Đăng nhập  
KHOA HỌC Y DƯỢC
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
-   Đăng ký Hộ tịch, Hộ khẩu, CMND
-   Hệ thống luật đất đai
-   Luật sở hữu trí tuệ
-   Luật Doanh nghiệp
-   Luật ban hành Văn bản quy phạm
-   Luật thừa kế
KHOA HỌC KỸ THUẬT
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
KỸ THUẬT NUÔI CÁC LOÀI GIA SÚC KHÁC
 
HỎI ĐÁP VỀ PHÁP LUẬT
Bệnh cúm là gì? Nó xuất hiện thế nào? Các triệu chứng và cách phòng ngừa?

 

Bệnh cúm là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp gây nên bởi virut cúm lây truyền nhanh, thường thành dịch.

Từ thời cổ xưa, bệnh cúm được Hippocrate (người Hi Lạp) mô tả từ thế kỉ III-IV TCN. Từ thế kỉ XII-XX có gần 200 dịch cúm. Trong đó có 19 đại dịch. Đại dịch khủng khiếp nhất xảy ra từ 1918-1919, số người mắc tới 500 triệu, tử vong 20 triệu.

Từ đó đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu bệnh cúm có kết quả. Năm 1993, lần đầu tiên các nhà bác học Smith, Andrewes, Laidlow (người Anh) phát hiện căn nguyên bệnh là virút cúm. Năm 1990, Burnet (người Anh) nuôi cấy được virút cúm trên phôi gà, sau đó, Francis Magill Smith (người Anh) phát hiện virut tip B ( 1940) rồi Francis Quilligan, Minuse tìm thấy virut cúm tip C (1950). Từ 1937 đến 1947, các nhà khoa học đã sản xuất được văcxin sống, chết dùng trong dự phòng và điều trị bệnh cúm tại Luân Đôn (Anh) sau đó tại Atlanta (Hoa Kì) cà đã hỗ trợ hơn một trăm trung tâm cúm quốc gia.

Virut cúm thuộc họ Myxoviridae, đa dạng, thường là hình cầu không đều đặn, đường kính 80-120 nanmet (nm). Khi nuôi cấy, chúng có thể xếp thành hình sợi đường kính 80nm, chiều dài hàng trăm nm. Virut cúm gồm một vỏ bọc và các cấu trúc bên trong. Vỏ bọc tạo bởi nhiều lớp, lớp trong M là một màng peptit, lớp ngoài tạo bởi lipit, bề mặt phủ bởi hai loại gai tạo bởi pelypeptit. Đó là hemaglutinin H (chất kết dính hồng cầu) cho pháp virut cúm gắn vào thụ thể đặc thù ở bề mặt biểu mô đường hô hấp, sau đó nhập tế bào, nhân lên và nơraminiđaza N: là enzym giải phóng các virut mới hình thành khỏi tế bào để gây bệnh tiếp cho các tế bào lành. Hai kháng nguyên H và N liên tục biến đổi nhất với tip A, được gọi là H1, H2, H3v.v... và N1, N2, N3... Khi biến đổi lớn, sâu sắc, sẽ xuất hiện một phân típ mới của virut cúm, căn nguyên của đại dịch. Ví dụ A (H1N1) A (H3N2). Các cấu trúc bên trong gồm một sợi axít ribonucléic (ARN) và các nucleopeptit hoà tan (NP), chúng là kháng nguyên đặc thù của từng tip virut cúm A, B, C, chúng khác nhau ở kích thước và khả năng gây bệnh.

Virut bị bất hoạt nhanh chóng bởi tia cực tím, tia gama, độ pH axit dưới 5, các hoá chất tẩy uế focmol, betapropiolacton, nhiệt độ 60oC làm virut chết sau 5-10 phút, trái lại, đông lạnh -60oC và khô trong chân không cho phép virut tồn tại một số năm, ở nhiệt độ 0oC-40oC ngoài trời, virut cúm không tồn tại quá một ngày.

Theo Dịch tễ học, người là nguồn bệnh duy nhất. Virut cúm truyền bệnh từ người bệnh sang người lành, thời gian lây từ ngày đầu đến ngày khởi bệnh, trung bình 5-7 ngày. Trong khoảng cách giữa hai vụ dịch virut cúm tồn tại ở bệnh nhân mắc thể ẩn, trá hình, tản phát. Bệnh lây do tiếp xúc giữa người bệnh với người lành, khoảng cách gần, dưới 1m, không lây ở khoảng cách xa 5-10m, không lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Bệnh lây đường hô hấp, qua hơi thở, hắt hơi, sổ mũi, qua những giọt nước li ti chứa virut cúm. Các phương tiện giao thông hiện đại như máy bay, tàu thuỷ, tàu hỏa tạo điều kiện cho dịch cúm lan rất xa, rất nhanh.

Dịch cúm xuất hiện hết sức đột ngột, lan truyền có thể rất nhanh chống trong một địa phương, nhiều khi mang tính bùng nổ đồng thời ở nhiều vùng khác nhau. Có 2 loại dịch cúm: đại dịch lan tràn nhanh, khắp hành tinh, khi xuất hiện một phân tip virut cúm mới, thường sau một chu kì 10-15 năm. Xen kẽ giữa hai đại dịch, là các vụ dịch nhỏ, sức lan truyền hạn chế, liên quan đến biến đổi nhỏ các kháng nguyên virut, virut tip A hay gây đại dịch hơn cả. Dịch cúm gây bởi tip A bắt đầu đột ngột, đạt điểm cao sau 2-3 tuần, kéo dài 2-3 tháng, rồi rút nhanh như khi xuất hiện, gặp lại sau 2-3 năm. Dịch cúm gây bởi tip B phát triển chậm, giảm chậm, gặp lại sau 3-5 năm. Còn tip C không gây dịch, chỉ tạo ổ nhỏ tại gia đình hoặc một tập thể hạn hẹp.

Ngoài yếu tố chủng virut cúm, còn các yếu tố dịch mùa hay xảy ra mùa xuân, chủ yếu kinh tế xã hội, mức sống thấp, nơi ở chặt chội là những điều kiện thuận lợi cho dịch phát triển nhanh.

Ở Việt Nam, từ 1975 đến nay, bệnh cúm và giống cúm gặp hàng năm, hàng trăm nghìn người mắc, chủ yếu mang tính khu vực ở Miền Bắc, tại các thành phố lớn, hay gặp vào hai mùa xuân và thu. Dịch cúm năm 1975 và 1978 tương đối lớn, gây bởi các phân tip A (H3N2) và A (H1N1).

Miễn dịch: Khi cơ thể nhiễm virut cúm, xuất hiện những kháng thể trung hoà từ tuần thứ 2, cao nhất cuối tuần 2, có tác

dụng bảo vệ trong vòng 4 tháng, nhưng chỉ đặc hiệu với chủng gây bệnh, không có miễn dịch chéo với các phân tip, tip virut cúm khác. Đó là những globulin IgA tại biểu mô đường hô hấp, kháng với các kháng nguyên hemagglutinin và nơraminiđaza, tình trạng miễn dịch trong nhân dân quyết định sự xuất hiện hay chấm dứt dịch cúm. Dịch xảy ra khi miễn dịch trong nhân dân yếu, kém, miễn dạci càng thấp, bệnh càng lan rộng, khi miễn dịch công đồng cao nhất, bệnh ngừng và có thể tiếp diễn sau một vài tháng. Miễn dịch với virut cúm tip A tồn tại 1-3 năm, với tip B 3-5 năm.

Virut cúm còn gây trạng thái suy giảm miễn dịch, giảm chức năng của thực bào, của các lympho T. Hơn nữa, do gây hoại tử, long tróc các tế bào biểu mô đường hô hấp, tạo điều kiện cho các vi khuẩn đường hô hấp gây bội nhiễm.

Triệu chứng

Bệnh cúm có nhiều thể lâm sáng. Thể thường gặp là: sau thời gian nung bệnh ngắn, khoảng một ngày, ít khi tới vài ngày, bệnh phát rất đột ngột: sốt, rét run nhiều lần trong ngày, thân nhiệt tăng 39-40oC ngay ngày đầu, kéo dài 3-5 ngày, kèm theo là mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đau đầu như búa bổ, đau các cơ xương, khớp, chân tay rã rời, da khô nóng, mặt bừng bừng, mắt chói, chảy nước mắt, sỗ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, có khi ho tức ngực, khạc đờm hoặc chảy máu cam. Miệng đắng buồn nôn, táo bón. Xét nghiệm máu: bạch cầu giảm còn -5000/mm3, lympho bào tương đối tăng trong công thức bạch cầu. Sau thời gian đó, nhiệt độ giảm dần, cơ thể hạ nhanh xuống bình thường rồi vọt lên một ngày, gọi là nhiệt độ dạng V cúm. Đồng thời các triệu chứng toàn thân dịu dần trong 5-7 ngày. Ở một số bệnh nhân cao tuổi, mệt ngược kéo dài, sự bình phục chậm.

Trong dịch cúm còn nhiều thể không rõ triệu chứng hoặc thể nhẹ, giống cảm lạnh : không sốt, chỉ hắt hơi, sổ mũi, ho, có thể gặp nặng, rất nặng do biến chứng hô hấp, tim mạch, thần kinh.

Biến chứng hô hấp là chủ yếu và nặng nhất: viêm phổi tiền phát và thứ phát. Viêm phổi tiền phát do bản thân virut cúm là nặng đặc biệt: nhiệt độ không giảm vào ngày 3-5 mà tiếp diễn, kèm khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu, nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi tử vong. Biến chứng đó gặp trong một số đại dịch (1918, 1957, 1970) ở một số đối tượng mắc bệnh mạn tính về tim, phổi hoặc phụ nữ có thai. Viêm phổi thứ phát do vi khuẩn bội nhiễm gây nên liên cầu, phế cầu, hacmophilus influenzae, tụ cầu v.v..., gặp ở những đối tượng có nguy cơ cao, người cao tuổi mắc bệnh mạn tính về phổi, tim, thận, thể hiện như sau: bệnh cúm đã dịu được 2-3 ngày lại thấy thân nhiệt tăng, ho, thở gấp với các triệu chứng đông đặc phổi, khám và chụp X quang thấy bạch cầu máu tăng 10-15.000/mm3, bạch cầu trung tính tăng.

Bệnh cúm không những mở của cho nhiễm khuẩn mà còn đánh thức những bệnh tiềm tàng: viêm tai, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu. Những biến chứng khác ít gặp là: viêm cơ tim. Viêm ngoài màng tim (dịch cúm 1957, 1972, 1978), viêm dạ dày thần kinh rễ thần kinh, viêm màng não, viêm não, viêm não tủy (dịch 1957). Bệnh cúm ở trẻ em dưới 5 tuổi thường nhẹ, sốt như cảm lạnh. Ở trẻ sơ sinh, biểu hiện: viêm tai, viêm chũm, viêm thanh quản cấp, có khi nhiễm độc thần kinh nặng nề.

Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai hay gây biến chứng phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu của thời kì thai nghén, có thể gặp lí thai, nhất là về hệ thần kinh trung ương, không gây quái thai.

Bệnh cúm ác tính hiếm gặp, nhưng tử vong cao, khởi đầu như cúm thường gặp, rồi xuất hiện hội chứng suy hô hấp do phù phổi cấp tính gây tử vong do thiếu oxy máu không khắc phục được.

Có thể gặp các thể ác tính khác: viêm não, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm gan hoại tử, suy thận cấp.

Khi không có dịch, bệnh cúm chỉ chiếm 10% viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp, khi thành dịch, tỉ lệ đó tăng tới 50-70%. Hơn nữa, trong những căn nguyên của viêm cấp tính đường hô hấp: 90% do virut, 10% vi khuẩn. Ngoài virut cúm, các virut khác gây bệnh là:

        Virut phó cúm: tip 1 gây bệnh cúm, tip 2 gây viêm thanh quản, tip 3 gây viêm họng, viêm phế quản và phổi.

        Rhinovirut: hay gặp, gây cảm lạnh ở người lớn.

        Ađenovirut: gây viêm kết mạc, viêm mũi họng.

        Virut hợp bào: gây viêm phế quản.

        Coronavirut: gây cảm lạnh, viêm phổi và phế quản ở trẻ em, viêm phổi ở người lớn.

        Rheovirut: gây viêm phế quản, viêm phổi. Viêm nhiễm đường hô hấp do chúng gây thường có sốt nhẹ hơn cúm, còn sỗ mũi, ho xuất hiện sớm ngay từ ngày đầu, mệt mỏi, đau nhức mình nhẹ, khi thành dịch, mang tính khu trú, hạn chế.

Còn các vi khuẩn gây viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp là liên cầu (viêm họng), phế cầu, haemophilus influenzae, tụ cầu (viêm phế quản, viêm phổi).

Cũng cần phân biệt bệnh cúm với những trạng thái bệnh lí khác: sốt rét, sốt đănggơ, đợt tiến triển cấp tính của lao phổi.

Kỹ thuật xét nghiệm: Những xét nghiệm đặc hiệu thường dùng trong chẩn đoán bệnh cúm là xét nghiệm huyết thanh: phản ứng trung hoà, kết hợp bổ thể, ức chế ngưng kết hồng cầu. Kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, đặc biệt nhạy là: miễn dịch huỳnh quang, miễn dịch gắn enzym Elisa, miễn dịch phóng xạ, còn xét nghiệm ức chế men nơtraminiđaza. Phân lập virut bằng nuôi cấy trên phôi gà thuộc lĩnh vực labô chuyên sâu.

Tiên lượng: Bệnh cúm không biến chứng, thường có tiên lượng lành. Tiên lượng nặng khi gặp biến chứng phổi, lại xảy ra ở người cao tuổi hoặc mắc bệnh mạn tính hệ hô hấp, tim mạch, thận, thần kinh. Tiên lượng dè dặt với viêm phổi tiền phát, thể ác tính.

Cho đến nay điều trị bệnh cúm chủ yếu là điều trị các triệu chứng đối với thể không biến chứng là phổ biến nhất: điều trị tại nhà, nghỉ ngơi, nằm giường, uống nhiều nước, dùng thức ăn lỏng, ấm, bổ, đủ vitamin, giàu vitamin C.

Chống sốt bằng thuốc Đông y: bạch địa căn, khung chỉ hoặc tân dược, paracetamol, aspirin. Bạch địa căn (gói hoặc viên): người lớn 1-2 gói/ngày chia 2 lần (hoặc 2-5 viên x 2-3 lần/ngày).

Viên khung chỉ: người lớn 8-10 viên mỗi ngày, ngày 2-3 lần; trẻ em 1-6 viên tuỳ tuổi mỗi lần, ngày 2-3 lần.

Viên paracetamol 30mg dùng cho người lớn 1-2 viên /lần, ngày 3 lần, viên paracetamol 100mg dùng cho trẻ em: dưới 1 tuổi 1/2 viên mỗi lần x 2 lần /ngày; trẻ 1-6 tuổi 1 viên /lần, ngày 2-3 lần.

Viên aspirin 300mg dùng cho người lớn 1-2 viên/ lần, ngày 3 lần (không dùng cho người viêm, loét dạ dày tá tràng). Viên aspirin 100mg dùng cho trẻ em 1-5 tuổi 1/2 viên/lần, ngày 3 lần; 6-12 tuổi 1 viên/lần, ngày 3 lần. Chống mất ngủ bằng seduxen 5mg 1 viên hoặc ho, long đờm, không dùng codeine với trẻ em. Khi sổ mũi 2-3 lần/ngày với dung dinh sulfarin naphazolin 0,01% cho người lớn, với dung dinh argyron 1% cho trẻ em, súc miệng bằng nước muối.

Có thể châm cứu các huyệt: không trí, Đại chủng, Ngoại quan, Hợp cốc, Khúc trì, Thiếu thương (nặn chính máu), A thi (đau đầu) Nghinh hương (ngạt mũi).

Không dùng kháng sinh để dự phòng biến chứng bội nghiễm. dùng kháng sinh đối với biến chứng đường hô hấp. trong viêm phổi thường do phế cầu, dùng penicillin tiêm liều cao; trong viêm phế quản - phổi là biến chứng nặng hoặc apex phổi, dùng céphalosporin thế hệ 2,3 người lớn 2-4 g/ngày, trẻ em 50-100 mg/kg/ngày tiêm bắp, nhỏ giọt tĩnh mạch, có thể kếp hợp với gentamicin 3mg/kg/ngày trong nhiều ngày. Đồng thời hít oxy cách quãng, thuốc trợ tim mạnh. Hồi sức tích cực khi suy hô hấp, nếu cần, hô hấp trợ tim mở khí quản.

Một số thuốc kháng virut cúm A được dùng (Việt Nam chưa có) là amamtadin (mantadix) hoặc rimantadin(roflual): viên nang amintadin 200 mg chia 2 lần/ ngày; rimantadin 100mg/ngày dùng trong 10 ngày. Dùng sớm trong ngày đầu của bệnh có thể giảm nhiều các triệu chứng, rút ngắn thời gian bệnh, nhưng chỉ tác dụng trên virut tip A, không tác dụng trên các tip B, C. Amantadin độc với hệ thần kinh, gây hồi hộp, mất ngủ, hoang tưởng ở 5-10% bệnh nhân; dùng thận trong và dùng liều thấp (còn nửa liều) với bệnh nhân suy thận, động kinh, loét dạ dày.Rimantadinít tác dụng phụ hơn amantadin. Chống chỉ định: tăng cảm với amantadin, phụ nữ có thai, cho con bú.

Inteferon anpha 2 hoà với nước, nhỏ giọt vào mũi, mỗi lỗ 1 giọt 2-3 lần/ngày cũng có tác dụng giảm sốt, giảm các triệu chứng toàn thân, hạn chế virút xâm nhập, bảo vệ viêm mạc lành.

Amantadin phối hợp với inteferon có tác dụng cộng hợp, tuy vậy tác dụng điều trị vẫn còn hạn chế, chưa kẻ tác dụng phụ của chúng. Nếu bệnh nhân sốt cao 3-4 ngày ko ăn uống được cần truyền dịch 1-2 lít hoặc hơn, nhầm bù dịch và diên giải.

Khi chớm bệnh cúm, cần kịp thời triển khai các biện pháp phòng bệnh ngăn chặn dịch lan truyền.

Khi pháp hiện bệnh nhân, nên cách li tại nhà, cách li không tập trung.

Khi tiếp xúc với bệnh nhân thì người lành, nhân viên y tế mang khẩu trang dày 4 lớp gạc.

Khi bệnh lan tràn thành dịch, cần tạm thời đóng cửa các trường học, không tổ chức tập trung đông người.

Nhiều biện pháp dự phòng đặc hiệu: kháng virut, inteferon, vacxin được sử dụng hiệu quả ở nhiều nước.

Amantadin(rimantadin tốt hơn) 200 mg/ngày cho người lớn, 100mg/ngày cho người cao tuổi; 5 mg/kg/ngày cho trẻ em, không vượt 150 mg/ngày. Phòng cúm khi gia đình có bệnh nhân phải cách li 8-10 ngày; phòng cúm ở 1 tập thể: kéo dài tới 4-6 tuần trong thời gian có dịch cúm A. Chỉ định cho những đối tượng có nguy cơ cao; người cao tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính về phổi, tim mạch, thận, đái đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, có thể giảm tỉ lệ mắc bệnh hơn 50%.

Inteferon anpha 2 dùng dưới dạng dung dịch phun lỗ mũi, tiêm dưới da, bắp thịt, có tác dụng cộng hợp, hiệp lực với amantadin. Vacxin: tốt nhất là dùng những chủng lưu hành của tip A hoặc B. Điều đó không dễ dàng, tuy có sự hợp tác, hỗ trợ của labô trung tâm cúm quốc tế ở khu vực vì kháng nguyên virut cúm luôn biến đổi, muốn đạt khả năng bảo vệ cao nhất, phải nghiên cứu bổ sung kịp thời các kháng nguyên mới cho vacxin cúm đã dùng 1-2 năm trước. Hơn nữa sản xuất vacxin vừa tốn kém, vừa cần thời gian, vì vậy không thể dùng rộng rãi cho cộng đồng, mà cần chiến lược sử dụng vacxin tuỳ thuộc mục đích mỗi nước, đối tượng người cao tuổi hoặc học sinh hoặc nhân viên y tế hay bệnh nhân có nguy cơ cao.

Vacxin cúm sống giảm hoạt, gồm một số chủng thuộc tip A và B được sử dụng ở Trung Quốc các nước Đông Âu: phun lỗ mũi mỗi lần 0,25ml x 2 lần/ngày, cách 10-15 ngày, có thể gây miễm dịch cục bộ khoảng 6 tháng.

Vacxin cúm bất hoạt, gồm một số chủng thuộc tip A (H3N2) A (H1N1) và B, bằng virut toàn phần, mảnh virut hoặc kháng nguyên bề mặt, được sử dụng ở Châu Âu, Mĩ v.v.... cho người lớn, tiêm dưới da hay bắp thịt, 0,5 ml vào mùa thu trước thời gian dự kiến dịch mùa đông, chỉ bảo vệ vài tháng, sau đó hiệu lực giảm và hết sau 6 tháng, cần tiêm lại hằng năm. Vài năm gần đây đang nghiên cứu vacxin cúm A chứa hémagglutinin, tinh khiết tái tổ hợp rHAO, không phải cấy qua phôi gà, có đáp ứng bảo vệ tốt, dung nạp tốt.

Có thể có lợi ích dùng vacxin sống giảm hoạt kết hợp với vacxin bất hoạt.

Cúm là bệnh rất phổ biến, dễ thành dịch lớn, những biện pháp dự phòng và điều trị đặc hiệu đến nay chỉ thu được một số kết quả nhất định. Bệnh gây thiệt hại chủ yếu cho năng suất lao động, xã hội, còn tử vong rất thấp, chỉ xảy ra ở một số đối tượng có nguy cơ cao, trong một số đại dịch đặc biệt.

Giáo sư Nguyễn Văn Âu

Nguồn: Thư viện điện tử
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Khoa học và công nghệ
Bản quyền thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình