Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Y học Việt Nam
Tìm hiểu về bệnh chậm phát triển trí tuệ?

Theo nghiên cứu của Giáo sư Trần Đình Xiêm:

Theo bảng phân loại Quốc tế về bệnh tâm thần lần thứ 10, chậm phát triển trí tuệ là sự ngừng phát hoặc phát triển không hoàn thiện về hoạt động trí tuệ, đặc trưng bởi khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và khả năng thích ứng với xã hội.

Chậm phát triển trí tuệ được nghiên cứu từ thế kỷ thứ 16, đến thế kỷ 18 Locke đã phân biệt chậm phát triển trí tuệ với các bệnh tâm thần khác. Chậm phát triển trí tuệ có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nửa đầu thế kỷ 19, Esquirol cho rằng chậm phát triển trí tuệ là một đơn vị bệnh lý, có nguyên nhân, diễn tiến, điều trị và tiên lượng giống như các bệnh lý khác. Ông đã đề suất không nên dùng từ ngu si (idiocy) là danh từ được dùng phổ biến lúc đương thời để chỉ các trạng thái chậm phát triển trí tuệ vì thuật ngữ này có tính chất thóa mạ bệnh nhân.

Alfred Binet (1857 – 1911) giám đốc phòng thí nghiệm tâm lý học Socbon đã cùng bác sĩ Thomas Simon góp công lớn trong việc phát minh thang đo lường trí tuệ (1905) nhằm mục đích là chọn lựa những trẻ em có trí tuệ kém không thể tiếp thu được sự giáo dục bình thường. Binet đã cố gắng phân chia trí tuệ thành nhiều khả năng khác nhau và đưa ra khái niệm về tuổi trí tuệ. Terman cùng với Merrill và Weschler có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành trắc nghiệm này. Trẻ chậm phát triển trí tuệ biểu hiện một sự chậm trễ phát triển trí tuệ so với trẻ bình thường. Binet đưa ra khái niệm về tuổi tinh thần để đánh giá mức độ phát triển trí tuệ của từng em. Một trẻ 8 tuổi qua trắc nghiệm nếu đạt tuổi tinh thần là 6 thì biểu hiện 1 sự chậm trễ phát triển trí tuệ so với những mức trung bình của các em cùng lứa 8 tuổi. Tuy nhiên phương pháp này có phần chưa hoàn chỉnh vì 2 lý do sau :

+ Sự chậm trễ 1 hay nhiều năm không có cùng 1 ý nghĩa ở mọi lứa tuổi. Thí dụ : sự chậm trễ 1 năm vào lúc 6 tuổi có ý nghĩa nhiều hơn là vào lúc 12 tuổi.

+ Khái niệm về tuổi tinh thần này không sử dụng được ở lứa tuổi thanh niên, thời kỳ mà khả năng trí tuệ đã phát triển đầy đủ.

Năm 1912, Stern W. đã đưa ra cách tính thông số thông minh IQ (Intelligence Quotient).

IQ = tuổi tinh thần (tháng)/tuổi thực sự (tháng) x 100

Một trẻ 7 tuổi đạt được ở bậc thanh trí tuệ một tuổi tinh thần 7 tuổi 6 tháng có :

IQ = 90/84x100 = 107

IQ trung bình bằng 100, IQ trên hoặc dưới 100 phản ánh những trình độ trên hoặc dưới mức trung bình của trí tuệ. Thực tế chứng minh rằng nếu chẩn đoán phát triển trí tuệ chỉ dựa trên chẩn IQ mà bỏ qua các yếu tố khác như tập quán, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, tính chất phức tạp của lao động thì chưa đủ. Một cá nhân bị chậm phát triển trí tuệ sẽ bộc lộ nhiều khó khăn trong việc thích nghi xã hội nếu sống trong 1 thành phố công nghiệp, trong khi họ có thể không có trở ngại gì nếu sống ở nông thôn.

Tuỳ theo các thống kê khác nhau mà số bệnh nhân chậm phát triển trí tuệ chiếm 1 tỷ lệ 1,5 – 3% dân số, hay gặp ở phái nam, tỷ lệ nam/nữ là 1,5/1, thường được phát hiện ở tuổi đi học vì học tập đòi hỏi nhiều hoạt động trí tuệ và sự giáo dục phổ cập ngày nay giúp cho sự phát hiện các trạng thái này được dễ dàng hơn.

Nguyên nhân chậm phát triển trí tuệ : rất đa dạng và thường do yếu tố xã hội, yếu tố tình thương và yếu tố bệnh lý, các yếu tố này có tác dụng qua lại lẫn nhau và đều có ảnh hưởng tốt hay xấu đến sự phát triển của trí tuệ cũng như khả năng thích ứng với xã hội của con người.

Yếu tố xã hội : có tác động rất lớn đến sự phát triển của con người. Môi trường xã hội, sự giáo dục học đường ở tuổi thơ ấu và thời niên thiếu giúp cho con người trong việc hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ cũng như các khả năng thích ứng khác.

Yếu tố tình thương : cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí thông minh, nhân cách và hành vi của con người. Nếu đứa bé lớn lên trong 1 gia đình có nhiều mâu thuẫn, xung đột gay gắt giữa cha và mẹ, giữa các anh chị em, bị hắt hủi, lạnh nhạt… thì lớn lên chúng có những rối loạn về nhân cách và hành vi phi xã hội.

Spritz đã nghiên cứu sự phát triển của nhiều nhóm trẻ ở những lứa tuổi khác nhau trong trại mồ côi và nhận thấy rằng ở các trại này, dù điều kiện vật chất có tốt đến đâu mà thiếu tình thương thì các em cũng có rối loạn về khí sắc, hành vi cũng như bị chậm phát triển trí tuệ. Thiếu sự kích thích tâm lý ngay cả sự phát triển của cơ thể cũng bị đình trệ.

Yếu tố bệnh lý : những thương tổn thực thể trên não bộ là nguyên nhân quan trọng trong việc gây ra các trạng thái chậm phát triển trí tuệ. Thương tổn não càng lớn, càng lan rộng, càng nghiêm trọng thì chậm phát triển càng nặng nề. Các yếu tố bệnh lý thường gặp :

Trước khi mang thai : yếu tố di truyền : đơn yếu tố, đa yếu tố, nhiễm sắc thể. Các yếu tố chưa rõ khác.

Trước khi sinh :

Nhiễm trùng : vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng (Rubéole, Toxoplasmose, Leptospirose…)

Yếu tố vật lý : chiếu chụp quang tuyến.

Yếu tố hóa học : ngộ độc thuốc, rượu, tăng urê mạn tính, nhiễm độc thai nghén.

Yếu tố dinh dưỡng : suy dinh dưỡng.

Yếu tố miễn nhiễm : không phù hợp với nhóm máu.

Rối loạn nội tiết ở mẹ : cường giáp, nhược giáp, tiểu đường.

Trong khi sinh :

Sinh non : <32 tuần, trẻ sinh ra cân nặng <1500g.

Chấn thương não do sinh khó, do can thiệp bằng máy hút, bằng Focxep (forceps).

Ngạt : do mẹ lạm dụng thuốc tăng co bóp, thuốc mê, do hít phải nước ối.

Sau khi sinh :

Vàng da nhân do bất đồng nhóm máu.

Nhiễm trùng : viêm não, viêm màng não.

Chấn thương sọ não : do té ngã.

Suy dinh dưỡng nặng.

Khuyết tật các giác quan (mắt lác, tai nghễnh ngãng).

Các yếu tố khác : động kinh, nhược giáp.

Không phải tất cả các trường hợp chậm phát triển trí tuệ đều có thể phát hiện được nguyên nhân. Sự tiến bộ y học hiện nay cũng chỉ xác định được 25% các trường hợp, nguyên nhân chủ yếu là do bất thường sinh học, do rối loạn nhiễm sắc thể (hội chứng Down), biến dưỡng (bệnh phenylxeton niệu)…Trong những trường hợp này thì chẩn đoán thường được xác định rất sớm vì chậm phát triển trí tuệ thường ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Loại bệnh này không có tỷ lệ cao về chậm phát triển trí tuệ trong các thành viên khác của gia đình trừ khi rối loạn sinh học có tính chất di truyền như ở bệnh phenlxyeton niệu và bệnh Tay – Sachs.

Trong 75% trường hợp còn lại người ta không tìm thấy yếu tố sinh học chuyên biệt. Sự giảm sút trí tuệ thường nhẹ, IQ 50 – 70 và thường không chẩn đoán được trước giai đoạn đi học. Loại này có thể kết hợp với thiếu sót ngôn ngữ, về tiếp xúc với xã hội và thường gặp trong nhiều thành viên khác của gia đình.

Các mức độ chậm phát triển trí tuệ.

Dựa vào thương số thông minh (IQ), khả năng thích ứng xã hội, sự phát triển ngôn ngữ, khả năng tự lập, người ta chia chậm phát triển trí tuệ thành 4 mức độ như sau :

Chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ                           IQ = 50 – 70

Chậm phát triển trí tuệ mức độ trung bình                 IQ = 35 – 49

Chậm phát triển trí tuệ mức độ nặng                                     IQ = 20 – 34

Chậm phát triển trí tuệ mức độ nghiêm trọng                       IQ < 20

Chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ :  thường hay gặp nhất. Chiếm 80% các trường hợp chậm phát triển trí tuệ, được xem là có thể học tập được. Người bệnh có thể phát triển các khả năng về quan hệ xã hội ở giai đoạn trước tuổi đi học, có những thiếu sót tối thiểu về giác quan, vận động và thường khó phân biệt với những trẻ bình thường lúc còn nhỏ.

Người bệnh có thể theo học ở các trường phổ thông tất nhiên là kết quả học tập không bằng những trẻ khác hoặc có thể học nghề hoặc lao động nhẹ. Tuy ngôn ngữ và các kỹ năng phát triển chậm nhưng cũng đủ cho sự giao tiếp xã hội thường ngày, người bệnh có thể tự chăm lo bản thân, tự lập trong cuộc sống nhưng thường cần sự giúp đỡ khi gặp khó khăn về đời sống và xã hội.

Chậm phát triển trí tuệ mức độ trung bình : chiếm 12% các trường hợp chậm phát triển trí tuệ, có thể học nghề được. Ở giai đoạn trước tuổi đi học, người bệnh có thể học nói hoặc cách giao tiếp nhưng thường rất ít hiểu các quy tắc xã hội, họ có thể được hướng dẫn để tự chăm sóc bản thân và cần một sự giám hộ vừa phải. Ở tuổi đi học các em thường không vượt quá trình độ

lớp 2. Tuy vậy có thể học được 1 số nghề đơn giản và có khả năng đi lại 1 mình ở nơi quen thuộc. Lúc trưởng thành người bệnh có thể tự lập được 1 phần bằng các nghề nghiệp đơn giản như trồng cây, chăn nuôi gia súc… Họ luôn cần sự giúp đỡ và hướng dẫn khi gặp khó khăn dù nhỏ nhặt trong đời sống.

Chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nặng : chiếm tỷ lệ 7% các trường hợp chậm phát triển trí tuệ. Ở giai đoạn trước tuổi đi học, người bệnh kém phát triển về vận động cà ngôn ngữ hoặc không có khả năng giao thiệp. Ở tuổi đi học, các em có thể học nói và biết giữ gìn vệ sinh cho chính bản thân mình (tắm rửa, mặc quần áo) các em thường không có khả năng học nghề. Lúc trưởng thành họ không thể làm gì để tự nuôi sống được mà chỉ có thể tự phục vụ 1 phần nào về sinh hoạt bản thân dưới sự giám hộ chặt chẽ.

Chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nghiêm trọng : chiếm tỷ lệ nhỏ hơn 1%. Ở giai đoạn trước tuổi đi học, người bệnh rất kém phát triển về chức năng giác quan, vận động. Ở tuổi đi học trẻ có thể tiếp thu được những sự hướng dẫn tối thiểu  và rất giới hạn về việc chăm sóc cơ thể. Lúc trưởng thành người bệnh có thể có 1 số phát triển về vận động và ngôn ngữ, họ luôn luôn cần được sự chăm sóc, nuôi dưỡng và giám hộ chặt chẽ.

Ngoài 4 mức độ trên còn có chậm phát triển trí tuệ không xác định mức độ. Đó là những trường hợp chắc chắn có chậm phát triển trí tuệ nhưng không thể đo lường trí tuệ được bằng các trắc nghiệm tâm lý vì người bệnh bị rối loạn nhiều hoặc không chịu hợp tác với thầy thuốc. Ở tuổi càng nhỏ, sự chẩn đoán và phân loại của chậm phát triển trí tuệ càng khó khăn trừ các trường hợp nghiêm trọng. Một số bệnh sau đây thường hay gây chậm phát triển trí tuệ :

Bệnh phenylxeton niệu : còn gọi là bệnh Folling do thiếu chất phenylalanin oxydaza là 1 men làm cho phenylalanin chuyển thành tyrosin, vì vậy tỷ lệ phenylalanin tăng trong máu và axit phenylpyruvic tăng trong nước tiểu. Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng nôn mửa, mùi hôi bất thường của nước tiểu, cơn co giật, sự giảm sắc tố ở tóc, mắt (tóc xám, mắt xanh), ở da (các vết chàm), tăng trương lực, rối loạn tác phong, chậm phát triển mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Xét nghiệm nước tiểu theo phương pháp Folling giúp xác minh chẩn đoán. Nhỏ 5 – 10 giọt dung dịch FeCl2 10% vào 2ml nước tiểu. Nếu phản ứng (+) thì xuất hiện màu xanh lá, màu này biến mất càng chậm nếu nồng độ phenylpyruvic càng cao. Việc chẩn đoán sớm bệnh này ở thời kỳ sơ sinh rất quan trọng, điều trị chủ yếu bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt, hạn chế protit tự nhiên thay bằng dung dịch casein chứa đủ lượng tryptophan, tyrosin, các axit amin khác.

Hội chứng Down : được Langdon Down mô tả lần đầu vào năm 1886 nhưng đến năm 1959, nhờ sự phát triển của ngành di truyền học tế bào, Lejeune, Turpin và Gautier mới phát hiện đó là 1 bệnh do thừa 1 nhiễm sắc thể ở cặp 21 (Trisomine 21). Theo Mattel, Trisomine 21 có 3 loại :

+ Trisomine 21 tự do : chiếm 94% các trường hợp, trong đó các tế bào đều có sự hiện diện thừa 1 nhiễm sắc thể ở cặp 21 và như thế số lượng nhiễm sắc thể là 47 thay vì 46 như bình thường.

Trisomine dạng khảm (Trisomine 21 mosaique) chiếm 2% các trường hợp, trong đó chỉ có 1 số tế bào có hiện tượng thừa 1 nhiễm sắc thể ở cặp 21, còn các tế bào khác thì không có hiện tượng này.

Trisomine 21 chuyển vị (Trisomine 21 par translocation) chiếm 4% các trường hợp, trong đó có 1 nhiễm sắc thể thừa ở cặp 21 sẽ chuyển vị gắn vào 1 nhiễm sắc thể khác.

Hội chứng Down rất thường gặp, tỷ lệ 1/500 – 1/700 lần sinh. Tại Tp.HCM qua điều tra cơ bản tháng 07/1985 thấy có 9 bệnh nhân Down/8403 trẻ em dưới 15 tuổi chậm phát triển trí tuệ, tỷ lệ chứng Down cũng khá cao, chiếm khoảng 1/3 tổng số học sinh.

Trên phương diện lâm sàng hội chứng Down có những biểu hiện bất thường về cơ thể cũng như chậm phát triển về vận động, ngôn ngữ và trí tuệ.

Trẻ em bị Down có đầu nhỏ, tròn, thóp rộng và chậm đóng kín, tóc thưa thớt, hai tai nhỏ và không đối xứng, hai má phính đỏ, mắt 1 mí, xếch hay lé, nếp da ở góc trong của mắt thường vắt ngược (épicanthus), răng mọc chậm, thưa, không đều, không đủ, môi ướt hay chảy nước dãi, lưỡi to hay thè ra ngoài. Bàn tay thường rộng, ngắn và dài, đường tâm đạo và đường trí đạo nối liền nhau tạo thành 1 rãnh khỉ, góc Atd người bệnh thường lớn hơn 80o trong khi người bình thường chỉ ở trong phạm vi trên dưới 45o. Trẻ em bị bệnh có hiện tượng giảm trương lực cơ, hệ thống dây chằng kém phát triển nên các khớp thường lỏng lẽo. Ngoài ra còn có thể có các dị tật bẩm sinh về tim, sứt môi… các rối loạn thị giác về màu sắc, rối loạn về nội tiết như thiểu năng tuyến giáp trạng, tuyến sinh dục..

Trẻ bệnh có sự chậm phát triển tâm thần vận động như chậm biết ngồi, chậm biết đi, chậm biết nói so với trẻ bình thường, ngôn ngữ chẳng những phát triển chậm trễ mà còn không đầy đủ, không rõ ràng, hay nói lắp, thường tập trung vào các sự việc cụ thể hơn là các sự việc trừu tượng. Tính tình trẻ bệnh có thể hiền hòa, biết nghe lời, biết e thẹn, hoà hợp với mọi người nhưng cũng có 1 số trẻ ở khoảng 10 – 14 tuổi gay tỏ ra ngang bướng, dễ giận dữ. Mức độ chậm phát triển thường là từ mức trung bình đến nghiêm trọng, thông số IQ thường dưới 50, do đó trẻ này phải được giáo dục ở những trường học riêng biệt. Tuổi người mẹ có liên quan mật thiết tới hội chứng Down, trẻ có hiện tượng này thường là con đầu của những bà mẹ lớn tuổi hoặc con út của những bà mẹ đẻ nhiều lần. Penrose cho biết 1/3 số bệnh nhân có hội chứng Down là con của những bà mẹ trên 40 tuổi. Theo Benda thì tỷ lệ Trisomine 21 ở con của những bà mẹ 30 tuổi là 2%, con của những bà mẹ trên 35 tuổi là 4%, con của những bà mẹ trên 45 tuổi là 2%.

Theo Tổ chức y tế thế giới nếu những bà mẹ từ 37 tuổi trở lên không sinh sản nữa thì tỷ lệ này sẽ giảm được 50%. Nghiên cứu về yếu tố tuổi mẹ trên 47 trường hợp có hội chứng Down tại bệnh viện tâm thành Tp.HCM cũng cho thấy những kết quả tương tự.

Bệnh Gangliosodose : do rối loạn chuyển hóa các chất phopho – lipit. Những kết quả nghiên cứu sinh hóa cho phép phân loại nhiều thể bệnh Gangliosidose GM1, GM2.

Gangliosidose GM2 thể sơ sinh là bệnh Tay – Sachs bắt đầu sớm tiến triển nhanh chóng với các triệu chứng tăng trương lực cơ, mù lòa, co cứng và co giật. Chất men thiếu sót là BDN axetyl – hexoaminidaza. Ganglisidose GM1 là bệnh langding thường bắt đầu từ lúc 3 tuổi đi đến trạng thái sa sút tâm thần với viêm võng mạc có nhiễm sắc tố… chất men thiếu sót là Galactosidaza, tiên lượng bệnh này xấu, hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ dựa vào 3 tiêu chuẩn chính ;

+ Hoạt động trí tuệ tổng quát dưới mức trung bình một cách rõ rệt, IQ ≤ 70.

+ Khả năng thích ứng xã hội, từ sự giao tiếp với người xung quanh đến kết quả học tập và làm việc đều kém phát triển so với lứa tuổi.

+ Trạng thái bệnh lý này xảy ra trước 18 tuổi.

Các tiêu chuẩn trên còn thay đổi theo các yếu tố khác như tập quán, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, tính chất phức tạp của lao động…

Sự nhận định chỉ số IQ phải hết sức mềm dẻo, có thể bao gồm trong chậm phát triển trí tuệ những đối tượng có IQ hơi cao hơn 70 nhưng cần phải nhớ đến 1 sự giáo dục đặc biệt và cũng cho phép loại bỏ khỏi chẩn đoán những trường hợp có IQ hơi thấp hơn 70, nếu sự đánh giá về lâm sàng cho thấy không có sự thiếu sót đáng kể đến khả năng thích ứng. IQ khoảng 70 được chọn như là giới hạn cao nhất của chậm phát triển trí tuệ vì hầu hết những người có IQ < 70 thường bị hạn chế về khả năng thích ứng đến độ phải cần đến những sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt nhất là trong học tập.

Khi bệnh cảnh lâm sàng xuất hiện lần đầu sau 18 tuổi thì hội chứng này gọi là sa sút chứ không phải chậm phát triển trí tuệ. Khi trước 18 tuổi ở 1 người trước kia có trí tuệ bình thường thì chẩn đoán sẽ bao gồm cả chậm phát triển trí tuệ lẫn sa sút.

Cần chẩn đoán phân biệt chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ IQ < 70 với trạng thái hoạt động tinh thần ở mức độ ranh giới (Borderline Intellectual Functioning) = IQ : 71 – 84. Việc phân biệt này rất khó nhưng rất quan trọng, nhất là khi trạng thái ranh giới này cùng song song tồn tại với bệnh tâm thần phân liệt thể không phân biệt hoặc thể di chứng mà trong các thể bệnh này khả năng thích ứng xã hội bị suy giảm rõ rệt.

Điều trị chậm phát triển trí tuệ là 1 quá trình phức tạp và lâu dài, diễn tiến nhiều năm thậm chí có trường hợp suốt đời, đòi hỏi sự quan tâm của gia đình, xã hội, sự hỗ trợ tích cực của các ngành y tế, giáo dục, thương binh xã hội. Trước đây người ta thường tập trung các đối tượng này vào các cơ sở điều trị nội trú hàng mấy trăm giường. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy tổ chức như vậy gây trở ngại cho việc xã hội hóa làm cho gia đình ỷ lại, ít quan tâm chăm sóc tới bệnh nhân.

Ngày nay việc điều trị loại bệnh này chủ yếu là ngoại trú, điều trị tại các trung tâm y tế giáo dục, các bệnh viện ban ngày, các trường phổ thông đặc biệt, các xưởng hướng nghiệp với quy mô 20 – 30 bệnh nhân. Điều trị tại nhà trong cộng đồng người bệnh sinh sống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh phục hồi các chức năng tái thích ứng xã hội. Tuy vậy khả năng phục hồi của các đối tượng này còn phần hạn chế, chỉ có phát huy những tiềm năng còn sót lại, làm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ có những tiến bộ về vận động, ngôn ngữ, … để có thể thích nghi 1 phần với xã hội, việc giáo dục và điều trị cho những đối tượng này nhằm đạt yêu cầu sau :

+ Ổn định về tâm lý đối với những trẻ quá sợ sệt, thu rút, tự kỷ, hung hăng…

+ Phục hồi các rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói đớt, nói lắp…) các rối loạn vận động (yếu liệt nửa người, đi lại khó khăn…)

+ Thích nghi với môi trường sống, có quan hệ tốt với mọi người xung quanh.

Nội dung giáo dục bao gồm :

+ Hướng dẫn các sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, thu dọn đồ đạc, nấu ăn, biết đi qua đường, biết lễ phép, biết giúp đỡ người khác, có ý thức kỷ luật trong đời sống tập thể.

+ Học văn hóa như học viết, đếm, tính toán, cộng trừ đơn giản.

+ Hướng nghiệp như hướng dẫn bệnh nhân làm những nghề thủ công : dệt chiếu, đan lát, may vá, sửa xe đạp… để góp phần vào tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội đồng thời cũng là 1 tác động tâm lý làm cho các em bớt mặc cảm về sự sống lệ thuộc của mình, tăng thêm niềm tin vào cuộc sống.

Đối với các nội dung nói trên, phương pháp giảng dạy chủ yếu là phương pháp trực quan (nghe, nhìn, sờ…) và phải được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Các phương pháp điều trị khác.

Tâm lý trị liệu có vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi trẻ chậm phát triển trí tuệ, được áp dụng cho từng cá nhân hoặc từng nhóm. Khi phát hiện những trẻ bất ổn về tâm lý (tự kỷ, lầm lì, phá phách, không tiếp xúc…) thì người hướng dẫn liên hệ với gia đình để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh sống, sự phát triển của các em, sau đó hướng dẫn gia đình phương pháp giáo dục, đối xử với các em. Ngoài việc tiếp xúc với gia đình, người hướng dẫn cần tiếp xúc riêng với trẻ làm cho trẻ tự bộc lộ những khó khăng của bản thân, giúp trẻ tự giải tỏa những xung đột nội tâm. Bên cạnh phương pháp tâm lý trị liệu còn dùng phương pháp khác như trò chơi, hội họa, âm nhạc, hướng nghiệp trị liệu… tùy theo khả năng và sở thích của từng trẻ.

Mỗi tuần cho các em đến phòng trò chơi trị liệu 1 – 2 lần, các em tự do sử dụng đồ chơi, qua đó bộc lộ thái độ, tình cảm của mình và tạo cho trẻ sống trong 1 khung cảnh bình thường như cuộc sống trong xã hội.

Hội họa kích thích sự phát triển trí tuệ và óc thẩm mỹ các em sẽ được tự do vẽ bằng màu nước trong 1 căn phòng đẹp, thoải mái. Thông qua nét vẽ, tốc độ vẽ, việc sử dụng màu sắc và nội sung hình vẽ ta có thể hiểu được phần nào những rung động, lo âu, mặc cảm trong nội tâm của trẻ.

Âm nhạc giúp phục hồi trẻ chậm phát triển trí tuệ làm cho tâm hồn các em vui tươi và xóa đi những tình cảm âm tính như buồn rầu, lo lắng, kích thích sự hưng phấn tình cảm và tâm hồn lạc quan yêu đời.

Mục đích cuối cùng và cao nhất của phương pháp trị liệu trẻ chậm phát triển trí tuệ là làm cho các em học được 1 nghề để hội nhập với xã hội. Muốn đạt được điều này phải đào tạo các em có 1 nghề đơn giản phù hợp với sở thích, sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế địa phương. Một số nghề có thể hướng dẫn cho các em học tập : làm đồ mộc, dệt chiếu, làm đồ chơi, đan lát, may vá, thêu, nấu ăn, làm vườn, chăn nuôi gia súc…

Trong 10 năm qua, Trung tâm sức khỏe tâm thần Tp.HCM đã đáp ứng các phương pháp điều trị nói trên ở hệ thống các trường trẻ em chậm phát triển trí tuệ và đã đạt được kết quả khả quan. Trong điều trị chậm phát triển trí tuệ, thuốc đóng vai trò thứ yếu và chỉ có tác dụng trị triệu chứng mà thôi. Đối

với các trẻ có hiện tượng lo âu, sợ hãi, căng thẳng cảm xúc, có thể dùng các thuốc bình thản như :

Diazepam (valium, seduxen) viên : 2mg, 5mg, 10mg, liều dùng : 0,5mg/kg thể trọng/ngày.

Chlordiazepoxide (librium) viên : 5mg, 10mg, 25mg, liều dùng : 5 – 40mg tùy tuổi và mức độ của các triệu chứng trên.

Đối với các trẻ có trạng thái kích động, rối loạn hành vi tác phong, rối loạn khí sắc, ám ảnh có thể dùng các thuốc sau :

Thioridazine (melleril) viên 10mg, 50mg, 100mg, thuốc nước : 4% (1ml = 30 giọt = 40mg), liều dùng : 10 – 40mg/ngày tùy theo tuổi.

Chlorpromazine (aminazine, largactil) viên 25mg, 100mg, liều dùng trẻ em dưới 5 tuổi 1mg/kg thể trọng/ngày, trên 5 tuổi 1/3 – ½ liều người lớn.

Butyrophénone (haloperidol) viên 0,5mg, 1mg, 1,5mg, thuốc nước 0,5% (40 giọt = 1mg), 2% (10 giọt = 1mg), liều dùng trẻ em ngày đầu 0,2 – 0,5mg/ngày tăng dần đến 1mg/ngày.

Nếu có biểu hiện bệnh động kinh thì dùng các loại thuốc sau :

Carbamazépine (tégretol) viên 200mg, thuốc nước 2% (5ml = 100mg), liều dùng 15 – 20mg/kg thể trọng/ngày chia 2, 3 lần/ngày.

Valproate de sodium (dépakine) viên 200mg, 300mg, 500mg liều dùng 30 – 50mg/kg thể trọng/ ngày, chia 2, 3 lần/ngày.

Phòng bệnh : thế giới ngày nay rất chú ý tới việc ra đời các trẻ chậm phát triển trí tuệ. Để 1 trẻ em chậm phát triển trí tuệ ra đời là 1 nỗi bất hạnh cho các bậc làm cha mẹ, đồng thời là gánh nặng cho xã hội, dù có tổ chức các trung tâm điều trị phục hồi, các xưởng dạy nghề nhưng kết quả vẫn bị hạn chế. Cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng cho mọi người biết các nguyên nhân gây ra tình trạng chậm phát triển trí tuệ, cần phát triển ngành di truyền học, tổ chức các phòng tư vấn đi tuyên truyền để thăm khám, khuyên bảo các bà mẹ không nên sinh khi có nghi ngờ có khả năng sinh ra trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Làm tốt côn tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch, các bà mẹ lúc có thai nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ không được chiếu điện quang, không lạm dụng thuốc an thần, tránh bị nhiễm các bệnh siêu vi trùng và nếu có bệnh giang mai phải điều trị tận gốc. Phụ nữ có thai cần được nghỉ ngơi tịnh dưỡng, ăn uống đầy đủ, tránh mọi ưu buồn, sầu não. Những trường hợp đẻ kho cần được các thầy thuốc sản khoa có kinh nghiệm trực tiếp giúp đỡ để tránh các sang chấn não bộ cho đứa trẻ. Huấn luyện các bà mẹ nuôi dạy con theo phương pháp khoa học, điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng, bệnh nội tiết, bệnh động kinh, suy dinh dưỡng ở trẻ em, đề phòng trẻ bị té ngã gây sang chấn não. Chính nhờ các biện pháp này mà tỷ lệ trẻ em chậm phát triển trí tuệ ở các nước phát triển đã được hạn chế 1 phần đáng kể.

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình