Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
-   Hỏi đáp về các căn bệnh
-   Thuốc nam
-   Thuốc bắc
-   Thuốc tây
-   Y học Việt Nam
-   Y học Thế giới
-   Ngừa và điều trị bệnh
-   Chăm sóc sức khoẻ
-   Hỏi đáp về giới tính
-   Nuôi dạy trẻ
-   Cấu tạo con người
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
KHOA HỌC Y DƯỢC : Thuốc nam
Cây Lô hội dùng làm thuốc nhuận tràng thế nào?

Còn gọi là tượng đảm, du thông, nô hội, lưỡi hổ, hổ thiệt, long tu (Bình Định).

Tên khoa học Aloe sp.

Thuộc họ Hành tỏi Liliaceae.

Vị thuốc lô hội (Aloe) là dịch cô đặc của lá nhiều loài cây lô hội (có khi gọi là cây hổ thiệt-lưỡi hổ-vì lá giống lưỡi hổ).

Lô hội được dùng trong cả đông y và tây y. Lô hội dùng trong đông y tuy nhập của Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng phải nhập của nước ngoài để xuất lại sang ta.

Lô là đen, hội là tụ lại, vì nhựa cây này cô đặc có sắc đen, đóng thành bánh do đó có tên.

A. Mô tả cây

Lô hội có nhiều loài khác nhau. ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu một loài có ở nước ta và một số loài thông dụng.

Lô hội-Aloe vera Livar. sinensis Berger [Aloe perfoliata Lour. (non L.), Aloe barbadensis Mill. var. sinensis Haw.] là một cây có thân hoá gỗ, ngắn, to thô. Lá không cuống, mọc thành vành rất sít nhau, dày mẫm, hình 3 cạnh, mép dầy, mép có răng cưa thô cứng và thưa dài 30-50cm, rộng 5-10cm, dày 1-2cm, ở phía cuống. Cụm hoa dài chừng 1m, mọc thành chùm dài mang hoa màu vàng xanh lục nhạt lúc đầu mọc đứng, sau rũ xuống , dài 3-4cm. Qủa nang, hình trứng thuôn, lúc đầu xanh sau nâu và dai.

Tại miền bắc có trồng một loài lô hội trước đây được xác định là Aloe perfoliata L. chủ yếu để làm cảnh, có lá ngắn hơn chỉ đo được chừng 15-20cm, chưa thấy ra kết quả .

Tại các nước khác người ta dùng nhựa nhiều cây lô hội khác như Aloe vulgaris Lamk., Aloe ferox L., Aloe perryi Bak. v.v… cho nhiều thứ lô hội chất lượng khác nhau (xem phân bố).

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Lô hội dùng ở nước ta (cả đông và tây y) chủ yếu là nhập của nước ngoài. Mặc dù nhập qua Pháp hay Trung Quốc cũng do một số nước sau đây:

1. Loài Aloe vulgaris Lamk, ở bắc châu phi, cực nam châu Âu, Ấn Độ, cho lô hội Ấn Độ. Tên trên thị trường quốc tế là Aloe des barbades, Aloe Curacao (Aloe des Indes.)

2. Loài Aloe ferox L.và những loại lai của nó với các loài Aloe africana Mill., Aloe spicata Thunb.,Aloe perfoliata L. cho vị lô hội với tên Aloe du Cap.

3. Loài Aloe perryl Bak. cho vị Aloe socotrin hay succotrin. Trong đông y rất chú ý phân biệt.

Tóm lại địa lý chủ yếu của lô hội là đông châu Phi (từ nam chí bắc đều có), Ấn Độ, Châu Mỹ.

Tại nước ta, cây lô hội mọc hoang ở bờ biển những tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang, Phan Ri) và Bình Thuận. Ở miền Bắc được trồng làm cảnh nhưng ít hơn.

Muốn chế lô hội, người ta làm theo một trong những phương pháp sau đây:

1. Phương pháp áp dụng ở nam châu Phi (Cáp): Cắt lá xếp thành đống, cao 1m, ở miệng hố đào dưới đất, dưới có lót da dê hay da ngựa, lá xếp càng lên trên càng vươn ra để nhựa chảy vào hố. Khi nhựa đã chảy hết, thì bỏ lá đi, lấy nhựa cô đặc trong nồi đồng. Khi cô rất vất vả vì mùi và khói rất hắc và khó chịu. Đun quá thì bị cháy, đun chưa đủ thì lô hội bị mềm, cho nên người ta thường tập trung vào một xưởng riêng để cô đặc.

2. Phương pháp ở Curacao và cũng là phương pháp áp dụng ở miền nam Trung Bộ nước ta: Cắt lá xếp thành hình chữ V vào tronh hố, đầu cắt quay xuống dưới, nhựa chảy xuống tự nhiên, không cần phải ép. Cô đặc trong nồi đồng.

3. Phương pháp khác.

a) Cắt nhỏ lá, giã và ép. Để lắng 24 giờ. Gạn, nước thu được đem cô ở ngoài nắng hoặc đun cho đặc. Phương pháp này cho loại lô hội không được tốt lắm vì lẫn nhiều tạp chất.

b) Có thể ngâm lá đã giã nhỏ với nước, lọc lấy nước. Đun bã với một số nước nữa, trộn chỗ nước sau với nước trước, cô đặc lại.

c) Có thể đem thái lá nhỏ, cho vào rỗ bằng dây thép, nhúng 10 phút vào thùng nước sôi. Lại làm thế với lược lá mới cho đến khi có một thứ nước đen đặc thì đem gạn và cô đặc.

Do phương pháp chế tạo khác nhau, cho nên lô hội chế được cũng có hình thức khác nhau.

Trong mấy năm vừa qua, chúng tôi có thí nghiệm dùng lá cây lô hội trồng ở miền Bắc để chế lô hội. Nhưng lô hội chế được không cho các phản ứng antraglucozit (Borntraeger) mặc dầu trước khi nấu, thí nghiệm trên lá tươi phản ứng rất rõ.

Trước đây theo các tài liệu cũ tại các vùng Bình Thuận, Phan Rang, Phan Ri ta sản xuất hàng năm chứng 500-600kg lô hội, một phần dùng trong nước, một phần xuất sang Trung Quốc.

C. Thành phần hoá học

Tuỳ theo nguồn gốc, lô hội có thành phần hoá học khác nhau, nhưng căn bản có những chất sau đây:

1. Tinh dầu màu vàng, độ sôi 266o-271­o, cho lô hội mùi đặc biệt. Ít quan trọng về mặt tác dụng dược lý.

2. Nhựa 12-13%: có tác giả cho rằng nhựa này không có tác dụng tẩy, nhưng cũng có tác giả cho rằng có tác dụng tẩy.

3. Hoạt chất chủ yếu là chất aloin. Aloin không phải là một chất thuần nhất mà là gồm những antraglucozit có tinh thể, vị đắng có tác dụng tẩy. Tỷ lệ aloin thay đổi tuỳ theo nguồn gốc lô hội.

Thông thường tỷ lệ đó là 16-20%. Perrier có định lượng aloin trong lô hội Việt Nam thì thấy tỷ lệ này lên tới 26%. Tuy nhiên cũng có tác giả không cho aloin là hoạt chất tẩy độc nhất, vì nhiều loại lô hội có cùng một lượng aloin mà lại có tác dụng tẩy khác nhau.

Bên cạnh aloin có tinh thể, còn có những chất không có tinh thể và aloeemođin tự do.

Tuỳ theo nguồn gốc lô hội, aloin mang tên khác nhau và có cấu tạo hơi khác nhau. Ví dụ trong lô hội vùng nam châu Phi (Aloe des barbades) thì aloin gọi là bacbaloin C20H20O8.

Bacbaloin thuỷ phân sẽ cho d.arabinoza và aloe.emodin-anthranol.

Ngoài ra còn có iso.bacbaloin và pbacbaloin

D. Tác dụng dược lý

Lô hội có hai tác dụng:

1. Liều nhỏ (0,05-0,10g) lô hội là một vị thuốc bổ, giúp sự tiêu hoá, vì nó kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ở lâu trong ruột.

2. Liều cao, nó là một vị thuốc tẩy mạnh, nhưng tác dụng chậm, gây sự sưng huyết ở các cơ quan bụng, nhất là ở ruột già. Nó gây sưng huyết, do đó không dùng cho người lòi dom và có thai. Tuỳ theo liều dùng, có thể gây độ tẩy cần thiết. Có tác dụng sau 10-15 giờ, phân mềm nhão, không lõng. Có khi hơi đau bụng.

3. Người ta còn cho nó tác dụng thông mật (cholagogue). Sự có mặt của mật rất cần thiết cho tác dụng của lô hội, do đó lô hội tác dụng chậm. Muốn tác dụng mau hơn, nhiều khi người ta dùng phối hợp với mật bò.

Dùng liều quá cao (8g) có thể ngộ độc chết người (phân nhiều, yếu toàn thân, mạch chậm, nhiệt độ xuống).

E. Công dụng và liều dùng

Lô hội là một vị thuốc được dùng trong cả đông y và tây y.

Theo tài liệu cổ lô hội vị đắng tính hàn, vào 4 kinh can, tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng sát trùng, thông tiện, thanh nhiệt, lương can. Dùng chữa trẻ con cam tích, kinh giản, táo bón. Người tỳ vị hư nhược, sinh tả và phụ nữ có thai không dùng được. Hiện nay với liều nhỏ dùng giúp sự tiêu hoá, ăn uống không tiêu.

Với liều lớn dùng làm thuốc chữa những bệnh nhức đầu khó chữa, sưng huyết phổi, sung huyết các phủ tạng.

Còn dùng làm thuốc tẩy hay nhuận tràng. Nên dùng sau bữa ăn tác dụng sẽ dụi và mau hơn.

Không dùng cho trẻ con, phụ nữ có thai, lòi dom.

Liều dùng hàng ngày: Giúp sự tiêu hoá: 0,05-0,1g. Tẩy: 0,25-2g. Dưới dạng thuốc viên hay nhũ dịch.

Trong năm 1997, công nghệ nước giải khát Việt Nam đã sản xuất nước giải khát lô hội, doanh số đã đạt 600 triệu đồng.

Đơn thuốc có lô hội

Viên nhuận tràng (xí nghiệp dược phẩm):Bột lô hội 0.08g, cao mật bò tinh chế 0,05g, phenoltalêin 0,05g, bột cam thảo 0,05g, tá dược vừa đủ một viên. Dùng chữa táo bón, khó tiêu vì thiếu nước mật, vàng da, yếu gan, yếu ruột. Ngày uống 1-2 viên vào bữa cơm chiều. Có thể dùng liều cao hơn. Trẻ em dưới 15 tuổi không dùng được.

Chú thích:

Theo A. Pételot, tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên có một loài Aloe sp. có lẽ là Aloe maculata Forsk. (tên này được ghi trong danh mục những cây của vườn bách thảo Sài Gòn). Tại Huế, người ta gọi cây này là long thủ (tay rồng), tại Quảng Trị gọi là lưu hội. Nhân dân thường hái chừng 2-3 lá này bóc vỏ cứng ngoài, cắt thành từng miếng nhỏ ăn tươi với đường hoặc nấu với đường, hoặc ăn như rau sống để cho mát và chữa kinh nguyệt không đều

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình