Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Thuốc nam
Tác dụng chữa bệnh đường tiêu hoá của cây Măng cụt?

Còn gọi là sơn trúc tử, mangoustanier.

Tên khoa học Garcinia mangostana L.(Mangostana garcinia Gaertn.).

Thuộc họ Bứa Clusiaceae (Guttiferae).

Tuy mang tên trúc sơn tử ở Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không có cây này, vẫn phải nhập từ nước ngoài vào.

A. Mô tả cây

Măng cụt là một loại cây to, có thể cao tới 20m. Lá dày, dai, màu lục sẫm, hình thuôn dài 15-20cm, rộng 7-10cm.

Đặc điểm của cây này là người ta mới chỉ thấy cây cái. Người ta cho rằng những nhị lép (Staminode) bao quanh bầu có thể có bao phấn chứa phấn hoa.

Qủa hình cầu, to bằng quả cam trung bình, vỏ ngoài màu đỏ sẫm, dầy cứng, phía dưới có lá đài, phía đỉnh có đầu nhụy. Trong quả có từ 6 đến 18 hạt, quanh hạt có áo hạt ăn được.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Người ta cho rằng cây măng cụt nguồn gốc ở các đảo La Sôngđơ và Môluyc (Malaxia, Inđônêxya) sau được các nhà truyền giáo đạo gia tô di thực vào miền Nam Việt Nam. Hiện nay được trồng rộng rãi ở Nam Bộ. Còn thấy ở Philipin, Inđônêxya, Malaxia.

Người ta trồng chủ yếu để lấy áo hạt mà ăn; vỏ quả phơi khô dùng chữa đi ỉa lỏng hay đi lỵ.

C. Thành phần hóa học

Áo hạt có vị ngọt, thơm ngon. Khi mới chín có màu trắng trong, nhưng sau ít ngày thì ngả màu vàng, kém thơm và có vị chát do đó khó chuyên chở đi xa. Thành phần hoá học chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Vỏ quả được nhiều người nghiên cứu hơn vì người ta hy vọng dùng nó để thuộc da. Trong vỏ quả có chứa từ 7-13% tanin. Tuy nhiên không được dùng thuộc da vì theo yêu cầu của những nhà thuộc da, nguyên liệu dùng thuộc da không được chứa quá một phần không phải tanin (tối đa) so với 2 phần tanin. Trong khi đó vỏ măng cụt chứa trong phần tan trong nước khoảng 13,61% tanin và 14,59% không phải tanin (theo Bull. Office Colonial, số 136, tháng 4-1919).

Ngoài tanin ra, trong vỏ măng cụt, theo W. Schmidt còn có chất nhựa và chất mangostin (C20H22O5), có tinh thể hình phiến nhỏ, màu vàng tươi, không vị, tan trong rượu, ête và chất kiềm, không tan trong nước. Độ chảy 175oC. Chất mangostin có thể chiết như sau: Lấy kiệt vỏ măng cụt bằng nước lạnh, sau bằng nước sôi. Hợp cả hai nước đó lại. Cô đặc và cho bốc hơi. Rửa cặn bằng nước rồi hoà tan bằng rượu. Thêm nước và axit axetic vào dung dịch. Để một thời gian sẽ xuất hiện một đám tinh thể. Gạn và ép. Khi thêm vào chất mangostin dung dịch clorua feric, sẽ có màu lục đen nhạt. Nếu thêm axit sunfuaric sẽ có màu đỏ.

D. Công dụng và liều dùng

Tại nhiều nước Malaxia, Cămpuchia, Philipin, người ta dùng nước sắc vỏ măng cụt để chữa đau bụng đi ỉa lỏng, chữa lỵ, có khi còn dùng chữa bệnh hoàng đảng (vàng da). Cách dùng như sau:

Cho chừng 10 vỏ quả măng cụt vào nồi đất hay nồi đồng (tránh nồi sắc hay nồi tôn) thêm nước vào cho ngập rồi đun sôi kỹ trong vòng 15 phút. Ngày uống 3 đến 4 chén to nước này.

Có thể dùng theo đơn sau đây: Vỏ măng cụt khô 60g, hạt mùi 5g, hạt thì là 5g, nước 1200ml. Đun sôi, sắc kỹ cho cạn còn chừng một nửa (600ml). Mỗi lần uống 120ml. Uống mỗi ngày 2 lần. Nếu đau bụng có thể thêm ít thuốc phiện. Trong trường hợp này không dùng cho trẻ con được

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình