Lá mơ lông: Còn gọi là mơ tam thể, ngưu bì đống, mẫu cẩu đằng, ngũ hương đằng, thanh phong đằng, mao hồ lô... Tên khoa học là Peaderia scandens (Lour.), là một loại cây leo mọc hoang hoặc được trồng làm hàng rào nhiều nơi ở nước ta. Lá cây mọc đối, hình trứng hay mác dài, gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài. Hoa tím nhạt, tràng hình ống mọc thành xim kép ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả hình cầu có đài tồn tại màu vàng nâu.
Nói đến lá mơ lông, người ta thường liên tưởng ngay đến thịt chó, nhiều nơi còn dùng làm rau sống ăn kèm với các loại rau khác. Tuy nhiên, mơ lông còn là một vị thuốc khá độc đáo. Theo dược học cổ truyền, lá mơ lông vị chua, tính bình, có công dụng trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như phong thấp (đau khớp), phúc thống (đau bụng), lỵ tật (kiết lỵ), phù thũng, thực tích (đầy bụng, chậm tiêu), cam tích (trẻ em suy dinh dưỡng), can tỳ thũng đại (gan, lách to), trúng độc, thoát giang (sa trực tràng), bối ung (mụn nhọt mọc ở lưng), bạch đới (khí hư), thương tổn do trật đả...
Các sách thuốc cổ như Cương mục thập di, Lý thị thảo bí, Bản thảo cầu nguyên, Thảo mộc tiện phương, Trọng sàng thảo dược... đều có bàn đến mơ lông với những phương thuốc khá độc đáo. Ví dụ:
Ðể chữa kiết lỵ, dùng lá mơ lông 30-50g rửa sạch thái nhỏ, trộn với 1 quả trứng gà rồi bọc lá chuối đem nướng hoặc đặt vào chảo rán (không cho mỡ), ăn 2 lần trong ngày, 7 ngày là một liệu trình. Ðể chữa chứng phong thấp, cổ nhân khuyên nên dùng rễ hoặc dây mơ lông 30-50g sắc uống với một chút rượu. Ðể chữa chứng bối ung nên dùng 50g dây mơ lông tươi sắc uống, bên ngoài lấy lá giã nát đắp. Ðể chữa chứng cam tích trẻ em, có thể dùng rễ mơ lông 15-20g hầm với dạ dày lợn 1 cái mà ăn. Ðể giải độc dùng rễ và dây mơ lông 100g, đậu xanh 30g sắc uống làm 3 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 giờ.
Trên lâm sàng, các nhà y học Trung Quốc đã nghiên cứu dùng mơ lông điều trị các chứng đau do viêm loét dạ dày, co thắt đường mật, chấn thương và đau sau phẫu thuật, chữa viêm da thần kinh, viêm tủy và dị ứng dạng nổi cục đạt kết quả khá tốt.
Ðinh lăng: Còn gọi là cây gỏi cá, nam dương lâm, tên khoa học là Panax fruticosum L., cây có thân nhẵn không gai, thường cao từ 0,8 đến 1,5m, lá kép 3 lần xẻ lông chim, dài 20-40cm. Lá chét có cuống gầy dài từ 3-10cm. Phiến lá chét có răng cưa không đều, lá mùi thơm. Hoa tự hình chùy ngắn 7-18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Quả dẹt, dài từ 3-4cm, dày 1mm, có vòi tồn tại.
Theo kinh nghiệm dân gian, người ta thường dùng đinh lăng lá nhỏ dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ, làm thuốc tăng lực cho các đồ vật trong dịp hội hè. Ðặc biệt, rượu và nước sắc rễ đinh lăng lá nhỏ ngày xưa thường được các lương y dùng để chữa chứng suy nhược cơ thể, làm thuốc bổ tăng lực, nên danh y Hải Thượng Lãn Ông đã gọi cây đinh lăng lá nhỏ là "cây sâm của người nghèo". Người Ấn Ðộ còn dùng đinh lăng lá nhỏ làm thuốc hạ sốt, làm săn da và niêm mạc. Ðể chữa sưng vú và làm thông tia sữa, cổ nhân thường dùng rễ đinh lăng 30-40g sắc với 500ml nước, cô còn 250ml, uống nóng. Ðể chữa chứng sốt lâu ngày kèm theo ho, nhức đầu, đau tức ngực, tiểu tiện vàng, khát nước: dùng rễ, cành, lá đinh lăng tươi 30g, lá hoặc vỏ chanh, vỏ quýt 10g, lá tre tươi 20g, rễ lá cành sài hồ 20g, cam thảo dây hoặc cam thảo đất 30g, chua me đất hoặc rau má tươi 30g, sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2-3 lần trong ngày. Ðể chữa mệt mỏi, biếng hoạt động: dùng rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng 50g sắc uống trong ngày. Ðể chữa vết thương: dùng lá đinh lăng tươi, rửa sạch giã nát đắp vào nơi bị bệnh.
Nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, tác dụng của dịch chiết đinh lăng lá nhỏ có nhiều điểm tương tự sâm Triều Tiên. Bột rễ đinh lăng lá nhỏ có chứa 20 acid amin, vitamin nhóm B, các nguyên tố vi lượng, trong đó có một số acid amin mà cơ thể người không thể tổng hợp được. Về độc tính, người ta thấy đinh lăng lá nhỏ của ta ít độc hơn so với nhân sâm Triều Tiên và sâm Liên Xô Eleutherococus. Kết quả nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy nước sắc hoặc bột rễ đinh lăng lá nhỏ có tác dụng bồi bổ, tăng lực, khôi phục sức khỏe khi cơ thể bị suy nhược, giúp ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân, làm nhịp tim sớm trở lại bình thường sau khi gắng sức. Vì vậy, người ta đã dùng các chế phẩm từ đinh lăng lá nhỏ cho các vận động viên khi thi đấu, bộ đội hành quân đường dài. Các chế phẩm này cũng được dùng cho các nhà du hành vũ trụ để làm tăng sức chịu đựng và thể lực, nâng cao hiệu quả luyện tập trong tư thế tĩnh đầu dốc ngược. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu Nga gọi các chế phẩm này là "Thuốc sinh thích nghi" (Adaptogen), đã được nước ta và Liên Xô cũ sử dụng trong chương trình vũ trụ Itercosmos |