Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Cây Tam thất dùng làm thuốc cầm máu thế nào?

Còn có tên kim bất hoán, nhân sâm tam thất, sâm tam thất

Tên khoa học Panax Pseudo-ginseng (Burk) F.H.Chen

Thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae

Tam thất (Radix pseudo-ginseng) là rễ phơi khô của cây tam thất. Tên kim bất hoán (vàng không đổi) có nghĩa là vị thuốc rất quý (vàng không đổi được.

Tên tam thất có nhiều cách giải thích: Trong sách Bản thảo cương mục ghi vì cây có 3 lá ở bên trái, 4 lá ở bên phải (?) do đó có tên tam thất. Nhưng có người lại nói tam = ba có ý nói từ lúc nói gieo đến lúc ra hoa phải 3 năm. Thất = bảy, ý nói từ lúc gieo đến khi thu hoạch rễ bán được phải mất 7 năm. Có người nói vì là tam thất có từ 3 đến 7 lá chét (Hình 225-Hm 21,3)

A. Mô tả cây.

Tam thất là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm. Lá mọc vòng 3-4 lá một, cuống là dài 3-6cm, mỗi cuống lá mang từ 3-7 lá chét mác dài, mép lá có răng cưa nhỏ, cuống lá chét dài 0,6-1,2cm. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành mang hoa. Có hoa đơn tính, có hoa lưỡng tính, cùng tồn tại. Lá dài 5, màu xanh. Cánh hoa 5, màu xanh nhạt. Nhị 5, Bầu hạ hai ngăn. Quả mọng hình thận, khi chín có màu đỏ, trong có hai hạt hình cầu.

B. Phân bố , thu hái và chế biến.

Cây tam thất được trồng từ lâu nhưng với một lượng ít ở tỉnh Hà Giang (Đồng Văn) Lào Cai (Mường Khương, Bát Xát, Phà lùng), Cao Bằng… tại các vùng núi cao 1.200-1.500m. Cần chọn những nơi sườn núi ít gió mạnh , phải làm dàn che nắng và phải rào để bảo vệ chống chuột, sóc hay đến ăn củ. Đất phải được bón phân và chuẩn bị kỹ từ một năm trước, chia thành luống dọc cách nhau 1 mét. Tháng 10-11 chọn những hạt ở những cây đã mọc 3-4 năm. Gieo ngay vào vườn ươm. Tháng 2-3 năm sau mới mọc. Một năm sau vào tháng 1-2 có thể đào cây con, cắt bỏ lá gốc, trồng vào ruộng chính thức. Sau 3 đến 7 năm mới bắt đầu thu hoạch. Thường cây càng lâu năm rễ củ càng to. Sau khi rửa sạch bùn đất, cắt bỏ rễ con, đem phơi nắng cho hơi héo, đem lăn, vò cho mềm, lại phơi nắng và vò hoặc lăn; làm như vậy từ 3 đến 5 lần mới phơi cho khô hẳn. Có khi người ta cho vào túi gai lắc cho rễ thành đen bóng là được.

Giá trị thu mua căn cứ vào trọng lượng củ. Người ta chia ra:

Loại 1: 105-130 cũ nặng 1kg

Loại 2: 160-220 củ nặng 1kg

Loại 3: 240-260 củ nặng 1 kg

Cây tam thất còn được trồng ở Trung Quốc: Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây. Vân Nam trồng nhiều nhất và tam thất Vân Nam được coi là tốt nhất.

C. Thành phần hóa học.

Năm 1937-1941 hai tác giả Trung Quốc Triệu Thừa Cổ và Chu Nhiệm Hoàng đã nghiên cứu và lấy được  từ tam thất hai chất saponin: Arasaponin A và Arasaponin B.

Arasaponin A (C30H52O10) là một chất bột, dễ tan trong rượu metylic , etylec và amvlic , hơi tan trong nước, không tan trong ête và axetôn, độ chảy 195-2100C , năng suất quay cực +230, kết hợp với axit axetic cho một chất có tinh thể với công thức C30H45O10 (CH3O2) có độ chảy 2560. Thủy phân bằng axit loãng sẽ cho arasapogenin A C17H30O5 đường và hai chất có tinh thể : một chất có độ chảy 2440 , một chất có độ chảy 2520

Arasaponin B (C22H38O10) cũng là một chất bột dễ tan trong nước và rượu metylic, hơi tan trong rượu êtylic 1000 và rượ amylic , đ65 chảy 190-2000, độ quay cực +80. Thủy phân bằng axit trong dung dịch rượu sẽ cho arasapogenin B C29H32O3 có độ chảy 2470 và đường trong đó có glucoza

Năm 1950, Hứa Thực Phương chiết được từ tam thất ba chất saponin: Saponin A C48H50O20 tan trong rượu amylic nóng và một saponin không tan trong rượu amylic nóng

Kết hợp với axit axetic khô kiệt , sẽ cho được một chất có tinh thể C29H5O (CH3CO) có độ chảy 2160

D. Tác dụng dược lý

Năm 1937, hai tác giả Triệu Thừa Cổ và Chu Nhiệm Hoàng đã nhận xét thấy tính chất các saponin trong tam thất không giống các saponin thường: Rất ít độc đối với cá: Thả cá vàng vào dung dịch 1/ 1.000 hoặc 1/500 sau 24 giờ không có hiện tượng trúng độc . Tiêm vào chó đánh mê bằng ête, 1-20mg arasaponin A hoặc B không thấy có sự thay đổi rõ rệt đối với huyết áp, với tim và hô hấp. Đối với khúc ruột cô lập của thỏ và tử cung cô lập của chuột bạch không có sự thay đổi.

Đoàn Thị Nhu, Vũ Thị Tâm và Nguyễn Thị Thọ (Thông báo dược liệu, 1977, 4, 14-20, Hà Nội) đã nghiên cứu tác dụng của tam thất trên súc vật thí nghiệm và đã đi đến một số kết luận sau đây:

1. Rễ tam thất làm tăng khả năng hoạt động của súc vật thể hiện ở kéo dài thời gian bơi của lô chuột thử thuốc so với một lô đối chứng (những chuột này mang một cục chì nặng kẹp vào đuôi khi bơi để làm chóng mệt)

2. Rễ tam thất có tác dụng làm tăng sức đề kháng của súc vật đối với yếu tố độc hại như liều độc ubain với tim, nhiệt độ môi trường xung quanh quá cao hoặc quá thấp vượt ngoài giới hạn hạn điều hòa của cơ thể.

3. Rễ tam thất có khả năng kháng lại hiện tượng giảm lượng prothrombin trong máu thỏ và giảm khả năng máu đông gây thực nghiệm với dicumarol .

4.Rễ Tam thất khác với nhân sâm không có tác dụng gây tăng huyết áp.

5. Đối với tác dụng nội tiết.

a) Rễ tam thất thí nghiệm trên chuột cống cái non với liều 5g/kg uống trong 6 ngày đã làm tăng trọng lượng tử cung một cách có ý nghĩa so với lô đối chứng, chứng tỏ tam thất có tác dụng hướng sinh dục trên súc vật.

b) Rễ tam thất thí nghiệm trên chuột cống đực non với liều 5g/kg uống trong 6 ngày không làm thay đổi một cách ý nghĩa trọng lượng tinh hoàn và tuyến tiền liệt so với chuột đối chứng, chứng tỏ tam thất không có tác dụng hướng sinh dục trên súc vật đực với liều này:

c) So sánh hoạt tính gây động lực của những rễ tam thất có độ tuổi khác nhau (3 năm và 5 năm) thì rễ tam thất 3 năm chỉ gây động dục 50% số súc vật thí nghiệm với liều 5g/kg . Điều đó chứng tỏ rễ tam thất 5 năm có hoạt tính gây động dục 2 lần mạnh hơn rễ tam thất 3 năm.

d) Nghiên cứu hoạt tính gây động dục của lá và rễ phụ tâm thất và căn cứ vào những liều có tác dụng gây động dục với tỷ lệ súc vật tương đương để so sánh thì thấy lá tam thất có hoạt tính yếu hơn khoảng 20 lần và rễ phụ tam thất có hoạt tính yếu hơn khoảng 8-10 lần so với rễ củ tam thất 5 năm

Nhận xét những kết quả trên đây chúng tôi thấy rằng liều 5g/kg nghĩa 250g cho người nặng 50kg trong một ngày là không có trong thực tế. Thường nhân dân chỉ dùng 2-6g một ngày. Cho nên những dẫn liệu trên đây mới có giá trị tham khảo (Đỗ Tất Lợi)

E. Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ : Tam thất vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào 2 kinh can và vị. Có tác dụng hành ứ, cầm máu, tiêu thũng dùng chữa thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, đẻ xong máu hôi không sạch, ung thũng, bị đòn tổn thương

Nhân dân coi tam thất là một vị thuốc cầm máu dùng trong các trường hợp chảy máu , bị đánh tổn thương, vì ứ huyết mà sưng đau. Ngày dùng 4-8g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Dùng ngoài có tác dụng cầm máu tại chỗ.

Tại những nơi trồng tam thất, người ta coi tam thất là một vị thuốc bổ không kém nhân sâm, dùng thay nhân sâm.

Chú thích:

1. Mặc dầu tam thất được trồng ở Hà Giang và Lào Cai từ lâu nhưng việc sử dụng trong nước hầu như rất hiếm. Phần lớn xuất sang Trung Quốc. Theo tài liệu cũ hàng năm ta nhập của Vân Nam Trung Quốc chừng 15-18 tấn tam thất để rồi lại xuất sang Hồng Kông.

Gần đây mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong nước làm thuốc bổ như vị nhân sâm cho nên có tên nhân sâm tam thất hay sâm tam thất

2. Ngoài vị tam thất chính kể trên, trong nhân dân ta còn dùng rễ một cây nữa với tên thổ tam thất hay tam thất. Cây này đã được xác định là Fynura segetum (lour) Merr hoặc Gynura pinnatifida thuộc họ cúc asteraceae (Compositae) Trồng ở đồng bằng cũng được.

Thổ tam thất là một loại cỏ sống lâu năm, cao chứng 6-90cm. Rễ và lá đều mềm , có nhiều đám đốm tím. Lá to có những thùy to cắt sâu; thùy hình mác, mép có răng cưa. Mùa thu ra cụm hoa hình đầu. Hoa hình ống màu vàng. Lá và rễ dùng làm thuốc cầm máu như vị tam thất. Có khi dùng chữa rắn cắn.

Một cây thuộc Gừng Zingiberaceae loài Stablianthus thorelli Gagnep, có thân rễ nhỏ cũng được bán với tên tam thất. Cần chú ý tránh nhầm lẫn, nhất là giá mua quá đắt một cây trồng rất dễ, ít có giá trị

Còn một cây nữa là tam thất Vũ diệp (Panax bipinnafidus)


Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình