toàn không tác dụng dụng phụ.

Huyết thanh Bogomoletz : nhà bác học Bogomoletz A.A. (1881 – 1946) là người đầu tiên phát hiện và khẳng định những chức năng quan trọng hàng đầu của tổ chức liên kết trong 1 cơ thể sống nguyên vẹn : chức năng dinh dưỡng, chức năng tạo hình, chức năng chống nhiễm khuẩn, chức năng phòng chống ung thư. Những luận điểm của Bogomoletz A.A về vai trò của tổ chức liên kết đối với sức khỏe và tuổi thọ sau này được nhiều công trình nghiên cứu hiện đại xác minh. Ví dụ như nghiên cứu của Policard và Collet (1961), Karl Meyer (1956 – 57), Grossfield (1967), Laborit H. (1965). Chính Laborit H. khi xác định vị trí của tổ chức liên kết đã kết luận : khi người ta nhập thân với nền sinh học phân tử và vi phân tử thì phải thừa nhận rằng ít có việc gì xảy ra, lành hay không lành, mà không thông qua môi trường liên kết

Trên cơ sở đánh giá được vị trí chức năng của tổ chức liên kết, Bogomoletz A.A đã sáng chế ra huyết thanh Bogomoletz, một liệu pháp có tác dụng động viên tính phản ứng của tổ chức liên kết. Kết quả dùng huyết thanh Bogomoletz trong lâm sàng 1924 – 40 được tổng kết trong các hội nghị khoa học lớn. Trong chiến tranh vệ quốc chống phát xít, huyết thanh Bogomoletz được sử dụng rộng rãi và đã góp phần to lớn trong điều trị các vết thương nhiễm trùng, bì rò, gãy xương, trong các dịch bệnh sốt Rickettsia.

Ở Việt Nam huyết thanh Bogomoletz được sản xuất và sử dụng trong lâm sàng từ 1953 tại Viện quân y miền Tây Nam Bộ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyết thanh Bogomoletz đã góp phần đáng kể trong điều trị các vết thương lâu lành, trong yêu cầu tăng sức đề kháng của cơ thể sau khi mắc bệnh sốt rét và một số bệnh nội khoa khác.

Ở Liên Xô huyết thanh Bogomoletz được dùng như là chất bảo thọ cho đối tượng có tuổi, cơ thể suy nhược già trước tuổi. Dùng với liều nhỏ, đợt điều trị ngắn (3 lần tiêm huyết thanh Bogomoletz pha loãng 10 lần) mỗi năm 1 – 2 đợt, huyết thanh Bogomoletz góp phần tăng cường khả năng tự vệ của cơ thể người cao tuổi.

Procaine dùng theo Aslan, Parhon : Procaine (tức para-aminnobenzoate de diméthyl – 2 – éthyl) cũng chính là novocaine, syncaine, allocaine, polocaine… Ra đời năm 1905, procaine khởi đầu được dùng để gây tê tại chỗ, về sau Vichnepsky, Friedland và nhiều tác giả khác sử dụng procaine để thực hiện phương pháp phong bế thần kinh. Ở Rumani, Parhon (1874 – 1969), Aslan đã phát hiện tác dụng tốt của procaine với hệ thần kinh trung ương và nhiều hệ khác trong cơ thể, giúp cải thiện dinh dưỡng, giữ gìn sức khỏa và sự trẻ trong 1 thời gian dài. Năm 1957, Aslan trình bày kinh nghiệm dùng procaine (gérovital) như 1 liệu pháp tăng tuổi thọ tại Cộng hòa liên bang Đức, ở đấy sản xuất procaine kết hợp với 1 nguyên tố vi lượng lấy tên là KH3. Procaine được sử dụng có chọn lọc ở Liên Xô cho kết quả không đồng nhất. O&3 một số bệnh nhân sau vài đợt điều trị cơ thể cảm thấy dễ chịu, giảm cảm giác đau vùng tim, giảm khó thở khi gắng sức, giảm nhức đầu chóng mặt, đau lưng, đau mỏi chân, ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, ngủ khá hơn, dinh dưỡng chung được cải thiện. Ở 1 số bệnh nhân khác không có tác dụng rõ rệt, ở 1 số đối tượng có 2 loại kết quả xấu : xấu ngay từ đầu cả về cảm giác chủ quan cũng như các tham số khách quan vì cơ thể của đối tượng không chịu được procaine. Sau khi tiêm procaine xuất hiện 1 loạt diễn biến xấu : rối loạn vận mạch, khó thở, đau vùng tim, xao xuyến, mất ngủ. Một số bệnh nhân đau trong các cơ, khớp, một số người khác bị chứng song thị (diplopie). Ở 1 số bệnh nhân khác trong những ngày đầu cảm giác chủ quan được cải thiện nhưng ngay trong thời kỳ này các chỉ số khách quan (điện tâm đồ, nhịp tim) xấu hơn lúc chưa dùng procaine, về sau nếu tiếp tục dùng procaine cảm giác chủ quan của bệnh nhân cũng xấu đi.

Kết luận chung các tác giả cho rằng procaine có thể đem lại kết quả tốt, đáng kích lệ ở 1 số bệnh nhân. Nhưng phải thăm dò tìm hiểu ‘thái độ” đáp ứng của cơ thể đối với procaine, theo dõi diễn biến của cảm giác chủ quan cũng như các tham số khách quan, nếu chiều hướng tiến triển xấu đi thì không nên tiếp tục dùng procaine.

Một số chất bảo thọ mới đang được nghiên cứu. Từ 2 thập niên gần đây, đặc biệt từ Đại hội quốc tế về tích tuổi học lần thứ IX (họp ở Kiev năm 1972) một nhóm chất bảo thọ mới được nhiều cơ sở tiến hành nghiên cứu trên thực nghiệm cũng như trong lâm sàng, đó là nhóm chất anti-oxydant (chất chống peroxyl hóa).

Lần đầu tiên vai trò của nhóm anti-oxydant được chú ý khi nhà khoa học Hoa Kỳ Harman D. đề xướng luận thuyết về các gốc tự do trong cơ chế tích tuổi. Gốc tự do là những phân tử hoặc những mảnh vỡ của phân tử có 1 điện tử lẻ đôi ở quỹ đạo ngoài vòng. Do sự có mặt của điện tử này các gốc tự do có 2 thuộc tính đặc biệt quan trọng : có khả năng oxy hóa rất cao, và có hoạt tính từ học. Từ đó có thể hiểu vì sao các gốc tự do có hoạt tính rất cao, có thể tham gia vào nhiều phản ứng hóa học có men hoặc không cần men.

Ở một cơ thể nguyên vẹn, khỏe mạnh sống trong những điều kiện tương đối ổn định, sự có mặt của các gốc tự do với số lượng không cao là 1 hiện tượng bình thường không gây tác hại đáng kể, vì ở đâu xuất hiện gốc tự do thì ở đó có hệ thống anti –oxydant kịp thời khử các gốc tự do và dẫn chất do chúng tạo ra. Tương quan lực lượng giữa các gốc tự do và các chất anti-oxydant được gọi là cân bằng anti –oxydant.

Cân bằng chống oxy hóa có thể bị mất khi số lượng gốc tự do tăng hoặc khi số lượng anti-oxydant giảm, khi số lượng gốc tự do tăng đột xuất, chiếm ưu thế trong lực lượng so sánh, nếu có biện pháp kịp thời và hữu hiệu tăng cường hệ thống anti-oxydant thì cân bằng anti-oxydant có thể được hồi phục. Trong điều kiện như vậy không xảy ra tổn thất nào đáng kể, nếu số lượng gốc tự do tăng không nhiều lắm nhưng sức bảo vệ của hệ thống anti-oxydant giảm sút nặng, trữ lượng các chất anti-oxydant trong cơ thể giảm thiểu trầm trọng, thì trong tình huống mất cân đối này các gốc tự do có thể gây thương tổn các màng tế bào từ đó tác hại đến nội tế bào, đến các tổ chức, cơ quan hệ thống của cơ thể. Trạng thái mất cân đối càng kéo dài thì các thương tổn sẽ càng nhiều và nặng thêm.

Theo Harman D. già hóa là hậu quả tổng hợp của tất cả các thương tổn xuất hiện và phát triển trong các tế bào, tổ chức, cơ quan, hệ thống của cơ thể do các gốc tự do gây ra khi mất cân bằng anti-oxydant. Thương tổn do gốc tự do gây ra cũng là cơ sở sinh bệnh học của những trường hợp thường gặp ở người có tuổi (bệnh nhiễm mỡ xơ mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh nha chu viêm, bệnh ung thư…)

Có thể phục hồi cân bằng chống oxy hóa bằng 2 cách :

a/ Giảm bớt những yếu tố làm tăng số lượng các gốc tự do và các phản ứng do gốc tự do : stress, nuôi dưỡng sai quy cách (bị đói kéo dài, chế độ ăn với tỷ lệ lipit quá cao, thiếu vitamin nhóm B, vitamin P, PP, C, A, E) thiếu 1 số axit amin (xystein, methionin, axit glutamic…) những điều kiện làm trở ngại cho sự sống (thiếu oxy, nhiễm xạ, bỏng, nhiễm trùng cấp diễn).

b/ Bổ sung cho cơ thể các chất chống oxy hóa, tăng cường hiệu lực hoạt động của hệ thống chống oxy hóa, có thể thực hiện yêu cầu này bằng 2 phương pháp : dùng con đường nuôi dưỡng để đưa vào cơ thể những thức ăn có trữ lượng chống oxy hóa; sử dụng các chất bảo thọ nhóm chống oxy hóa.

Khi cân bằng chống oxy hóa được ổn định vững chắc, các chất chống oxy hóa phát huy những tác dụng sinh học sau đây :

1/ Bảo vệ các lipit, thành phần cấu tạo của các màng tế bào, nhờ đó làm tăng sức chịu đựng, độ vững bền của màng tế bào; làm chậm lại thời điểm xuất hiện tình trạng suy giảm khả năng vận động, giảm thiểu mức tiêu hóa oxy ở cơ thể những người có tuổi : ngăn chặn, làm chậm lại sự tăng trữ lượng axit béo, colesterol trong máu và trong nhiều nội tạng.

2/Tăng sức đề kháng không đặc hiệu của cơ thể đối với 1 số bệnh như bệnh nhiễm mỡ xơ mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh nha chu, bệnh nhiễm xạ, bệnh ung thư.

3/ Tăng tuổi thọ.

Rõ ràng là nhóm chống oxy hóa có những mặt tác dụng rất cơ bản đối với sức khỏe, đối với quá trình tích tuổi. Hiện nay có những chất bảo thọ nhóm chống oxy hóa được sử dụng rộng rãi trong điều trị và phòng bệnh phục vụ người có tuổi, ví dụ : vitamin E, P, U.

Vitamin E : (α – tocopherol) được biết từ 1922 như 1 vitamin chống vô sinh. Vitamin E là 1 chất chống oxy hóa điển hình, có tác dụng bảo vệ các axit béo không no, vitamin C, A khỏi bị hủy hoại bởi các phản ứng peroxyt hóa. Thiếu vitamin E các cơ vân, cơ tim bị thoái hoá, độ thẩm xuyên của thành động mạch tăng, các mao mạch dễ bị vỡ, các tế bào thần kinh bị thoái hóa, nhu mô gan bị thương tổn, vitamin E có tác dụng chống xơ hóa chung và tác dụng ưu dưỡng đối với hệ thần kinh. Do những tác dụng quan trọng vừa nêu trên, vitamin E hiện nay được xem như là chất bảo thọ nhóm chống oxy hóa có tác dụng điều hòa chuyển hóa lipit : tăng trữ lượng α – colesterol và apolipoprotein A, giảm trữ lượng apolipoprotein B. Nguồn vitamin E phong phú trong thiên nhiên là lá, búp non, cành non của thảo mộc, mầm các hạt họ lúa và họ đậu (giá sống), dầu thực vật là một nguồn vitamin E/100g; dầu bông quỳ -48,7mg; dầu lạc – 13mg; dầu đậu nành – 10,1mg. Dạng vitamin E dùng trong điều trị : acétate D -  L α – tocophérol; nicotinate α – tocophérol : tác dụng kéo dài hơn (do Nhật Bản bào chế); loaị uống (viên 50, 100, 300mg α – tocophérol); loại tiêm trong bắp (1ml/50, 100 hoặc 300mg α – tocophérol). Hiện nay vitamin E được sử dụng như 1 chất bảo thọ góp phần phòng chống bệnh nhiễm mỡ xơ mạch. Trong điều trị vitamin E được dùng trong các trạng thái loạn dưỡng cơ tim, co thắt mạch ngoài biên, trong các bệnh về gan, về da (bệnh vảy nến, luput đỏ…)

Vitamin P : từ chữ perméabilité, thẩm xuyên – là tên gọi của các hợp chất thuộc nhóm flavonoit, trong đó có rutin có tác dụng bảo vệ thành mao mạch. Hiện nay vitamin P được xác định là 1 chất chống oxy hóa thường có mặt “cặp kè” với vitamin C, trong nhiều thức ăn, uống lấy từ nguyên liệu thảo mộc như chè xanh, các trái thuộc họ chanh (cam, quýt, bưởi, bòng), hoa hoè. Trong nhóm flavonoit những chất sau đây có hoạt tính vitamin P : flavon (hesperidin, eryodictine), flavonol (rutin, quexetin), chalcon, catechin. Trong điều trị những dược chất sau đây được dùng để tác dụng vitamin P : rutin, quexetin, catechin chiết xuất từ chè tươi; vitamin P chiết xuất từ nước trái cây họ chanh. Vitamin P được chỉ định để chữa và phòng các bệnh gây chảy máu do thương tổn thành mạo mạch, bệnh nhiễm xạ, các thương tổn mao mạch liên quan với việc dùng thuốc chống đông máu.

Vitamin U xuất phát từ chữ “ulcus” ulcére có nghĩa là loét, vì tác dụng trước tiên của vitamin này là chống loét, chữa bệnh loét dạ dày - tá tràng. Vitamin U là 1 dạng méthionine tăng hoạt tính. Bản thân méthionine là 1 axit amin có tác dụng chống oxy hóa, trong các quá trình tổng hợp sinh học, vitamin U là 1 nguồn cung cấp nhóm metyl mạnh hơn méthionine nhiều. Hiện nay y học xác nhận ở vitamin U những tác dụng quan trọng sau đây : làm giảm đau và làm lành ổ loét trong loét dạ dày – tá tràng (Cheney 1942, Nakamura 1955, Bersin 1956, Adami và Bouzinko 1957) bảo vệ tế bào gan chống thoái hóa mỡ, xơ gan (Tennis 1940, Bennet 1941, Challenger 1953, Bersin 1956, Colombo 1956) bảo vệ thành động mạch chống vữa xơ động mạch (Tennis 1940, Boukin V.N; Khouchoya G.N 1964) điều hòa các rối loạn chuyển hóa mỡ trong bệnh vữa xơ động mạch : hạ nồng độ colesterol - huyết (Nakamura, Ariyama 1959, Nhật Bản, Fômin Y.F 1964 Liên Xô), điều hòa hệ số lexitin, colesterol, giảm diện tích các thương tổn ở mặt  trong của thành động mạch (Fômin Y.F 1970 Liên Xô).

Một số chất chống oxy hóa tổng hợp : hiện nay bên cạnh những chất chống oxy hóa lấy từ thiên nhiên và đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị học, nhiều nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát tác dụng bảo thọ của 1 số chất chống oxy hóa, tổng hợp bằng các kỹ thuật hóa dược để tạo ra những chất bảo thọ an toàn và hiệu nghiệm. Ví dụ :

Kali glutamat (kaglutam) được nghiên cứu tại Liên Xô trước đây từ 1974, khởi đầu trong thực nghiệm và từ 1977 được thử nghiệm lâm sàng. Ở Việt Nam kali glutamat được sản xuất từ 1982, nghiên cứu sử dụng từ 1983. Kết quả kiểm nghiệm đã xác nhận sự đồng nhất về cấu trúc hóa học cũng như về tác dụng dược lý của 2 mẫu kali glutamat Việt Nam và Liên Xô. Đến 1988 ở Việt Nam có trên 3.000 bệnh nhân được theo dõi về lâm sàng, điện tâm học, hóa sinh học trong quá trình điều trị bằng kali glutamat. Kết quả thể hiện những tác dụng rất có lợi đối với sức khỏe người có tuổi như tăng trữ lượng kali nội hồng cầu nhưng không làm tăng đáng kể kali- huyết; tác dụng ổn định nhịp tim, cải thiện chuyển hóa cơ tim, chống thiếu máu cơ tim, tác dụng ổn định màng tế bào, bình thường hóa trữ lượng mem transaminaza – máu, góp phần điều trị các bệnh viêm gan cấp, đặc biệt viêm gan virut B ở giai đoạn mới phát, tác dụng hạ colesterol – máu ở những người colesterol – máu cao. Trữ lượng kali nội tế bào ở những người có tuổi thấp hơn ở người trẻ. Do đó những mặt tác dụng cụ thể phong phú và cơ bản như vậy, nên kali glutamat được các nhà tích tuổi học xếp vào nhóm chất bảo thọ.

Triméthylglycine : một axit amin được chiết xuất từ lá cây cải đường được nghiên cứu ở Liên Xô từ 1983 cũng là chất chống oxy hóa, có tác dụng bình thường hóa các chỉ số oxy hóa - khử, giảm trữ lượng pipoprotein – máu, ngăn ngừa các rối loạn chuyển hóa năng lượng. Theo các tác giả Liên Xô, triméthylglycine có triển vọng dùng làm chất bảo thọ.

Còn nhiều chất chống oxy hóa khác như dubinol, éthyl-méthyloxypyridine, dextramine.. đang được Emanuel N.M., Frolkis… nghiên cứu trong thực nghiệm đạt kế6\t quả đáng kích lệ : những chất này làm tăng tuổi thọ trung bình 22 – 27% tuổi thọ tối đa 14 – 17,5%.

Những chất bảo thọ tương lai : trên cơ sở những thành tựu mới của tích tuổi học hiện đại và những kết quả thực tế đã đạt được nhiều nhà khoa học dự đoán rằng trong những thập niên sắp tới, con người có triển vọng sử dụng những chất bảo thọ có tác dụng tốt hơn, an toàn, chính xác, tinh vi hơn và hiệu nghiệm hơn. Ví dụ có thể tạo ra và sử dụng những chất điều hòa cảm xúc tốt hơn những thuốc an định hiện nay : không độc, không gây trạng thái thụ động, dùng đúng lúc, chúng có thể giúp bảo vệ vi khí hậu cảm xúc, tạo điều kiện cho hệ thần kinh giữ vững và phát huy vai trò điều khiển hợp nhất của cơ thể. Hiện nay đã có những kết quả đáng khích lệ về tác dụng của các chất peptit điều hoà – các cytomedin. Các peptit điều hòa này có tác dụng điều hòa các quá trình miễn nhiễm, điều hòa sự vận chuyển các tín hiệu giữa các tế bào của cơ thể khi các điều kiện của môi trường thay đổi. Chất timalin – cytomedin của tuyến ức có tác dụng tăng tuổi thọ trong thực nghiệm, giảm các biểu hiện suy yếu do tích tuổi.

Những kỹ thuật mới về biến cải cấu trúc các gen cho phép nghĩ đến triển vọng thực hiện bảo thọ và tăng tuổi thọ bằng trị liệu điều hòa các gen, tạo ra những kháng thể giúp chống lại những yếu tố gây bệnh ở người có tuổi

Trong vòng 100 năm nay những thành tựu của nhiều ngành khoa học, đặc biệt của sinh học phân tử, mô hóa học, di truyền học… đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của tích tuổi học. Tuổi thọ trung bình của con người ngày nay tăng hơn trước nhiều. năm 1970 trên hành tinh của chúng ta đã có 27 triệu người trên 80 tuổi và đến năm 2000 số người này đã tăng lên hơn 56 triệu. Có thể hy vọng rằng trong những thập niên tới đây nhiều nhóm thuốc bảo thọ thế hệ mới sẽ ra đời, với tác dụng chọn lọc hơn ưu việt hơn.


Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình