Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Cây Tế tân dùng làm thuốc chữa bệnh về mắt, tai, răng, họng thế nào?

Tên khoa học Asarum sieboldii Miq.

Thuộc họ Mộc thông Aristolochiaceae.

Tế tân (Herba Asari sieboldi) là toàn cây phơi hay sấy khô của cây tế tân.

Tế là nhỏ, tân là cay vì vị thuốc có rễ nhỏ, vị cay nên gọi là tế tân.

Ngoài cây tế tân nói trên (còn gọi là hoa tế tân) người ta còn dùng một cây khác với tên liêu tế tân (còn gọi là tế sâm) là toàn cây phơi hay sấy khô của cây liêu tế tân-Asarum heterotropoides F. Schum. var.mandshuricum (Maxim.) Kitag. cùng họ.

Vị tế tân hiện còn phải nhập. Gần đây, ta có dùng một cây với tên tế tân nói là di thực của Trung Quốc, nhưng thực tế chưa đúng. Vị sau này có lá mép khía tai bèo còn cây tế tân thật có lá mép nguyên.

A. Mô tả cây

Tế tân-Asarum sieboldii. Miq.là một loại cỏ nhỏ, cao chừng 12-24cm. Thân rễ dưới đất bò ngang, đầu thân rễ có phân nhánh. Rễ nhiều, nhỏ và dài vê ở tay có mùi thơm. Lá mọc từ rễ, gồm 2-3 lá, có cuống dài 5-18cm, thường là nhẵn hay hơi có lông, trên có rãnh chạy dọc, phiến lá hình tim dài 4-9cm, rộng 6-12cm, đầu nhọn, phía đáy lá hình tim, mép nguyên, mặt dưới lá có nhiều lông mịn, dài. Hoa mọc đơn độc từ rễ lên, cuống dài 3-5cm. Bao hoa chỉ gồm 1 vòng màu nâu đỏ nhạt, phía trên chia thành 3 cánh hình trứng rộng dài 10mm, đầu nhọn. Qủa gần hình cầu.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Tế tân hiện nay hoàn toàn phải nhập. Tại Trung Quốc, tế tân, có ở Liêu Ninh, Hà Nam, Sơn Đông, Thiểm Tây, Triết Giang, Phúc Kiến. Vị liêu tế tân có ở Hắc Long Giang, Liêu Ninh. Theo Trung dược chí tập III, liêu tế tân sản lượng nhiều hơn, dùng trong nước và xuất khẩu, còn vị tế tân (hoa tế tân) sản lượng ít hơn, vậy tế tân ta nhập phần nhiều là vị liêu tế tân Herba Asari heterotropoidis.

Vào tháng 5-6 đào toàn cây phơi trong mát, không nên phơi nắng, phân biệt liêu tế tân và hoa tế tân người ta dựa vào chiều dài của thân rễ và kích thước của đốt thân rễ.

Liêu tế tân có thân rễ 1-4cm, đốt dài 2-3mm, đầu lá hơi nhọn, mặt dưới lá chỉ có lông ở đường gân.

C. Thành phần hoá học

Trong tế tân có 2,75% tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là pinen, metyl-eugenola một hợp chất phenola có độ chảy 110o, một hợp chất xeton, một lượng nhỏ axit hữu cơ, nhựa trong đó có chừng 0,2% chất trung tính với công thức C10H9O3 và độ chảy 124oC (Theo Trung Quốc sinh lý học tạp chí 9:261, 1935).

Theo một tài liệu khác, trong tế tân có L.asarinin C20H18O6 và chừng 3% tinh dầu, trong tinh dầu thành phần chủ yếu là metyl ugenola chừng 50%, ngoài ra còn một ít asarylxeton C10H16O một chất phenol, axit panmitic.

Trong một loài tế tân khác Asarum sieboldii Miq. var.seoulensis Nakai người ta thấy có 1-sesamin, 2,21% tinh dầu; trong tinh dầu thành phần chủ yếu là 47% metyleugenola axit panmitic, safrola, 1.pinen, eucacvon C10H14O và hợp chất  có tính chất phenola C10H10O.

D. Tác dụng dược lý

Theo Lưu Mê Đạt Phu và Mộc Thôn Hùng Tứ Lang (1940, Hoà hán dược dụng thực vật, 347-348) tinh dầu tế tân trên ếch, chuột và thỏ lúc đầu gây hưng phấn, sau đó có hiện tượng mê, dần dần vận động hô hấp giảm, các phản xạ mất, cuối cùng chết do hô hấp tê liệt. Khi hô hấp đình chỉ, tim vẫn còn đập.

D. Công dụng và liều dùng

Tế tân là một vị thuốc kinh nghiệm trong nhân dân. Tính chất của tế tân trong tài liệu cổ là vị cay, tính ôn, không độc, vào 4 kinh tâm, phế, can và thận. Có tác dụng tán phong hàn, hành thuỷ khí, thông khiếu. Dùng trong những trường hợp phong hàn, phong thấp, nhức đầu, ho khí đưa ngược lên, đau răng, ngạt mũi, bí mồ hôi, ứ huyết. Cũng theo sách cổ, phàm khí hư mà không ra mồ hôi, huyết hư sinh nhức đầu, âm hư mà ho thì không dùng được.

Ngày dùng 1-4g.

Đơn thuốc có tế tân dùng trong đông y

Đau răng: Tế tân, thạch cao hai vị bằng nhau, mỗi vị 10g, ngâm vào 100ml rượu trong nữa ngày.

Dùng rượu ngậm: khi mỏi miệng thì nhổ đi.

Chữa cảm lạnh: Tế tân 2g, bán hạ 2g, phục linh 2g, cát cánh 2g, quế chi 2g, cam thảo 1g, nước 200ml sắc còn 100ml chia 3 lần uống trong ngày.

Lở mồm, lở lưỡi: Tế tân, hoàng liên 2 vị bằng nhau tán nhỏ bôi vào miệng, lưỡi , ngậm cho chảy dãi ra là khỏi.

Hôi miệng: Ngậm tế tân.

Chú thích:

Ngoài hai cây tế tân kể trên, đông y còn dùng một số cây Asarum khác cũng gọi là tế tân hay thổ tế tân

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình