Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
CƠ SỞ DỮ HỎI - ĐÁP KHOA HỌC KỸ THUẬT
Điện thoại bảo mật làm thế nào để tăng độ mật cho thông tin?

Trong cuộc sống đời thường, điện thoại đã trở thành phương tiện thông tin không thể thiếu giữa người với người, nếu những câu chuyện trao đổi vô thưởng vô phạt trên điện thoại bị người khác nghe thấy thì cũng chẳng sao, nhưng nếu là tin tức quan trọng mà bị nghe trộm thì hậu quả không thể lường trước được, trong trường hợp này thì sử dụng điện thoại bảo mật trở nên hết sức cần thiết.

Điện thoại ngày nay được chia ra hai loại tuỳ theo cách truyền thông tin trên đường dây, đó là, loại điện thoại tương tự, và điện thoại kỹ thuật số.

Khi sử dụng điện thoại tương tự, thì ống nói của điện thoại chuyển đổi tín hiệu âm thanh thành tín hiệu điện, sau đó nhờ tổng đài ở nhà bưu điện chuyển tiếp, sau khi tín hiệu điện đến chỗ đối phương, thì ống nghe ở đó lại chuyển đổi thành tín hiệu tiếng, nhờ đó mà bảo đảm cuộc đàm thoại giữa hai bên. Biên độ và tần số của tín hiệu điện truyền dẫn trên đường dây chính là hai đặc trưng chủ yếu, âm lượng của người nói có thể làm cho biên độ tín hiệu điện thay đổi.

Còn âm điệu của người nói thì lại làm cho tần số của tín hiệu điện thay đổi, như vậy có thể nói rằng tín hiệu điện chuyển tải trên đường dây trong loại điện thoại tương tự thay đổi ăn khớp với tín hiệu tiếng, nói cách khác tín hiệu điện như cái bóng của tín hiệu tiếng, kẻ nghe trộm chỉ cần thu được tín hiệu điện này, thì dễ dàng cho đi qua ống nghe hay loa phóng thanh chuyển đổi trở lại thành tín hiệu tiếng để nghe trộm nội dung thông tin.

Nếu trong khi thông thoại sử dụng bộ bảo mật, thì có khả năng tăng độ mật cho nội dung thông tin, bộ bảo mật có thể thay đổi đặc trưng của tín hiệu điện tương tự, theo những quy ước về bảo mật đã được thống nhất từ trước với đối phương, đổi tần số cao vốn có của tín hiệu điện thành tần số cao, thậm chí có thể phân cắt một tín hiệu nguyên vẹn thành ra mấy phần nhỏ, rồi đảo lộn lung tung, gây ra sự hỗn loạn trong tín hiệu điện. Khi loại tín hiệu điện đã bị xáo trộn làm cho biến dạng hẳn đi, được chuyển tải trên đường dây, thì cho dù bị ai đó thu được, có đưa vào máy nghe cũng chỉ cho ra một loại tiếng méo mó lạ hoắc chẳng thể hiểu nổi, nghĩa là đã thực hiện được chức năng bảo mật.

Còn trong điện thoại kỹ thuật số thì trên đường dây chỉ truyền đi các nhóm mã số gồm 0 và 1, mà trong kỹ thuật gọi là mã tín hiệu, thì bản thân nó đã có khả năng bảo mật khá cao rồi, nhưng nếu cần tăng thêm độ mật thì người ta xáo trộn cách tổ hợp các nhóm mã tín hiệu, mức độ xáo trộn càng nhiều càng tốt, khi thu được thì lại sử dụng khoá mã đã được quy ước giữa hai bên, để giải mã trở lại như cũ. Một khi tín hiệu đã bị xáo trộn thì cho dù bị nghe trộm, cũng không dễ gì dịch ra được, vậy là đã đạt được hiệu quả bảo mật.

Nhờ tiến bộ của kỹ thuật điện tử, thì kỹ thuật bảo mật cũng không ngừng được nâng cao, tính năng bảo mật của điện thoại sẽ ngày càng hoàn thiện.

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình