Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Y học Việt Nam
Tìm hiểu chuẩn đoán siêu âm trong các bệnh gan mật?

Theo nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Kỷ:

Âm là những rung động của vật chất có thể lan truyền trong tất cả các môi trường (khí, chất lỏng, chất rắn) nhưng nó không qua được khoảng chân không. Âm thanh tai người nghe được có tần số từ 16 Hz (Hetz) đến 20kHz (kilo Hetz), dưới 16 Hz là phạm vi của hạ âm và trên 20kHz là phạm vi của siêu âm.

Sự phát xạ siêu âm dựa trên hiện tượng áp điện (do Curie .P tìm ra năm 1900) của đá thạch anh, của 1 số gốm và muối như Bari titanat, bari ziaconat. Nguồn phát xạ siêu âm là 1 tấm thạch anh rất mỏng, cắt thẳng góc với trục điện của tinh thể, kẹp giữa 2 điện cực nối với 1 nguồn điện xoay chiều cao tần. Do hiện tượng áp điện, những thay đổi của điện từ trường xoay chiều làm tấm thạch anh co dãn và rung phát ra siêu âm. Hiện tượng áp điện xảy ra theo 2 chiều, do đó có thể dùng đầu phát siêu âm làm đầu thu : sóng siêu âm gặp tấm thạch anh sẽ làm cho nó rung và phát ra điện. Tín hiệu điện được thu vào 2 cực, được khuếch đại thành xung điện và được đưa vào màn dao động ký.

Trong y học siêu âm được áp dụng vào cả điều trị và vào chẩn đoán. Về mặt chẩn đoán năm 1940 Dussik (Áo) đã thử ghi hình của sọ bằng năng lượng còn lại của 1 chùm siêu âm sau khi xuyên qua hộp sọ nhưng không đạt kết quả đầy đủ. Năm 1950 Viện nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ đã thử thăm dò sỏi mật bằng máy Sona (Sonar) của hàng hải, thu sóng siêu âm phản xạ về, gọi lại âm vang, từ đó các máy siêu âm dùng trong chẩn đoán được sử dụng càng ngày rộng rãi nhất là từ 1965 trở đi.

Các loại máy siêu âm xử lý tính hiệu điện thu được từ sóng siêu âm phản hồi theo nhiều kiểu khác nhau :

Kiểu A : tín hiệu điện được khuếch đại và đưa vào màn hiện sóng, biểu hiện thành những hình xung nhọn nhô lên khỏi đường đẳng điện, vị tí của xung đánh dấu vị trí của các cấu trúc trên đó siêu âm đã phản xạ.

Kiểu B : (còn gọi là 2D) là kiểu 2 chiều, là siêu âm cắt lớp : đầu dò vừa phát siêu âm vừa quét trên da, tạo thành 1 mặt phẳng cắt trong cơ thể.

Kiểu M : ghi chuyển động của tim và mạch máu lớn.

Kiểu Doppler : dùng hiệu ứng Doppler của siêu âm để đo tốc độ của dòng máu.

Để thăm dò ổ bụng người ta dùng máy siêu âm 2 chiều và những năm gần đây kết hợp cả Doppler xung để đo tốc độ dòng máu tại các mạch máu trong ổ bụng. Máy siêu âm 2 chiều thế hệ cũ cho hình ảnh tĩnh vì phải dùng tay cầm đầu dò để quét nên rất chậm. Máy siêu âm thế hệ mới cho hình ảnh động, thời gian thực, đầu dò quét hình rẻ quạt bằng cơ khí hoặc quét thẳng bằng điện tử. Tốc độ quét rất nhanh 20 – 30 lớp trong 1 giây, nên hình ảnh các lớp cắt sẽ nối  tiếp nhau nhanh chóng trên màn. Nhờ hiện tượng lưu ảnh trên võng mạc nên ta nhìn thấy hình ảnh liên tục, không tách rời ra từng lớp.

Tần số siêu âm : được dùng trong chẩn đoán 1 – 10MHz (mega Hetz); với tần số thấp, chùm siêu âm ít tập trung nhưng lại xuyên sâu; với tần số cao chùm siêu âm tập trung hơn nhưng độ xuyên sâu kém. Vì vậy cần chọn tần số siêu âm thích hợp tuỳ theo yêu cầu thăm khám. Để thăm dò ổ bụng cần dùng đầu dò có tần số siêu âm 2,25 – 3,5 MHZ, đối với người gầy hay trẻ em có thể dùng tần số 5MHz.

Lớp cắt bằng siêu âm nằm trong mặt phẳng của hướng đi chùm siêu âm, khác với lớp cắt bằng X quang. Để thăm dò ổ bụng có thể dùng những lớp cắt sau :

+ Lớp cắt dọc với hướng siêu âm trước – sau hoặc sau - trước; hình ảnh giống phim X quang chụp bụng tư thế nghiêng.

+ Lớp cắt ngang, thẳng góc với trục của bụng, cho hình ảnh bụng cắt kiểu khoanh giò, hình giống phim chụp bụng cắt lớp vi tính.

+ Lớp cắt tiền đầu với hướng chùm siêu âm từ mạng sườn vào, hình ảnh giống phim X quang chụp bụng thẳng.

+ Các lớp cắt khác như lớp cắt chéo dưới sườn hắt lên, lớp cắt chéo theo các khoảng gian sườn, lớp cắt chéo hướng vào trong hay ra ngoài ở vùng dưới sườn…

Sự lan truyền của siêu âm trong cơ thể thay đổi tùy theo cấu trúc của các bộ phận. Siêu âm truyền tốt nhất trong môi trường chất lỏng (1.500m/s) rồi đến phần mềm và cơ; siêu âm cũng truyền được trong xương (3.600m/s) nhưng bị hấp thụ nhiều nên sau khi xuyên qua xương, cường độ bị giảm đi rất nhiều. Đối với môi trường khí, sóng siêu âm có tần số dưới 100 kHz có thể truyền đi trong không khí với tốc độ 350m/s, nhưng từ 100 kHz trở lên, siêu âm truyền rất kém trong môi trường khí. Vì vậy trong chẩn đoán cũng như trong điều trị bằng siêu âm, phải dùng 1 môi trường trung gian (như nước, dầu) bôi ngoài da để cho sóng siêu âm truyền tốt vào cơ thể. Tác dụng siêu âm bị hạn chế rất nhiều khi thăm dò các phủ tạng chứa nhiều khí như phổi, ống tiêu hóa.

Phân tích hình ảnh siêu âm cắt lớp, có thể phân biệt 2 loại hình cơ bản :

+ Hình bờ : hình liên bề mặt là giới hạn giữa 2 môi trường đặc có cấu trúc âm khác nhau, ví dụ giữa gan và thận phải, lách và thận trái, giữa khối u đặc và nhu mô bình thường. Hình thành là giới hạn của 1 cấu trúc lỏng bình thường hoặc bệnh lý, ví dụ bàng quang, túi mật, tim, u nang.

+ Hình cấu trúc : hình cấu trúc đặc có âm đồng đều (nhu mô bình thường của phủ tạng đặc, cơ, nhau thai…) hoặc âm không đồng đều (nhu mô bệnh lý của phủ tạng đặc). Hình cấu trúc lỏng rỗng âm bình thường (bàng quang, túi mật) hoặc bệnh lý (u nang, tụ máu, thận ứ nước…). Như vậy siêu âm có khả năng phân biệt được cấu trúc của 1 khối choán chổ.

Khối lỏng tạo thành 1 vùng rỗng âm, mặc dù tăng độ khuếch đại của máy lên cao ví dụ u nang, tụ máu.

Khối đặc phân chia thành 3 loại : khối tăng âm có mật độ và đậm độ âm tăng so với nhu mô bình thường. Khối giảm âm có mật độ và đậm độ âm giảm. Khối đẳng âm có mật độ và đậm độ giống như nhu mô bình thường ; loại này rất khó phân biệt trên màn siêu âm, nếu không có đường bờ tách biệt hình khối ra, ví dụ u lành, ung thư.

Khối nửa lỏng, nửa đặc : hình khối lỏng rỗng âm, trong lòng có vài âm vang nhỏ rải rác ví dụ apxe, tụ máu có máu cục.

Thăm khám siêu âm gan :

Gan bình thường ; siêu âm có thể đo dễ dàng kích thước của gan. Đối với gan trái cắt lớp dọc qua động mạch chủ và đo chiều cao (dọc) 8cm và chiều sâu (trước – sau) 5cm. Đối với gan phải đo chiều cao 12cm ở lớp cắt dọc theo đường giữa xương đòn và đo lên 15cm ở lớp cắt dọc qua thận. Trên lớp cắt ngang có thể đo và tính tỷ lệ giữa chiều ngang thùy đuôi và chiều ngang thùy phải : bình thường 0,55 – 0,60. Nhu mô gan bình thường có âm vang đều, hơi đậm hơn nhu mô lách và đậm hơn nhu mô thận 1 – 2 độ của thang xám trên màn ảnh. Siêu âm có thể phân định được các thùy, phân thùy và hạ phân thùy của gan, dựa trên mối liên quan với động mạch chủ và tĩnh mạch dưới, tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch trên gan. Siêu âm có thể phát hiện nhiều loại thương tổn gan.

Thương tổn gan lan tỏa : viêm gan cấp tính và mạn tính : kích thước gan tăng, nhưng hình nhu mô gan chưa thấy có biến đổi rõ rệt. Gan tim : do suy tim phải nên có hiện tượng ứ huyết ở hệ tĩnh mạch chủ. Trên màn siêu âm thấy gan to ra nhưng nhu mô vẫn bình thường; trường hợp gan tim mạn tính có thể thấy nhiều nốt nhỏ rải rác khắp nhu mô gan. Ngoài ra tâm nhĩ phải và tĩnh mạch trên gan dãn; tĩnh mạch chủ dưới cũng dãn to và khẩu kính không thay đổi theo nhịp thở.

Tụ mỡ 1 phần hay toàn bộ nhu mô gan : do mô mở phản xạ mạnh siêu âm nên hình nhu mô gan rất sáng, nếu không có sơ kèm theo thì không có hiện tượng giảm âm trong phần sâu.

Xơ gan : chẩn đoán siêu âm dự vào kích thước gan và nhu mô gan. Kích thước gan lúc đầu tăng lên, về sau ở giai đoạn muộn gan teo nhỏ. nhu mô lúc đầu đậm (gan sáng) nhưng chưa có giảm âm ở trong sâu, về sau có kèm giảm âm ở trong sâu do mô sơ phát triển. Ở giai đoạn muộn có hình nốt nhỏ và vừa đường kính dưới 1cm. Trong xơ gan ở giai đoạn muộn, thùy phải teo nhỏ và thùy đuôi phì đại bù, do đó tỷ lệ giữa chiều ngang thùy đuôi và thùy phải tăng trên 0,65 có thể lên đến 0,85.

Ngoài ra siêu âm thể phát hiện các hậu quả của xơ gan như cổ trướng, dãn tĩnh mạch, lách to. Cổ trướng có dịch ít hoặc nhiều trong ở phức mạc. Dãn tĩnh mạch lách cửa : khẩu kính bình thường của tĩnh mạch lách khoảng 0,5cm và tĩnh mạch cửa là 1,2cm; trong xơ gan có thể tăng lên trên 2cm, đường đi tĩnh mạch ngoằn ngoèo. Ngoài ra có thấy dãn tĩnh mạch mạc treo tràng trên, túi phình tĩnh mạch ở phình vị dạ dày, ở rốn lách, siêu âm cũng thấy được lách to, kích thước bình thường của lách là dọc 12cm, ngang 8cm, dày 4cm; trong xơ gan chiều dọc của lách có thể lên đến 20cm, bờ dưới lách xuống thấp hơn cả cực dưới thận trái. Thương tổn từng ổ của gan chia làm 2 loại :

+ Các khối lỏng của gan gồm apxe gan, nang gan, nang sán.

Apxe gan do amip ở giai đoạn viêm và hoại tử thể hiện thành 1 hình khối đặc tăng âm hay giảm âm, sang giai đoạn apxe đã có mủ thấy 1 hình hốc rỗng âm, ở giữa có 1 số âm đậm rải rác do những mảnh mô hoại tử tạo ra. Có thể thẳng 2 ổ apxe rời nhau ở cùng 1 phân thuỳ hoặc ở nhiều phân thùy khác nhau. Kích thước apxe amip tương đối lớn thường 5 – 10cm. Tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội, trong 2 năm 1990 – 1991 có 159 trường hợp apxe gan amip đã phát hiện bằng siêu âm, trong đó bệnh nhân có ổ apxe chiếm 83,7%, hai ổ chiếm 12,6% và 3 ổ trở lên chiếm 3,7%. Trong đó 166 ổ apxe gan amip, có 132 ổ ở gan phải (85 ở phân thùy trước và 47 ở phân thùy sau), 30 ổ ở gan trái (12 ở phân thùy giữa và 18 ở phân thùy bên) chỉ có 4 ổ ở phân thùy đuôi. Trong 159 bệnh nhân apxe gan amip nam giới có 136 (85,5%) và nữ giới có 23 (14,5%). Apxe gan do viêm đường mật thường có nhiều ổ nhỏ, đường kính 1 – 3cm, bờ không rõ có xu hướng tụ lại với nhau thành những ổ lớn hơn. Loại apxe này khó nhìn thấy trên màn siêu âm và dễ bị bỏ sót.

Siêu âm có thể hướng dẫn chọc các ổ apxe một cách chính xác với mục đích thăm dò hoặc hút mủ điều trị apxe, trong khi chọc có thể theo dõi đường đi của kim trên màn hình siêu âm để chọc đúng vào ổ mủ.

Nang gan có thể là u nang gan đơn độc hoặc bệnh đa nang gan. U nang đơn độc ít gặp. Hình ảnh siêu âm là 1 hốc tròn rỗng âm hoàn toàn (do dịch trong suốt), bờ mỏng đều, kích thước không lớn lắm khảng 4cm, bờ sau nang có hình tăng cường âm do siêu âm truyền trong môi trường lỏng dễ dàng và phản xạ mạnh vào thành sau của u nang. Bệnh đa nang gan có nhiều hình nang to nhỏ rải rác khắp cả gan phải và gan trái, trong nhiều trường hợp có kèm cả hình đa nang thận.

Nang sán Echinococcus không thấy ở Việt Nam, thường gặp ở Bắc Phi, Nam Mỹ, Châu Úc. Hình siêu âm của nang sán cũng giống như của u nang đơn độc, nhiều khi trong lòng có nhiều vách do nang con tạo ra; đôi khi thấy hình 2 bờ do màng của nang sán tách ra hoặc có hình vôi hóa của thành nang.

Các khối đặc của gan có ung thư gan nguyên phát, di căn ung thư u mạch máu, u tuyến tế bào gan, tăng sản nốt từng ổ.

Ung thư gan nguyên phát thường gặp ở các nước Á – Phi, trái lại ít gặp hơn ở các nước Âu - Mỹ. Ung thư gan có thể phát triển trên nhu mô gan lành nhưng đa số (63 – 83%) xuất hiện trên gan xơ do rượu hoặc do hậu quả của viêm gan virut. Ở người lớn đại đa số là ung thư biểu mô tế bào gan, ở trẻ em nhất là dưới 2 tuổi thường là ung thư phôi bào gan. Dấu hiệu siêu âm của ung thư gan như sau : gan to toàn bộ hoặc riêng 1 thùy hay phân thùy, mặt gan gồ ghề nếu u nằm ở lớp nông, góc dưới và góc bên của gan mở rộng và tù (bình thường góc gan trái là 45o và góc gan phải là 75o). Trong thể 1 ổ hình siêu âm của u là 1 khối đặc bờ đều hoặc không đều, xung quanh thường có 1 bờ viền giảm âm, kích thước ở giai đoạn sớm dưới 3cm, ở giai đoạn muộn có thể trên 10cm. Cấu trúc âm của khối đặc có thể tăng âm, giảm âm hoặc ở giữa tăng âm, xung quanh giảm âm (hình bia bắn súng hoặc hình mắt bò tót). Trong trường hợp u bị hoại tử, sẽ thấy hình 1 khối đặc ở giữa rỗng, bờ hốc rỗng dày và không đều. Trong thể nhiều ổ thấy nhiều khối đặc tăng âm có thể xen kẽ cả khối giảm âm, nằm tập trung ở 1 thuỳ hoặc rải rác ở khắp cả gan trái và phải. Trong thể lan toả không có hình khối mà chỉ thấy 1 vùng tăng âm hoặc xen kẽ cả giảm âm giới hạn không rõ (hình tổ ong). Ung thư gan nguyên phát thường gây huyết khối ở tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới có thể phát hiện bằng siêu âm. Có thể dùng Doppler xung hoặc chụp động mạch gan để đánh giá sự tăng mạch máu trong khối ung thư.

Nếu ung thư gan phát triển trên gan lành, hình nhu mô gan xung quanh bình thường, còn nếu ung thư xuất hiện trên gan xơ sẽ có dấu hiệu siêu âm của xơ gan kèm theo.

Siêu âm có khả năng giúp ít nhiều trong khâu chẩn đoán, theo dõi và điều trị ung thư gan. Để chẩn đoán chắc chắn ung thư gan người ta thường dựa vào xét nghiệm alpha – foetoprotein (tăng rõ rệt trong 90% ung thư gan) và chọc dò gan có siêu âm hướng dẫn với kim nhỏ hoặc kim to để làm xét nghiệm tế bào học hoặc mô học. Siêu âm cũng đóng góp vào việc đánh giá giai đoạn của ung thư gan. Trong phân loại của Okuda có 4 thông số : khối lượng u chiếm trên 50% khối lượng của gan, có cổ trướng, bilirubin máu trên 30mg/l và anbumin dưới 30g/l. Siêu âm đánh giá khá chính xác 2 thông số đầu. Ung thư gan của giai đoạn 1 không có thông số nào, ở giai đoạn 2 có 1 hoặc 2 thông số, ở giai đoạn 3 có 3 hoặc 4 thông số. Theo dõi sự phát triển của ung thư gan, siêu âm giúp xác định thời gian khối u lớn lên gấp đôi, u càng ác tính thì thời gian này càng ngắn. Trong điều trị ung thư gan có 1 số phương pháp mới cần có siêu âm hướng dẫn vị trí vá kích thước khối u, đường vào khối u, ví dụ : bơm hóa chất điều trị qua ống thông luồn vào động mạch gan, gây tắc động mạch gan, chọc kim qua da để bơm cồn 95o vào u nhỏ dưới 4cm.

Hiện nay 1 số nước Châu Á có nhiều ung thư gan nguyên phát (như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc) đang dùng phương pháp kiểm tra siêu âm hàng loạt cho những người có yếu tố nguy cơ cao để phát hiện sớm ung thư gan nhỏ hơn 3cm, chưa có triệu chứng lâm sàng, do đó kết quả điều trị sẽ sớm tốt hơn. Theo Chen.D.S độ chính xác của các phương pháp chẩn đoán ung thư gan dưới 3cm như sau : siêu âm 95%, cắp lớp vi tính 94%, chụp động mạch gan 89%, chụp lấp lánh 16%, soi ổ bụng 12^%.

Tại bệnh viện Việt - Đức, trong 2 năm (1990 đến giữa năm 1992) có 333 trường hợp u gan nguyên phát đã được phát hiện bằng siêu âm, trong đó thể 1 ổ chiếm 44,5% và thể nhiều ổ chiếm 55,5%. Khu trú của ung thư ở gan phải có 64,3%, ở gan trái có 32,5%, ở thùy đuôi 2,1% và ở nhiều thùy 1,1%.

Di căn ung thư vào gan lúc đầu là 1 về sau là nhiều khối đặc, kích thước khoảng 1 – 3cm, nằm rải rác ở 1 thùy hoặc cả gan. Về cấu trúc âm của di căn gan, theo Scheible có 37% tăng âm, 18% giảm âm và 45% hỗn hợp (trong đó có 17% hình mắt bò). Theo Brascho và Taylor, cấu trúc âm của di căn có liên quan đến ung thư nguyên phát : loại tăng âm và loại hỗn hợp thường là di căn của ung thư ống tiêu hóa và ung thư biểu mô gan nguyên phát, loại giảm âm là di căn của u bạch huyết bào (lymphome), của ung thư vú và ung thư phổi. Còn u bị hoại tử ở giữa thường thấy trong di căn của ung thư mô liên kết (sarcome) hoặc ở những bệnh nhân đang điều trị bằng hóa liệu pháp.

Ngoài ung thư gan nguyên phát và di căn những khối đặc ở gan ít gặp hơn là u mạch máu, u tuyến tế bào nuôi, tăng sản nốt từng ổ.

U mạch máu tần suất khoảng 2 – 7% của các u gan, có loại bẩm sinh : thường thấy ở phụ nữ trẻ. U mạch có thể tự nó thu nhỏ hoặc phát triển dần và có thể bị vỡ, hình ảnh siêu âm phụ thuộc vào thể u mạch. U mạch thể mao mạch có hình khối đặc rất tăng âm (do siêu âm phản xạ trên các thành của mao mạch), đường kính thường 2 – 4cm. U mạch thể hang biểu hiện bằng hình khối rỗng như nang, bên trong thường có nhiều vách ngăn hoặc là 1 hình khối hỗn hợp vừa tăng âm vừa giảm âm. Bệnh u mạch lan tỏa có hình từng đám tăng âm hoặc hỗn hợp. Để chẩn đoán u mạch chính xác cần tiến hành thêm chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch : hình u mạch lúc đầu giảm tỷ trọng, về sau ngấm thuốc cản quang trở nên đậm từ chu vi vào trung tâm. Chụp động mạch gan : ở thì động mạch không thấy mạch máu mới tạo như trong ung thư, ở thì mao mạch và tĩnh mạch thuốc cản quang đọng lại lâu và có hình hồ máu.

U tuyến tế bào gan là một u ít gặp tần suất là 0,03% của các u gan. U tuyến thường gặp ở phụ nữ uống thuốc tránh thai lâu năm. Về mặt mô học, u tuyến gồm có tế bào gan không điển hình, với nhiều mức độ hoại tử và chảy máu khác nhau. Hình siêu âm là 1 khối đặc giảm âm hoặc tăng âm đường kính thường trên 5cm, ở giữa có thể có những ổ rỗng âm do hoại tử hoặc chảy máu. Khi ngừng uống thuốc tránh thai, u tuyến có thể thu nhỏ lại.

Tăng sản nốt từng ổ là 1 bệnh hiếm tần suất là 0,03% của các u gan, theo Taylor đến năm 1981 mới có 368 trường hợp đã được thông báo trên y văn thế giới. Cấu trúc mô học của tăng sản nốt gồm tất cả các thành phần bình thường của gan như tế bào của gan, của ống mật và tế bào Kupffer. Hình ảnh siêu âm là 1 hoặc nhiều khối đặc có vỏ bao quanh, đường kính trung bình 5cm nhưng chúng có thể lớn hơn, thường khu trú ở gan phải. Cấu trúc u thường tăng âm, đôi khi giảm âm, ở trung tâm thường thấy sẹo xơ thành vệt đậm hình đường thẳng hoặc hình ngôi sao.

Để phân biệt u tuyến và tăng sản nốt, chụp cắt lớp vi tính không chắc chắn vì trong cả 2 loại u đều có hình khối giảm tỷ trọng, hình chụp động mạch cũng không khác mấy, ngay cả chọc sinh thiết trong 2 loại u đều chỉ thấy tế bào gan bình thường hoặc không điển hình. Để phân biệt cần phải dựa vào chụp lấp lánh gan với chất đồng vị phóng xạ techneti 99m ở dạng keo. Trong tăng sản nốt các tế bào Kupffer của hệ thống lưới - nội mô gan bắt giữ các tiểu phần keo của chất đồng vị phóng xạ, tạo thành 1 vùng “nóng” hoặc vùng giống mô hình thường của gan. Trái lại u tuyến không có tế bào Kupffer nên không bắt giữ được chất phóng xạ, tạo thành 1 vùng “lạnh”.

Tóm lại để chẩn đoán chính xác bản chất các khối đặc của gan, cần phối hợp các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh như siêu âm, X quang quy ước, chụp mạch máu, chụp cắt lớp vi tính không tiêm và có tiêm thuốc cản quang, chụp lấp lánh và gần đây có thêm hình cộng hưởng từ. Ngoài ra phải chọc sinh thiết dưới sự hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để làm xét nghiệm tế bào học và mô học.

Để đánh giá khối lượng các khối đặc và lỏng của gan, ngoài đo đường kính theo 3 chiều không gian nhiều khi cần tính thể tích. Theo Brascho nếu khối cần đo tròn đều có thể tính theo công thức hình cầu : V = 4,2 (D/2)3, trong đó V là thể tích và D là đường kính của khối u. Nếu khối cần đo hình bầu dục sẽ tính thể tích theo công thức sau : V = 0,52 (L x W x H), trong đó L là chiều dài, W là chiều rộng và H là chiều cao. Cần khám siêu âm kiểm tra nhiều lần để theo dõi sự phát triển tự nhiên của khối u hoặc sự thu nhỏ của khối u sau điều trị hoặc sự tái phát của khối u sau phẫu thuật. Ngoài ra cần phải tìm ra sự xâm lấn của u sang các cơ quan bên cạnh hoặc di căn vào hạch và cơ quan ở xa.

Thăm khám siêu âm đường mật

Đường mật bình thường gồm ống mật và túi mật. Ống mật trong gan bình thường không nhìn thấy được trên màn siêu âm do khẩu kính quá nhỏ chỉ nhìn thấy khi bị dãn. Có thể nhìn thấy đường mật chính gồm ống gan chung và ống mật chủ, trên lớp cắt dọc hoặc cắt ngang cuống gan, thể hiện bằng hình rỗng âm dài hoặc tròn. Ở gần hợp lưu tĩnh mạch lách - cửa, ống mật chủ thường nằm phía sau tĩnh mạch cửa, lên đoạn trên ống mật chủ bắt chéo rồi nằm phía trước tĩnh mạch cửa. Đường kính bình thường của ống mật chủ khoảng 0,5 – 0,6cm ở người lớn và khoảng 0,2 – 0,4cm ở trẻ em. Khẩu kính của đường mật chính bình thường chỉ bằng 1/3 – ¼ khẩu kính của tĩnh mạch cửa. Khi đường mật chính dãn, hai khẩu kính sẽ bằng nhau tạo thành hình súng 2 nòng, thân và nhánh tĩnh mạch cửa có bờ đậm âm hơn bờ của ống mật.

Túi mật bình thường chức dịch mật nên trong lòng rỗng âm thành mỏng dưới 0,3cm. Kích thước bình thường của túi mật thay đổi khá nhiều : trung bình chiều dài khoảng 5 – 8cm và chiều rộng 2 – 4cm, túi mật dãn khi kích thước trên 5 – 10cm. Siêu âm giúp chẩn đoán khá nhiều bệnh của túi mật.

Sỏi túi mật có thể gặp sỏi nhỏ thành hình nốt đậm âm kèm bóng cản âm hoặc không, sỏi to thể hiện bằng hình vòng cung đậm âm kèm bóng cản âm rõ. Ưu điểm của siêu âm là có thể phát hiện được cả soi cản quang và không cản quang đối với X quang. Sỏi thường di động trong túi mật và vị trí thay đổi theo tư thế của bệnh nhân, đôi khi cũng gặp sỏi kẹt ở cổ túi mật hoặc đoạn cuối của ống túi mật, sỏi túi mật thường kèm theo viêm túi mật.

Túi mật tích nước thường là hậu quả của sỏi kẹt ở cổ túi mật hoặc ở ống túi mật. Dấu hiệu siêu âm là túi mật dãn to một mình, trong khi đường mật trong ngoài gan không dãn, dịch mật không đều, trong trường hợp này phải cố gắng tìm hình sỏi kẹt. Nếu lâu ngày sẽ có hình túi mật tích mủ : túi mật dãn to, dịch mật không đều và có nhiều hình đậm âm của mủ, không kèm bóng cản âm.

Bùn mật : trong túi mật, dịch mật chia làm 2 lớp, lớp trên là dịch mật trong rỗng âm và lớp dưới là dịch mật đặc đậm âm, giữa 2 lớp có đường giới hạn thẳng ngang; bùn mật có thể di chuyển trong túi mật tùy theo tư thế bệnh nhân.

Viêm túi mật : trong viêm túi mật cấp thấy các dấu hiệu siêu âm sau đây : có điểm đau rõ rệt khi ấn đầu dò vào túi mật (điểm Murphy siêu âm), thành túi mật dày trên 0,3cm và nhiều khi thành hình 2 bờ (2 lớp đậm âm cách nhau bởi 1 lớp giảm âm). Nếu có khí thũng trong thành túi mật sẽ thấy vệt sáng của khí nằm trong thành. Nếu có thấm mật phúc mạc có thể thấy hình dịch rỗng âm quanh túi mật hoặc ở túi Morisson giữa gan và thận phải. Đám quánh túi mật thể hiện bằng 1 hình khối đậm âm quanh túi mật, trong trường hợp có cả sỏi và viêm túi mật sẽ thấy thêm hình nốt đậm âm kèm bóng cản nằm trong túi mật. Trong viêm túi mật mạn tính, thành túi mật thường rất dày (0,8 – 1cm) túi mật có thể biến dạng (hình 2 túi, hình móc câu). Thể tích túi mật có thể bình thường hoặc thu nhỏ trong trường hợp viêm túi mật xơ teo. Nhiều khi túi mật chứa đầy sỏi không còn thấy dịch mật nữa, thể hiện bằng 1 đám đậm âm không đều. Trong trường hợp túi mật bằng sứ, thành túi mật bị vôi hóa, tạo thành hình 1 đường vòng cung đậm âm kèm bóng cản âm rộng (hình vỏ sò).

U túi mật gồm 2 loại u : u lành tính và ung thư. U lành tính của túi mật ít gặp; đa số là u nhú và polip thể hiện bằng 1 khối đặc tròn nhỏ, bờ đều, chân rộng hoặc có cuống bám vào mặt trong của thành túi mật, không có bóng cản âm. Ung thư túi mật tạo thành hình một khối đặc bờ nham nhở không đều, chân rộng không kèm bóng cản âm nằm ở mặt trong thành túi mật. Ở giai đoạn muộn, ung thư lan ra mặt ngoài thành túi mật và xâm lấn vào gan hoặc chèn ép ống mật chủ. Khác với sỏi túi mật, u túi mật không có bóng cản và bám vào 1 vùng cố định của thành túi mật không thay đổi vị trí theo tư thế bệnh nhân.

Bệnh ống mật được chẩn đoán bằng siêu âm gồm các dạng sau đây :

Sỏi ống mật : siêu âm có thể phát hiện được cả sỏi ống mật cản quang và không cản quang đối với tia X. Hình ảnh siêu âm của sỏi ống mật là 1 hay nhiều nốt đậm tròn hoặc bầu dục nằm trong ống mật cắt dọc và cắt ngang, bịt hoàn toàn hoặc 1 phần lòng ống mật; phía sau sỏi thường có bóng cản âm. Đối với sỏi nhỏ và bùn mật không thấy bóng cản âm. Ống mật phía thượng lưu của hòn sỏi bị dãn vừa (khoảng 1,5cm) đến dãn nhiều ( khoảng 2,5cm) tuỳ mức độ tắc mật do sỏi gây nên, tùy vị trí của sỏi có thể phân chia ra sỏi của đường mật trong gan và ngoài gan.

Ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ tần suất của sỏi túi mật cao hơn sỏi ống mật, trái lại ở Việt Nam và các nước nhiệt đới, sỏi túi mật ít gặp hơn sỏi ống mật ngoài gan và trong gan. Tại bệnh viện Việt - Đức trong năm 1990 đã có 255 trường hợp sỏi mật phát hiện bằng siêu âm, trong đó 85 ca sỏi túi mật (33,3%) và 170 ca sỏi ống mật (66,7%).

Trong tiêm ống mật bờ ống mật dày và đậm tạo thành 2 đường đậm âm song song như đường ray tàu hỏa.

Giun chui ống mật có dấu hiệu siêu âm như sau : trên lớp cắt dọc ống mật dãn ít (khoảng 1 – 1,2cm) trong lòng có 1 hoặc nhiều đường đậm âm dài tùy theo số lượng giun không có bóng cản âm như trong trường hợp có hơi trong ống mật. Khi cắt ngang ống mật hình giun là 1 hoặc nhiều nốt đậm âm tròn trong lòng ống mật, không kèm bóng cản âm như đối với sỏi mật. Giun thường nằm ở ống mật chủ và ống gan chung, nhiều khi ở các ống mật trong gan phải và trái và đôi khi cả ở ống túi mật và túi mật, khi giun còn sống có thể nhìn thấy nó ngọ nguậy, đôi khu giun có thể lên cả ống Wirsung của tụy. Tại bệnh viện Việt - Đức trong 2 năm 1990 – 1991 đã có 214 bệnh nhân giun sán chui ống mật được chẩn đoán bằng siêu âm trong đó 50% kèm cả sỏi mật.

U ống mật : u lành tính của ống mật ít gặp, đa số là ung thư biểu mô ống mật biểu hiện bằng hình một khối đặc không kèm bóng cản âm, bịt hoàn toàn hoặc 1 phần lòng của ống mật. Đoạn ống mật phía thượng lưu của u dãn vừa hoặc dãn to tùy mức độ tắc mật, ở giai đoạn muộn ung thư ống mất có thể lan ra túi mật và di căn vào nhu mô gan.

U nang ống mật thường gặp ở ống mật chủ. Dấu hiệu siêu âm của u nang ống mật chủ như sau : ống mật chủ dãn và phình  to thành hình thoi hoặc hình túi : đường kính u ngang thường khoảng 5cm, đôi khi lớn hơn (trên 10cm), dịch mật trong và rỗng âm. Tĩnh mạch cửa có thể bị đè ép ra phía sau, nhiều khi có kèm cả u nang của ống mật trong gan thành hình khối tròn rỗng âm có thông với đường mật trong gan.

Hội chứng tắc mật : siêu âm giúp chẩn đoán khá chính xác vị trí tắc mật của đường mật :

+ Tắc đoạn cuối của ống gan phải hay ống gan trái : chỉ dãn ống mật thùy và phân thùy của gan phải hoặc gan trái.

+ Tắc đoạn cao của đường mật chính (ngã 3 đường mật, ống gan chung) : chỉ dãn đường mật trong gan còn ống mật chủ và túi mật không dãn.

+Tắc đoạn thấp của đường mật chính : dãn cả đường mật trong gan, ngoài gan và túi mật.

+ Tắc đoạn cuối ống mật chủ gần cơ Oddi hoặc ở bóng Vater : dãn toàn bộ đường mật và túi mật và dãn cả ống Wirsung của tụy.

Siêu âm còn đóng góp vào chẩn đoán nguyên tắc mật :

+ Do sỏi hoặc u ống mật : có dấu hiệu siêu âm của 2 bệnh này đã mô tả ở trên.

+ Do viêm cơ Oddi : đoạn cuối, ống mật chủ hẹp hình đầu bút chì.

+ Do u đầu tụy chèn ép : thấy đầu tụy to và có khối đặc, ống mật chủ hẹp hoặc cắt cụt ở đoạn sau đầu tụy, hạch ở rốn gan cũng có thể chèn ép ống mật chủ.

Trong chẩn đoán nguyên nhân tắc mật, tác dụng của siêu âm bị hạn chế khi ruột bị trướng hơi nên cảm siêu âm, không thăm dò được đoạn thấp của ống túi mật chủ. Trong trường hợp đó cần dùng chụp cắt lớp vi tính (vì tia X không bị cản bởi khí) hoặc chụp đường mật ngược qua ống nội soi, chụp đường mật qua da. Tóm lại siêu âm cắt lớp là 1 phương pháp đơn giản không nguy hiểm và khá chính xác trong thăm dò gan và đường mật. Do đó nó càng ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh gan mật nói riêng và bệnh lý ổ bụng nói chung.


Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình