Còn gọi là lác
Tên khoa học Cyperus malaccensic Lamk.
Thuộc họ Cói Cyperaceae
A. Mô tả cây
Cói là một loại cây mọc ở nơi ẩm ướt, có thân rễ (thường gọi là củ cói) mọc bò ngầm dưới đất, ăn sâu 0,50-1m. Thân khí sinh nhỏ nhẵn mọc đứng, có thể cao 1-2m. Tiết diện tròn (loại cói hoa trắng hoặc cói hoa nâu) hoặc hình ba cạnh (cói ba cạnh) Thân khí sinh của cói hoa nâu to hơn cói hoa trắng. Thân khí sinh của cói ba cạnh thấp cứng và dòn hơn hai loại trên. Ruột cói đặc nhưng xốp. Lá bé mọc sát đến ngọn thân, phiến hẹp và dài . Hoa lưỡng tính. Mọc thành bông nhỏ ở nách lá. Như trên đã nói có ba loại cói: Cói hoa trắng, cói hoa nâu và cói ba cạnh. Hoa màu trắng hay nâu. Quả rất nhỏ, Hạt cói thường không dính vào thành quả . Hạt có khả năng nẩy mầm nhưng ít được sử dụng để gieo trồng phát triển. Thường người ta trồng bằng thân rễ (củ cói) (Hình 193)
B. Phân bố thu hái và chế biến
Cói thường mọc hoang và được trồng ở vùng ven biển, nhiều nhất ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam , còn có thể mọc và trồng ở ven sông lớn. Tại miền Nam mọc nhiều ở Đồng Tháp Mười.
Chủ yếu nhân dân ta trồng cói để lấy thân cây làm chiếu hay làm lạt gói hàng. Một số vùng nhân dân đào lấy củ cói (thân rễ) về rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô làm thuốc.
C. Thành phần hóa học:
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.
D. Công dụng và liều dùng
Cây cói chủ yếu là một cây công nghiệp dùng làm chiếu, túi, lạt buộc.
Nhân dân một số vùng dùng củ cói (thân rễ) làm thuốc chữa bí tiểu tiện, thủy thũng, tích bụng báng, đau bụng, tiêu hóa kém.
Ngày dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc có củ cói.
Thuốc thông tiểu : Củ cói 12g, bạch mao căn 8g, tỳ giải 12g, xạ tiền tử 8g, mạch môn 16g, cam thảo 4g, nước 600ml. Đun sôi giữ sôi 15 phút chia ba lần uống trong ngày.
Chữa trẻ con gầy yếu: Củ cói (sao vàng) 40g, vỏ chuối tiêu chín (còn tươi) 240g, bột thịt cóc 40g. Sấy khô và tán nhỏ củ cói và vỏ chuối tươi . Trộn đều với bột thịt , thêm kẹo mạch nha vào làm thành viên. Mỗi viên 4g. Ngày cho ăn 2-4 viên chia làm hai lần |