Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
-   Bưu chính Viễn thông
-   Chế tạo máy
-   Công nghệ Thực phẩm
-   Tài nguyên Môi trường
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC KỸ THUẬT
Xin cho biết một số dạng thuốc thường dùng trong đông y?

1. Thuốc thang là một vị thuốc gồm nhiều vị thuốc thảo mộc, động vật hay khoáng vật đã chế biến thái nhỏ để sắc hay ngâm rượu uống. Thuốc thang tác dụng nhanh do đó hay dùng trong trường hợp cấp tính.

Có những thang thuốc phải sắc lâu mới khỏi độc và vị thuốc mới chữa khỏi bệnh như đơn thuốc có vị phụ tử nhưng cũng có những đơn thuốc chỉ cần đun sôi 15-30 phút là dùng được rồi.

2. Thuốc viên (hoàn) thường chế bằng cách tán các vị thuốc thành bột, rồi luyện với nước, hay với mật mía hay mật ong, hoặc nước hồ rồi viên thành viên. Thuốc viên thường tan chậm cho nên thường dùng trong chữa bệnh mãn tính, nhưng cũng có khi dùng viên để chữa cấp tính vì thuốc thơm có tinh dầu nếu dùng sắc chắc sẽ kém tác dụng do đó ché thành viên sẽ tốt hơn. Nếu chế đúng phép, bảo quản tốt, thuốc viên có thể để lâu được, khi bất thường phải dùng đến ngay, rất tiện.

3. Thuốc bột (tán) là các vị thuốc tán nhỏ. Thuốc bột có thể có chỉ gồm một vị nhưng cũng có thể gồm nhiều vị. Thuốc bột dùng uống hay dùng rắc ngoài da. Khi bôi ngoài có thể dùng thêm nước khuấy đều rồi bôi lên hay rắc bột khô lên. Có khi còn dùng thổi vào mũi, vào lổ tai. Dùng thuốc bột uống có thể chiêu thuốc bằng nước thường, nước chè hay nước cơm. Điều bất tiện của thuốc bột thảo mộc là hay mốc mọt.

4. Thuốc cao. Có 2 loại thuốc cao: loại để uống và loại để dán ngoài. Thuốc cao uống căn bản chế bằng cách sắc các vị thuốc bằng nước rồi cô cho tới đặc hay hơi mềm. Trong cao có thể cho thêm đường hay mật để thêm ngọt dễ uống.

Thuốc cao dán ngoài thường là một loại xà phòng chì trong đó có hoà tan các vị thuốc và chất nhựa như nhựa thông, một dược v.v...

Cao dán ngoài thường được phết lên vải hay giấy bản để dán lên nơi mụn nhọt.

Ngoài loại cao dán nhọt, còn loại cao gây nóng thường dùng dán vào những huyệt châm cứu để kích thích thay kim hay thay mồi ngải cứu, ví dụ cao thiếu lâm.

5. Đơn (đan). Lúc đầu chữ đơn chỉ dành để chỉ những thuốc chế từ kim loại như hồng đơn (chì oxyt); về sau những đơn thuốc chế phức tạp cũng gọi là đơn. Cùng loại với thuốc viên hoàn hay thuốc đĩnh. Có thể nói chữ đơn hiện nay đã mất ý nghĩa ban đầu để chỉ một dạng thuốc mà chữ đơn hiện nay bao gồm cả viên hoàn và viên đĩnh (xem chữ đĩnh).

6. Thuốc rượu. Đem các vị thuốc ngâm với rượu (35-40 độ) hay cho rượu vào nấu cách thủy cho chất thuốc tan hết vào rượu, sau dó bỏ bã lấy rượu uống hay bôi xoa bên ngoài. Rượu thuốc có tác dụng nhanh, đưa thuốc đi khắp cơ thể, lại dễ để dành không hỏng. Nhưng có một số thuốc không tan vào rượu và một số bệnh nhân không uống được rượu, không thể dùng dạng thuốc này được.

7. Thuốc nước cất (lộ) là một dạng thuốc chế bằng cách cho thuốc vào nước rồi cất lấy chất bay hơi. Mùi vị thơm nhạt dễ uống. Tuy nhiên dạng thuốc này ít được sử dụng.

8. Thuốc đĩnh là một dạng thuốc gồm các vị thuốc tán nhỏ, luyện với một chất nước dính rồi chế thành thỏi như chiếc bút chì ngắn hai đầu tròn có thể nuốt hay mài với nước mà uống hay bôi lên chỗ đau. Có khi không chế thành thỏi mà chế thành bánh. Tên đĩnh là vì dạng thuốc giống như đĩnh bạc, thoi vàng ngày xưa dùng chi tiêu thay tiền.

9. Thuốc xông có hai loại thuốc xông : xông lửa là bỏ các vị thuốc vào lò than lửa, lấy khói xông vào chỗ đau như dùng hùng hoàng để xông, có khi cho vào nước đun sôi lấy hơi nước mang theo hơi thuốc mà xông vào chỗ bị đau như khi ta dùng ngũ bội tử nấu xông chữa bệnh trĩ.

10. Tọa dược là thuốc viên hay thuốc đĩnh nhưng gói vào lụa để vào âm đạo chữa khí hư bạch đới của phụ nữ.

So sánh cân lạng ta và kilôgam.

Một yến ta : 10 cân ta : 6,048kg, nếu theo dược điển Trung Quốc, 1963, thì 1 yến ta bằng đúng 5kg.

Một cân ta (thị cân Trung Quốc) : 16 lạng ta : 0,648kg hoặc 0,500kg (theo DĐTQ, 1963).

Một lạng ta : 10 đồng cân hay 10 tiền : 37,77g hoặc 31,25g (theo DĐTQ, 1963).

Một phân ta : 10 ly : 0,377g hay 0,3125g (theo DĐTQ,1963).

Một lai ta : 0,00377g hay 0,0031g (theo DĐTQ,1963).

Hiện nay ta đã quy định dùng theo cân lạng, kg, ... Tuy nhiên ta cần biết bảng so sánh đối chiếu này để đọc và tham khảo các tài liệu cũ.


Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình