Theo như trệu chứng của con bê này thì có rất nhiều nguyên nhân làm cho bê gầy ốm, còi cọc. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là các bệnh do ký sinh trùng gây nên như bệnh sán lá gan, giun đũa, giun xoăn… dạng bê từ 8 – 12 tháng tuổi thường hay gặp là bệnh giun xoăn dạ múi khế. Theo chúng tôi là nên tham khảo về căn bệnh giun xoăn dạ múi khế của bê để phòng và điều trị sẽ có hiệu quả.
Nguyên nhân: Bệnh giun xoăn dạ múi khế so giun xoăn Hacmonchus Contortus và Mecistocirus Digitatus gây ra, bệnh gặp phổ biến ở dạ múi khế của bê (dạ dày tuyến) và ruột non, giun xoăn có chiều dài từ 1,5 – 3cm. Cũng nên biết là bê có dạ dày 4 túi (dạ cỏ,dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế). Giun cái đẻ 1 ngày 5000 – 10.000 quả trứng, trứng theo phân ra ngoài gặp điều kiện khí hậu thuận lợi nở ra ấu trùng. Các vùng cỏ ẩm thấp, các vũng nước tù đọng, bẩn là nơi chứa và truyền ấu trừng cho bê thông qua thức ăn, nước uống. Ấu trùng vào cơ thể theo đường tiêu hoá miệng, thực quản xuống dạ dày và từ 2 – 3 tuần nở thành giun.
Triệu chứng: Giun xoăn tụ tập từng búi ở dạ múi khế và ruột non để hút chất dinh dưỡng của bê. Chúng bám chắc và chọc thủng niêm mạc dạ dày, làm vỡ mao mạch để hút máu, đồng thời nó tiết ra độc tố làm cho bê gầy ốm, còi cọc dần, bê bị phù thũng vùng trước họng và ngực. Phân bê táo bón, đôi khi bị ỉa chảy xen lẫn nhau theo chu kỳ. Khi số lượng giun bị nhiễm trên 1000 con thì triệu chứng càng thể hiện rõ hơn. Đặc biệt ở mùa khô do thiếu thức ăn, nước uống thì bê trở nên suy dinh dưỡng và bị chết hàng loạt.
Phòng bệnh: Dùng 1 trong các loại thuốc sau: Levamisol tiêm bắp 1ml/10kg trọng lượng cơ thể, Tayzu tiêm 1g/10kg trọng lượng cơ thể. Menbendazol 8 – 10g/100kg trọng lượng cơ thể. Định kỳ 6 tháng/ lần tẩy giun cho gia súc bằng một trong các loại thuốc nêu trên. (Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam). |