Vitamin E, còn gọi là alpha-tocopherol là một loại chống oxy hóa và có thể tan trong mỡ. Những loại vitamin tan trong mỡ được tích trữ trong gan và mô mỡ, cơ chứ không bị đào thải ra ngoài như những vitamin tan trong nước (vitamin C...). Những vitamin tan trong mỡ cũng dễ hấp thu vào cơ thể hơn khi trong khẩu phần ăn có mỡ. Tác dụng của vitamin E khác nhau tùy thuộc vào liều lượng sử dụng, sự chuyển hóa và hấp thu thế nào? Liều lượng nhỏ vitamin E khoảng 15-45IU mỗi ngày được xem là cần thiết để phòng ngừa thiếu vitamin E (theo khuyến nghị về dinh dưỡng của Mỹ - RDA thì liều lượng dự phòng mỗi ngày là 15IU vitamin E; 1 đơn vị quốc tế bằng 1mg dl-alpha-tocopheryl acetate). Liều lớn hơn (tới 1.000IU mỗi ngày) được xem là cần thiết để phòng ngừa bệnh thoái hóa. Còn liều cao hơn nữa (tới 3.200 IU mỗi ngày) có thể đem lại một số lợi ích chữa bệnh nhưng còn cần nghiên cứu thêm.
Liều cao vitamin E có an toàn cho cơ thể hay không? Không giống các vitamin tan trong mỡ khác như vitamin A, D và K; vitamin E không có hại khi dùng liều cao, ngay cả liều cao tới 3.200IU mỗi ngày. Các nghiên cứu đã cho thấy vitamin E hầu như không độc, không gây biến dị gen, quái thai hoặc ung thư. Những nghiên cứu mù đôi (nghĩa là cả nhà nghiên cứu lẫn người tham gia đều không biết loại thuốc gì và liều lượng vitamin E đã sử dụng bao nhiêu) cho thấy liều cao vitamin E không gây tác dụng phụ nào. Dù còn phải tiếp tục nghiên cứu về độ an toàn của việc bổ sung dài hạn vitamin E, nhưng có thể xem vitamin E là vô hại, tác dụng phụ rất ít hoặc không có và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nếu chỉ dựa vào nguồn vitamin E hấp thu từ chế độ ăn thì có thể không cung cấp đủ, vì vậy có thể bổ sung vitamin E. Hiện có khoảng 20% người dân Mỹ dùng đều đặn vitamin E bổ sung dưới dạng polyvitamin hoặc đơn thuần. Vì vitamin E có lợi cho sức khỏe, giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, ung thư, xơ vữa mạch máu nên nhiều người có tâm lý thích bổ sung với liều cao. Tuy nhiên nếu muốn dùng liều cao, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, không được dùng liều cao vitamin E cho những người thiếu vitamin K do hấp thu kém hoặc đang theo liệu pháp chống đông máu, như đang dùng Coumadin (Warfarin).
Tóm lại, dùng vitamin E với liều từ 1.000IU trở lên cho đến 3.200IU là tương đối an toàn, có thể chỉ dẫn đến các tác dụng phụ tối thiểu như rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng), mỏi mệt, đau vú (với phụ nữ), mặc dù các tác dụng phụ này không gặp ở những nghiên cứu lớn. Những thức ăn tươi có nhiều vitamin E là rau xanh, đậu đỗ, lạc, mầm lúa mì, dâu tây, đào, hạnh đào, lòng đỏ trứng, gan... Nhưng nguồn cung cấp vitamin E nhiều nhất là dầu thực vật như dầu hướng dương... Những nguồn vitamin E tự nhiên này không ổn định, sự hấp thu còn phụ thuộc vào cách bảo quản. Không bảo quản lâu và nên chế biến bằng cách nướng hơn là rán để không làm tiêu hủy vitamin E và nhiều chất dinh dưỡng khác |